LS Luân Lê
Khi ngồi trong phòng xử án, vì đã quá quen thuộc với cách thức và ngôn từ lập luận của hệ thống xét xử, tôi đọc cuốn sách về Martin Luther King, tựa đề Bước tới tự do, ông viết về sự phản kháng của người da đen chống lại sự bất công mà người da màu phải chịu trên xe buýt, vào giữa thế kỷ trước.
Trên bất kỳ hành trình nào, không chỉ có một vài con người khởi xướng, mà phải là có cả những con người xung quanh, sẵn sàng thấu hiểu và mạnh mẽ hưởng ứng hành trình ấy, chỉ khi đó đôi chân họ mới bước được tới lãnh địa của tự do, cùng nhau.
Khi đến phần hình phạt dành cho các bị cáo, tôi ngồi kiên nhẫn lắng nghe, nhắm khép đôi mắt và kìm lại những hơi thở của mình. Kết thúc những tiếng vang đều đều của chủ toạ, tôi đứng dậy và làm dấu thánh ngược: tay phải đặt lên trán, rồi ngực, vai phải và cuối cùng là vai trái, nơi có trái tim của mình.
Chẳng có gì thay đổi, nó quá cũ kỹ, quá kiêu ngạo và cũng quá bảo thủ để tìm được lý do để thay đổi. Nó có nhiều sức mạnh đến nỗi nó không còn cảm thấy phải cải thiện và vì nó vẫn kiểm soát được mọi thứ trong sự an toàn.
Bản án ấy đã nói rõ, các bị cáo đều là những nông dân thật thà, mộc mạc, chất phác. Và rồi những người nông dân ít học ấy phải nhận lấy các mức hình phạt khác nhau trong vụ án mà mọi sự man rợ và ghê rợn đã được trưng rõ trên các mặt báo và màn hình ti vi từ ngay khi tiếng súng rạng sáng 9/1/2020 kết thúc. Sự khoan hồng với một nửa trong số đó là các mức án treo là điểm nhấn cho những xung đột đầy bi kịch này.
Và bà Nối là người duy nhất bị tăng mức hình phạt tại phiên toà, sau lời phát biểu lay động lương tri của mình dành cho thời cuộc, cho đất nước chúng ta, vào ngày liền trước, khi nói lời sau cùng.
Luther King miêu tả rằng, cuộc biểu tình tẩy chay xe buýt vào ngày thứ 2, mùng 5/12, là một ngày lịch sử, nó khởi đầu cho những con người sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số chỉ vì “tôi đi cho con, cho cháu chắt tôi” và “mọi người đã quá mệt mỏi rồi. Sự nhẫn nhục đã đủ rồi”. Các xe buýt hầu hết trở nên trống trơn và vắng bóng người da đen.
Và nó tạo nên hành trình thay đổi bước ngoặt, nơi mà sự thật và công lý thay thế cho những bất công từ những thứ luật lệ phân biệt đối xử tàn nhẫn và độc ác. Và không có kẻ nắm quyền nào sẵn sàng từ bỏ những lề thói tạo nên bất công, một khi chính những người cam chịu nó không thấy cần phải thay đổi.
Mà như Lenin cũng đã nói, xã hội chỉ có thể thay đổi, tức có một cuộc cách mạng xảy ra, khi mà tầng lớp cai trị đã không còn duy trì sự (cách thức) cai trị như cũ được nữa, còn những kẻ bị trị thì đã không còn muốn chịu đựng thêm những sự cai trị ấy nữa.
Trên đường từ toà trở về, tôi bắt một chiếc tắc xi, cậu thanh niên tài xế cảm thán, người dân đã quá khổ rồi, phải thay đổi thôi, đợi đến bao giờ nữa. Mặc dù khi được hỏi, anh ta nói chỉ theo dõi vụ Đồng Tâm qua báo đài, truyền hình nhà nước (tức, như cậu ta nói, là dạng chính thống). Vậy mà cậu ta cũng chẳng tin vào, ngoài thực tế mà chính cậu ta đối mặt hàng ngày cho việc mưu sinh.
Cậu lái xe gằn lên với sức mạnh đáng kể trong lời nói: nếu họ có tội, hãy đọc lệnh và bắt họ một cách đường hoàng, vào ban ngày, chứ sao lại thực hiện hành động ồ ạt vào ban đêm? Tôi cũng bất ngờ trước nhận định rất đỗi giản đơn mà thấu suốt này từ một thanh niên xa lạ mà tôi vừa mới trò chuyện với tư cách là một hành khách của anh ta. Không cần bất cứ sự lô gích phức tạp hay khó hiểu nào.
Chúng ta cần nhận thấy hình dạng rất rõ ràng của xung đột xã hội trong vụ án này. Những nông dân chân chất, trở thành các bị cáo trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” (yếu tố quyền lực nhà nước), có tổ chức và với các vũ khí thô sơ. Hậu quả của xung đột ấy là 4 người bị thiệt mạng ngay lập tức vào thời điểm đột kích, cộng thêm 2 án tử hình được tuyên tại toà án và 27 con người phải vướng cảnh tù ngục. Những người là thân nhân của những người trong vụ án này cũng mỗi người một tình cảnh đau đớn khác nhau.
Hầu hết, những người tôi gặp bất chợt trên đường là những người bình dân và lao động bằng tay chân, họ ta thán và nhận chân ra những bất ổn hiện diện rộng khắp trong lòng xã hội. Họ nhận ra, và họ chính là những con người, thường ngày, sống trong cảnh cam chịu kiên nhường nhất so với các giai tầng khác đang tìm mọi cách để tự lừa dối mình cũng như người khác hoặc phó mặc hoàn toàn cho ngoại cảnh quyết định. Và chính họ lại nói nhiều nhất về các bất công trong đời sống mà họ chứng kiến.
Còn tầng lớp trí thức ở đâu và suy nghĩ gì trước thân phận con người hiện tại? Và đúng là, như Vernon đã nói, có những thứ bằng cấp không thể giải quyết hay chạm tới được, vì có một thứ mà bằng cấp không thể chứng nhận được, đó là lòng tự trọng, và ắt nhiên, là lương tri. Có khi nào trong số đang có mặt trong xã hội, đặt câu hỏi, những nông dân này là những kẻ vốn sẵn tàn ác? Và thế thì, những nông dân chân chất rồi trở nên man rợ ấy, từ đâu mà ra?
Hãy nhìn vào họ, để nghĩ về tương lai.
(Ls Lê Luân)