CON ĐƯỜNG MỚI ĐANG MỞ RA CHO VENEZUELA

0
46
Chủ tịch Quốc hội Venezuela, ông Juan Guaidó.
Diệu Hằng
 
Ngày 11/1/2019 vừa qua, ông Juan Guaidó, tân Chủ tịch Quốc hội Venezuela, cùng với Quốc hội và Đảng Dân Ý (Popular Will) của ông, phe đối lập với chính quyền Maduro, đã bất ngờ phát biểu rằng Quốc hội sẽ chiếu theo ba điều khoản Hiến pháp hiện hành “để kêu gọi bầu cử tự do ngay lập tức, và kêu gọi đoàn kết nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng quốc tế để chấm dứt việc ông Maduro chiếm quyền.” Ông Guaidó đã phát hành thông cáo báo chí giải thích rằng thông báo của ông chính là tuyên bố ông sẽ đảm đương chức tổng thống và lãnh đạo một chính phủ thực tế mới.
Điều 233 theo Hiến pháp hiện hành Venezuela tuyên bố rằng “trong trường hợp khuyết thiếu tổng thống theo hiến định, thì chủ tịch Quốc hội tự động trở thành tổng thống của nước Cộng hòa này.”

Tổng thống Venezuela, ông Nicolás Maduro.
Chính quyền Tổng thống Maduro bị phe đối lập và Quốc tế (Mỹ, Canada và hơn mười nước Mỹ Latin) xem là đã gian lận trong bầu cử ngày 20/5/2018, vậy nên việc ông Maduro tiếp tục nhiệm kỳ 2 bị xem là vi hiến, và đảng của ông Juan Guaidó đã tuyên bố đưa ông lên làm quyền Tổng thống đúng theo Hiến pháp hiện hành.
Thông cáo này đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế, Lãnh đạo tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) và chính phủ Ba Tây (Brazil) đã công nhận ông Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.
Về phía ông Maduro, trước tuyên bố chính thức công nhận ông Guaidó của Ba Tây, trong bài phát biểu quốc dân hôm 14/1/2019, ông Maduro đã nói về tân Tổng thống Bolsonaro: “Ở đó, chúng ta đã có Brazil nằm trong tay của một kẻ phát-xít – Bolsonaro là Hitler của kỷ nguyên hiện đại!”.
Trong mấy thập niên đã qua, các đời tổng thống của Ba Tây đều là phe cánh tả, vậy nên Ba Tây và Venezuela đã có thời gian giao hảo rất lâu. Nhưng giờ đây, thế thời thay đổi, xui cho Maduro, vận đen đến liên tục, Tổng thống Bolsonaro hiện nay của Ba Tây thuộc phe cực hữu, cực kỳ căm ghét cộng sản. ”Tropical Trump” của Brazil từ khi mới tham gia tranh cử Tổng thống đã tuyên bố sẽ thẳng tay với Trung Quốc, chống lại ”chiến dịch thu mua Brazil” của Bắc kinh, thì với một độc tài Maduro của Venezuela, há ông lại sợ sao?
MỘT VENEZUELA LÂM VÀO KHỦNG HOẢNG THẢM HẠI DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CHẾ ĐỘ CẦM QUYỀN HUGO CHAVEZ VÀ MADURO
Venezuela, một đất nước có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt gas tự nhiên và đặc biệt là dầu mỏ và có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành sản xuất. Venezuela là thành viên của OPEC, là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và là quốc gia từng có thế lực xếp trên Gấu Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch Commodities.
Venezuela từng tự hào là một trong những nước giàu nhất Châu Mỹ Latin. Thế nhưng giờ đây, dưới sự lãnh đạo độc tài theo đường lối XHCN thì Venezuela đang được ”tự hào” bởi vì là quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, và đang trên đường đi tới ”thiên đàng XHCN”.
Có lẽ, trên thế giới này, ở giai đoạn hiện tại, chỉ có Venezuela là quốc gia duy nhất giữ kỷ lục siêu lạm phát phi mã ở mức trên 1000.000%.
Tham nhũng hoành hành dưới thời Cựu tổng thống Hugo Chavez thông qua hình thức cố định tỷ giá và kiểm soát ngoại tệ và các quan chức tuồn ngoại tệ ra thị trường chợ đen để kiếm lời. Tham nhũng vẫn tiếp tục sau khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền hành vào năm 2013 cho đến nay.
Trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới đưa ra ngày 9/10/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kết thúc năm 2018, tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ ở mức 1.370.000% và đến năm 2019, con số này có thể lên tới 10.000.000%, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 5%.
Theo dự báo của IMF, tình hình siêu lạm phát của Venezuela sẽ ngày càng xấu đi khi phải cung ứng tiền cho các khoản thâm hụt ngân sách lớn và đồng nội tệ mất giá.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 34,3% năm 2018 và 39% năm 2019, so với mức 27,1% của năm 2017.
Venezuela đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát và suy thoái dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và thuốc men, cũng như hạn chế về việc cung cấp điện nước. Không có điện làm cho thực phẩm không thể bảo quản và người dân phải mua thức ăn ôi thiu, thế nhưng nguồn cung vẫn không đủ, người dân phải bới rác tìm thức ăn. Những người phụ nữ phải bán cả tóc và sữa của mình, còn đàn ông thì bán máu để có tiền mua thức ăn.
Để đối phó tình trạng siêu lạm phát, chính quyền Maduro đã cho phát hành tiền mới để định giá lại và đặt tên lại cho đồng bolivar là “bolivar chủ quyền”. Việc ”đổi tiền” chỉ là biện pháp đối phó tồi tệ và hậu quả là lạm phát sẽ còn phi mã thảm hại hơn.
Có thể nói, dưới chính sách điều hành tệ hại của chính quyền độc tài Maduro, Venezuela đã rơi vào cảnh khổ sở cùng cực. Đói khát, bạo lực hoành hành khắp nơi ở Venezuela.
Và một điều đương nhiên xảy ra là người dân Venezuela không thể nào chịu nổi cuộc sống cùng quẫn như vậy và họ đã trốn chạy khỏi Venezuela. Cuối tháng 8/2018 vừa qua, hàng triệu di dân từ Venezuela đã tháo chạy khỏi chế độ độc tài Maduro tràn vào Colombia, Peru và Ecuador. Việc xử lý vấn đề di dân đang là sự khó khăn nan giải cho các quốc gia có nguồn di dân tràn đến ào ạt như vậy, nhất là Hoa Kỳ, một quốc gia mà mọi nguồn di dân đều muốn hướng đến.
VÀ CON ĐƯỜNG MỚI CHO VENEZUELA
Thể chế chính trị của Venezuela có tính phức tạp và biến động theo suốt chiều dài lịch sử. Năm 1830, Venezuela tách ra từ Gran Colombia và trở thành một quốc gia độc lập. Từ năm 1830 – 1935, là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử Venezuela với những cuộc khủng hoảng chính trị và chế độ độc tài quân sự. Sau khi nhà độc tài Juan Vicente Gomez qua đời vào năm 1935, những phong trào dân chủ tại Venezuela cuối cùng đã loại bỏ sự thống trị của quân đội vào năm 1958 và tổ chức những cuộc bầu cử tự do. Và các đời tổng thống của Venezuela trong giai đoạn này duy trì thể chế dân chủ cánh tả.
Dầu mỏ được phát hiện tại Venezuela đã mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế đất nước, thu nhập quốc dân được nâng cao. Thế nhưng thời kỳ thịnh vượng này không kéo dài được lâu.
Trong thập niên 1980 giá dầu mỏ sụt giảm đã khiến nền kinh tế Venezuela khủng hoảng sâu sắc, cùng với những chính sách kinh tế thất bại và mâu thuẫn chính trị đã đẩy đất nước Venezuela vào khủng hoảng trầm trọng.
Năm 1998, Tổng thống Hugo Chavez thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu 56,4%. Việc đầu tiên ông Chavez hướng tới sau khi đắc cử là sửa đổi Hiến pháp theo chế độ XHCN, kéo dài nhiệm kỳ, tập trung quyền lực, là mô hình kiểu mẫu cho sự độc tài, toàn trị. Nền kinh tế Venezuela được điều hành theo cơ chế độc quyền, tập trung tài lực trong tay nhà nước, tước đoạt quyền sở hữu tư nhân, hợp thức hóa bằng mỹ từ “quốc hữu hóa”, “sở hữu toàn dân”. Thu hẹp thành phần kinh tế tư nhân, thu hẹp ngành nghề sản xuất, cùng với cơ chế phân phối sản phẩm tập trung, nuôi dưỡng tham nhũng, nhóm lợi ích. Cơ chế điều hành kinh tế tệ hại như trên đã dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng kéo dài cho đến hiện tại và ngày càng tệ hơn.
Việc phe đối lập của tân Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó tuyên bố phế truất tổng thống độc tài Maduro là niềm hy vọng cho Venezuela hiện nay. Dưới sự lãnh đạo tồi tệ như thế thì việc phế truất là đương nhiên. Đây là cơ hội vàng cho Venezuela có thể thoát khỏi ách độc tài và chấn hưng lại quốc gia.
Tuy nhiên, nếu như đảng phái ông Juan Guaidó có thể nhìn thấy được rằng, nếu họ không dứt khoát cải tổ, dứt bỏ hẳn Hiến pháp theo XHCN mà Quốc hội Venezuela đang duy trì thì việc thay thế nhân sự chỉ là biện pháp ngọn. Nếu ông có thể nhìn thấy được Venezuela đang cần thiết phải thay thế mới bằng một Hiến pháp thật sự dân chủ, tiến bộ, cần phải cải cách kinh tế và kiến thiết lại quốc gia thì mới có thể cứu Venezuela thoát khỏi khủng hoảng và tiến đến phát triển.
NHÌN LẠI VIỆT NAM
Như đã nói ở trên, Venezuela trải qua các giai đoạn biến động và suốt thời gian dài lâm vào khủng hoảng, bởi vì nền chính trị Venezuela chưa phải là nền chính trị dân chủ. Từ khi độc lập, tuy Venezuela không chính thức là quốc gia đi theo CNXH độc đảng, vẫn duy trì đa đảng, nhưng cũng giống như người viết đã viết về các quốc gia ở Châu Mỹ Latin, các quốc gia này có đặc điểm giống nhau, đa đảng nhưng đảng lãnh đạo độc tài và quan trọng là đường lối chính sách lại theo hướng CNXH. Đây là lý do duy nhất làm cho các quốc gia này không thể ổn định về chính trị và khủng hoảng về kinh tế. Muốn thoát khỏi bế tắc, các quốc gia này phải thay đổi đường lối chính trị, đó là cách duy nhất.
Nhìn lại Việt Nam, quả thật thấy vô vàn khó khăn cho dân tộc ta đấu tranh thoát khỏi chế độc CS hiện nay. Nhìn lại trên thế giới, chỉ còn có 4 quốc gia đi theo đường lối độc đảng lấy tư tưởng Marx-Lenin làm kim chỉ nam là Trung Quốc, Lào, Cuba và Việt Nam. Riêng Bắc Hàn, trên danh nghĩa vẫn tồn tại đa đảng nhưng chỉ có Đảng Lao động Triều Tiên có quyền hành điều hành đất nước (gia đình trị) và tuyên bố không theo CN Marx-Lenin mà theo tư tưởng Chủ thể (Juche Sasang – 주체사상) do nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sáng tạo nên, tư tưởng này được coi là sự pha trộn giữa chủ nghĩa Stalin với truyền thống văn hóa Triều Tiên.
Thấy được đường lối chính trị các quốc gia để thấy rằng Việt Nam đang bị cai trị bởi một thể chế độc tài toàn trị. Một thể chế mà trong đó, quyền hành tập trung vào đảng cầm quyền, và trong cái đảng cầm quyền đó, quyền lực lại thật sự chỉ tập trung vào tay một người đó là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước hiện nay. Vậy có khác nào chế độ phong kiến? Một người đứng trên vạn người? Vậy nên mỗi khi các quan chức Việt Nam phát ngôn trên diễn đàn thế giới, nói rằng Việt Nam là đất nước dân chủ thì khác nào CSVN quá xem thường người nghe, khác nào lại đem bùn dơ trát vào mặt mình? Có chế độ nào độc tài độc đảng, đàn áp mọi tư tưởng đấu tranh của công dân, đưa đất nước vào sự nghèo nàn lạc hậu, suy thoái toàn diện mà được gọi là quốc gia dân chủ không?
Ở Venezuela, ít nhất còn có đảng đối lập, và đảng đối lập đó có thực quyền và thực lực được quốc tế và nhân dân ủng hộ để mà truất phế tổng thống độc tài. Tương lai không biết thể chế mới có tốt hơn hay không, nhưng chỉ với điều đó cũng đã mở ra cho nhân dân Venezuela một con đường rồi.
Ở Việt Nam, khó khăn hơn, đau thương hơn, bởi vì chỉ có nhân dân đứng lên mới có thể hy vọng đem đến sự thay đổi. Trong bộ máy chính trị Việt Nam, nó đã trở thành một khối. Cho dù trong nội bộ ĐCS có sự đấu đá để triệt hạ lẫn nhau, nhưng khi cần, chúng vẫn chung lưng lại để mà đàn áp nhân dân, chung lưng lại cùng nhau bám víu vào Trung cộng, chỉ với mục đích duy nhất – Bảo vệ đảng và bảo vệ quyền lợi của chúng.
Nhân dân Việt Nam đã thấy rõ bản chất và sự vô nhân của chế độ CS chưa? Đến khi nào Việt Nam được trở thành một đất nước dân chủ, thậm chí có thể đạt đến thể chế vượt bậc hơn cả các quốc gia phát triển hiện tại là do nhân dân muốn hay không, dám hay không mà thôi.
January 15, 2019

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here