Khi mới chỉ đọc gần xong “Ba Đồn mạn thuật” của Bọ Lập (dài, ngồn ngộn kiến thức, mặc dù cấu trúc, phân bố cực kỳ mạch lạc), tôi đã thoáng liên tưởng đến những cuốn sách xưa và người xưa lừng lẫy tới tận bây giờ. Trong số ấy, nhà cháu đã kính cẩn nhắc tới cụ Lê Quý Đôn với “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”…, và có lẽ đừng quên một Thái sơn khác, cụ cử Phan Kế Bính cha đẻ cuốn sách gối đầu giường của bất cứ người Việt nào, “Việt Nam phong tục”. Những cuốn kỳ thư cung cấp cho ta kho kiến thức ta mang theo suốt đời, đọc sớm có sớm, đọc muộn có muộn, không bao giờ phí cả.
Có nhẽ nên bạch đôi dòng về tên cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật”. Ba Đồn thì khỏi cần diễn giải, hầu như ai cũng biết đó là địa danh, một vùng quê, làng quê nổi tiếng xứ Quảng Bình, ở huyện Quảng Trạch xứ ấy. “Mạn thuật”, từ nghe vừa quen vừa lạ, có gốc Hán Việt. Từ ‘mạn”, khi chưa nhìn thấy cuốn sách, chỉ nghe… đồn, tôi cứ tưởng “mạn” nghĩa giống như ta vẫn dùng “mạn tính” trong y học, là từ từ, chậm chậm, nhẩn nha (chỗ này phải nói thêm, rất nhiều thầy thuốc, kể cả lãnh đạo bộ y tế, giáo sư bác sĩ, nhà báo… quen mồm quen tay nói/viết thành “mãn tính” để đề cập tới thứ bệnh đến từ từ, càng ngày càng nặng, chẳng hạn bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, gút). Rồi nghĩ, chắc ông bọ nhẩn nha kể chuyện, nhẩn nha biên chép nên mới đề “mạn thuật”. Té ra không phải. Chữ “mạn” bọ dùng, bọ đặt tên sách, có bộ thủy, có yếu tố nước. Mạn là nước dâng lên, ngập tràn. Nước kiến thức được chứa đầy trong từng trang sách, người viết càng bơm đùn lên, người đọc càng thỏa chí vẫy vùng. Ngoài ra, mạn cũng có nghĩa sự tùy thích, phóng túng, không bị ràng buộc, cứ tha hồ thể hiện những điều mình ghi nhận, bắt gặp, gom góp được. Trong di sản đồ sộ của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi có khá nhiều bài thơ không đặt tên riêng, nằm trong chùm tên chung “Mạn thuật”, hay cực kỳ. Phương thức “mạn” này rất hợp với con người, phong cách, lối văn Bọ Lập.
Thuật, ngay cả đứa trẻ con cũng hiểu. Bất cứ đứa nào học cấp 1 (khi trước) hoặc tiểu học bây giờ đều được học các lối văn, từ đơn giản tới phức tạp, gồm miêu tả, tường thuật, kể chuyện. Thạo được mấy lối ấy thì cũng hết cấp 1, sau đó lên cấp 2 bắt đầu học làm văn nghị luận các kiểu chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận, bình giảng. Miêu tả là dễ nhất, đại loại thầy cô ra đề hãy tả ông nội em, có đứa tả “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông già khọm, tóc bạc trắng, đi đứng run rẩy, chả làm được gì. Bởi vậy suốt ngày ông nằm, đọc sách lý luận, coi tivi, xong thì ngủ. Ngủ chán, ông dậy hỏi nhà có gì ăn chưa bây”. Thuật để chỉ hành vi bày tỏ, kể lại, thuật lại, trình bày. Khẩu thuật là kể lại bằng miệng, kể miệng. Trong văn viết, theo cụ Thiều Chửu giải thích, chép lại biên lại những điều đã nghe, đã nắm được thì gọi là thuật.
“Ba Đồn mạn thuật” được Bọ Lập dày công biên chép, kỳ khu ghi lại, sắp xếp tỉ mỉ, khoa học tất cả những thứ nén chật ních trong bộ nhớ kinh hoàng của bọ, và cả trong biết bao nhiêu hồ sơ, tư liệu, truyền khẩu của mấy trăm năm, của hàng nghìn người về một vùng đất với đủ thứ trên đời. Tất cả được dưỡng thai rốt ráo trong hơn 450 ngày bị lốc đao (lockdown), phong tỏa, cấm túc, giam cầm để tránh dịch Covid. Ông bạn tôi còn cười bảo, may, lão bọ và bạn đọc phải thắp hương tạ ơn Cô vít mới đúng, bởi không có nó thì dễ gì dồn lực cũng như thì giờ cho Ba Đồn mấy lị mạn thuật.
“Ba Đồn mạn thuật” 650 trang khổ lớn, 15 chương cả thảy, tất tần tật thiên nhiên, con người, xã hội, địa lý, lịch sử, phong tục, văn hóa, quá khứ, hiện tại, biết bao vui buồn, những thăng trầm lận đận, những cố gắng vươn lên, cả cái hay cái dở, cả những bi kịch được thể hiện kín đáo, nụ cười vui, tiếng thở dài, vô danh và hữu danh, người bình dân và những đấng bậc… dường như tác giả không bỏ sót thứ nào. Quá phục sự công phu mà nhẹ bẫng, tỉ mỉ mà bao quát, không bỏ qua, sót lọt chi tiết cần thiết. Không yêu mặn mà chân thành quê nhà, cụ thể là Ba Đồn – Phan Long, rộng hơn là Quảng Bình, rộng hơn nữa là đất nước, dẫu tài thánh, ba đầu sáu tay, dẫu rộng dài thời gian năm này tháng khác, cũng chỉ bó tay, nuôi mãi cái gọi là dự án. Đừng ai nói hoặc yêu cầu tôi kể lại nội dung cuốn này. Đây là thứ sách không kể lại được. Lối văn cực kỳ giản dị, bình dân, mà không nhố nhăng tầm thường. Chỉ có thể nói nước đôi về nó: không dễ đọc và rất dễ đọc. Nếu mở ra, cảm thấy dễ đọc, bị lôi cuốn, thì say ngay, không dứt. Và ao ước, giá nước mình, tỉnh mình, huyện mình, xã mình làng mình cũng có được cuốn ghi chép kỳ khu như thế; mình làm được cho làng mình “tấm bia” như thế. Khổ nỗi, mình không phải Bọ Lập, mà cả nước này người như Bọ Lập như sao buổi sớm, lá mùa thu.
Ông bạn tôi đùa, tao mà có quyền, tao đặc cách học vị tiến sĩ cho Bọ Lập, trao giải thưởng nhà nước hoặc giải thưởng cụ Hồ cái rụp. Trong cả triệu trí thức ăn lương xứ An Nam ta, hằng hà sa số giáo sư tiến sĩ, đố ông bà nào làm được thế đấy. Mà sao Nguyễn Quang Lập lại không có tên hiệu giống các cụ xưa cho oách nhỉ, chẳng hạn Ngọc Bọ, Kim Cương Bọ, Bọ Ngọc Nguyễn Quang Lập để sử sách về sau lưu truyền, rằng đã từng có một nhà bác học làng chỉ nhờ vợ nuôi ngày hai bữa, không có bất cứ bổng lộc tiền bạc gì của nhà nước mà viết nên kỳ thư “Ba Đồn mạn thuật”.
Ba Đồn, vùng đất đã nổi tiếng, lừng danh trong hàng trăm nghìn làng quê Việt, giờ có thêm sách của Bọ Lập lại càng vang xa, thu hút hơn. Thật hãnh diện.
Nguyễn Thông
————