TUỔI TRẺ
31/08/2017 10:08 GMT+7
TTO – Tất cả những lần phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong thời gian qua đều có sự tính toán, và đằng sau đó là một thông điệp Bình Nhưỡng liên tục gửi đến Washington.
Binh sĩ Hàn Quốc xem màn hình thông tin về khả năng tên lửa của Bình Nhưỡng bấn đến đảo Guam của Mỹ – Ảnh: REUTERS |
Bài phân tích dưới đây do một cựu quan chức tình báo phương Tây với hàng chục năm kinh nghiệm về châu Á chấp bút, theo Đài CBS của Mỹ.
Từ góc nhìn của Bình Nhưỡng, màn đối đầu với Mỹ có thể giải thích như sau:
Trước ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Triều Tiên đã giải thích rõ họ sẵn sàng cho tân chính quyền Mỹ một khoảng thời gian để cân nhắc lại chính sách và đưa ra một lời đề nghị tốt hơn Tổng thống Obama. Lời cảnh báo duy nhất: đó là nếu Mỹ vẫn cứ tiếp tục các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ phản ứng.
Nói một cách ngắn gọn, Mỹ đã làm điều đó, và Triều Tiên đã phản ứng.
Triều Tiên “dò đá qua sông”
Đằng sau bức màn, liên lạc giữa hai nước khi trồi khi sụt, nhưng không có mấy tiến triển.
Có thể thấy ban lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng thực thi chính sách nắn gân, thăm dò chẳng khác kiểu thương lượng già rơ của tổng thống Donald Trump.
Tháng 4-2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho phô trương một số loại tên lửa mới như lời cảnh báo trước đó, cũng vô hiệu.
Bình Nhưỡng thử hết hệ thống này đến hệ thống khác. Nhưng cách tiếp cận của Washington vẫn không thay đổi.
Ngày 4-7, sau khi Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), ông Kim Jong Un công khai gửi đi tín hiệu rằng Bình Nhưỡng có thể đặt chương trình hạt nhân và tên lửa “lên bàn đàm phán” nếu Mỹ chịu thay đổi.
Mỹ đã không đồng ý, và Triều Tiên phóng một quả ICBM khác ngày 28-7, cảnh báo rằng Washington không nên xem nhẹ nước này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến xem tên lửa Hwasong-12 trong một địa điểm không được công bố. Đây là loại được bắn đi sáng 29-8 vừa qua – Ảnh: REUTERS |
Mọi phương án với Triều Tiên đã được đặt trên bàn” |
Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc lại khả năng có thể dùng biện pháp quân sự vì “không thể nói chuyện với Triều Tiên thêm được nữa” trong dòng Tweet ngày 30-8 |
Nhưng rốt cuộc Mỹ lại điều thêm máy bay ném bom chiến lược B-1 bay thị uy trên bán đảo Triều Tiên, và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua lệnh cấm vận mới nhắm đến ban lãnh đạo Bình Nhưỡng dưới sức ép ngoại giao của Mỹ.
Kết quả là Bình Nhưỡng buộc phải chơi “nước cờ thí” mang tên Guam: 4 quả tên lửa sẽ bắn về phía vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ một khi quân đội Triều Tiên trình kế hoạch cụ thể cho lãnh đạo Kim Jong UN.
Thông báo này chỉ rõ 4 quả tên lửa sẽ bay ngang trên đầu lãnh thổ Nhật Bản, báo hiệu sự kiềm chế trong các lần phóng tên lửa trước của Triều Tiên đã chấm dứt.
Ngày 14-8, ông Kim Jong Un tuyên bố đã thông qua kế hoạch Guam nhưng tạm hoãn nó lại để theo dõi thêm phản ứng của Mỹ.
Dọa Nhật là tăng độ khiêu khích
Hai tuần sau (29-8), dù sự kiềm chế vẫn còn (chỉ một chút), ông Kim cho phóng một tên lửa bay ngang bầu trời phía bắc lãnh thổ Nhật Bản vào sáng sớm khiến Tokyo phải phát lệnh báo động cho hàng triệu người dân.
Đây mới đúng là hành động “khiêu khích” thật sự đầu tiên từ phía Triều Tiên tính từ tháng 11-2010, khi Bình Nhưỡng nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc nằm ngoài khơi nước này.
Các vụ phóng tên lửa trước vụ 29-8 không đáng xếp vào dạng “khiêu khích”. Đó chỉ là thử nghiệm phần cứng hoặc trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Các vụ thử hạt nhân trong năm 2015-2016 của Triều Tiên cũng không phải khiêu khích. Chúng chỉ là quy trình bình thường của một chương trình phát triển vũ khí.
Nhưng tên lửa bay qua Nhật? Đó là hành động khiêu khích và được thể hiện một cách rõ ràng. Triều Tiên muốn nói rằng sẽ còn nhiều lần như vậy xảy ra nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận với họ.
Giữa lúc này, truyền thông nhà nước Triều Tiên “nhấp nhá” nhiều tín hiệu cho thế giới thấy hiện đang có một cuộc thảo luận chính sách căng thẳng tại Bình Nhưỡng về cách đánh giá tình hình trước mắt và những bước đi tiếp theo.
Đây không phải là tín hiệu báo trước sự “tan rã” hoặc “bất đồng” theo cách hiểu thông thường, nó gợi ý rằng những quyết định chủ chốt đang được đánh giá lại và khả năng sẽ có cơ hội cho những ý tưởng mới.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy dân Triều Tiên đang được huy động nhập ngũ để đối phó với một cuộc khủng hoảng quân sự. Nhưng điều này có thể thay đổi rất nhanh.
Quy mô của cuộc huy động quân (toàn quốc hoặc một phần) sẽ là chỉ dấu quan trọng, cho thấy liệu ông Kim đã hạ quyết tâm “tung xí ngầu” chưa.
Ông Kim Jong Un đến giờ phút này hoàn toàn nghiêm túc với chương trình kinh tế, và các chính sách cải cách của ông được tính toán, thực hiện một cách khéo léo.
Chúng ta cần để mắt đến những tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi, rằng họ tin là không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu. Nếu trường hợp đó xảy ra, chúng ta sẽ được thấy vũ khí hạt nhân bay.