Chết bất minh trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn

0
275
Công an áp giải phạm nhân tại trại giam Hoàng Tiến ở ngoại thành Hà Nội. Minh họa. Reuters
RFA

Trường hợp chết trong đồn công an mới nhất xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa hôm 9/3/2020, một nam thanh niên tử vong bất thường khi đang bị tạm giữ tại công an huyện Triệu Sơn, trong tư thế treo cổ.

Tin cho biết, nạn nhân tử vong trong nhà tạm giam có tên là L.K.N, sinh năm 1987, trú tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Anh L.K.N bị Công an tỉnh bắt giữ vào ngày 7/3 để điều tra làm rõ liên quan vụ trộm cắp tài sản.

Đây là trường hợp thứ hai chết bất minh trong đồn công an từ đầu năm 2020 đến nay.

Trước đó, vào ngày 3/1/2020, Công an Thành phố Tây Ninh cũng cho biết, ông Phan Quốc Thắng 47 tuổi ở phường 1, người đâm thượng úy công an trọng thương và bị bắt tạm giam một ngày trước đó, đã treo cổ trong buồng tạm giam, tử vong.

Khi người dân theo đuổi công lý mà không có kết quả thì sẽ dễ gây tâm lý chán nản và từ bỏ. Hiện tại, rất nhiều trường hợp chết trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn nữa.
-Trịnh Kim Tiến

Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, nhận định với RFA hôm 10/3 về vấn nạn chết bất minh trong đồn công an:

“Tôi nghĩ việc người dân chết một cách vô cớ trong đồn công an bây giờ đang trở nên rất là bình thường trong suy nghĩ của người dân. Trước đây, khi mà nghe dân chết trong đồn công an thì rất là nhiều người bức xúc, và đặt câu hỏi. Nhưng trước những giải thích vô trách nhiệm và coi thường người dân của cơ quan chức năng, người ta đang bình thường hóa việc người dân chết trong đồn công an. Vì khi người dân theo đuổi công lý mà không có kết quả thì sẽ dễ gây tâm lý chán nản và từ bỏ. Hiện tại, rất nhiều trường hợp chết trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn nữa.”

Tình trạng người đang khỏe mạnh khi phải vào đồn công an rồi tử vong và cơ quan chức năng báo nạn nhân tự tử hay bị bệnh chết thường xảy ra tại Việt Nam khiến nhiều người nghi vấn.

Tuy nhiên, khi đại diện Bô Công an trả lời chất vấn trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019, đã cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 10/3 cho biết, những thông tin chính quyền công bố, thì ông không tin nó là sự thật khách quan 100%. Vì theo ông, ở Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, công an… làm việc không độc lập và đều chịu sự chỉ đạo chung của đảng. Ông nói:

“Tôi đã thấy có những phiên tòa xét xử, thì mới biết nhiều người từng bị tra tấn ép cung, như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, hay ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang… là những người bị kết án tử hình… sau này không những công an, kiểm sát viên, chủ tọa phiên tòa… đều bị truy tố. Hay vụ xét xử 5 công an ở Nha Trang tra tấn chết một nghi phạm…

Theo Trung tá Vũ Minh Trí, những vụ việc được báo chí đăng tải đã xử lý, có lẽ mới chỉ là một phần sự thật, có nghĩa việc tra tấn ép cung có thể phổ biến hơn, có thể nhiều hơn nhiều. Ông đưa ra ví dụ:

“Hồi năm ngoái, khi ra tòa, nguyên ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng có nói câu ‘mong được đối xử như một con người’, có nghĩa rằng một người như Đinh La Thăng mà khi vào tù còn không được đối xử như con người. Thế còn những người thấp cổ bé họng, những người không hiểu biết, không tiền, không thế lực… thì khi vào trại giam, hay tạm giam, sẽ còn bị đối xử tàn tệ hơn nữa.”

Một người như Đinh La Thăng mà khi vào tù còn không được đối xử như con người. Thế còn những người thấp cổ bé họng, những người không hiểu biết, không tiền, không thế lực… thì khi vào trại giam, hay tạm giam, sẽ còn bị đối xử tàn tệ hơn nữa.
-Trung tá Vũ Minh Trí

Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Mẹ của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, kể với RFA hôm 10/3 về việc Hóa bị tra tấn ép cung khi mới bị bắt:

“Lúc Hóa mới bị bắt thì họ giấu đi chín ngày, trong thời gian đó họ tra tấn, ép cung… điều này chính Hóa cũng viết trong đơn nói rõ bị đánh đập, ép cung. Thời gian họ tạm giam Hóa 1 năm ở trại giam Hà Tĩnh, thì đối với Hóa đó là những ngày tháng bóng tối bao phủ.”

Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức nào của chính phủ Việt Nam về việc có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an. Nhưng theo thống kê của RFA, dựa trên những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải, năm 2018 có nhất 11 người chết trong đồn công an; năm 2019 có ít nhất 3 người chết; và từ đầu năm 2020 đến nay đã có 2 người chết khi đang bị tạm giữ.

Vào tháng 9 năm 2010, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền –Human Rights Watch, công bố phúc trình ‘Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi bị tam giam lan rộng’. Theo ghi nhận trong 12 tháng trước khi công bố phúc trình,có 19 trường hợp công an bạo hành khiến 15 người thiệt mạng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here