Cách mạng tháng tám và ngày độc lập 2 tháng chín.

0
43

Nhân Tuấn Trương

Theo sử liệu chính thức thì cuộc “Cách mạng tháng Tám” được khởi động từ 14-8-1945, sau quyết định của Đảng Cộng sản (CS) Đông Dương tại cuộc họp Tân Trào và chấm dứt ngày 30 tháng 8 sau khi vua Bảo Đại thoái vị giao ấn kiếm cho đại diện CS.

Như vậy cuộc “Cách mạng” được diễn ra trong bối cảnh miền Bắc vừa thoát khỏi nạn đói kinh hoàng với 2 triệu người chết và Đồng Minh vừa kết thúc cuộc Đại chiến Thế giới thứ II.

Cuộc cách mạng xảy ra “dưới sự lãnh đạo của đảng, 20 triệu nhân dân ta đã nhất tề vùng dậy khởi nghĩa dành lại chính quyền…”.

Việc “giành lại chính quyền” được các sử gia Việt Nam ví như là “cuộc chạy đua nước rút với quân đội Đồng Minh”.

Các bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), không ngoại lệ, đều ghi nhận sự thành công của cuộc cách mạng (tháng Tám) là nền tảng khai sinh ra nước VNDCCH.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhưng nếu xét lại thì vấn đề không đơn thuần xảy ra như vậy.

Thế chiến thứ II tại châu Á kết thúc sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 15-8-1945.

Theo một số qui định của phe thắng trận, Nhật phải : 1/ Từ bỏ chủ quyền tại các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trước đó. 2/ Các chính quyền do Nhật dựng lên ở các nơi này thì không được nhìn nhận. 3/ Trong thời gian chuyển tiếp, quân đội Nhật có trách nhiệm giữ trật tự trong lúc chờ đợi quân Đồng Minh đến giải giới.

Những vùng lãnh thổ Nhật chiếm đóng này bao gồm Việt Nam.

Quyết định của quân Đồng Minh:

Đồng Minh quyết định ra sao về các vùng lãnh thổ này? Trả lại độc lập hay tiếp tục chiếm đóng?

Một số vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng số phận đã được quyết định qua các Hội nghị Yalta và Cairo trong lúc chiến tranh như Mãn Châu, Đài Loan… thì trả cho Trung Hoa, Đại Hàn thì được độc lập. Một số được định đoạt hay tái xác định sau chiến tranh theo Hòa ước San Francisco 1951.

Riêng Việt Nam và nói chung là Đông Dương, không thấy nhắc đến vấn đề “trả độc lập” mà chỉ nói đến việc giải giới quân Nhật. Việc giải giới được lực lượng Đồng minh qui định: Quân đội Anh Quốc phụ trách vùng phía nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa phụ trách phía bắc vĩ tuyến 16.

Theo qui định này, ngày 9-9-1945 quân của Trung Hoa do Tiêu Văn và Lư Hán dẫn đầu có mặt tại Hà Nội. Tương tự, liên quân Anh-Pháp cũng có mặt ở miền Nam.

Ta thấy không hề có việc lực lượng cách mạng “chạy đua giành chính quyền” với quân đội Đồng Minh hay việc “20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền” như các sử gia đã viết.

Theo sử liệu, lực lượng cách mạng đã đánh Nhật giành chính quyền. Trên thực tế không có “đánh đấm” gì cả.

Cuộc “Cách mạng” xảy ra sau ngày 15-8, tức lúc quân Nhật đã có lệnh bỏ súng đầu hàng. Thẩm quyền của Nhật tại Việt Nam ngay từ lúc đó đã chuyển sang lực lượng Đồng Minh. Quân Nhật không còn nắm chính quyền mà chỉ có trách nhiệm “giữ an ninh trật tự”.

Quân “Cách mạng” đâu thể cướp hay giành cái mà Nhật đã không còn nữa?

Thực chất ‘cuộc chạy đua giành chính quyền’ là Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực sau khi Nhật đầu hàng để nắm lấy chính quyền, hy vọng đặt Đồng Minh vào sự đã rồi.

Nhưng điều này thất bại. Bởi vì khi Tiêu Văn và Lư Hán dẫn quân qua Việt Nam, dọc đường lực lượng này tước quyền hành của ‘chính quyền cách mạng’ và trao cho phe thân Trung Hoa. Vì vậy, cho dầu Việt Minh có thực sự cướp được chính quyền thì chính quyền này cũng đã bị Đồng Minh lấy lại.

Cũng không hề có việc ‘lực lượng cách mạng’ cướp chính quyền từ tay Bảo Đại (ngày 30-8-1945).

Quốc gia mang tên Đế Quốc Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo ra đời sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 10/3 năm 1945.

Theo qui định của lực lượng Đồng Minh, phía thắng trận, tất cả những chính quyền do Nhật dựng lên (ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng) đều không được nhìn nhận.

Về mặt pháp lý, Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại không được quốc tế nhìn nhận mà điều này là cần thiết để một quốc gia ‘hiện hữu’ trên trường quốc tế.

Đế Quốc Việt Nam trên thực tế không có quân đội. Ngân sách là con số zero. Ngoại giao cũng không. Tất cả đều phải thông qua Nhật. Ông Bảo Đại hay chính phủ Thủ tướng Trần Trọng Kim không có bất kỳ thẩm quyền nào về lãnh thổ cũng như đối với người dân của mình.

Đế Quốc Việt Nam rõ ràng là một ‘quốc gia bình phong’.

Thành quả cách mạng và Tuyên ngôn độc lập

Vậy thì ‘lực lượng cách mạng’ có thể cướp cái gì ở quốc gia này? Người ta đâu thể cướp cái mà người khác không có?

Còn việc “Hai mươi triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là điều tưởng tượng.

Miền Bắc vừa thoát nạn đói vào tháng 5, với 2 triệu người chết. Ba tháng sau người dân có thể nổi dậy để giành cái ăn. Nói 20 triệu người ‘nhất tề vùng dậy’ là điều hoang đường, không thuyết phục được ai hết. Thực chất của Cách mạng Tháng Tám là vậy.

Còn Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 của ông Hồ? Về thời điểm, ngày 2/9 được ông Hồ lựa chọn không hề do tình cờ mà là kết quả tính toán sâu xa.

Ngày 2/9 năm 1945 cũng là ngày đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiếc Chiến hạm USS Missouri của Mỹ đang neo trong vịnh Tokyo.

Về nội dung, bản Tuyên ngôn của ông Hồ dẫn nhiều ý tứ từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.

Từ hai chi tiết này, ta có thể cho rằng ông Hồ đã được sự gợi ý của các chuyên viên OSS, tiền thân của CIA Mỹ, lúc đó đang hoạt động cùng với Việt Nam trên vùng biên giới Việt -Trung.

Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, trên phương diện pháp lý cũng như trên thực tế, không thể hiện được một quốc gia Việt Nam độc lập.

Một số sử gia biện hộ rằng ‘nền độc lập’ của VNDCCH kế thừa từ quốc gia Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại (tuyên bố độc lập ngày 12/3/1945).

Trên công pháp quốc tế lý lẽ này không thuyết phục. Như đã nói, Quốc gia Đế Quốc Việt Nam của Bảo Đại vừa không có thực quyền, vừa không được nước nào nhìn nhận, dĩ nhiên ngoại trừ Nhật. Nền độc lập (tức chủ quyền) của quốc gia gọi là “Đế quốc VN” do Nhật dựng lên là không hiện hữu.

VNDCCH làm thế nào kế thừa Đế quốc Việt Nam cái mà thực thể này không có?

Dầu vậy đó là điều may cho Việt Nam. Bởi vì, nếu Đế quốc Việt Nam của ông Bảo Đại là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì Việt Nam sẽ bị Đồng Minh xếp vào loại quốc gia hợp tác với phát xít Nhật. Lúc đó Việt Nam sẽ bị đối xử như là quốc gia bại trận. Hệ quả thế nào không ai có thể lường được.

Trường hợp Nhật, quốc gia bại trận, bị đặt dưới sự quản lý của Mỹ cho đến sau Hòa ước 1951. Dầu vậy, lãnh thổ gọi là quần đảo Nam Tây (Nansei), bao gồm quần đảo Okinawa, tiếp tục đặt dưới sự quản lý của Mỹ cho đến đầu thập niên 70.

Hiệp ước Sơ bộ 6/3/1946

Nền ‘độc lập’ của nước VNDCCH sẽ rõ rệt hơn, chỉ vài tháng sau, lúc Hiệp ước Sơ Bộ 6-3-1946 được ký kết.

Điều ước quan trọng của Hiệp ước là Việt Minh và Pháp nhìn nhận VNDCCH như là một “état libre – tiểu bang tự do” thuộc Khối Đông dương, do ông Hồ lãnh đạo. Còn việc thống nhất “ba kỳ”, Pháp hứa sẽ nhìn nhận kết quả qua cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau này.

Các sử gia VN cho rằng từ “état libre” ghi trong hiệp ước có nghĩa thực sự như là “quốc gia tự do”. Chữ “état” nằm trong một liên bang (hay một “union – khối”) có nghĩa là “tiểu bang” chứ không phải là “quốc gia”. Các “état – tiểu bang”, như California (thuộc Hợp chúng quốc Mỹ) có quốc hội, ngân sách, chính quyền… riêng nhưng “chủ quyền” (tức quyền chủ tể) của nó lại thuộc về Liên Bang.

Từ kết quả hiệp ước sơ bộ ta thấy nền ‘độc lập’ của VNDCCH mà ông Hồ tuyên bố ngày 2/9 năm 1945 là không có thực chất.

VNDCCH chỉ là một vùng lãnh thổ, giới hạn ở Bắc Kỳ, thẩm quyền của ông Hồ thấp hơn Toàn Quyền Pháp. VNDCCH không phải là một ‘quốc gia độc lập’, có chủ quyền.

Dầu vậy đây cũng là điều may mắn. Cả hai bên ký kết đều xem hiệp ước này chỉ là thời đoạn, không có ý muốn tôn trọng. Ông Hồ ký kiệp ước vì muốn Trung Hoa rút đi. Còn Pháp ký hiệp ước vì muốn trở lại miền Bắc.

Giả sử hiệp ước được tôn trọng, chắc chắn Việt Nam sẽ bị chia làm hai (hoặc ba) quốc gia (và lãnh thổ) khác nhau. VNDCCH sẽ trở thành ‘quốc gia’ do ông Hồ lãnh đạo.

Miền Nam (Cochinchine) chắc chắn trở thành thuộc địa của Pháp (như Guyane, Réunion, Nouvelle Calédonie…).

Trong khi miền Trung (An Nam) có thể trở thành một quốc gia khác, do Bảo Đại hay một hậu duệ nào đó của nhà Nguyễn lãnh đạo.

Đây là một sai lầm lớn lao trong sự nghiệp chính trị của ông Hồ.

Sử gia Trần Trọng Kim phê bình đại khái rằng sai lầm của ông Hồ chỉ có thể sửa bằng xương máu. Quả nhiên đúng như vậy. Ông Hồ sửa sai bằng cách đưa cả nước vào cơn máu lửa.

Bài 4

Phê phán hành vi “thoái vị” của vua Bảo Đại.

Hành vi thoái vị của ông Bảo Đại, giao quyền cho ông Hồ, tháng tám 1945, bây giờ bình tĩnh nhìn lại, rõ ràng là một hành động thiếu tính toán. Cách mạng tháng tám lý ra không hiện hữu và chiến tranh VN 54-75 cũng không xảy ra. Nguyên nhân đều là do việc thoái vị của Bảo Đại.

Sau khi Nhật hoàng ra tuyên ngôn đầu hàng Đồng minh ngày 15 tháng Tám 1954, vai trò của quân đội Nhật tại VN chưa chấm dứt. Nhật có cam kết với lực lượng Đồng minh sẽ giữ trật tự tại những vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm trước đó, cho tới khi nào quân Đồng minh vào đây giải giới.

Bảo Đại dầu vậy đã ra lệnh ngăn cản Nhật, với lý do không muốn “mượn tay ngoại nhân” để diệt trừ phe Việt Minh. Bảo Đại hiện hình là một kẻ thất phu mù quáng, không phải là một đấng quân vương sáng suốt, có khả năng phán xét sự việc để có một hành động đúng.

Ông Bảo Đại, nói là học hành bên Tây, nhưng kiến thức không có gì. Bản chất của cộng sản là thế nào, ông này hoàn toàn mù tịt. Kiến thức về “trật tự quốc tế”, tiền thân của “công pháp quốc tế”, lập ra từ Hòa ước Westphalie 1648, ông cũng không có một khái niệm gì. Mặc dầu đó là kiến thức tối thiểu, cơ bản phải có ở mọi đấng lãnh đạo quốc gia.

Nếu có chút ít kiến thức để nhận định tình hình quốc tế thời đó, ông Bảo Đại đã không thể ra tuyên ngôn độc lập, lại càng không thể cộng tác với Nhật đứng trong khối Đại Đông Á.

Bởi vì lúc Nhật “trả” độc lập cho ông Bảo Đại, 12-3-1945, quân Nhật thua liên tục các trận không chiến, hải chiến với Mỹ ở Thái Bình dương. Toàn bộ lực lượng của Nhật hầu như tan nát hết.

Không ai dại dột đưa quốc gia dân tộc “liên minh” với một lực lượng mà ai cũng biết là đã “thua tan tác”, chờ ngày đâu hàng.

Đến khi Nhật thua, vì lo sợ phải đứng chung với “phe bại trận”, Bảo Đại lại ngăn cản quân Nhật tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Điều tồi tệ là ông giao ấn kiếm, đại diện cho quyền lực triều Nguyễn, thoái vị, giao sự nghiệp 4 trăm năm của tổ tiên ông cho ông Hồ. Trong khi đó, cạnh tranh với thế lực cộng sản của ông Hồ, còn có nhiều tổ chức quốc gia, có thực lực khác.

Nhật trả VN cho Bảo Đại, nhưng không trả Nam Kỳ. Nam Kỳ chỉ trả lại cho VN vào những ngày cuối cùng, trước khi Nhật đầu hàng.

Sau này Bảo Đại lại nhận lời Pháp, đứng ra lãnh đạo “Quốc Gia Việt Nam – Etat National du Viet Nam” (thực ra phải gọi là Việt Nam Dân Quốc), từ tháng 4 năm 1949, mà đáng lẽ trọng trách này được giao hoàn thân Vĩnh San, tức vua Duy Tân. Tiếc là vua Duy Tân qua đời vì tai nạn máy bay (người ta cho là hiện hữu một âm mưu giết Duy Tân, vì ông này sáng suốt, cương nghị và có kiến thức hơn Bảo Đại. Pháp “lèo lái” Bảo Đại dễ hơn là Duy Tân).

Bảo Đại trở thành người thiếu lương thiện. Đã giao quyền lực “Đế quốc Việt Nam” tháng 8 năm 1945 cho ông Hồ rồi, thì lý do gì lại ra lãnh đạo “Quốc gia Việt Nam” tháng 4 năm 1949 để cạnh tranh với ông Hồ ?

Quốc gia VN chỉ có một. Quyền lực chủ tể (chủ quyền) của VN cũng chỉ có một. Đã giao cho ông Hồ “Đế quốc Việt Nam” rồi, thì “Quốc gia VN” của Bảo Đại sau này là quốc gia Việt Nam nào ?

Vì vậy phía CSVN mới có cớ gọi “quốc gia VN” của Bảo Đại là “ngụy”. Các nhà nước VNCH kế thừa Quốc gia VN sau này vì vậy cũng đều là “ngụy”.

Nhưng “thấy vậy mà không phải vậy”.

Nếu đứng dưới ánh sáng của công pháp quốc tế thì quốc gia gọi là “Đế quốc VN” của Bảo Đại không được quốc tế nhìn nhận. Việc này là hệ quả tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng, theo đó tất cả những chính quyền do Nhật dựng lên đều không được nhìn nhận. “Đế quốc VN” có cùng hoàn cảnh với Mãn Châu Quốc. Nhà nước VNDCCH nhận ấn kiếm của Bảo Đại, kế thừa “Đế quốc Việt Nam”, vì vậy cũng không có chính danh.

Sau khi Nhật thua trận, “chủ quyền” VN được giao cho Đồng minh, đại diện là Anh ở miền Nam và Trung Hoa (của Tưởng giới Thạch) ở miền Bắc. Sau đó hai đại diện này lại giao trả lại cho Pháp. Hiệp ước Elysée 1949, Pháp trả lại độc lập (chủ quyền) lại cho VN, gồm cả Nam kỳ.

Thực thể “Quốc gia Việt Nam” ra đời hợp pháp, được sự nhìn nhận của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời được gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc LHQ. (Đại Hội Đồng LHQ nhìn nhận Quốc Gia Việt Nam có đủ điều kiện như một quốc gia độc lập có chủ quyền. QGVN không được gia nhập LHQ vì Veto của Liên xô).  

Trở ngại của quốc gia này là sự hiện diện của Bảo Đại. Sư hiện diện này khiến một số không ít các quốc gia trên thế giới xem Bảo Đại là con cờ của Pháp. Tức là miền Nam vẫn thuộc Pháp. Phía CSVN vịn vào kẻ hở này trương ngọn cờ “giải phóng dân tộc”.

Vấn đề là VN lúc đó không có gương mặt nào “sáng sủa”, trong khi hoàng thân Vĩnh San (vua Duy Tân) thì chết vì tai nạn máy bay.

Bây giờ có lẽ mọi người thấy tiếc. Vì hành vi “nhân từ” của Bảo Đại mà lực lượng của ông Hồ chiếm được 1/2 giang sơn. 40 năm sau phe ông Hồ “giải phóng” cả nước.

Điều này cho thấy, vì cái “dại” của Bảo Đại, mà VN hôm nay bị cai trị bởi một tập đoàn “nội xâm”. Tập đoàn này bóc lột dân chúng, tàn ác với dân chúng… 100 lần hơn thời thực dân, Pháp thuộc.

(Đây là những bài tôi viết từ nhiều năm trước. Đăng lại đọc cho vui)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here