Nguyễn Thông
Hồi còn bé, tôi nghe thày bu kể, khi Pháp còn chiếm đóng Hải Phòng, nhiều gia đình nông dân dù ở nông thôn cũng phải tản cư, chuyển từ vùng tạm chiếm sang huyện Vĩnh Bảo, hoặc tỉnh Thái Bình là vùng tự do để sinh sống. Thời đó, người ta dùng từ tản cư (tản là di chuyển, tỏa ra, dời đi; cư là ở, cư trú; tản cư là chuyển dời đến chỗ khác để cư trú, sinh sống), cũng có nghĩa như từ di cư, di tản sau này. Sau khi tản cư, nếu cuộc sống bình thường trở lại thì trở về chốn cũ, gọi là hồi cư.
Sơ tán, theo giải nghĩa của từ điển Việt, là di chuyển người hoặc của cải từ nơi này tới nơi khác để tránh thiên tai hoặc chiến tranh. Từ Hán Việt, sơ là sự phân tán, chia ra; tán là chia ra, tan ra, rời ra. Chia nhỏ đám đông về nhiều nơi gọi là sơ tán. Thời chống Mỹ ở miền Bắc, có hẳn một bộ phận dân chúng được gọi là “dân sơ tán”. Những người này chủ yếu ở thành thị, nhất là những đô thị lớn, trọng điểm, dễ bị bom như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, kéo nhau về nông thôn tạm sinh sống, làm ăn, chờ chiến tranh chấm dứt. Ban đầu họ hy vọng chả mấy lại được về phố. Năm 1966, khi ông Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, có câu “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá” thì hầu hết thất vọng, không còn nghĩ tới chuyện về. Có người ở lại nông thôn, lấy trai làng gái làng, mãi về sau mới hồi cư phố.
Ngày 5.8.1964, Mỹ bắt đầu cho máy bay, từ miền Nam ra, hoặc từ hạm đội 7 vào, ném bom Hồng Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), những chỗ có bộ đội hải quân, để trả thù vụ tàu Maddox. Vài ngày sau, chính quyền ráo riết đốc thúc nhân dân các thành thị sơ tán về nông thôn, dù chưa bị máy bay Mỹ oanh tạc.
Hải Phòng quê tôi trọng tâm của bom bởi thành phố này là đầu mối nhận hàng hóa, vũ khí từ phe anh em môi răng. Dân chúng phải sơ tán triệt để, chỉ trừ những người ở lại trực chiến hoặc bám cơ sở công nghiệp không thể bỏ, như cảng, nhà máy điện, nhà máy nước. Nguyên tắc chung là, ai có họ hàng, bà con ở nông thôn, xã nào huyện nào thì về nhà người thân, còn không cũng cứ về rồi chính quyền xã, hợp tác xã sắp xếp ở từng gia đình. Thì xưa nay dân phố vốn từ nông thôn mà ra.
Công nhận dân mình, nông dân mình tốt thật, chả máu mủ ruột rà gì vẫn vui vẻ đón tiếp, tận tình nhường nhà cửa, thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho bà con ngoài phố. Gần như không có sự xa lạ, lạnh lùng. Một thời hiếm có về tình người.
Phải công nhận các nhạc sĩ rất nhanh nhảu “đi vào cuộc sống”. Tôi còn nhớ, lúc ấy đang học cấp 1 (tương đương tiểu học bây giờ), dân sơ tán, thậm chí còn chưa thu xếp ổn hẳn, trên đài đã vang lên bài hát “Về đồng quê”, động viên lũ trẻ thành phố. Nghe riết, thuộc, rồi nghêu ngao “Về đồng quê em vui chơi học hành/ Giúp đỡ gia đình cô bác bà con/ Về đông quê em đào mương chống Mỹ/ Phân bón gây thật nhiều cho đồng lúa xanh tươi/ Lúa lúa ơi, em yêu cây lúa/ Lúa nuôi anh bộ đội diệt quân Mỹ xâm lăng/ Về đồng quê em chăm học chăm làm/ Chăm chỉ luyện rèn để xứng đáng là trò ngoan”…
Hoặc bài hát nổi tiếng một thời “Bé bé bằng bông”: “Hai má hồng hồng/ Cháu đi sơ tán bế em đi cùng/ Mẹ mua xe gỗ/ Cho bé ngồi trong/ Bao giờ chiến thắng em đưa bé về phố đông” (bài này, mấy đứa lếu láo hát chế thành “Bé bé bằng bông/ Hai mà bằng đồng/ Hai chân bằng sắt/ Hai tay bằng chì/ Mẹ mua bè chuối/ Cho bé tập bơi/ Bao giờ chết đuối em đưa bé về áo quan”).
(Còn tiếp)