CÂU CHUYỆN ĐẸP CÁCH ĐÂY 80 NĂM: DƯƠNG CẦM RA TRẬN

0
81

Manh Kim

Vác súng ra trận chứ làm gì có chuyện đưa dương cầm ra chiến trường! Nghe tưởng chừng “hoang đường” nhưng đây là một trong những câu chuyện ít được kể khi nhắc lại bi sử Thế chiến thứ hai, xảy ra cách đây 80 năm, khi hãng dương cầm lừng danh Steinway & Sons đưa hàng ngàn cây piano ra mặt trận…  

Thời chiến gạo châu củi quế, như mọi quốc gia tham chiến Thế chiến thứ hai khác, Mỹ cũng siết chặt mọi thứ. Chính quyền thậm chí yêu cầu nhiều hãng nhạc cụ phải đóng cửa, dành nguyên liệu thiết yếu như sắt, đồng, thau và các vật liệu khác cho công nghiệp vũ khí. Tuy nhiên, khi cuộc chiến lê thê dai dẳng, việc tìm cách giúp quân đội giải trí để vực dậy tinh thần binh sĩ bắt đầu trở nên quan trọng không kém. Steinway & Sons – hãng sản xuất piano do một người Đức nhập cư (Heinrich Engelhard Steinweg; tên tiếng Anh là Henry Engelhard Steinway) thành lập năm 1853 tại Manhattan, New York – đưa ra ý tưởng chế tạo những cây dương cầm đứng (upright piano, dây đàn được lắp dọc; khác với dây đàn ngang của grand piano), rộng không quá bốn mươi inch (khoảng 101 cm) và nặng 455 pound (chừng 206kg) nhưng được thiết kế thật chắc chắn. Chúng sẽ được thả dù từ máy bay, xuống chiến trường. 

Họ gọi những cây piano này là “Victory Verticals” hay “G.I. Steinways”. Để tránh cồng kềnh và không bị gãy khi được thả từ không trung trong những thùng gỗ đóng kín, đàn được thiết kế không có chân. Ngoài ra, người ta sử dụng keo chống nước; và thân đàn được xử lý chống mối mọt côn trùng; phím được làm bằng celluloid thay vì ngà; dây bass được quấn bằng sắt mềm (soft iron) thay vì đồng. 

Tổng trọng lượng kim loại trên toàn bộ thân đàn chỉ bằng 1/10 so với piano bình thường. Ngoài ra còn có các tay cầm đặt dưới bàn phím và mặt sau để bốn người lính có thể khuân chuyển. “Lính trận Steinway” không mặc “trang phục” đen hay nâu truyền thống. Nó được sơn màu xanh dương, xanh olive hoặc xám. Từ năm 1942 đến khi chiến tranh kết thúc (1945), Steinway & Sons sản xuất khoảng 5,000 cây “Victory Verticals” – gần một nửa trong số đó được đưa ra chiến trường; những cây còn lại cung cấp cho trường học và nhà thờ…

Sau Thế chiến thứ hai, Steinway & Sons tiếp tục phục vụ quân đội Mỹ. Khi tàu ngầm USS Thomas A. Edison được đóng năm 1961, theo yêu cầu thuyền trưởng, người ta đã mang một chiếc Steinway thẳng đứng xuống tàu. Cây đàn vẫn nằm suốt trên con tàu cho đến năm 1983 khi USS Thomas A. Edison “giải ngũ”. Hiện nó được trưng bày tại Trung tâm lịch sử Hải quân Hoa Kỳ ở Washington DC. 

Câu chuyện những cây piano xanh lá cây của Steinway & Sons ngoài chiến trường nhắc nhớ hình ảnh một số nghệ sĩ dương cầm có mặt trong cuộc chiến khốc liệt Thế chiến thứ hai, trong đó có nghệ sĩ xuất chúng André Tchaikowsky (gia đình ông bị giết thảm bởi Đức quốc xã); và đặc biệt nghệ sĩ Władysław Szpilman, nhân vật được thuật trong tuyệt tác The Pianist trình chiếu cách đây đúng 20 năm của đạo diễn Roman Polanski, với diễn xuất tuyệt vời của Adrien Brody (phim giành Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2002; giành Oscar Đạo diễn cho Roman Polanski; và Oscar Nam diễn viên cho Adrien Brody – chưa kể vô số giải lớn khác)…

Không phải ai cũng biết câu chuyện những cây “dương cầm thẳng đứng” của Steinway & Sons thời Thế chiến thứ hai. Theo bài báo Detroit Free Press, một lần vào năm 2008, giáo sư nhạc Đại học Eastern Michigan, Garik Pedersen, đến New York City tìm mua một cây Steinway & Sons. Ngẫu nhiên Pedersen được đưa đến văn phòng ông Henry Ziegler Steinway (lúc đó 94 tuổi; cháu cố của người sáng lập Henry Engelhard Steinway). Hôm đó, Pedersen được Henry Z. Steinway đích thân kể lại câu chuyện về “Victory Verticals”. Garik Pedersen ngạc nhiên đến mức tự trách: “Làm thế nào một người có bằng tiến sĩ âm nhạc chuyên về piano như mình mà chưa từng nghe câu chuyện này?!”. 

Vài tháng sau cuộc gặp trên, ông Henry Z. Steinway từ trần. Giáo sư Garik Pedersen muốn câu chuyện ông biết không kết thúc sau cái chết của một hậu duệ Steinway. Suốt nhiều năm, từ Arizona, Texas, Florida đến Washington, tại bất cứ nơi nào đến để giảng dạy và biểu diễn, giáo sư Garik Pedersen luôn kể lại lịch sử những chiếc dương cầm thẳng đứng. Cũng nhờ vậy, Garik Pedersen tìm được một số cây “G.I. Steinways” còn lưu giữ được ở Iowa, Alabama, Tennessee và Ann Arbor (thành phố thuộc tiểu bang Michigan)… 

Thật khó có thể hình dung niềm vui của những người lính trận khi nghe tiếng dương cầm ngay giữa trận địa vừa ngưng tiếng đạn và mùi thuốc súng vẫn còn cay nồng khét lẹt. Nhìn những tấm ảnh lưu trữ, có thể thấy nét rạng rỡ tràn đầy hạnh phúc trên gương mặt họ; có thể cảm nhận cảm giác trân quý giây phút quý giá vô ngần của họ khi họ thấy mình vẫn còn sống và còn nghe tiếng nhạc; có thể thấu hiểu được giá trị cuộc đời của từng người trong bọn họ khi họ thấy mình vẫn còn thở và còn cười. Họ chỉ chờ ngày cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt kết thúc. 

Nhưng ngày mai, tiếng súng lại nổ… Kho lưu trữ dữ liệu Steinway & Sons vẫn còn lưu một bức thư năm 1943 của binh nhì Kenneth Kranes, đóng quân ở Bắc Phi, gửi cho mẹ ở New York. Anh viết: “Tất cả tụi con đều thích thú và cứ sau bữa ăn thì tụ tập quanh cây đàn. Con ngủ với nụ cười hạnh phúc và đến tận hôm nay con vẫn còn ngân nga vài ca khúc mà tụi con hát với nhau quanh cây đàn”… Một tuần sau khi gửi bức thư, anh lính Kenneth Kranes tử trận…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here