Bên Trong Vỏ Kén Vàng

1
66
Inside the Yellow Cocoon Shell

Hao-Nhien Vu

Bên Trong Vỏ Kén Vàng, hay, Làm Sao Tôi Có Thể Xem Phim Dài 3 Tiếng

Hôm qua cùng một số bạn bè đi coi phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng Anh là Inside the Yellow Cocoon Shell) của đạo diễn Phạm Thiên Ân ở Los Angeles, có đạo diễn hiện diện Q&A với khán giả. 

Buổi chiếu phim diễn ra tại rạp Egyptian, một rạp lâu đời và nổi tiếng nằm trên Hollywood Boulevard, do American Cinematheque tổ chức. American Cinematheque là kiểu một hội những người thích điện ảnh, thường chiếu các loại phim mà rạp thương mại ít chiếu, chiếu bằng format phim nguyên thủy (không digitize), và chiếu tại những rạp “xịn” ở L.A. như rạp Egyptian và rạp Los Feliz. (Cinematheque sẽ tiếp tục chiếu fin này từ Jan 25 tới Feb 1. Xem link trong còm.)

Rạp Egyptian có 516 ghế, lúc vô thì mấy hàng sau đầy hết, chỉ còn một số ghế ở nửa đầu. Lúc phim bắt đầu chiếu thì có lẽ cũng đầy gần hết, chắc hơn 450 người có mặt. Giải thưởng Caméra d’Or tại Cannes chắc chắn có sức hấp dẫn với hội viên American Cinematheque đa số là dân cinephile. (Giải Caméra d’Or là giải “phim đầu tay xuất sắc nhất” chứ ko phải giải về camera; tên gọi vậy thôi.) Lúc phim chấm dứt và phần Q&A bắt đầu, nhìn quanh thấy vẫn còn gần như đầy đủ chừng nấy khán giả. Dân cinephile, khác với tui, chắc hẳn đã quen xem phim 3 tiếng.

Nhưng dù chưa quen, tui cũng coi đủ 3 tiếng, ko ngán. Phim mở đầu với một người bạn của nhân vật chính (Thiện, Lê Phong Vũ đóng) bỏ thành phố lên núi tìm đức tin. Thiện mỉa mai người bạn, kiểu, mấy đứa lên núi tu tiên rồi tới lúc hết tiền cũng phải về lại thành phố thôi. Nhưng rồi chỉ vài cảnh sau đó, sự cố diễn ra khiến chính Thiện phải lên núi, trở về xóm đạo nơi Thiện sinh ra và lớn lên, bắt đầu cuộc hành trình tìm đức tin của Thiện.

SPOILER ALERT! SPOILER TƯNG BỪNG LUÔN, AI CHƯA COI FIN ĐỪNG ĐỌC TIẾP!

Phim không thuộc loại phim kể truyện, mà là phim diễn biến tâm lý với tính biểu tượng cao. Biết nhiều về symbolism, nhất là biểu tượng Công giáo, sẽ dễ hiểu phim hơn. Nếu người Công giáo đi tìm đức tin của mình với Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế (cứu chuộc thế nhân), thì trong phim Thiện đi tìm một người tên Tâm mà Thiện nghĩ rằng có thể cứu giúp được cho Đạo, đứa cháu ruột mồ côi. Chọn những tên như Thiện, Tâm, Đạo, đạo diễn chắc cũng cố ý.

Thiện thuộc loại người không thấy không tin. Vì nghề của anh là thế, nghề quay video đám cưới và làm ảo thuật lừa con nít. Chỉ một vài click là cảnh đám cưới có thể khác hẳn, giữ những gì mình muốn và bỏ những gì mình không muốn, nên đâu có thể chỉ bảo tin, là Thiện tin được. Anh bạn biểu “tao lên núi tìm đức tin,” Thiện ko tin. Người ta nói “anh Tâm bỏ vợ đi” Thiện cũng ko tin.

Chỉ có một chuyện trong phim mà có vẻ Thiện tin, là lúc Cụ Lưu kể chuyện đi lính Cộng Hòa bị Việt Cộng bắn rồi giải ngũ về làm cảnh sát, là Thiện tin, vì cụ còn giữ tất cả giấy tờ quân dịch, tờ chứng nhận giải ngũ có chữ ký ông Trung tá, viên đạn bắn trúng cụ, và vết thẹo của viên đạn mà cụ để cho Thiện nhìn tận mắt rờ tận tay.

Phim pha lẫn những cảnh thật, cảnh hồi tưởng, và cảnh mơ. Nhưng rốt cuộc có phải tất cả đều là mơ? Ngay cả ông Tâm, có thật không hay chỉ là trong tiềm thức của Thiện? Chẳng phải Thiện đã cần đi khám bác sĩ vì cứ nửa đêm về sáng là nghe tiếng gọi từ chính bên trong mình?

Nếu Thiện mơ, thì khó thức lắm. Trong phim có ba lần Thiện bị đánh thức. Đồng hồ báo thức ai để nhầm giờ ban đêm, không ảnh hưởng gì. Hai con gà trống đua nhau gáy rầm trời, cũng không. Nhưng một ông nông dân lay Thiện dậy, bảo, “Đây là vườn của tôi, làm gì có Tâm nào ở đây,” thì Thiện mới tỉnh. Lần đầu tiên mình thấy Thiện tắm, là lúc Thiện nằm xuống suối, như tự mình rửa tội, sau khi chợt hiểu tất cả – hiện tượng mà tiếng Anh gọi là epiphany và tiếng Việt dịch với nghĩa khá hẹp, không đầy đủ, là Hiển linh. Trong lịch Công giáo, lễ Hiển Linh là lúc mà Chúa Cứu Thế tự thể hiện mình cho người ngoại đạo. 

Vậy cuối cùng đức tin ở đâu, ơn cứu độ ở đâu? Cho tới thời điểm phim kết thúc, thì Thiện đã trút bỏ được gánh nặng đi tìm Tâm, và cháu của Thiện, em Đạo, đang được cưu mang bởi các sơ trong một trường nội trú nhỏ miền núi. Cứu cánh của Thiện do Thiện tự tìm ra, cứu cánh của Đạo là các sơ, mà các sơ là người (phim cho thấy sơ cũng có dĩ vãng), không phải là Chúa. Vậy kết luận là sao? Mọi chuyện do người làm, không phải do Chúa làm? Hay, mọi chuyện do người làm, nhưng qua sự an bài của Chúa? Phim không trả lời câu hỏi đó.

1 COMMENT

  1. Hi i think that i saw you visited my web site thus i came to Return the favore I am attempting to find things to improve my web siteI suppose its ok to use some of your ideas

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here