Các nhà tranh đấu Việt Nam thương tiếc ông Lưu Hiểu Ba

0
81
Chân dung nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba

Các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam bày tỏ lòng tiếc thương và phẫn uất khi được tin ông Lưu Hiểu Ba, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc vừa qua đời trong khi đang thụ án tù.

Giáo sư song tịch Pháp – Việt Phạm Minh Hoàng, một nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam vừa bị chính quyền Hà Nội trục xuất sang Pháp vào tháng rồi, cho VOA – Việt ngữ biết rằng ông rất đau buồn khi nghe tin nhà tranh đấu người Hoa qua đời. Từ Paris, ông Hoàng nói:

“Khi nghe tin ông Lưu Hiểu Ba qua đời thì tôi rất sững sờ, bởi vì cách đây một vài hôm khi tiếp xúc với phóng viên không biên giới và các tổ chức nhân quyền, họ đã báo động về tình trạng sức khỏe của nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba. Tôi biết ông là một người đấu tranh kiên cường, đã bị bắt và bị đối xử tồi tệ. Tôi không ngờ rằng ông lại mất sớm như thế.”

Ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu chính trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989, qua đời ngày 13/7, tại một bệnh viện ở Thẩm Dương, Trung Quốc, vì bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, khi đang thọ án 11 năm tù mà Bắc Kinh gán cho tội danh là ‘kích động lật đổ chính quyền.’

Từ bang Virginia, Hoa Kỳ, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, đồng thời là một nhà tranh đấu cho dân chủ, tù nhân lương tâm Việt Nam nói rằng ông Lưu ra đi là một mất mát lớn cho phong trào dân chủ ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam.

“Đây là một mất mát lớn cho tất cả những người đấu tranh cho dân chủ ở Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam. Đối với chúng tôi, chúng tôi nghĩ đến những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đang bị giam tù trong tình trạng hết sức ngặt nghèo, khó khăn. Chúng tôi hy vọng tình trạng này sớm được chấm dứt tại Việt Nam cũng như Trung Quốc.”

Ông Lưu được Ủy ban Nobel Hòa Bình trao giải năm 2010 nhưng ông không thể đi nhận giải vì đang bị cầm tù.

Người dân Hồng Kông tuần hành bày tỏ lòng thương tiếc ông Lưu Hiểu Ba

Người dân Hồng Kông tuần hành bày tỏ lòng thương tiếc ông Lưu Hiểu Ba

Giáo sư Hoạt lên án chính quyền Bắc Kinh đối xử tàn nhẫn đối với nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc:

“Chúng tôi phản đối, cũng như toàn thế giới đã phản đối – vì một đất nước không thể phát triển được nếu còn những hành vi vô nhân đạo như vậy, vi phạm tuyên bố quốc tế mà chính Việt Nam và Trung Quốc là thành viên – trình trạng vi phạm nhân quyền thô bạo, đặc biệt đối với những người tranh đấu ôn hòa, bất bạo động. Đó là quyền tự do căn bản của bất cứ một người nào, ở bất cứ quốc gia nào. Tất cả mọi người phải tiếp tục đấu tranh để cho những trường hợp như ông Lưu Hiểu Ba không xảy ra nữa, tại Việt Nam, cũng như Trung Quốc.”

Tất cả mọi người phải tiếp tục đấu tranh để cho những trường hợp như ông Lưu Hiểu Ba không xảy ra nữa, tại Việt Nam, cũng như Trung Quốc.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư nhân quyền Lê Công Định chia sẻ trên Facebook như sau: “Hôm nay Lưu Hiểu Ba từ biệt chúng ta, nhưng di sản của ông sẽ còn lưu lại trên đất nước Trung Hoa tự do mai sau. Tôi chia sẻ với ông suy nghĩ rằng sau bao nghiệt ngã đã trải qua do nhà cầm quyền cộng sản gây ra, chúng tôi không thấy hận thù ai, dù nhà cầm quyền luôn xem chúng tôi là thù địch.”

Luật sư Định viết tiếp: “Điều ông Lưu Hiểu Ba và chúng tôi cùng mong muốn là chế độ phi nhân ở hai nước tương đồng về thể chế chính trị phải chấm dứt, và điều đó chắc chắn sẽ sớm đến, bởi vì quyền con người và tự do là các thành tố tự nhiên tạo nên Con Người.”

Tôi mong ước rằng đây là những bài học, và tấm gương sáng cho giới trí thức và thanh niên Việt Nam, bước tiếp con đường đấu tranh giành tự do, dân chủ cho đất nước của mình.

Cũng như các nhà tranh đấu khác, giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông Lưu Hiểu Ba là một tấm gương sáng cho thanh niên và giới trí thức Việt Nam trong phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ:

“Tất cả những gì ông Lưu làm đều là đấu tranh cho tự do và dân chủ của Trung Quốc, bênh vực cho sinh viên, cũng như chuẩn bị cho những tiến trình dân chủ cho đất nước Trung Quốc, vậy mà ông bị ghép tội lật đổ chính quyền và bị kết án 11 năm tù. Sự hy sinh của ông Lưu Hiểu Ba ngày hôm nay là tấm gương sáng cho thanh niên và trí thức Trung Quốc. Tôi mong ước rằng đây là những bài học, và tấm gương sáng cho giới trí thức và thanh niên Việt Nam, bước tiếp con đường đấu tranh giành tự do, dân chủ cho đất nước của mình.”

Bà Lưu Hà (trái) và ông Lưu Hiểu Ba

Bà Lưu Hà (trái) và ông Lưu Hiểu Ba

​Theo AFP, bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu, bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010, nhưng được phép đến bệnh viện gặp chồng.

Trước đó, chính phủ Đức và Mỹ đã đề nghị Trung Quốc cho phép ông Lưu ra nước ngoài điều trị theo nguyện vọng gia đình, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục yêu cầu các quốc gia khác không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này, và cho rằng ông Lưu được điều trị bởi các bác sĩ hàng đầu ở trong nước.

Hôm thứ Năm 13/7, Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu và tổ chức nhân quyền quốc tế đồng loạt lên tiếng về cái chết của ông Lưu Hiểu Ba.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong một tuyên bố: “Ông Lưu qua đời trong khi đang thọ án tù lâu năm chỉ vì đã lên tiếng thúc đẩy cải cách dân chủ một cách ôn hòa. Ông Lưu đã cống hiến trọn đời mình ra tranh đấu để đất nước và nhân loại được tốt đẹp hơn, theo đuổi công lý và tự do.”

Ngoại Trưởng Tillerson kêu gọi nhà nước Trung Quốc hãy phóng thích bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia, và cho phép bà ra nước ngoài, theo nguyện vọng.

Các nước khác như Đức, Anh, Pháp, và cả Đài Loan cũng thúc giục Trung Quốc cho bà Lưu Hà ra nước ngoài.

Hôm thứ Sáu 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản đối các yêu cầu này, đáp lại rằng những phát biểu và đề nghị như vậy là can thiệp vào “chủ quyền tư pháp” của Trung Quốc.

Trong một thông báo chính thức ngày 13/7, cơ quan tư pháp của chính quyền TP.Thẩm Dương, cho biết ông Lưu bị suy đa tạng và mọi nỗ lực cứu sống ông không mang lại kết quả.

Theo CNN, truyền thông Trung Quốc hạn chế và tìm cách kiểm duyệt việc đưa tin về cái chết, cũng như kiểm soát việc mai táng và tang chế cho ông Lưu Hiểu Ba.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here