RFA
Vào ngày 16/1, Nhà Xuất Bản Tự Do đã xuất bản Báo cáo Đồng Tâm bằng tiếng Anh với những thông tin tổng hợp từ các nguồn bao gồm các Facebooker vẫn giữ liên lạc với người dân Đồng Tâm và cả nguồn của báo chí nhà nước. RFA có cuộc phỏng vấn Nhà báo Phạm Đoan Trang, người cùng tham gia thu thập thông tin và thực hiện bản báo cáo dài 28 trang này chỉ trong hai này.
RFA: Xin chị cho biết chị mong đạt được điều gì khi đưa ra báo cáo này?
Phạm Đoan Trang: Mong là đạt được rất nhiều điều khi viết báo cáo như vậy nhưng thực tế đến đâu thì không biết được. Tóm lại hai mục đích chính: một là nguồn tham khảo, hai là để lưu trữ, ngoài ra tôi nghĩ còn những tác dụng khác.
Đầu tiên mình mong có nguồn tin để các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan đến nhân quyền như Việt Nam có nguồn tham khảo. Như chúng ta đều biết là từ đầu, ngay từ khi chưa xảy ra vụ Đồng Tâm đến tận bây giờ thì Đảng cộng sản Việt Nam, chủ yếu là Bộ Công an rất tự tin về quyền được ban phát thông tin, tức chỉ có thông tin từ họ mới được coi là chính thống. Họ chặn những nguồn khác, phong tỏa làng không cho người dân được tiếp xúc tiếp cận với bất kể người nào ngoài làng, chưa nói đến chuyện báo chí. Họ khống chế độc quyền mọi nguồn tin và gán nhãn phi chính thống, phản động, thù địch cho các nguồn tin khác nên tất cả các nhà báo lề dân ủng hộ người dân Đồng Tâm cũng tìm cách chia sẻ thông tin rất nhiều nhưng ở trên Facebook rất tản mác, không có kho lưu trữ chính thức, đặc biệt rất khó dẫn nguồn. Chúng ta đều biết những báo cáo khoa học, những báo cáo nói chung của giới nghiên cứu hay ngoại giao… của nước ngoài hay các tổ chức nhân quyền quốc tế không thể dựa vào nguồn Facebook, các thông tin dẫn từ status trên Facebook được, phải có nguồn chính thức, tốt nhất là văn bản.
Thứ hai nữa là chúng tôi tin rằng cộng sản Việt Nam nói chung có truyền thống tư duy nhiệm kỳ. Họ không nghĩ gì xa hơn nhiệm kỳ của họ và luôn tìm cách xóa bỏ ký ức dân tộc, xóa bỏ tất cả những gì có thể được lưu trữ lại, làm sao để sau nhiệm kỳ họ hạ cánh an toàn, không còn gì lưu lại. Chính vì họ không muốn nên chúng ta càng phải lưu lại hết những tội trạng của họ, những ngày tháng đen tối này, đặc biệt là vụ án khủng khiếp ở Đồng Tâm. Nó là một vụ tôi nghĩ gọi là tổ chức tấn công dân một cách có quy mô, có bài bản, lớp lang chuẩn bị từ trước nhiều ngày sau đó tìm cách khống chế thông tin, định hướng dư luận.
RFA: Chị đã gặp khó khăn gì trong việc thu thập thông tin cho báo cáo để đảm bảo tính trung thực và công bằng khi luồng thông tin về Đồng Tâm rất hạn chế và chủ yếu đến từ chính phủ?
Phạm Đoan Trang: Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. Trong việc tuyên truyền thì nhất thiết phải bịt miệng các bên liên quan để mình được nói, hay nói như nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn là “tắt micro đi để chỉ một bên tranh luận”. Chuyện đó chúng tôi cũng quen rồi, không có gì to lớn, thậm chí chúng tôi nghĩ rằng càng bịt miệng dân thì số người có nhu cầu cất tiếng nói lại càng nhiều nên chúng tôi không lo việc thiếu thông tin từ phía các nạn nhân Đồng Tâm. Cái chúng tôi lo là vấn đề bảo vệ nguồn tin vì công an thật sự áp dụng chính sách khủng bố rất khủng khiếp đến những người tiết lộ thông tin ra bên ngoài nên phải làm sao để không lộ nguồn tin ra để không lộ nguồn tin ra để công an trả thù.
Khó khăn thứ hai là thông tin từ phía nhà nước tưởng nhiều nhưng lại không có gì. Họ tổ chức họp báo, cung cấp chính thống mà chẳng có gì cả, tất cả mang màu sắc bịa đặt, có dấu hiệu dựng chuyện, dựng vụ án lên và thậm chí là tội vu khống, nhất là vu khống cho người đã mất. Thì khó khăn là làm sao lấy được thông tin từ phía thủ phạm, tức Bộ Công an.
RFA: Trong những thông tin mà chị có được cho báo cáo, chị có được thông tin nào mới nhất về số lượng thương vong của người dân Đồng Tâm không, ví dụ như có tin đồn về con ông Lê Đình Kình và cháu ông chết là đúng hay không?
Phạm Đoan Trang: Vì họ bị giam cầm nên chúng ta không thể xác định được họ còn sống hay đã chết và đang ở đâu. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng công an tung tin ra nhiều để định hướng dư luận và để thăm dò, truy tìm nguồn tin xem ai tiết lộ ra bên ngoài nên tin giả rất nhiều mà lại do chính công an tung ra.
RFA: Trong báo cáo này, chị đã nêu ra 4 điểm nghi vấn chính về vụ tấn công ở Đồng Tâm. Xin chị có thể vắn tắt lại những nghi vấn này cho độc giả của RFA được biết?
Phạm Đoan Trang: Điểm nghi vấn thứ nhất là về mục tiêu cuộc tấn công đó. Ban đầu chính phía nhà nước nói đây là cuộc cưỡng chế mà rõ ràng sau khi các Facebookers chỉ ra rằng không thể cưỡng chế vào ban đêm mà theo Luật Đất đai 2013 của chính Việt Nam thì chỉ có thể cưỡng chế trong giờ hành chính. Lúc đó kịch bản được xây dựng theo hướng khác là không cưỡng chế, đang xây dựng hàng rào thì bị một nhóm người nhảy ra tấn công. Như vậy chúng ta phải biết được là mục đích cuộc này là cưỡng chế hay bị phục kích? Bị phục kích gì mà lại truy đuổi đến tận nhà dân xong nổ súng bắn theo kiểu vậy, tôi nghĩ chẳng phải bị phục kích.
Nghi vấn thứ hai là những thông tin về phía ‘truyền thông bẩn’. Tôi gọi truyền thông bẩn, truyền thông đen là của phía công an lập ra nhưng lại không nói là của công an (dư luận viên). Ví dụ như tung ra một ảnh xác chết cháy thành than và nói đây là một chiến sĩ bị bọn phản động phóng hỏa giết chết, nghe tiếng thét anh ấy khủng khiếp, đau đớn, căm thù thấu gan bọn phản động, khủng bố. Nhưng chúng ta không khó khăn lắm cũng biết được rằng một con người đang sống mà chết cháy thành than như vậy mất đến 3, 4 tiếng. Trong thời gian đó các đồng đội anh ta làm gì mà không giải cứu anh ta? Ít nhất là dập lửa để không cháy đến như thế. Cũng liên quan đến nghi vấn này thì chúng ta đặt câu hỏi vậy những trang web tung tin như thế là những trang web gì, có nhận chỉ đạo từ công an, thông tin có nhận từ Bộ Công an cấp không?
Nghi vấn thứ ba là cái chết của cụ Lê Đình Kình: cụ chết như thế nào, sao trên người lại có vết đạn thủng, lý do gì một cụ già 84 tuổi đang què chân đêm không ngủ lại đi ra khu vực cách nhà 2,5-3km để chỉ đạo cuộc tấn công khủng bố như vậy?
Nghi vấn thứ tư là công an cáo buộc nhóm này tàng trữ vũ khí. Điều này cho thấy công an có dấu hiệu quá rõ việc vi phạm tố tụng, nguyên tắc chuẩn mực tố tụng trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ của Việt Nam. Tức việc tìm kiếm bằng chứng, thu thập bằng chứng để cáo buộc người nào đấy là tội phạm phải có một quy trình làm chính xác, bài bản. Vấn đề đặt ra là Bộ Công an và công an nói chung đã biết được thời điểm gia đình này nếu có tàng trữ vũ khí từ khi nào. Nếu biết từ lâu tại sao không có những bước khác đúng quy trình hơn? Nếu dùng tất cả những biện pháp khác mà không được mới phải đi đến biện pháp tấn công, tiêu diệt, vậy tại sao không dùng những biện pháp khác? Ví dụ như không báo trước, trinh sát ngoại tuyến, tìm tài liệu, thu thập bằng chứng, chụp ảnh… thì ai phản đối được họ. Nhưng họ không dùng những cách đó, họ không theo một cách nào khác chứ đừng nói đến chuyện khai thác các biện pháp khác không được mới dùng giải pháp này. Tức họ đã dùng vũ khí thái quá ngay từ đầu, dấu hiệu sử dụng vũ khí của họ là bất hợp pháp.
Ngoài ra còn rất nhiều điểm khác nhưng do thười gian làm báo cáo rất gấp, tôi chỉ có 2 ngày để viết 28 trang tiếng Anh nên không thể đưa hết, nhưng chắc sẽ thường xuyên cập nhật báo cáo, bổ sung thêm.
RFA: Theo chị, vụ tấn công của công an vào Đồng Tâm đã vi phạm luật pháp như thế nào?
Phạm Đoan Trang: Vi phạm luật pháp Việt Nam gồm Luật Đất đai, Luật Quản lý vũ khí, những quy định sử dụng vũ khí của ngành Công an. Ngoài ra còn vi phạm hàng loạt các luật liên quan đến xét xử công bằng, tức Luật Tố tụng, như quy trình bắt người, giam giữ người, tra tấn, ép cung, biệt giam, tất cả những điều này vừa vi phạm luật quốc tế và Việt Nam về nhân quyền.
RFA: Việc người dân Đồng Tâm trước đó có video kêu gọi chống trả và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất, theo chị có gây bất lợi gì cho họ?
Phạm Đoan Trang: Theo tôi những lời tuyên bố bằng miệng của một bên trong tình trạng bên đó đang bị đe dọa không thành bằng chứng đe dọa, âm mưu giết người hay giết người được. Chúng ta đều biết tình trạng bà con Đồng Tâm khi đó ở vào tình trạng phải tự vệ, gần như họ phải gồng mình lên theo kiểu ‘có giỏi cứ vào đây, chúng tao giết’ hay ‘cứ vào đây mày biết tay tao’. Đấy là một câu dọa, ở tình huống bình thường thì có thể dính vào đe dọa giết người, cũng là một tội. Nhưng trong bối cảnh này rõ ràng họ nói trong hoàn cảnh tự vệ, phòng vệ và tìm cách ngăn chặn việc có thể bị bên khác tấn công. Nên họ gồng mình nói vậy tôi nghĩ không đúng nguyên tắc về tâm lý cũng như luật pháp không đủ cấu thành đe dọa giết người hay khủng bố.
RFA: Chị nhận xét thế nào về những lời thú tội của những người dân Đồng Tâm được phát trên truyền hình quốc gia thời gian vừa qua?
Phạm Đoan Trang: Trong cuốn sách của tôi năm ngoái, cuốn Cẩm nang nuôi tù có nhắc đến tình trạng ép công dân nhận tội rồi quay phim đưa lên tivi phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Tôi có viết trong sách là công an Trung Quốc và công an Việt Nam rất thích sử dụng chiêu này và coi như điều tra như vậy là xong. Nếu chúng ta hiểu sâu về luật pháp quốc tế cũng như nhân quyền chúng ta đều thấy những lời nhận tội đó không có giá trị pháp lý gì cả vì họ nhận tội trong tình trạng bị ép cung, bị tra tấn, không có luật sư, không có mặt bên thứ ba nào cả thì những lời đó rõ ràng chẳng có hiệu lực. Như chúng ta hay nói câu ‘trói lại mà đánh ai chẳng chết’ tức nhốt người ta lại, đánh đập, sau đó ép nhận tội, thậm chí đánh đập dã man. Những dấu vết trên mặt anh Lê Đình Công khi anh xuất hiện trên truyền hình cho thấy có thể anh bị bỏng, ví dụ họ dí thuốc lá đang cháy vào mặt, hay dùng dùi cui điện chích thẳng vào mặt. Tôi nghĩ ở tình trạng đấy người ta nhận tội cũng không có gì lạ.
RFA: Vụ Đồng Tâm chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân địa phương, mà theo nhận xét của nhiều người là bắt nguồn từ việc Hiến pháp không chấp nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Báo cáo đánh giá đây là vụ tranh chấp gây đổ máu nhiều nhất trong khoảng 10 năm qua, chị có nghĩ rằng liệu chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi quy định về sở hữu đất đai trong tương lai để giải quyết vấn đề này hay không?
Phạm Đoan Trang: Nhiều người có nói rằng vụ việc bắt nguồn từ vấn đề gây tranh cãi là khái niệm ‘đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện quản lý’ dẫn đến vụ tranh chấp như thế này. Tôi nghĩ rằng khi Đảng Cộng sản Việt Nam còn cầm quyền thì sẽ không có chuyện thay đổi cả Hiến pháp hay những điều như Điều 53 của Hiến pháp về chuyện đất đai. Bởi vì đất đai, xã hội dân sự, kinh tế tư nhân hay nói chung là nguồn lực đất nước là những thứ Đảng cộng sản bằng mọi cách phải kiểm soát bởi đó là nồi cơm của họ sao họ nhả ra được. Nếu không thì họ lấy đâu ra tiền, quỹ đảng không thể nuôi Đảng cộng sản hay bộ máy nhà nước này nên phải có nguồn lực như vậy. Nên tôi nghĩ không có thay đổi gì trong Điều 53 của Hiến pháp chừng nào Đảng cộng sản còn cầm quyền độc tôn như hiện nay.
RFA: Theo chị, đối với những người dân khác đang gặp rắc rối về những tranh chấp đất đai với chính quyền ở các địa phương khác trên cả nước, vụ Đồng Tâm có thể cho họ bài học gì?
Phạm Đoan Trang: Với những người dân oan tranh chấp đất đai ở những địa phương khác cũng như với người dân Việt Nam nói chung, tôi cho rằng vụ Đồng Tâm để lại một ấn tượng, một bài học không có điểm dừng trong cách hành xử tàn bạo của nhà nước cộng sản công an trị như nhà nước Việt Nam bây giờ. Họ sẽ không bao giờ chọn biện pháp đối thoại chính trị ôn hòa hay vận động một cách lương thiện, thuyết phục một cách đàng hoàng, văn minh mà bao giờ cũng là bạo lực. Họ luôn nghĩ bạo lực trước tiên, bạo lực là đòn mạnh nhất và hiệu quả nhất mà họ nghĩ và dùng luôn trong mọi trường hợp. Tôi nghĩ bài học rút ra là chúng ta không nên mơ hồ về sự tàn bạo và vô nhân của bộ máy nhà nước công an trị. Một bên đã hành xử quá mức như vậy thì bên kia tìm cách đối phó rất khó khăn. Chúng ta đều thấy thuyết phục bên ngoài thì họ không nghe, còn đấu tranh thì bị đàn áp, vậy giải pháp nào vẫn là câu hỏi rất đau đầu.
RFA: Liệu chính quyền Việt Nam có rút ra được bài học gì từ vụ Đồng Tâm này?
Phạm Đoan Trang: Chính quyền Việt Nam chỉ rút ra bài học trong vụ đồng Tâm này nếu họ thất bại. Tức nếu họ thấy cách sử dụng bạo lực không đi về đâu, thậm chí gây thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến nồi cơm, đến tiền và tính mạng của họ thì họ mới rút ra bài học chứ với tình trạng vẫn không làm sao cả thì họ sẽ không rút ra bài học nào. Nguyên tắc của những kể gây tội ác là khi cái ác không bị kiểm soát, những người gây tội ác không bị chịu trách nhiệm thì chẳng có lý do gì để đảng cộng sản dừng khủng bố và đàn áp. Bởi vì họ không bị chế tài, không bị trừng phạt mà lại hiệu quả vì mỗi lần làm như vậy thì nỗi sợ lan rộng, vậy tại sao không làm? Họ sẽ còn dùng tiếp phương pháp bạo lực của họ.
RFA: Báo cáo đề cập đến 4 yêu cầu, chị có hy vọng gì về việc những đề xuất này sẽ được thực hiện hay không?
Phạm Đoan Trang: Tôi nghĩ không có hy vọng gì. Đề xuất yêu cầu chính quyền Việt Nam tổ chức điều tra độc lập hoặc để các phái đoàn quốc tế vào điều tra thì thôi nghĩ chúng ta đều biết không có chuyện đó. Nhưng dù vậy vẫn cần được nêu ra bởi vì cần cho thế giới cũng như dân trong nước thấy sự từ chối hành xử văn minh của nhà nước cộng sản Việt Nam thế nào.
RFA: Chị đã nhận được phản hồi gì từ các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức nhân quyền về báo cáo này?
Phạm Đoan Trang: Họ đang đọc. Tất cả đều cảm ơn và nói rằng thời điểm này họ cực kỳ cần tài liệu như vậy vì họ không có nguồn thông tin nào. Họ cũng như chúng ta nguồn tin đều từ Bộ Công an thì họ cần báo cáo như vậy. Tôi nghĩ họ sẽ có các động thái liên quan trong thời gian tới.
RFA: Tiếp theo, nhóm hành động vì Đồng Tâm có dự định làm gì nữa thưa chị?
Phạm Đoan Trang: Chúng tôi vẫn dự định làm rất nhiều việc những không nói công khai được vì phải bảo vệ nguồn tin và giữ bí mật chính những việc mình đang làm để công an không phá.
RFA: Theo Ân Xá Quốc Tế đã có 3 facebookers bị bắt giữ vì đưa tin về Đồng Tâm. Công bố bản báo cáo vào lúc này, chị có sợ nguy hiểm gì cho bản thân cũng như những người cùng thực hiện?
Phạm Đoan Trang: Thật ra cũng như những người khác, tôi cũng sợ, tôi cảm thấy được sự căm thù của công an đối với mình lên mức nào nhưng việc thì vẫn phải làm vì sợ hay không sợ thì họ vẫn đàn áp, đâu phải vì mình sợ hãi mà họ buông tha. Tôi luôn nghĩ nỗi sợ hãi ngăn chặn chúng ta làm mọi việc. giả sử bây giờ mười mấy ngàn nhà báo, hơn 1.000 cơ quan báo chí, giá như mỗi cơ quan báo chí chỉ cần một nhà báo dám lên tiếng thì đã có dân chủ lâu rồi. Vấn đề là nỗi sợ đã giết chúng ta, khiến chúng ta không làm được gì. Trước khi công an cộng sản hay nhà nước cộng sản kịp ra tay thì chúng ta đã thúc thủ.
RFA: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho RFA.