Chuyện chơi khăm ở Tulsa cho thấy điều gì?

0
193
Khán đài vắng hoe dù trước đó ông Trump "khoe" một triệu người xin vé dự cuộc gặp. (Hình: AP Photo/Evan Vucci)

Jachammer Nguyễn

24-6-2020

Chuyện gì đã xảy ra?

Cảnh bên trong sân vận động BOK, Tulsa, khi ông Trump nói chuyện hôm 20/6/2020. Nguồn: KTUL

Tổng thống Donald Trump thất bại nặng nề thứ Bảy 20/6.2020, trong việc tổ chức vận động tranh cử đầu tiên sau nhiều tháng cách ly vì COVID-19. Sân vận động của Ngân hàng Oklahoma (BOK) ở thành phố Tulsa có 19.000 chỗ, cuối cùng chỉ có 6.200 người đến nghe Tổng thống vận động tranh cử, theo số liệu của Sở Cứu hỏa Tulsa đưa ra.

Sự thể còn tồi tệ hơn khi cách đó vài ngày, Ban Vận động tranh cử của Tổng thống tuyên bố rằng, có cả triệu người ghi danh đến dự buổi vận động. Người ta đã dựng nên một khán đài bên ngoài sân vận động để ông Trump nói chuyện với những người không vào được bên trong, nhưng trước giờ diễn thuyết chính thức, khán đài này đã bị tháo dỡ vì không có ai dự bên ngoài.

Ngay sáng Chủ Nhật, nhiều cơ quan truyền thông tại Mỹ đưa tin, nhiều thanh thiếu niên Mỹ đã ghi tên đăng ký vé hàng loạt nhưng không đến, cố tình chơi khăm Tổng thống Trump. Cuộc vận động ngấm ngầm này của các em nhỏ được thực hiện qua mạng Tik Tok, được nhóm ủng hộ viên K-pop tích cực vận động trước ngày thứ Bảy. Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, các video cũng như lời nhắn gọi nhau trên mạng xã hội để thực hiện việc chơi khăm này được xóa đi để giữ bí mật.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều bậc phụ huynh mới được con em mình cho biết là họ đã lẳng lặng thực hiện cuộc chơi khăm này. Trong số các thanh thiếu niên này cũng có rất đông người gốc Việt. Một cậu con trong gia đình tôi cũng “đặt” hai vé đến Tulsa, mà cha mẹ cậu không hề hay biết. Sở dĩ các em giữ được bí mật đến phút chót là vì họ dùng các mạng xã hội riêng mà người lớn ít dùng.

Ngay sau thông tin về vụ chơi khăm này được đưa ra, phát ngôn viên của ban vận động tranh cử của ông Trump nói với Reuters rằng: “Phe cánh tả cứ làm như họ thông minh lắm, có thể chơi xỏ được chúng tôi, chúng tôi đã yêu cầu phải có số điện thoại, chúng tôi đã áp dụng hình thức ai đến trước người đó được vào, và chúng tôi đã loại bỏ được cả chục ngàn người đặt chỗ dỏm”.

Nhưng nếu loại đi được cả chục ngàn, thì cũng không thể giải thích được sự chênh lệch quá lớn giữa con số một triệu như họ loan báo ban đầu, so với 6200 người tới dự trên thực tế. Sau đó họ bèn nói thêm là do người phản đối đông quá nên người tham dự không vào được, rồi nào là truyền thông đã làm cho người ta sợ dịch COVID-19 mà không đến (sic). Tin tức, hình ảnh từ báo chí Mỹ cho thấy, diễn biến ở Tulsa khá yên tĩnh, không có bao nhiều người biểu tình, không có xô xát, không có cản trở gì ở sân BOK.

Chuyện chơi khăm của những đứa trẻ với những góc nhìn khác nhau

Không ai biết được con số chính xác bao nhiêu chỗ trống trên khán đài là do các em nhỏ chơi khăm, theo ý chủ quan của tôi thì có thể chỉ là một phần nhỏ thôi. Nhưng sự việc này, một bên là các em nhỏ ở tuổi từ 13-19, còn bên kia là một vị Tổng thống của một cường quốc ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, lại có một tính chất thú vị trào lộng rất đặc biệt trong hoàn cảnh chính trị xã hội khá đen tối hiện nay trên đất nước Mỹ.

Dĩ nhiên phe của Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ đó là hành vi không lương thiện.

Một số người chống ông Trump từ xưa đến nay cũng lên tiếng chỉ trích hành động chơi khăm của các em nhỏ, đại loại cũng giống như lý luận của phe bên kia, rằng đó là một hành động không chính danh.

Theo tôi, ý kiến của hai nhóm trên đều dựa trên một giả định sai lầm rằng, các thiếu niên Mỹ tham dự vào trò chơi khăm Tulsa đó là một phần của một phe chính trị, cụ thể ở đây là phe Đảng Dân chủ đối lập.

***

Chơi khăm (prank) vốn là trò nghịch ngợm của các thiếu niên Mỹ trước khi tốt nghiệp trung học. Họ tổ chức một trò tinh nghịch nhằm vào một ai đó, có thể là ông hiệu trưởng, một người bạn, một ông giáo nào đó, mà có lẽ trong thời gian đi học, đôi khi họ có những kỷ niệm không vui.

Trong câu chuyện Tulsa, những thanh thiếu niên Mỹ đã chọc phá ông Trump, vì những lý do nào đó, có thể họ thấy ông ta khó ưa, có thể họ thấy ông ta khôi hài một cách ngu ngốc,… cho nên họ chọc phá. Cũng cần nên nhắc lại rằng, phe ông Trump đã từng châm biếm em Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường mới 17 tuổi, gây cảm hứng không ít cho thanh thiếu niên Mỹ.

Ngày Greta được tạp chí TIME vinh danh, người của ông Trump đã photo shop hình ông trong bộ quần áo của em Greta trên bìa của TIME. Bây giờ vụ Tulsa xảy ra, biết đâu vụ này có thể là một đòn trả đũa của các thanh thiếu niên Mỹ, những người ủng hộ cô bé Geta Thunberg, đáp trả lại ông Trump?

Tôi không nghĩ những thanh thiếu niên này có liên quan đến các tổ chức chính trị. Ngay cả sự ủng hộ của nhiều thanh thiếu niên Mỹ đối với phong trào Black Lives Matter cũng không phải là một hành động thuần chính trị, mà nó mang tính cách xã hội nhiều hơn, đối với những người trẻ tuổi vốn rất nhạy cảm với bất bình đẳng. Hơn nữa, mọi người đều biết, lâu nay nhóm cử tri trẻ tuổi mới lớn ở Mỹ là thành phần ít quan tâm đến chính trị nhất, chúng ít đi bầu cử nhất.

Nhưng câu chuyện chơi khăm ở Tulsa lại cũng cho chúng ta thấy rằng, có một sự thức tỉnh chính trị ở giới trẻ ở Mỹ, họ chọc phá ông Trump, có nghĩa là họ đã để ý đến những gì ông ta nói và làm trong hơn ba năm qua. Như vậy việc kéo những người trẻ tuổi quan tâm đến chính trị ở Mỹ có công đầu của ông Trump, mặc dù chắc chắn ông ta không muốn họ rủ nhau đi bầu đông đúc trong tháng 11 tới đây, vì đa số những thanh thiếu niên này có khuynh hướng thân với tư tưởng cấp tiến của Đảng Dân chủ. Nếu những người trẻ này lũ lượt kéo nhau đi bầu, thì đó là đại họa cho Donald Trump.

Một số người Việt ủng hộ ông Trump, cho rằng, có những người lớn đứng đằng sau xúi giục các em chơi xỏ ông Trump của họ. Xin cho tôi hỏi một câu, nếu những gia đình này có con cái lớn lên ở Mỹ, đi học trong các trường học Mỹ, liệu họ có thể gây ảnh hưởng hay xúi giục các em làm theo ý họ được chăng? Không biết họ thì sao, chứ gia đình tôi thì không!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here