Bắc Kinh tự tiện «săn cáo» tận nước Pháp

0
217
Một cựu quan chức bị dẫn độ về sân bay Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp ngày 22/12/2014. [Photo/Website of Central Committee for Discipline Inspection]
Các chiến dịch « Lưới Trời », « Săn Cáo » tung ra trên toàn thế giới đã giúp Trung Quốc dẫn độ được gần 3.000 nghi can kể từ năm 2012. Nhưng nhiều khi nước sở tại không hề được thông báo, dù có ký hiệp định dẫn độ với Bắc Kinh. Pháp gần đây vừa phát hiện một trường hợp, còn Canada và Hoa Kỳ lo ngại trước hiện tượng các nhân viên an ninh Trung Quốc dùng visa du lịch sang ép buộc các nghi can phải hồi hương.

« Thiên la địa võng » giăng ra khắp thế giới

Liên quan đến châu Á, thông tín viên của Le Monde tại thị trấn Linh Vũ (Lingwu), thuộc khu tự trị Ninh Hạ, trong bài viết mang tựa đề « Khi Trung Quốc đến tận nước Pháp để bắt giữ những người đào thoát », tiết lộ làm thế nào Bắc Kinh truy lùng các nghi can trên toàn cầu.

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không hề tiếc sức truy lùng những người đào thoát, từ quan chức tham nhũng cho đến những kẻ lừa đảo đủ loại. Các chiến dịch do cơ quan chống tham nhũng tiến hành ở nước ngoài mang tên « Sky Net » (Thiên Võng, tức Lưới Trời) và « Fox Hunt » (Liệp Hồ, tức Săn Cáo), đã giúp dẫn độ được gần 3.000 nghi can kể từ năm 2012.

Nhưng các vụ truy bắt trên toàn thế giới này nhiều khi gây ngạc nhiên cho nước sở tại, khi họ không hề được thông báo. Đây là trường hợp của Pháp, dù Paris có ký hiệp định dẫn độ với Bắc Kinh. Chỉ nhờ một thông cáo hồi tháng Ba, đăng trên trang web của Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương, tức cơ quan chống tham nhũng của đảng, mà các nhà ngoại giao Pháp mới phát hiện một trong những vụ như thế.

Ủy ban khen ngợi khu tự trị Ninh Hạ (Ningxia) hôm 24/2 đã thành công trong việc đưa về nước một nghi can một cách êm thắm. « Đây là lần đầu tiên công an của chúng ta đến tận nước Pháp để thuyết phục một người ở châu Âu ra hàng ».

Trước khi trốn sang Pháp năm 2014, Trịnh Ninh (Zheng Ning) từng là nhân vật số hai của tập đoàn Trung Ngân (Zhongyin), một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về dệt vải Cachemire, có trụ sở ở Ninh Hạ. Cả bộ Ngoại Giao lẫn Tư Pháp, Nội Vụ của Pháp đều không được phía Trung Quốc liên hệ thậm chí báo cho biết ý định bắt giữ nghi can, là đối tượng một lệnh truy nã đỏ của Interpol.

Một nguồn tin ở Paris nhận xét : « Bắc Kinh có thể yêu cầu dẫn độ, nhưng họ lại không làm như thế, quả là đáng ngờ. Việc toán công an Trung Quốc sang lãnh thổ Pháp hành động là hoàn toàn không thể chấp nhận được, và không thể để cho họ tự tung tự tác ». Nhưng Paris vẫn chưa nhận được lời giải thích nào, dù đã đưa ra yêu cầu cách đây nhiều tuần lễ.

An ninh Trung Quốc dùng visa du lịch xuất ngoại để bắt người

Pháp không phải là trường hợp duy nhất. Canada và Hoa Kỳ trong hai năm gần đây đều lo ngại trước hiện tượng các nhân viên an ninh Trung Quốc sang lãnh thổ hai nước này với visa du lịch, để ép buộc các nghi can phải hồi hương, qua việc đe dọa trả thù người thân của họ.

Tại Ninh Hạ, số phận của Trịnh Ninh, 52 tuổi, vẫn là một bí ẩn, cũng như phương cách thuyết phục ông này về nước. Một viên chức phụ trách đối ngoại của địa phương khẳng định : « Trường hợp này đang được xem xét, và không thể trả lời được trước khi xét xử ». Tháng 7/2016, Trịnh Ninh phải ra trước tòa án Ninh Hạ cùng với tổng giám đốc của Trung Ngân, Mã Sinh Quốc (Ma Shengguo) trong một vụ gian lận thuế xuất khẩu 120 triệu nhân dân tệ (15,6 triệu euro). Mã Sinh Quốc sau khi bồi hoàn chỉ bị án treo, và đã âm thầm quay lại thương trường.

Trên khu nhà máy rộng mênh mông của Trung Ngân, một cán bộ phụ trách tiếp thị cho rằng Trịnh Ninh cũng được khoan hồng tương tự. Nhưng một nguồn thạo tin ở địa phương nói rằng hiện không thể biết được Trịnh Ninh đã được thả hay đã bị truy tố, vì « vấn đề của ông này có vẻ trầm trọng ».

Pháp dù sao cũng đã chịu hợp tác với Trung Quốc : hiệp định dẫn độ ký năm 2007 rốt cuộc cũng được thông qua vào năm 2015, dù bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích. Các điều tra viên chống tham nhũng Trung Quốc hành động một cách thô bạo và mờ ám, bên cạnh một hệ thống tư pháp với nhiều khiếm khuyết nổi bật : từ chối việc phân quyền, ít tôn trọng quyền biện hộ, tỉ lệ kết án lên đến trên 99% nhờ tra tấn để bức cung.

Tháng 9/2016, Pháp lần đầu tiên đã cho dẫn độ một nghi can là Trần Văn Hoa (Chen Wenhua), bị cáo buộc biển thủ trên 2,6 triệu euro. Vào lúc đó, chính quyền Pháp cam đoan sẽ theo dõi diễn tiến tại Trung Quốc, nhưng từ đó đến nay đã bị bặt tin. Nghi can thứ hai là một phụ nữ tên Phùng Kim Phương (Feng Jinfang) đã được bàn giao giữa tháng Giêng. Người thứ ba là Trần Lệ Ly (Lili Chen), bị cáo buộc huy động vốn trên 30 triệu euro nhưng không trả lại cho những người góp vốn. Tòa Hình sự Paris đã cho phép dẫn độ, nhưng Tòa Phá án bác quyết định.

Ký hiệp định dẫn độ, các nước bị vướng bẫy Bắc Kinh

Phía Pháp nhấn mạnh không có ý định cho tất cả đại gia Trung Quốc trú ẩn. Hơn nữa, Pháp cần đến Trung Quốc trong hợp tác kinh tế cũng như chống tội phạm hình sự. Hiệp định dẫn độ với Pháp và Tây Ban Nha thường được Bắc Kinh nêu ra như là mẫu mực, trong khi không thuyết phục nổi một quốc gia nào trong liên minh tình báo « Five Eyes » (gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand).

Quốc Hội Úc hồi cuối tháng Ba đã dời lại việc phê chuẩn, khiến Trung Quốc hết sức thất vọng vì rất nhiều nghi can trốn sang Úc, Canada, Mỹ. Andrew Byrnes, giáo sư luật quốc tế ở đại học New South Wales, Sydney tóm tắt : « Đôi bên đều có lợi về tư pháp, nhưng đây không phải là những nước có thể buộc họ thực hiện qua một hiệp ước, vì không bảo đảm được xét xử công bằng ».

Nicolas Bequelin, giám đốc phụ trách Đông Á của Amnesty International nhận xét, Trung Quốc coi các vụ dẫn độ là sự hợp thức hóa hệ thống tư pháp của mình bởi các quốc gia ký kết. Nhưng các quốc gia này thì lại rơi vào một mớ bòng bong : Bắc Kinh tạo ra các « tiền lệ hợp tác » khiến sau đó khó thể từ chối cho dẫn độ trong những trường hợp nghi ngờ vi phạm tự do ngôn luận hay các quyền tự do căn bản.

Ông Bequelin nhấn mạnh : « Trái với nhiều nước khác, công an Trung Quốc có hai nhiệm vụ song song : duy trì trật tự lẫn bảo vệ độc quyền cai trị của đảng. Nhưng tại nước ngoài, Bắc Kinh cố làm mờ đi phương diện chính trị này ».

Việc ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc hồi cuối 2016 được đưa lên làm giám đốc Interpol là dấu hiệu đáng ngại. Ông Bequelin cho rằng việc này khiến cơ quan cảnh sát quốc tế khó từ chối các yêu cầu của Bắc Kinh. Cuối tháng Tư, Interpol đã tung ra lệnh truy nã đỏ đối với Quách Văn Quý (Guo Wengui), người tố cáo gia đình các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu các vương quốc tài chính. Lệnh truy nã đỏ này được công bố đúng vào ngày ông Quách Văn Quý trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Bất đồng chính kiến : Không chốn nương thân !

Không tự hài lòng với việc truy lùng các tội phạm kinh tế, Bắc Kinh còn trâng tráo gởi nhân viên an ninh đến một số nước để bắt những người chỉ trích chế độ. Thái Lan, hướng đến ưu tiên của một số người tìm cách sang phương Tây tị nạn, trong những năm gần đây đã gởi trả rất nhiều nhà bất đồng chính kiến sang Trung Quốc. Cũng chính tại Pattaya mà cuối năm 2015 ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), giám đốc một nhà xuất bản Hồng Kông tuy mang quốc tịch Thụy Điển vẫn bị bắt cóc đưa sang Hoa lục giam giữ.

Hồi tháng Ba, bà Trần Quế Thu (Chen Guiqiu), vợ của luật sư nhân quyền Tạ Dương (Xie Yang), đã may mắn trốn thoát khỏi tay an ninh Trung Quốc cùng với hai con gái. Họ bí mật vượt biên, và tại Thái Lan, ba mẹ con được ê-kíp của mục sư Phó Hy Thu (Bob Fu), chủ tịch tổ chức phi chính phủ ChinaAid ở Mỹ giúp đỡ. Nhưng nơi trú ẩn của họ bị cảnh sát Thái Lan phát hiện. Mục sư bèn can thiệp với giới ngoại giao Mỹ để thương lượng với Bangkok, rốt cuộc bà Trần Quế Thu cùng hai con được các nhân viên Mỹ hộ tống ra sân bay để trục xuất sang Hoa Kỳ, trên chuyến bay 0 giờ 40 phút.

Nhưng đến nửa đêm, phía Thái Lan lần đầu tiên bỗng dưng thay đổi ý kiến. Các an ninh Trung Quốc xuất hiện ! Một cựu thủy quân lục chiến Mỹ nay làm việc cho ChinaAid cố ngăn không cho họ tiếp cận ba mẹ con. Phía Mỹ đành phải dùng đến một phương thức ngoại giao khẩn cấp mà mục sư Phó Hy Thu không muốn tiết lộ, để buộc người Thái phải giữ đúng cam kết. Ông nhận định : « Giờ thì Thái Lan lẫn bất kỳ nước Đông Nam Á nào khác đều không thể là nơi ẩn trú ».

Moody’s đánh sụt hạng tín nhiệm Trung Quốc vì nợ

Cũng về Trung Quốc nhưng trên phương diện kinh tế, phụ trang Le Figaro chú ý đến việc lần đầu tiên từ 28 năm qua, cơ quan đánh giá tín nhiệm Moody’s đánh sụt điểm của Trung Quốc từ Aa3 xuống còn A1. Quyết định lịch sử này là do tăng trưởng kinh tế chậm lại và nợ nần tăng lên, đặc biệt là nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bắc Kinh ngay lập tức phản đối quyết định của Moody’s, cho rằng cơ quan này đã « phóng đại » những khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Việc Moody’s đánh sụt hạng Trung Quốc gây ngạc nhiên cho không ít nhà phân tích, nhưng theo nhà kinh tế Aidan Yao của Axa Investment Managers ở Hồng Kông, quyết định trên « dựa trên những vấn đề đã được nhiều người biết rất rõ, đó là nợ nần, và sẽ chỉ tác động hạn chế lên kinh tế Trung Quốc ».

Tuy nhiên theo Le Figaro, sức khỏe nền kinh tế người khổng lồ châu Á đang gây nhiều lo ngại. Nợ của Trung Quốc chiếm đến 256% GDP, trong đó nợ công chiếm 46% GDP, còn nợ công ty, cả công lẫn tư, đến 210% GDP trong năm 2016 – đặc biệt là lãnh vực luyện kim và xây dựng. Các ngân hàng bị ngập dưới đống nợ xấu.

Tái lập đối thoại liên Triều ?

Còn về bán đảo Triều Tiên, Le Monde có bài viết đặt câu hỏi « Liệu sẽ tái lập được đối thoại giữa hai nước Triều Tiên hay không ? ». Thông tín viên của tờ báo tại Tokyo cho rằng cách xử trí của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chủ yếu tùy thuộc vào quan hệ với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bối cảnh hiện nay khác hẳn so với thời kỳ « Vầng thái dương » của cựu tổng thống Kim Dae Jong. Bắc Triều Tiên nay có đến khoảng 20 quả bom nguyên tử và đang tiến đến việc chế tạo hỏa tiễn liên lục địa, không còn bị nạn đói đe dọa như thập niên 90. Tự cho rằng đang ở thế mạnh, Bình Nhưỡng khăng khăng giữ nguyên lập trường.

Tân tổng thống Moon Jae In buộc lòng phải tuân theo các biện pháp trừng phạt và chỉ viện trợ nhân đạo với điều kiện. Người ta hy vọng rằng tuy không nắm rõ hồ sơ, nhưng ông Donald Trump sẽ tỏ ra cởi mở hơn về viễn cảnh « deal » với Bình Nhưỡng, kẻ thù lâu đời nhất của Washington, để thoát khỏi ngõ cụt hiện nay.

Khủng bố Manchester : Bi kịch chung của châu Âu

Về vụ khủng bố ở Anh quốc mới đây, bài xã luận của Le Monde « Manchester, một bi kịch châu Âu » nhận định toàn bộ châu Âu đều có liên quan, và riêng nước Pháp lại càng hiểu rõ hơn.

Tất cả các chi tiết đều cho thấy tuy vụ khủng bố xảy ra trên lãnh thổ nước Anh, nhưng đây là vấn nạn cho cả châu Âu. Trước hết là địa điểm : Manchester Arena, chứa được trên 20.000 người. Tiếp đến là công chúng : các em gái nhỏ đi cùng cha mẹ đến xem buổi diễn của thần tượng trẻ tuổi người Mỹ Ariana Grande. Cuối cùng là thời điểm : 22 giờ 30, khi mọi người chen chúc ở một cửa ra nối trực tiếp với một nhà ga, nơi các phụ huynh đến đón con em. Thủ phạm kích nổ quả bom là Abedi, sinh tại Manchester, trong một gia đình người Libya đã chạy trốn chế độ Kadhafi trong thập niên 80. Vụ nổ được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) nhận trách nhiệm. Đầy đủ những yếu tố để bị tấn công khủng bố ở châu Âu : một nơi chốn giải trí, một cách sống đặc thù phương Tây mà Hồi giáo cực đoan thù ghét.

Ngược với lý lẽ sai lạc của những người ủng hộ Brexit, nạn khủng bố không phải do tình trạng nhập cư giữa những nước châu Âu, trong không gian Schengen (mà Anh quốc chưa hề tham gia). Cũng chẳng phải do các đối tượng từ Syria hay Irak – những nước đang có chiến tranh, hay từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng đầu tiên ở cả hai bên eo biển Manche đều như nhau : Brexit không thể làm giảm nhẹ nỗ lực hợp tác với cảnh sát trong Liên Hiệp Châu Âu. Manchester, Luân Đôn, Paris, Berlin : đây là bi kịch chung. Đó là hiện tượng cực đoan hóa của một thiểu số thanh niên Hồi giáo sinh tại châu Âu bị tẩy não. Đó là sự thâm nhập của Hồi giáo cực đoan từ Ả Rập Xê Út hay Pakistan.

Anh bực tức vì thông tin vụ Manchester rò rỉ từ Mỹ

Libération chú ý đến khía cạnh « Các tin tức rò rỉ của Mỹ khiến Luân Đôn bực tức ». Nhiều thông tin về cuộc điều tra đã bị báo chí Mỹ tiết lộ, khiến cảnh sát Anh rẩt phiền lòng, và gây nghi ngại về sự khả tín của chính quyền Trump.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình BFMTV và đài phát thanh RMC, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Collomb cho biết Salman Abedi, thủ phạm có thể từng đến Syria và có quan hệ với IS – những thông tin mà các nhà điều tra Anh giữ bí mật.

Phải nói rằng từ sau vụ khủng bố tối thứ Hai 22/5, đa số các chi tiết lộ ra, từ thiệt hại nhân mạng, phương thức khủng bố, nhân thân thủ phạm…không phải do cảnh sát Anh công bố mà từ báo chí Mỹ, dẫn nguồn từ « các viên chức Mỹ ». Trưa thứ Ba, kênh CBS News là nơi đầu tiên tiết lộ tên Salman Abedi rồi đến một loạt truyền thông khác của Mỹ, mãi bốn tiếng đồng hồ sau cảnh sát Manchester mới xác nhận.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here