Vũ Ðình Trọng/Người Việt
Khi được hỏi thẳng một câu như thế, cô Nancy Lê, một thợ nail lâu năm vùng Seal Beach, trố mắt nhìn kinh ngạc: “Trời đất! Mình làm thợ thì muốn gì được. Việc ai lấy làm, phận ai nấy lo. Tôi chỉ lo làm kiếm tiền, hết giờ thì về với con cháu.”
Chỉ mới ngoài năm mươi tuổi, nhưng cô Lê đã có tới hơn 30 năm lăn lộn trong nghề nail, từ miền Ðông sang Tây.
“Ở miền Ðông làm có tiền dữ lắm, nhưng cũng buồn lắm. Có tiền đâu biết tiêu gì đâu, mua sắm lung tung mà cũng chẳng có dịp dùng. Giờ lớn tuổi rồi về California cho nó lành.”
Cách nói chuyện bộc trực, gặp gì nói nấy của cô khiến vài người thợ trẻ trong tiệm hơi e dè. “Có ai nói chị ‘dữ’ không?” Tôi cười hỏi thăm.
Cô thẳng thắn đáp: “Hồi mới vào nghề tôi hiền lắm, cái gì cũng nhường nhịn hết, nên hay bị bắt nạt. Ít việc, ít tiền, nên tôi buộc phải suy nghĩ. Thế là hết hiền lúc nào không hay. Người ta giành khách của mình thì mình phải nói, thế là cãi nhau. Nhưng mình ‘cứng’ hơn thì người ta phải ‘mềm’ thôi.”
“Thế còn chủ thì sao, có nói gì không?” Tôi hỏi. “Chủ ít khi xen vào chuyện cãi nhau của thợ lắm,” chị nói.
“Ai làm thì chủ cũng có tiền mà. Miễn đừng to tiếng quá trước mặt khách là được.”
Nancy Lê là thợ nail có tay nghề và kinh nghiệm, và có nhiều khách quen, nhờ đó chị khá ung dung, và tự tin. “Tôi làm cho nhiều tiệm nail lắm, nếu thấy chủ không tốt, hoặc khu vực đó khách không nhiều là tôi đổi chỗ thôi. Quan trọng nhất là mình làm đẹp, khách khen, nói chuyện với họ cho vui, thì sau đó họ sẽ trở lại tìm mình. Tôi có cái may mắn là ‘build’ vài tháng là có khách quen, đủ ‘sở hụi’, sống khỏe. Ðối với chủ và thợ khác, tôi giữ quan hệ chừng mực, vì bị ‘đời đá nhiều rồi’, chắc biết ai tốt, ai xấu. Thủ cho chắc!”
Xem ra mối quan hệ giữa cô Lê và bạn đồng nghiệp, hay chủ tiệm nail chỉ dựa vào công việc. Xong việc là về, không vướng bận, và chen vào đời tư của nhau làm gì.
Nhưng không phải thợ nail nào cũng nghĩ như Nancy. Cô Trang Nguyễn, thợ một tiệm nail thành phố Irvine thì chọn câu “dĩ hòa vi quý” làm châm ngôn cho công việc của mình.
“Tôi thì không thích đổi tiệm nhiều. Cực chẳng đã thôi. Làm ở đâu tôi muốn gắn bó ở đó. Dễ lắm, chỉ cần biết chia sẻ và nhường nhịn nhau để bớt va chạm.”
Cô Trang cho rằng mỗi tiệm đều có vấn đề, ít hay nhiều là do người chủ, và mối quan hệ chị em trong tiệm.
“Với chị em thì không giành khách. Có thể mình biết khách đó làm ít, cho tiền tip ít mình cũng chấp nhận. Ðừng nghĩ chỉ làm khách sộp. Ngay cả làm chung nếu khách cho tip 5 đồng, mình cũng đừng tính toán quá chia đôi, mà nếu mình nhận tiền tip thì lấy 2 đồng thôi, đưa bạn mình 3 đồng. Không nên tính toán so đo quá. Mình thiệt một chút nhưng được lòng, vui vẻ chan hòa.”
Thế nào là người chủ tốt?
Với cô Nancy Lê thì “chẳng biết nói thế nào. Nói là làm cho họ, nhưng đâu có được họ trả lương. Mướn station, rồi ăn chia theo thỏa thuận thôi. Nói chung là họ tốt, vui vẻ với mình khi mình làm tốt, khách quen nhiều. Còn không thì… cũng nhiều chuyện lắm, đôi khi bị đuổi luôn. Nói chung, tôi chỉ lo làm sao có khách quen nhiều, và giữ quan hệ chừng mực với chủ thôi nên cũng chẳng để ý.”
Có lẽ vì tính cách của cô như thế, nên tôi cũng không ngạc nhiên khi cô cho biết “không nhớ đã đổi chỗ làm bao nhiêu lần,” và cũng “không có bạn thân.”
Cô Trang Nguyễn, người muốn làm việc trong không khí gia đình, nghĩ khác: “Chủ tốt là phải quan tâm đến thợ. Trong đám thợ có người giỏi, người không giỏi, có người trẻ, người lớn tuổi làm chậm chạp không đẹp. Nếu chủ khéo léo góp ý nhẹ nhàng tế nhị riêng thì thợ tôn trọng chủ. Còn khi thấy thợ làm sai một cái gì dù không nặng lắm mà cứ quát tháo, dĩ nhiên thợ bị chạm tự ái, khó chịu dồn nén, hoặc chủ đụng gì cũng la. Rồi như vì hoàn cảnh gia đình chị em đi làm trễ, hay có nỗi niềm riêng tư nên buồn, chủ đừng có la xối xả. Có khi chủ chửi nặng lắm. Thợ vì miếng cơm manh áo, phải chịu đựng khi chưa tìm được tiệm khác, chứ tìm được họ cũng bỏ đi.”
Chủ muốn quan tâm đến thợ cũng không khó, nó thể hiện qua những việc nhỏ để tạo sự gắn bó, thân thiện giữa đôi bên.
Cô Trang cho biết thêm: “Thường thì chị em thợ chúng tôi hay đem đồ ăn tới ăn chung, cũng mời chủ để tạo sự hòa đồng. Thế thì những ngày lễ, khách đông, thợ rất bận, nếu chủ quan tâm đến thợ thì nên làm hay mua một hai món gì đó để ăn chung, tạo sự thân mật.”
Ở vị trí người quản lý tiệm, cô Tiffany Dương hiểu được nỗi khổ của chủ.
“Làm chủ đương nhiên tiền nhiều hơn thợ, vì người ta bỏ vốn ‘build’ tiệm mà, nhưng cũng không sướng gì đâu. Chủ bị stress nhiều, ít khách cũng rầu, nhiều khách thì lo chỗ ngồi, tiếp khách chờ cũng mệt, nên nhiều khi không đè nén được mới nạt nộ la hét, làm thợ cũng bực. Chủ muốn tiệm lúc nào cũng phải sạch, vì sợ State board xuống phạt, nên nhắc thợ siêng làm vệ sinh một chút. Thợ siêng, biết chuyện thì dọn dẹp, gặp người làm biếng thì chủ cũng nổi điên lên. Thường mỗi buổi sáng là thợ phải dọn dẹp mọi thứ, nhưng cũng có người làm biếng không chịu làm gì cả. Ngồi uống cà phê rồi ‘tám’ hết người này đến người kia, ai mà không bực. Ðể tiệm dơ dáy thì chủ la, la thì không vui, không vừa lòng. Rồi cũng ganh tỵ này nọ.’ Chủ có lúc vui vẻ với thợ, có lúc bực bội vì hoàn cảnh thôi. Xét cho tận cùng thì mỗi người nhịn nhau một chút, hiểu nhau một chút thì ‘hòa bình’. Tiệm càng đông thợ, càng có nhiều chuyện xích mích. Quản lý 10-15 thợ cũng khó, mệt mỏi lắm. Chính vì thế mà tôi mới có việc làm.”
Với vị trí quản lý, cô Tiffany thay mặt chủ điều hành và nói chuyện trực tiếp với thợ, tránh cho chủ nhiều điều tiếng. Nếu không ưng ý điều gì, chủ chỉ nói với Tiffany, nên không làm mất lòng thợ, và cũng tránh được sự va chạm không đáng có. Khi tình thần nhẹ nhàng thì mối quan hệ chủ-thợ sẽ tốt đẹp hơn.
“Ðã qua 4, 5 tiệm, tôi thấy một điều, nếu chủ biết thương thợ, lo cho thợ, thì thợ sẽ lo lại, như tiếp khách giùm chủ, siêng dọn dẹp tiệm hơn, và nhất là thợ sẽ tiết kiệm supply cho chủ.”
Cô Trang chia sẻ: “Không phải thợ nào cũng vậy đâu, nhưng tôi biết nhiều khi bị chủ la, thợ để trong bụng rồi xài supply hao lắm, lấy nhiều nhưng dùng một chút rồi bỏ, chủ đâu có biết. Mà chị em khác biết cũng chẳng nói làm gì cho sinh chuyện.”
Người thợ cần chủ lo gì cho mình?
“Làm nghề nail, lo lắng điều gì nhất?” Câu hỏi đặt ra cho 3 người thợ làm nail đều nhận được một câu trả lời: “Sức khỏe.”
Cô Tiffany cho biết: “Tôi mới rời khỏi chậu rửa chân được 5 năm nay. Có thể lương không bằng thợ trực tiếp làm cho khách nhưng tôi cũng mừng vì đỡ hít phải hóa chất mỗi ngày. Làm thợ nail sợ nhất bệnh nghề nghiệp, làm càng lâu năm càng sợ, vì nhiều hóa chất nằm sẵn đâu đó trong người, đến ngày phát hiện ra bệnh thì đã muộn.”
Ðó là điều đáng lo chung nhất. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người thợ nail bị ung thư, sinh non, và nhiều bệnh khác có xu hướng gia tăng.
“Chúng tôi biết bệnh dịch đã khiến rất nhiều người trong ngành nail bị bệnh,” bà Julia Liou, một trong những người sáng lập Hiệp Hội Những Tiệm Làm Móng Lành Mạnh tại California, cho biết trong một bài báo.
“Hồi chuông báo tử” đó đã gióng lên từ lâu, nhưng kế hoạch vận động quốc Hội ban hành dự luật hạn chế những loại hóa chất dành cho hoạt động làm móng, của hiệp hội bà Liou bị “những ông trùm trong ngành mỹ phẩm” chặn lại. Họ đành phát động chương trình kêu gọi các cửa tiệm chăm sóc móng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu ít độc hại hơn và tạo môi trường làm việc thông thoáng hơn. Tuy nhiên, “nguyên liệu ít độc hại” có nghĩa là chúng vẫn mang tính độc hại.
“Phát động chương trình” như hiệp hội của bà Liou làm cũng chỉ mang tính “xin xỏ,” “cầu mong.” Trong khi đó, chưa có điều luật nào bắt buộc chủ tiệm nail phải có trách nhiệm với thợ trong vấn đề bảo vệ sức khỏe.
“Chị em thợ chúng tôi phải tự mua bảo hiểm thôi, mà lương thợ nail bây giờ đâu còn khá như ngày xưa. Ai cũng biết thợ nail nhiều thứ bệnh lắm, sau này về già đổ bệnh không biết trông vào ai.”
Cô Trang cho biết thêm: “Làm lâu năm mới có được income tương đối. Mà mỗi năm chỉ có mùa Hè là khách nhiều, lương tương đối cao, bù lại thì mùa Ðông ít khách nhất. Với lại bây giờ khách cũng tiết kiệm lắm, hồi xưa hai tuần họ trở lại rồi, bây giờ tới một tháng họ mới làm móng lại.”
“Chúng tôi mong chủ mua bảo hiểm sức khỏe cho thợ, hay ít nhất chia sẻ với thợ chi phí này, để nếu có chuyện không hay xảy ra, thì người thợ cũng được chăm sóc y tế chu đáo.”
Ngoài chuyện sức khỏe, cách trả lương hiện nay cũng làm người thợ ưu tư.
Cô Trang nói: “Các tiệm tôi làm, thợ chỉ nhận 1099 thôi, nên sau này chúng tôi chỉ nhận được tiền già. Ðiều chúng tôi muốn là được trả W-2. Ðược vậy thì về già có thêm chút tiền hưu, cũng đỡ.”