Chính phủ Việt Nam chính thức thua kiện Trịnh Vĩnh Bình tại Tòa án Quốc tế

0
400
Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình là một trong những Việt kiều đầu tiên trở về nước đầu tư sau khi Việt Nam mở cửa.
VOA

Tòa án Quốc tế vừa gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình, người đã theo đuổi vụ kiện xuyên thế kỷ đối với chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.

Đây được xem là một sự kiện chưa từng có đối với chính phủ Việt Nam khi phải bồi thường số tiền lớn như vậy cho một doanh nhân gốc Việt vì đã chiếm đoạt sai trái tài sản đầu tư của họ tại Việt Nam.

Trong thông báo kèm theo phán quyết dài gần 200 trang gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình mà VOA đọc được, Tòa án Quốc tế nói rằng bên bị đơn (chính phủ Việt Nam) đã vi phạm Điều khoản 3(1) về Đối xử Công bằng và Thỏa đáng, và Điều 6 về trưng thu trong Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho “thiệt hại tinh thần”, 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư.

Trả lời VOA ngay sau khi nhận được thông báo thắng kiện từ Tòa án Quốc tế, triệu phú đã hơn 70 tuổi xúc động nói: “Qua hơn 20 năm tranh đấu để đòi lại công lý, tôi thấy con đường Tòa án Quốc tế là rất tốt. Họ rất công tâm. Họ xử trắng ra trắng, đen ra đen. Cho nên về mặt luật pháp, công lý thì vụ này là rất rõ ràng. Tòa án đã cho mình thấy là những gì mình trông đợi ở Tòa án để cảnh báo chính phủ Việt Nam về những việc làm sai trái của họ, những gì đang xảy ra hằng ngày ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục xảy ra, thì họ phải điều chỉnh lại”.

Triệu phú gốc Việt nói rằng ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý.

“Đây có thể là một dấu hiệu cho chính phủ Việt Nam thấy rằng những ngày tới đây, họ không nên khinh xuất bắt bớ người vô tội hoặc để cho con ông cháu cha, những người có thế lực, vây cánh chiếm đoạt tài sản một cách vô tội vạ, chiếm đoạt một cách hợp pháp bằng cách ‘cưỡng chế’ theo luật pháp Việt Nam, nhưng dĩ nhiên, theo luật pháp quốc tế thì đây là một sự vi phạm trắng trợn”.

Ông cảnh báo chính phủ Việt Nam “hãy coi chừng” vì từ vụ kiện của ông, người dân Việt Nam sẽ “có cơ sở” để tiếp tục khởi kiện trong tương lai.

Điểm lại vụ kiện xuyên thế kỷ

Kỳ 1: Đi theo tiếng gọi ‘Về nước đầu tư’

Kỳ 2: Lên như diều gặp gió

Kỳ 3: Vụ án ‘lên đến Bộ Chính trị’

Kỳ 4: Căng thẳng Việt Nam – Hà Lan và Tòa trọng tài

Xuất phát của vụ kiện xuyên thế kỷ bắt đầu từ những năm thập niên 1990, khi ông Trịnh Vĩnh Bình, khi đó là triệu phú rất thành công ở Hà Lan với biệt danh “Vua Chả Giò”, trở về Việt Nam đầu tư theo tiếng gọi “Về nước đầu tư” của Hà Nội.

Ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định trở về nước đầu tư.
Ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định trở về nước đầu tư.

Sau khi quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, ông Bình đã mang về nước 2.338.250 đôla và 96 ký vàng sau 60 lần nhập cảnh, bắt đầu từ năm 1990, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Về nước, ông bắt tay vào kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: khách sạn, thủy hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng… Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, “tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.

Theo lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói với VOA, ông Bình đã trở nên “thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam” vào thời điểm đó nhờ tính năng động, chủ động và nhạy bén trong kinh doanh.

Tuy nhiên, sự thành công quá nhanh của ông Bình tại Việt Nam đã gây ra “sức cuốn hút không bình thường”, theo lời của cựu Đại sứ Việt Nam. Ông bị rơi vào những cái “bẫy” của các thế lực “đục nước béo cò”.

Bộ sưu tập xe-một trong số rất nhiều tài sản của ông Bình tại Việt Nam.
Bộ sưu tập xe-một trong số rất nhiều tài sản của ông Bình tại Việt Nam.

Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế”. Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ” vì thiếu căn cứ.

Ông Trịnh Vĩnh Bình bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử. Trong thời gian này, ông Bình cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà PA 24 chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này.

Ông Bình kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Tháng 8/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.

Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất.

Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.
Ông Bình tham quan địa điểm đầu tư tiềm năng tại Việt Nam vào tháng 4/1990.

Ngày 25/2/1999, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan có thư khẩn gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu chính phủ Việt Nam hoãn thi hành án cho trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình cho đến khi các chính sách mới về chính sách đầu tư tại Việt Nam được làm rõ.

Sau bản án sơ thẩm, ông Bình đã kháng cáo, gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu lên khắp các cơ quan nhà nước, thậm chí lên các quan chức cấp cao ở trung ương và cũng đã có những chỉ đạo can thiệp từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và một số giới chức khác.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Bình và một số quan chức Việt Nam, lẫn phía Hà Lan đều không mang lại hiệu quả. Lý do, theo lời cựu Đại sứ Việt Nam Đinh Hoàng Thắng nói với VOA rằng “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.”

Vị cựu Đại sứ này thừa nhận rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã gây ra rất nhiều căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan vào thời điểm đó.

Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Trịnh Vĩnh Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.

“Phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm không thay đổi gì mấy. Tôi thấy tình hình không êm rồi. Họ có giấy triệu tập tôi trở lại trại tù. Họ cho tôi thời gian 7 ngày. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, nhưng thấy không êm rồi. Tới giờ chót, tức ngày hôm sau đi trình diện thì tôi trốn,” ông Bình nói với VOA.

Sau khi ra khỏi Việt Nam, ông Bình đã nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế. Hai bên “dàn xếp” ngoài tòa vào năm 2005 và Việt Nam đền ông Bình 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời hoàn trả tài sản đã tịch biên.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tin tức về vụ kiện đã bị cắt đứt hoàn toàn, cả trong nước lẫn quốc tế. Nguyên nhân, theo lời ông Bình, là vì đây là điều kiện phía Việt Nam đưa ra trong Thỏa thuận: Không tiết lộ thông tin cho truyền thông, báo chí.

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai vì theo lời ông Bình, người cho là mình đã “bị lừa”, thì chính phủ Việt Nam đã lần lữa không trả lại bất kỳ tài sản nào cho ông ngoài số tiền bồi thường trên.

Nguồn : https://www.voatiengviet.com/a/tin-nong-vn-thua-kien-trinh-vinh-binh/4871491.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here