RFA
Trường hợp một công dân Việt Nam ở nước ngoài về thăm gia đình và sau đó không được cho xuất cảnh trở lại gây bức xúc cho bản thân và gia đình.
Khủng bố tinh thần
Người trong cuộc là bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm vào sáng ngày 10/07/2017, từ Sài Gòn, kể lại vụ việc ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam hồi ngày 19 tháng 5, bà liên tục bị Đại úy Trần Đại nhắn tin qua tài khoản Facebook, làm áp lực yêu cầu có trách nhiệm khai báo những việc làm của em gái là cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh và chồng là nhà hoạt động Trần Ngọc Thành.
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong những người sáng lập Phong trào Lao động Việt trong nước, từng bị tuyên án 7 năm tù giam vì tham gia các phong trào công nhân biểu tình và đình công để đòi tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do sớm hồi cuối tháng 6 năm 2014, sau hơn 4 năm tù đày. Ông Trần Ngọc Thành là cố vấn của Phong trào Lao động Việt.
Hành động sử dụng chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm làm một con tin để khống chế những công việc nói lên sự thật của em gái cho thấy họ sử dụng một phương thức hết sức bỉ ổi và coi thường luật pháp
-Bà Đỗ Thị Minh Hạnh
Bản thân bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm nói không phải là thành viên cũng như không có bất cứ hoạt động nào trong tổ chức xã hội dân sự độc lập Phong trào Lao động Việt mà chồng bà tham gia trong tư cách cố vấn.
Sau thời gian ở tại Việt Nam để thăm gia đình, bà Xuân Trầm không chỉ bị khủng bố tinh thần qua các cuộc điện thoại và tin nhắn trên Facebook mà vào ngày 27/06 bà bị chặn ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, khi xuất cảnh trở về Áo. Nguyên nhân được cơ quan chức năng cho biết là “vì lý do an ninh”.
Đến ngày 3 tháng 7, bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm đã nhờ Luật sư Đặng Đình Mạnh làm đơn khiếu nại về việc không được xuất cảnh của mình. Đến ngày 06/07, bà Xuân Trầm được yêu cầu có một buổi làm việc tại văn phòng của Công an Xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh. Bà Xuân Trầm kể lại:
“Họ lục soát khắp người tôi, cả vùng kín của tôi và họ dùng máy camera quay tôi. Tôi hỏi lý do tại sao họ quay camera tôi thì các anh công an trả lời là ‘để làm việc cho khách quan’. Tôi đã nói ‘nếu vậy thì các anh phải cho tôi quay (thu hình) lại các anh’. Nhưng các anh công an trả lời tôi rằng ‘tại vì chị là người yêu cầu xuất cảnh nên chỉ có chúng tôi quay (thu hình) chị mà thôi’. Còn khi bắt ký kết biên bản để làm Giấy Cam kết được đi xuất cảnh thì họ yêu cầu cam kết không thuộc tổ chức nào. Tôi đã cam kết. Họ yêu cầu tôi phải lên mạng rút tất cả những tin nhắn xuống và bắt tôi lập đi lập lại nhiều lần câu ‘Vì bức xúc không được xuất cảnh nên tôi đã đưa tất cả những tin nhắn và số điện thoại của anh Trần Đại lên mạng nên mọi người làm phiền tới anh Trần Đại. Chính vì vậy, tôi cảm thấy việc làm đó của tôi là sai trái cho nên tôi xin lỗi’. Họ kêu chỉ cần học thuộc câu này để về nhà viết lên một tờ giấy, đưa lên Facebook của Đỗ Thị Minh Hạnh là họ cho đi.”
Không được xuất cảnh
Khẳng định với RFA không làm điều gì sai trái vì bản thân không phải là người đăng tải và phổ biến số điện thoại cũng như nội dung tin nhắn của Đại úy Trần Đại lên Facebook, bà Xuân Trầm nhấn mạnh không thể thực hiện yêu cầu như vừa nêu. Đồng thời, bà không thể đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân của em gái là Đỗ Thị Minh Hạnh để xóa những gì đã đăng theo yêu cầu của phía công an.
Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh chia sẻ với RFA bà cũng không thể xóa những thông tin đăng tải liên quan Đại úy Trần Đại vì việc bà làm không phải phổ biến thông tin cá nhân của người đại úy công an này, mà đó là những bằng chứng Đại úy Trần Đại khủng bố, truy bức chị gái Xuân Trầm của mình. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh có ý kiến:
Cha con tôi kéo đến Đại Sứ quán Việt Nam, mang biểu ngữ của những đứa trẻ đi đòi mẹ, phản đối nhà cầm quyền không từ một bất cứ hình thức nào để hành hạ, truy bức con người theo ý muốn của họ. Chúng tôi cũng có những đề nghị đối với giới ngoại giao của Áo cùng một số tổ chức xã hội. Tôi nghĩ rằng việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và trái với các thông lệ quốc tế
-Ông Trần Ngọc Thành
“Hành động sử dụng chị Đỗ Ngọc Xuân Trầm làm một con tin để khống chế những công việc nói lên sự thật của em gái cho thấy họ sử dụng một phương thức hết sức bỉ ổi và họ ngồi xổm trên luật pháp, coi thường luật pháp. Việc cấm xuất cảnh không phải ai cũng có thể ra lệnh được trong điều khoản ‘cấm xuất cảnh vì lý do an ninh’, một lý do hết sức mù mờ thì phải do Bộ trưởng Bộ Công an ký. Tuy nhiên Trần Đại chỉ là một đại úy, nhưng anh ta nói rằng ‘phải xin lỗi anh ta thì anh ta mới cho phép để đi xuất cảnh’. Như vậy có điều gì đó mờ ám ở đây, ngay trong chính nội bộ của Bộ Công an.”
Từ nước Áo, ông Trần Ngọc Thành cho rằng việc chính quyền Việt Nam không cho vợ của ông xuất cảnh trở về Áo mà cầm giữ như một con tin là không thể chấp nhận được:
“Họ truy bức bằng cách dùng vợ để làm con tin thì chúng tôi rất bất bình. Bản thân tôi lúc này cũng đã lên tiếng. Cha con tôi kéo đến Đại Sứ quán Việt Nam, mang biểu ngữ của những đứa trẻ đi đòi mẹ, phản đối nhà cầm quyền không từ một bất cứ hình thức nào để hành hạ, truy bức con người theo ý muốn của họ. Chúng tôi cũng có những đề nghị đối với giới ngoại giao của Áo cùng một số tổ chức xã hội. Tôi nghĩ rằng việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và trái với các thông lệ quốc tế, ngay cả về pháp luật Việt Nam quy định rằng người Việt Nam có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí…Trong cách hành xử của họ với những người vô tội và không làm gì, tôi thấy không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng.”
Đài RFA đã liên lạc với Đại úy Trần Đại qua số điện thoại được phổ biến và lan truyền trên các mạng xã hội để kiểm chứng những cáo buộc của bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm. Thế nhưng, các cuộc điện thoại viễn liên đều không kết nối được.