RFA
Trước những thông tin về biểu tình ở Hoa Kỳ được đăng tải tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của HTV, cho biết ý kiến của ông rằng báo chí trong nước có đưa tin khá đầy đủ, nhưng lại thiếu tính khách quan khi xoay quanh góc độ chỉ trích chính sách tổng thống Hoa Kỳ:
“Nó không được khách quan lắm ví dụ như họ không có đưa ra cái hình ảnh, hoặc cái tin rất rõ ràng. Ví dụ, như có ai đó đã chuẩn bị đá để phục vụ cho những người quá khích. Cái thứ hai nữa là họ cũng không đưa những hình ảnh của tổ chức Antifa mà người ta đề cập nhiều trên các trang báo nước ngoài; cũng giống như họ cho rằng phe Dân chủ đang giận dữ vì những việc làm sai trái và đang chống lại người dân Hoa Kỳ của tổng thống Trump.”
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chủ ý của truyền thông Việt Nam khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ vừa qua là vì lợi ích của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, khi thông tin luôn mang tính chất tuyên truyền, vô thưởng, vô phạt. Ngoài ra, ông cho rằng khả năng những cuộc biểu tình như vậy có thể xảy ra ở Việt Nam là hoàn toàn không có, vì sau cuộc biểu tình xảy ra vào 10/6/2018 phản đối Luật Đặc khu kinh tế và luật An ninh mạng, chính quyền Việt Nam đã có chủ trương không để những cuộc biểu tình như vậy tiếp tục diễn ra:
“Sau đó là ông Nguyễn Thiện Nhân với tư cách là Bí thư Đảng ủy TP.HCM đã cam kết, đã hứa trước Bộ Chính trị mà báo chí có đăng vào lúc bấy giờ, đó là cam kết không bao giờ để xảy ra biểu tình, để mà việc biểu tình như là Hoa Kỳ, xảy ra bạo loạn các thứ, thì tôi tin chắc chắn rằng có thể nói là sát suất vô cùng nhỏ bé, hầu như không thể xảy ra trong môi trường Việt Nam hiện tại.”
Theo PGS-TS Hoàng Dũng, giảng viên tại ĐH Sư phạm TP.HCM, những thông tin về những cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ vừa qua được truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều; tuy vậy còn rất nhiều hạn chế trong phân tích và chiều sâu của vấn đề:
“Thành thử như vậy người đọc về việc đi biểu tình, những chuyện đi cướp phá như vậy một cách sai lệch; họ không được phân tích tỉ mỹ những chuyện xảy ra như vậy. Đằng nào thì những cuộc biểu tình cũng là những sự kiện không được đẹp, nhưng mà tôi muốn nó phải sâu xa hơn—để tìm được nguyên nhân, người ta phải thông tin, nếu mình thật sự quan tâm thì lại không đưa ra thông tin sự kiện, thông tin phân tích của các chuyên gia về chuyện này, mà cái này báo chí thế giới không thiếu, có điều ở Việt nam thì các báo không chú ý lắm, cho nên không có kỹ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng, những cuộc biểu tình diễn ra tại Hoa Kỳ sẽ không xảy ra ở Việt Nam vì sự khác biệt rõ rệt của 2 chế độ–chế độ tự do và chế độ áp bức:
“Không diễn ra tương tự như vậy đâu, bởi vì đây là một chế độ nó áp bức một cách khủng khiếp, mà chính quyền rất sợ những chuyện biểu tình như vậy. Ở Việt Nam, việc mà công an hành hạ chết người trong đồn cảnh sát rất nhiều. Chỉ có một cái đáng tiếc là không có được những clip như cái việc mà đè cổ anh thanh niên da đen đó; ở Việt Nam thì đem ém hết những chuyện đó. Còn chuyện công an đánh chết người, tra tấn chết người mà không có thông tin gì.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, quyền biểu tình của người dân ở những quốc gia như Hoa Kỳ và ở Tây Âu đều được đảm bảo. Tuy nhiên, tại Việt Nam dù có trong Hiến pháp, nhưng người dân không được thực hiện quyền đó vì bị pháp luật Việt Nam cho việc đó là bất hợp pháp và từ thế lực thù địch.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch hội luật gia TP. HCM, cho biết hiện tại, Việt Nam chưa có luật biểu tình vì trong chương trình làm luật, chất lượng về vấn đề này chưa được đảm bảo, dù quyền này có được nêu lên trong Hiến pháp:
“Việt Nam thì bây giờ nó chưa có cái luật biểu tình. Luật biểu tình thì trong cái chương trình làm luật, thì chất lượng nó chưa đảm bảo, do đó phải đợi đến Quốc hội khóa tới thì mới xem xét được. Hiện nay, luật biểu tình của Mỹ đã có rồi; ở Việt Nam hiện nay thì đang xem xét mặc dù Hiến pháp cho phép biểu tình. Ở điều 69 ở Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do có quyền thông tin, có quyền hội họp, lập hội biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết khi muốn hội họp, người dân cần phải xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để phòng trường hợp có gây rối, mất trật tự công cộng thì nhà nước có thể xử lý những hành động đó theo pháp luật.
Theo ý kiến của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, những bạo loạn xảy ra trong các cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ những ngày vừa rồi là cái giá của quyền tự do dân chủ:
“Câu chuyện để đánh giá cái giá phải trả cho cái tự do dân chủ như thế, nó là một câu chuyện dài. Tôi chỉ có thể nói một cái ngắn gọn, bất cứ một cái tư tưởng, một cái ý thức hệ nào về tự do dân chủ, nó đều phải tương thích với cái kinh tế chính trị của quốc gia đó. Cái thứ hai nữa là nó ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa và giáo dục để đi tới một cái tư tưởng tự do; khi mà tiếp nhận, nó cũng ảnh hưởng từ giáo dục.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định, những cuộc biểu tình tương tự sẽ không xảy ra ở Việt Nam, với lý do chế độ độc đảng của nhà nước Việt Nam kiểm soát thông tin báo chí rất chặt chẽ. Với những hạn chế thông tin của nhà cầm quyền, tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng người dân tại Việt Nam có thể nắm được những gì xảy ra trên thế giới nhiều hơn là trong nước khi ông đưa ra ví dụ về vụ án xảy ra tại Đồng Tâm:
“Cho đến nay làm sao dân có thông tin ở vụ Đồng Tâm được, bởi vì trong cái xã hội này không thể nào có vụ độc lập về Đồng Tâm, mà giả sử có như vậy thì báo nào dám đăng. Những gì trong vụ Đồng Tâm đều thông tin từ Bộ Công an cả, thành ra khó mà trông đợi cái việc thông tin khách quan ở Việt Nam.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng kết luận, vụ việc ở Mỹ thì (thông tin) ở Việt Nam còn có khả năng khách quan hơn là thông tin cho chuyện tương tự xảy ra ở trong nước. Ở Việt Nam, người ta có thể đấu tranh, đòi quyền tự do cho chuyện dân sinh ở châu Phi, nhưng mà ngay trong nước thì khó lòng đấu tranh cho chuyện đó.