Cách thức mà Nga đã dùng để có được loại vũ khí hiểm hóc của Triều Tiên trong các cuộc tấn công vào Ukraine vừa được hé lộ.
Tờ The Times (Anh) đăng bài viết cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã nhận được một lô ngựa mới từ Nga.
Theo thông báo của cơ quan thú y tại Primorsky Krai, vùng Viễn Đông (Nga) – nơi có tuyến đường sắt kết nối với Triều Tiên, 24 con ngựa đã được vận chuyển qua biên giới trên bộ tới Bình Nhưỡng trong ngày 1/9. Trong đó có 19 ngựa đực và 5 ngựa cái, tất cả đều thuộc giống Orlov Trotter (hay còn gọi là Orlov) nổi tiếng của Nga.
The Times cho biết, đây là giống ngựa yêu thích của ông Kim. Trước đó, những con ngựa thuộc giống Orlov đã xuất hiện trong các bức ảnh ông Kim cưỡi ngựa do truyền thông Triều Tiên công bố. Năm 2022, 30 con ngựa tương tự đã được đưa tới Bình Nhưỡng.
Lô ngựa mới lần này “đặc biệt hơn cả”. Tờ báo Anh dẫn nguồn từ truyền thông Hàn Quốc tiết lộ, 24 con ngựa Orlov vừa được chuyển tới Triều Tiên là “một phần trong khoản thanh toán cho số đạn pháo mà Bình Nhưỡng đã cung cấp để Nga sử dụng ở Ukraine”.
Tuy nhiên, đây mới là một trong nhiều phương thức được Nga sử dụng để đổi lấy vũ khí từ Triều Tiên.
Lý giải vì sao ngựa Orlov đóng vai trò quan trọng với Triều Tiên, The Times cho biết, mặc dù tập trung phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nhưng Bình Nhưỡng còn đầu tư vào một trong những công nghệ quân sự “lâu đời nhất thế giới”, đó là mạng lưới các đơn vị kỵ binh.
Các báo cáo thương mại chính thức gần đây cho thấy Triều Tiên đã chi ít nhất 600.000 USD cho giống ngựa thuần chủng nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2020-2023.
Trong khi đó, đối với cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un, những con ngựa này mang giá trị biểu tượng. Các bản tin từ truyền thông Triều Tiên về thời thơ ấu của ông Kim cho thấy khi còn nhỏ, ông thường cưỡi ngựa cùng cha (cố chủ tịch Kim Jong-il).
Năm 2018, một loạt các bức ảnh ông Kim cưỡi ngựa cùng phu nhân Ri Sol-ju và cô em gái kiêm trợ lý thân cận Kim Yo-jong băng qua con đường phủ đầy tuyết trên ngọn núi thiêng Paektu đã được công bố.
Tháng 2 năm nay, Bình Nhưỡng tiếp tục đưa tin, ông Kim đã cùng con gái Ju-ae cưỡi ngựa Orlov trong cuộc diễu binh quân sự kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Hiện bảo tàng tại Trung tâm cưỡi ngựa Mirim ở Triều Tiên đang trưng bày các hiện vật ghi lại 386 lần ông Kim cưỡi ngựa. Đây cũng là nơi lưu giữ các câu nói nổi tiếng của ông Kim về tầm quan trọng của môn cưỡi ngựa.
Đơn cử như: “Ngựa có thể không còn được sử dụng trong chiến tranh, nhưng ngựa chiến rất quan trọng vì chúng thể hiện sự vĩ đại của quân đội”hay “Các chỉ huy phải biết cưỡi ngựa. Người cưỡi ngựa sẽ có tinh thần mạnh mẽ và khả năng chỉ huy cao hơn, điều này cũng đúng với sức mạnh thể chất”.
Vài ngày trước khi thông tin về lô ngựa Orlov mới được công bố, hãng thông tấn Yonhap hôm 27/8 dẫn báo cáo của Cơ quan tình báo quốc phòng Hàn Quốc trình lên Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền cho biết, Triều Tiên đã gửi hơn 13.000 container nghi chứa vũ khí tới Nga kể từ giữa năm 2022.
Trong khoảng thời gian này, các lô hàng chứa hơn 6 triệu quả đạn pháo cỡ 152mm đã được đưa tới cảng Najin, phía đông Triều Tiên.
Số liệu mới đã đánh dấu mức tăng gấp đôi so với hồi tháng 2 năm nay, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik nói với các phóng viên rằng, Triều Tiên đã chuyển khoảng 6.700 container chứa vũ khí tới Nga.
Ngoài đạn pháo cỡ 152mm, quân đội Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể đã cung cấp cho Nga đạn pháo 122mm, tên lửa phòng không di động, tên lửa chống tăng, đạn đạo, cùng một số loại vũ khí khác.
Theo trang tin Business Insider (BI, Mỹ), đạn pháo đời cũ đang trở nên quan trọng tại Ukraine – nơi 2 phía giao tranh tiêu tốn đến hàng nghìn viên đạn mỗi ngày.
Khác với các loại vũ khi dẫn đường chính xác do đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine, đạn pháo của Triều Tiên không cần dùng hệ thống GPS dẫn đường nên không bị các hệ thống tác chiến điện tử làm xáo trộn tọa độ mục tiêu. Điều đó mang lại ưu thế không lo sợ tác chiến điện tử làm sai lệch mục tiêu, còn bắn trúng mục tiêu hay không thì bắn xong cũng chưa biết.
“Mặc dù Triều Tiên tụt hậu so với các quốc gia NATO về công nghệ quân sự nhưng việc sản xuất đạn pháo không đòi hỏi quy trình tinh vi” – Chuyên gia phân tích quốc phòng Jacob Parakilas tại tổ chức RAND Europe cho hay.
Theo vị chuyên gia, Bình Nhưỡng có nguồn cung đạn pháo rất lớn do đã xây dựng kho dự trữ khổng lồ từ năm 1953 để chuẩn bị tiếp tục cuộc chiến “sống còn” với Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, với nhu cầu đạn dược ở Ukraine, kho dự trữ của Triều Tiên bỗng tìm thấy một “giá trị bất ngờ”, thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến tới thỏa thuận “có lợi cho đôi bên” với Tổng thống Nga Putin.
Ngoài những con ngựa thuần chủng giống Orlov, BI và tờ Moscow Times cho biết thêm rằng,ông Kim còn đang nhận được các công nghệ quân sự có “giá trị” từ Nga để đổi lấy các lô đạn pháo đời cũ, cùng các loại vũ khí lạc hậu khác từ Triều Tiên.
Tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik thông báo, Nga đã cung cấp cho Bình Nhưỡng xe tăng, máy bay và công nghệ chế tạo vệ tinh do thám cho Bình Nhưỡng.
Trong đó, công nghệ vệ tinh do thám được cho là “một trong những điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn nhất từ Nga” bởi nó cho phép Triều Tiên giám sát và nhắm mục tiêu chính xác hơn vào các địa điểm quân sự của Mỹ, cùng các đồng minh của Washington ở Đông Á.
Trả lời tờ New York Times (Mỹ) hồi tháng 2 năm nay, giới chuyên gia thời điểm đó vẫn cho rằng, đối với Moscow, các giao dịch tài chính sẽ “dễ chịu hơn” việc cung cấp cho Bình Nhưỡng các bí kíp quân sự, hạt nhân và những công nghệ khác.
“Nga nhiều khả năng vẫn sẽ hành động thận trọng trong mối quan hệ với Triều Tiên vì còn lưu tâm đến các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc – nơi Moscow giữ tư cách là thành viên trường trực Hội đồng Bảo an.
Ngoài các giao dịch ngân hàng, trước mắt, Nga có thể chỉ chấp nhận trao đổi hàng hóa mà Triều Tiên cần để đổi lấy vũ khí” – Một chuyên gia nói.
Trong khi đó Putin tiếp tục cảnh báo Mỹ và phương Tây rằng, “Nga sẵn lòng vũ trang cho Triều Tiên nếu Mỹ cùng đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại, tạo điều kiện cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga”.
Tuy nhiên, theo BI, dấu hiệu cho thấy Kremlin “thay đổi lập trường đột ngột” đã xuất hiện vào tháng 3 năm nay, khi lần đầu tiên sau 14 năm, Nga sử dụng quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn nhóm chuyên gia LHQ tiếp tục giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
I was recommended this website by my cousin I am not sure whether this post is written by him as nobody else know such detailed about my difficulty You are wonderful Thanks