Bản tin sáng 5-1-2018

    0
    135
    TIẾNG DÂN

    Tin trong nước

    Tin Biển Đông

    RFA bàn về Biển Đông trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. TS. Đinh Hoàng Thắng, nhà ngoại giao kỳ cựu, đánh giá Chiến lược An ninh Quốc gia của Chính quyền Trump: “Về cái độ rắn của nó, người ta xếp nó ở giữa cái NSS của G.W.Bush và Obama. Bush ngày xưa đưa ra chiến lược ‘đánh phủ đầu’. Còn Obama thì nặng về ngoại giao. Ông này đặt ở giữa”.

    GS Nguyễn Khắc Mai lý giải chuyện Chính quyền TT Trump gọi Trung Quốc là đối thủ, trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017: “Trump đánh giá Trung Hoa là một thế lực phát triển hung hăng. Mà cái hung hăng này là nó cộng cả cốt tính của người Hoa – đại Hán, bành trướng, tham lam”.

    Báo Dân Trí đưa tin: Trung Quốc khởi động đóng tàu sân bay thứ ba. Theo tin từ các nguồn thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết: “Tập đoàn đóng tàu Shanghai Jiangnan đã được cho phép khởi động kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc”, sau khi giới chức lãnh đạo quân đội họp tại thủ đô Bắc Kinh.

    Theo một nguồn tin khác, “các thợ đóng tàu và kỹ thuật viên từ Thượng Hải và Đại Liên đang tham gia chương trình đóng tàu sân bay thứ ba”. Dự kiến, tàu sân bay thứ ba của Bắc Kinh sẽ có lượng giãn nước khoảng 80.000 tấn, “nhiều hơn tàu sân bay Liêu Ninh khoảng 10.000 tấn”.

    Trong năm 2017, truyền thông Trung Quốc đã công khai ý định triển khai tàu sân bay để tập trận trên Biển Đông. Thậm chí Bắc Kinh đã tính đến chuyện dùng tàu sân bay nội địa để đối đầu với tàu sân bay của Mỹ, và Nhật.

    Mời đọc thêm: Vai trò của Ấn Độ trong “tứ giác kim cương”: Ấn Độ xây “siêu căn cứ” gần Malacca, có thể can dự Biển Đông đối phó Trung Quốc (Viet Times). – Tàu tuần tra Hoa Kỳ cấp cho VN về đến Vũng Tàu (RFA).

    Chính trường Việt Nam những ngày đầu năm

    RFA bàn về sóng thần trên chính trường VN” năm 2018. Về bản chất chiến dịch “đốt lò” của bác Tổng, nhà báo Bùi Tín nhận định, đó “chỉ là các phe phái ở trong Đảng chia ăn với nhau thôi. Nếu chống tham nhũng thì cả chế độ này sụp đổ rồi bởi vì chế độ này tham nhũng đầy cả ra, tất cả các cấp thì làm sao mà tồn tại được”.

    Theo ông Bùi Tín, công cuộc “chống tham nhũng”, thực chất là cuộc thanh trừng nội bộ để giúp bác Tổng giữ vững quyền lực, sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2018, với mục tiêu cuối cùng là cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2016. “Tương lai bấp bênh lắm bởi vì chống tham nhũng chỉ là hình thức thôi còn thực chất là các phe phái trị nhau và bênh nhau. Cho nên nó không có công tâm, không có pháp luật”.

    Về những người giúp bác Tổng đốt lò, báo VnExpress có bài: Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương từng ‘bị mua chuộc, doạ dẫm’. Ông Hà Quốc Trị, một Uỷ viên UBKT Trung ương, chia sẻ về những khó khăn của chuyện “chọn củi”: “Đầu tiên là họ không đồng tình, hoặc phản ứng. Quá trình kiểm tra khó nhất là làm rõ đúng sai. Bởi vì những người được kiểm tra ít khi nhận khuyết điểm, sai phạm của mình ngay”.

    Về khái niệm lạ “nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa, “bà Quỳnh Anh chỉ là nhân viên tạp vụ nhưng được đưa lên làm thủ quỹ, không có bằng chuyên môn về xây dựng lại đi bổ nhiệm phó, trưởng phòng khi chưa có quy hoạch”. Nói cách khác, đó là hành động trao quyền cho người không có khả năng, dựa trên những điểm tựa “không trong sáng”.

    Nỗi ám ảnh “tự diễn biến” vẫn tiếp diễn. Báo Nhân Dân có bài: Tiếp tục củng cố, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Một trong những “nhiệm vụ” do Ban Chỉ đạo 94 Quân ủy Trung ương triển khai trong hội nghị tổng kết năm 2017 tổ chức ngày 4/1/2018: “Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.”

    Mời đọc thêm: Cán bộ bị tố ‘trả đũa’ người phê bình mình (PLTP). – Muốn chống tham nhũng phải trị được “bệnh” lạm quyền! (DT). – Ban Chỉ đạo 94 Quân ủy T.Ư: Dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn mới (VOV). – Thủ tướng giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 (TTXVN). – Vụ Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong: Ngôi nhà sáng đèn nhưng chưa bao giờ thấy người (DT).  – Điều tra nguyên nhân chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong (NLĐ). – 3 uẩn khúc vụ chủ tịch huyện tử vong sau khi mất tích (Zing).

    “Củi mạ nhôm” vào lò

    Báo Pháp Luật TP HCM tổng hợp thông tin về vụ bắt Vũ “nhôm”. Chiều 4/1/2018, Bộ Công an thông báo đã tiếp nhận và bắt ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, sau khi ông ta bị Singapore trục xuất. Thông tin từ báo Straits Times cho biết: “Phan Van Anh Vu” bị tạm giữ khi đang đi qua chốt kiểm soát hải quan tại Tuas, là chốt kiểm soát “nằm trên tuyến nối giữa Singapore và Malaysia”.

    Báo Pháp Luật TP đưa tin: Đã bắt Vũ ‘nhôm’. Bài viết cho biết, lý do Singapore trục xuất Vũ ‘nhôm’ là vì ông ta sử dụng hộ chiếu giả. Ngoài hộ chiếu Việt Nam, ông Vũ còn có hộ chiếu do đảo quốc Antigua và Barbuda cấp:

    Hộ chiếu của ông Vũ do Antigua và Barbuda cấp. Ảnh: báo PLTP

    BBC đưa tin: Luật sư của Vũ “nhôm” tại Singapore nói về việc trục xuất. LS Remy Choo bày tỏ sự thất vọng về chuyện Vũ “nhôm” bị trục xuất khỏi Singapore mà ông Choo không được báo trước. Theo lời kể của LS Remy Choo, trong lúc ông này đang thu thập thông tin để làm hồ sơ kháng cáo cho thân chủ, Vũ “nhôm” đã bị phía Singapore trục xuất “vào lúc 1:58 chiều”. Đến “4:40 phút chiều”, LS Choo mới được thông báo.

    Về chuyện an ninh Việt Nam phối hợp với phía Singapore đưa Vũ “nhôm” về nước mà không để Vũ và các luật sư kịp phản ứng, luật sư mổ xẻ vụ bắt Vũ ‘nhôm’. LS Vũ Đức Khanh nói với VOA: “Quyết định của Singapore là một quyết định chịu áp lực rất lớn từ phía Việt Nam, hoặc là đã có một sự thỏa thuận ngầm nào đó”.

    Một số tình tiết bất thường trong vụ Vũ “nhôm” bị giữ ở Singapore: Đến sát ngày trục xuất, phía Singapore mới cho luật sư đại diện gặp Vũ “nhôm”, đến lúc ấy, Vũ “nhôm” và các luật sư vẫn không được biết về quyết định trục xuất. LS Khanh nói rằng: “Có những vấn đề đằng sau mà có thể công chúng sẽ không bao giờ được biết đến”.

    Niềm hy vọng bị biến mất của LS Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf: Vũ ‘Nhôm’ đã có thể là nhân chứng cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Trao đổi với VOA, bà Petra Schlagenhauf kể rằng, bà đã hy vọng “ông Vũ có thể là một nhân chứng then chốt cho cuộc điều tra về vụ bắt cóc thân chủ của tôi Trịnh Xuân Thanh”.

    Theo một số nguồn tin từ Việt Nam của báo Asia Times, cho biết, Vũ “nhôm” đã mang theo “nhiều tài liệu mật khi chạy chốn sang Singapore”, trong đó có thông tin về những bằng chứng có thể làm rõ chủ mưu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Vũ sẵn sàng giao những tài liệu này cho phía an ninh Đức, để được bảo vệ khỏi những kẻ Vũ từng gọi là “đồng chí”.

    Vũ “nhôm” về, nguy cơ lộ cả đường dây: Bắt được Vũ, phải tìm ra người cung cấp bí mật nhà nước. Đại tá Lê Công Thạnh, một cựu sĩ quan an ninh đã lên tiếng về vụ Vũ “nhôm” trước cả cuộc khám xét nhà Vũ, bình luận: “Vấn đề là tại sao Vũ có bí mật để làm lộ? Tôi mong bắt được Vũ rồi, phải tìm ra người cung cấp để xử lý tới cùng!”.

    Facebooker Phạm Lê Vương Các có bài: Trục xuất Vũ “nhôm” về Việt Nam, Singapore vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Tác giả cho rằng, Singapore trục xuất ông Vũ là vi phạm luật quốc tế, vì Vũ “nhôm” vẫn còn khả năng nhập cảnh hợp pháp vào một nước khác ngoài Việt Nam. Vũ “nhôm” có quyền đến quốc gia “Antigua & Barbuda”, “là nơi ông Vũ có hộ chiếu và quốc tịch thứ hai”.

    Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa về quá trình Bộ Công an tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.

    Mời đọc thêm: Ông Phan Văn Anh Vũ bị Singapore trục xuất về Việt Nam(RFA). – Ông Vũ “nhôm” bị bắt sau khi bị Singapore trục xuất về Hà Nội(RFI). – Vì sao Singapore trục xuất Vũ ‘nhôm’? (TN). – ‘Vũ về’: Sẽ lộ đường dây bảo kê cho ‘Vũ đi’? (VOA/TD). – Vụ ”Vũ Nhôm” liệu có tác hại đến Việt Nam? (RFI). – Những vụ đào thoát bất thành của quan tham Việt (VNF). – Hành vi trốn ra nước ngoài của Vũ ‘nhôm’ có phải tình tiết tăng nặng? — Video: Toàn bộ hành trình trốn chạy của Vũ ‘nhôm’ (VTC). – Bắt Vũ “nhôm”: Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt (NĐT). – 45 năm quan hệ Singapore và Việt Nam (BBC). – Hàng chục công sản, dự án vào tay Vũ ‘nhôm’ (PLTP). – Vì sao Vũ ‘nhôm’ phải ngồi ghế 38C trên chuyến bay về Việt Nam? (VNBiz). – Vũ ‘nhôm’ – từ chiếc xe Toyota Avalon đến trại giam(Soha).

    Về TKV, quả đấm thủng ngân sách

    RFA đưa tin: Tập đoàn Than – Khoáng Sản sai phạm làm thất thoát gần 15 ngàn tỷ đồng. Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam xác nhận: Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình đầu tư tài chính trong các ngành nghề kinh doanh chính, bất chấp “cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các qui định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền”.

    Thanh Tra Chính Phủ VN cho biết, đã chuyển hồ sơ sai phạm của TKV, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, “sang cho Bộ Công An để điều tra, làm rõ”. Chiều 4/1/2018, đại diện TKV họp báo và “phản bác lại những kết luận của Thanh Tra Chính Phủ”.

    Mời đọc thêm: TKV khẳng định không sai phạm số tiền 15.000 tỷ đồng(KTĐT). – Tập đoàn Than và Khoáng sản lên tiếng về kết luận sai phạm 15.000 tỉ đồng (NLĐ).

    Nhân quyền ở Việt Nam

    Facebooker Bùi Thị Minh Hằng đưa tin về cựu tù nhân lương Tâm Vũ Hùng bị câu lưu ở phường Thanh Xuân Bắc. “Khi Vợ và con anh đến thì CA ở phường này mở còng tay anh, rồi lập tức cho ra taxi chở đi, anh Hùng chỉ kịp nói được câu “chúng nó dựng chuyện vu khống anh, rồi lao vào đánh anh” vợ anh đi theo bị gạt ra. Bây giờ chở đi đâu không rõ”.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra danh sách 10 nước bị lọt vào danh sách ‘Đặc biệt quan ngại’ (CPC) của Hoa Kỳ. Đó là danh sách các quốc gia đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm tự do tôn giáo. Ở khu vực châu Á có các “gương mặt” quen thuộc: Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran, Myanmar. Không có Việt Nam trong danh sách này.

    Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC từ năm 2006, mặc dù hiện nay các vi phạm về tự do tôn giáo liên tục bị tố cáo, nhưng Việt Nam vẫn thoát. VOA có bài: Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích vì CPC không có tên Việt Nam.

    Vụ án Đặng Văn Hiến

    Về vụ nông dân xả súng để bảo vệ đất ở Đắk Nông, báo Người Lao Động nhận định: Cần làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương. TAND tỉnh Đắk Nông đã quyết định tử hình ông Đặng Văn Hiến chỉ vì ông nổ súng tự vệ trước lực lượng công nhân Công ty Long Sơn đến cưỡng chế đất. “Giới luật sư nhận định bản án chưa thể hiện được bản chất vụ án, chưa xem xét trách nhiệm của chính quyền, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.

    Bà Mai Thị Khuyên, vợ của ông Đặng Văn Hiến, kể rằng: “Ngoài mảnh đất bị Công ty Long Sơn san ủi thì không còn nơi nào để sinh sống, canh tác”. Khi có người đến cướp đất, ông Hiến không thể không tự vệ. “Vì quá bức xúc trước hành vi ngang ngược của Công ty Long Sơn nên chồng bà mới gây ra tội lỗi”.

    Facebooker Nguyễn Hồng nhận định, phát súng của ông Hiến là phát súng bắn vào chế độ. Theo tác giả, “nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này chính là từ sự thông đồng ăn chia với doanh nghiệp, thói vô cảm với nỗi thống khổ của nhân dân”. Cho nên, người nông dân chỉ còn cách duy nhất để tự bảo vệ mình là chống lại bọn cường quyền.

    Ông Đặng Văn Hiến (phải) tại phiên tòa. Ảnh: Minh Quý/ Zing

    Facebooker Ngô Trường An đánh giá hành động “tráo trở”, “lật lọng” của phía an ninh, công an trong vụ Đặng Văn Hiến: “Công An Đắk Nông đến nhà vận động và viết thư kêu gọi anh Hiến ra đầu thú sẽ được hưởng khoan hồng. Tin lời công an, anh Hiến ra đầu thú, để hôm nay, tòa tuyên án tử hình”.

    Mời đọc thêm: Án tử hình cho người nổ súng chống cướp đất (RFA). – Băn khoăn tuyên án tử với người ra đầu thú (GT). – Cần bao nhiêu mạng người nữa? (FB Bạch Hoàn/ TD). – Những câu hỏi trong vụ Đặng Văn Hiến nổ súng làm 3 người chết (Zing).

    Luật trời ơi

    Thay vì tổ chức cho người dân học luật giao thông, giải thích cho người đi bộ hiểu tác hại của việc vi phạm luật ra sao, những người làm luật chỉ muốn bỏ tù dân: Từ năm 2018, sẽ phạt tù khi đi bộ sai luật. Mức án tù dành cho người đi bộ có thể lên đến 15 năm tù. Mặc dù phải đối diện với án tù khá nặng, thế nhưng nhiều người dân không biết gì về luật này.

    VTC có clip: Đi bộ sai luật, phạt tù đến 15 năm?

    Mời đọc thêm: Đi bộ phạm luật có thể bị án đến 15 năm (RFA). – Xử phạt người đi bộ vi phạm: Cần sự đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng (VTV). – Có thể bị phạt đến 800.000đ nếu bấm còi trong khu đô thị (QTV). – Sử dụng chung cư không phải để ở bị phạt tới 40 triệu đồng (VTC).

    Ô nhiễm môi trường

    Báo Nhân Dân đưa tin: Khai thác đá làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Thời gian qua, Công trường khai thác đá của doanh nghiệp Xuân Trường “thường xuyên nổ mìn khai thác mỏ đá gần sát nhà dân, khiến nhà cửa bị nứt toác, gây khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường”. Người dân ở khu vực xóm Khoang, thuộc tỉnh Phú Thọ, phải sống trong cảnh “nơm nớp lo sợ” vì công trường này chỉ cách một số nhà dân hơn 70m.

    Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã hoạt động khai thác đá từ khoảng năm 2004. Lãnh đạo UBND xã Hương Cần thừa nhận, từ đó đến nay, người dân thường xuyên phản ánh, kiến nghị. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không làm gì được doanh nghiệp này.

    Về hiện tượng “sông tuyết” ở Hà Nam, chuyên gia lý giải hiện tượng dòng sông nổi ‘bọt tuyết’ trắng xóa. GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường, giải thích: “Thực chất nước ở sông Nhuệ sau khi mở cống, bọt sủi trắng là từ các chất tẩy rửa tổng hợp, cộng thêm các loại chất khác nữa”. “Sông tuyết” ở Hà Nam là hệ quả của hiện tượng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

    Mời đọc thêm: Chi phí sản xuất lớn và gây ô nhiễm, Cty Luyện cán thép Gia Sàng phải dừng sản xuất (LĐ). – Kết quả của dự án “ngàn tỉ” gây ô nhiễm môi trường: Kiểm tra Nhà máy sô đa ‘nghìn tỉ’ đắp chiếu (MT&ĐT). – Thêm một dự án phải dừng với lý do ô nhiễm: Thái Nguyên: Vì sao Luyện cán thép Gia Sàng phải dừng sản xuất? (BXD). – Thêm thời gian hỗ trợ nạn nhân thảm họa môi trường biển Formosa (RFA). – Hãi hùng “sông tuyết” Hà Nam: Giờ ai dám mơ “về úp mặt vào sông quê”? (NĐT).

    ***

    Thêm một số tin trong nước: Việt Nam thường đi ngược thế giới: Khi giá xăng VN tăng, Mỹ, và các nước Đông Nam Á giảm (Blog Phương Thơ). – Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân (GĐVN). – Đất nước thời “tận thu”: Việt Nam sẽ tăng hàng lọat sắc thuế trong năm 2018?Những vụ việc liên quan trạm thu phí BOT (RFA). – ‘Cưa bom’ ở Hà Nội đến nổ lớn ở Bắc Ninh: Kinh hoàng tiếp nối (VNN). – Bị tài xế truy vấn nảy lửa, chủ đầu tư BOT Ninh An ‘xuống nước’ (Zing). – Diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp trong năm 2018 (KT&DB). – Giáo viên mừng vô cùng vì các cuộc thi tạm dừng (DT). – Gia Lai: Bãi gỗ lậu giấu dưới… lòng hồ thủy điện Sê San 3A(DV).

    Tin quốc tế

    Chính trường Mỹ

    Sau khi yên vị trên chiếc ghế tổng thống nhờ vào tài mị dân, lôi kéo sự ủng hộ của tầng lớp nghèo khổ, ít học ở Mỹ, giờ đây ông Trump nhắm cắt giảm ‘welfare’,lấy bớt quyền lợi của người nghèo.

    Chính sách cải cách thuế của Trump gây ra một khoảng thiếu hụt lớn, để có tiền bù vào khoảng thiếu hụt do giảm thuế cho giới nhà giàu và các đại công ty, Trump phải cắt giảm các khoản trợ cấp dành cho người nghèo qua chương trình welfare. Thông tin trong bài cho biết, ông Trump có ý định cắt giảm trên 192 tỷ đô la của Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung, trong vòng 10 năm tới.

    Bài viết có đoạn: “Phe Dân chủ chỉ trích Tổng thống Trump khi ông xác nhận cải cách trợ cấp xã hội là mục tiêu hàng đầu trong năm nay vì cho rằng việc này nhằm bù đắp cho những khoảng thiếu hụt gây ra bởi cải cách thuế mà theo họ, những người hưởng lợi chính trong luật thuế mới là các công ty và cá nhân giàu có trong khi làm nặng gánh nợ công thêm 1,5 ngàn tỷ đô la trong 10 năm tới“.

    Quanh việc đấu khẩu giữa Trump và cự cố vấn Bannon về nội dung quyển sách sắp được xuất bản, viết về chuyện thâm cung bí sử của gia đình TT Trump, Luật sư TT Trump cảnh báo cựu cố vấn Bannon. Theo các luật sư, ông Bannon đã “tiết lộ thông tin bí mật” và “đưa ra các tuyên bố miệt thị, và trong một số trường hợp là những lời phỉ báng thẳng thừng với ông Wolff về ông Trump, người thân và bạn hữu“.

    Mời đọc thêm: Mỹ tăng cường bảo mật thông tin ngay trong Nhà Trắng (TTXVN). – Bộ trưởng Tư pháp Mỹ muốn siết chặt thực thi luật về cần sa (VOA). – Blair bác bỏ cáo buộc liên quan đến nhà Trump (BBC).

    Các dấu hiệu hạ nhiệt ở bán đảo Triều Tiên

    Về việc Nam – Bắc Hàn có những tín hiệu ngoại giao hạ nhiệt gần đây, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh đàm phán liên Triều. Ông Trump cho biết, cuộc đàm phán dự định diễn ra vào tuần tới là “một điều tốt“. Trump tiếp tục tranh công khi viết trên Twitter rằng, các cuộc đàm phán liên Triều sẽ không diễn ra nếu ông không “giữ vững lập trường cứng rắn với Triều Tiên”.

    Một diễn biến rất đáng chú ý khác, đó là Tổng thống Donald Trump tuyên bố không tập trận chung với Hàn Quốc trong Olympic. VTC dẫn nguồn từ Văn phòng TT Nam Hàn cho biết, Tổng thống Trump nói sẽ không tập trận chung trong Olympic mùa đông Pyeongchang diễn ra trong tháng 2 ở Nam Hàn

    Thế giới vốn đang co rúm lại vì những căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên năm 2017 vừa qua. Những hành động và các phát biểu gần đây của các bên liên quan đến vấn đề Triều Tiên, đã làm cho tình hình ở đây trở nên bớt căng thẳng, ngột ngạt.

    Tình hình Trung Đông

    Căng thẳng ngoại giao quanh vấn đề Mỹ công nhận Jerusalem vẫn tiếp diễn. Ngày 4/1, ông Saeb Erekat, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Mỹ. Ngoài ra, ông Saeb Erekat cũng kêu gọi tẩy chay các nước dời đại sứ quán tới Jerusalem.

    Mời đọc thêm: Đẫm máu cuộc chiến đường hầm, bắn tỉa ven Damascus, Syria (Viet Times). – Thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông (PLTP).

    Biểu tình ở Iran

    Liên quan đến cuộc biểu tình phản kháng ở Iran, RFI có bài viết phân tích chi tiết với tựa đề, Iran: Biểu tình đầu 2018 phơi bày ”các rạn nứt” của chế độ. Bài viết chỉ ra những nguyên nhân sâu xa phía sau hậu trường chính trị của Iran, điều có thể khiến tình hình càng thêm căng thẳng.

    Bài phân tích cho thấy, mặc dù chỉ trích Mỹ và vài quốc gia đang “can thiệp“, “kích động hậu thuẫn biểu tình“, nhưng thực tế sự chia rẽ trong nội bộ, cùng với sự mâu thuẫn trong bộ máy nhà nước đã khiến quốc gia này đình trệ, kinh tế khó khăn và tạo ra càng nhiều các bất công.

    Liên quan đến vấn đề biểu tình ở Iran, TTXVN có bài: Chính phủ Iran tập trung vào giải quyết các lo ngại về kinh tếTheo đó, giới chức Tehran đang tập trung để giải quyết các bất ổn về kinh tế, nguyên nhân của các cuộc biểu tình phản kháng.

    Các cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối thất nghiệp, tham nhũng, lạm phát, kinh tế trì trệ. Do đó, thay vì đổ lỗi cho “thế lực nước ngoài” hay các âm mưu kích động biểu tình mà Iran tự nghĩ ra, quốc gia này đã tập trung vào cái gốc của vấn đề đó là: Yếu kém trong quản lý dẫn đến kinh tế đình đốn.

    Mời đọc thêm: Iran: Hoa Kỳ ủng hộ ‘lộ liễu’ người biểu tình (VOA). – Nga yêu cầu Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran (BNews).

    Tình hình Trung Quốc

    Trang Soha có bài viết về vấn đề nhân sự của ĐCS Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có tựa đề: Lực lượng bí ẩn hé lộ về bản đồ nhân sự trên chính trường Trung Quốc dưới thời ông Tập. Theo bài viết, việc “quy hoạch” nhân sự của ông Tập đang đi theo 2 hướng chính.

    Hướng thứ nhất, ông Tập Cận Bình ưa thích sử dụng những quan chức thuộc Tổng công hội toàn quốc Trung Quốc (tương đương Tổng Liên đoàn lao động như thủy lợi, nông nghiệp, dân phòng v.v..) để đặt vào các vị trí lãnh đạo cấp cao.

    Thứ hai, Tập có thói quen sử dụng những người xuất thân là lãnh đạo những tỉnh thành nghèo, khó khăn, kém phát triển. Ông Tập cũng rất ưu ái những lãnh đạo đã từng sát cánh với ông ta trong quá khứ.

    Vấn đề đàn áp Tây Tạng, RFA đưa tin, Trung Quốc xử một nhà hoạt động Tây Tạng. Nhà hoạt động Tashi Wangchuck, 32 tuổi, là người hoạt động cổ súy cho ngôn ngữ Tây Tạng, đã bị Bắc Kinh đưa ra xét xử ngày 4/1. Nếu bị kết tội, nhà hoạt động này có thể phải ngồi tù từ 5-15 năm.

    Trước thông tin Trung Quốc mở 4 đường bay mới sát Đài Loan, ngày 4/1 Đài Loan yêu cầu Trung Quốc ngưng lập đường bay mới sát đảo quốc này. Các nhà chức trách Đài Loan cho rằng, các đường bay mới quá sát Đài Loan và “việc mở đường bay mới như thế chưa hề có tham vấn với Đài Loan, bỏ qua vấn đề an toàn bay và không tôn trọng Đài Loan“. Đài Bắc yêu cầu Trung Quốc phải đóng ngay những đường bay mới này.

    Mời đọc thêm: Trung Quốc xóa sổ 6.000 trang web, tài khoản WeChat độc hại — Trung Quốc điều tra Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông (TTXVN). – Cục trưởng bắn bí thư và thị trưởng (RFA). – Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 3 (Zing).

    Các tin quốc tế khácHàn Quốc: vận động cấm thịt chó trước Thế vận hội mùa đông (VOA). – Ông Shinzo Abe: Nhật Bản đang bị đe dọa (PLTP). – Tây Ban Nha: Cựu Phó Thủ hiến Catalonia hầu tòa để xin tại ngoại  – Tổng thống Nga cho phép nối lại các chuyến bay dân sự tới Cairo – Số thương vong trong vụ tai nạn đường sắt tại Nam Phi đã lên 270 người (TTXVN). – Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế (RFI).

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here