ÁNH MẮT SAU CHẤN SONG CÙM

0
73
các thầy đứng sau của sổ của xe lửa sau khi ra tù (trên đường đi từ Nha Trang về Sài Gòn)
   

Một tài liệu hồi ký quý giá, kỷ niệm giữa những người tù bất khuất và thầy Tuệ Sỹ của cựu tù chính trị Phạm Văn Thành, trong bối cảnh nhà tù khắc nghiệt những năm 1990. Tôi xin chia sẻ để mọi người tham khảo. 

ÁNH MẮT SAU CHẤN SONG CÙM

1.

Câu chuyện đã 29 năm.

Cũng ở khoảng thời gian tháng 10, 11.

Đó là ánh mắt lần sau cùng tôi nhìn được từ sau các chấn song sắt. Chung quanh khuôn mặt mang đôi mắt sáng ấy là chật kín khoảng ba bốn chục những con mắt đẫm lệ khác. Những con mắt đã làm tôi thành người.  

Từ ấy tôi không còn được tận thực đối diện ánh mắt ấy nữa, dù lòng vẫn cứ nghĩ rằng, cứ đinh ninh rằng, sẽ có ngày gặp lại, được ngồi bên người đàn ông “nhỏ bé” mà anh em chúng tôi thương mến gọi bằng thầy… như 30 năm trước đã ngồi đối diện thầy.

2.

… Cái bàn ăn ọp ẹp một đầu dính vào tường buồng tù sô 3 (mà chỉ xuyên qua vách tường gạch là chỗ nằm của giáo sư sử địa Nha Trang Đào Đăng Nhẫn). Đây là chiếc bàn ăn của chung thân Lê quý Hoà, chung thân Lê văn Thụ, chung thân Nguyễn Thành và 20 năm Y Rứ. Gọi là bàn nhưng chỉ đủ chỗ để đặt hai chiếc ghế đẩu nếu Lê văn Thụ và Lê quý Hoà ngồi tựa vào tường thò hai đầu gối vươn ra lối đi của gian phòng được gọi là phòng ăn, lổn nhổn chừng hai chục cái bàn (thồi) được buộc chằng hoặc đóng bằng những miếng ván đủ thể loại thấp lè tè, với những chiếc ghế cũng được ráp nối bằng đủ những thứ loại gỗ củi. Lê Quý Hoà là võ sư trước khi làm tù. Lê Văn Thụ cựu trung uý thiết giáp. Cả hai đều ngang ngửa mét tám.

Buổi trưa hôm ấy là một buổi trưa tháng 10 năm 1994. Lê văn Thụ đang ngồi ôm đàn, đứng ngay dậy khi thấy thầy Tuệ Sỹ bước vào. Anh chỉ chiếc ghế của anh vừa ngồi, nhìn tôi đứng sau lưng thầy, nói:

 ⁃ Em với thầy ngồi ở bàn này đi…

Thầy cười hiền từ, nhìn xâu nhái đang nhảy lóc chóc dưới chân bàn. Đây là xâu nhái Y Rứ mới bắt ngoài đội mang vào, chuẩn bị lột da chặt đầu cho nhóm ăn bốn người gồm Y Rứ, Nguyễn Thành, Hoà và Thụ.

Thầy ngồi xuống chiếc ghế Thụ vừa đứng lên. Rất nhanh tu sĩ Nguyễn Hữu Tín đã có mặt với bình trà và hai cái tách sứ sạch bóng, đủ quai đủ đế không như đại số các kiểu ly tách sứt quai mẻ gọng khác đang ngự ở tất cả các mặt bàn chung quanh.

Tôi ngồi xuống cái ghế đầu đối diện thầy sau khi thầy Tín thân mật vỗ vai tôi .

 ⁃ Thành rót trà cho thầy.

Thầy Nguyễn Hữu Tín quay người bước ra hàng hiên. Phòng ăn còn chừng khoảng 15 người đang nói chuyện ở năm sáu chiếc bàn lè tè. Không gian buổi trưa đã khá nặng nề ở khu nhà số Ba. Tôi đã bị chính thức “vần cung” ba ngày bởi mấy người “trách nhiệm” từ Hà nội vào. Sáng 8h được dẫn ra “nhà cơ quan” để trả lời các câu hỏi. Trưa vào lại trại ăn cơm và nghỉ trưa, 2 giờ chiều lại áp giải ra “nhà cơ quan”, lại nghe hỏi và trả lời. Không khí mỗi giờ mỗi như dây đàn bị vặn tăng cật lực.

Thầy không đợi tôi rót trà mà tự thầy nhấc tách trà rót trước cho tôi rồi mới tự rót vào tách của mình.

 ⁃ Chân của anh khoẻ chứ ?

Tôi hơi bất ngờ, đáp kiểu lẩn tránh.

 ⁃ Dạ. Không sao thầy.

 ⁃ Tôi có hỏi bác sĩ Long…Tốt hơn hết là phải chuẩn bị đủ tinh thần chịu đựng. Vì anh sẽ không có được thuốc suốt thời gian biệt giam…

Vị tu sĩ có cái đầu thế giới trầm ngâm một lát rồi nói như khẳng định.

 ⁃ … Họ sẽ đưa anh đi khỏi đây, như đã đưa ông Hoạt đi, đưa Lý Tống đi… Sẽ chỉ còn anh với bốn bức tường… ở một nơi nào đó ngoài miền bắc xa xôi. Anh sẽ không còn có anh có em … như ở đây. Anh sẽ hoàn toàn cô độc…

Thầy nói một hơi dài, như sợ không còn có dịp nào nữa để căn dặn chỉ bảo tôi, một thanh niêm Công giáo mới “nhảy cái đùng” từ Paris vào nơi được mệnh danh Thung Lũng Tử Thần A20 nghiệt ngã này.

… Mà thầy đã tiên lượng đúng. Sau cuộc “trà đàm” đặc dị ấy, tiếng đàn của Lê Thụ đã chết hẳn ở căn buồng ăn ấy. Tôi liên tục được áp giải “đi đó đi đây”… khắp các “điểm làm việc lưu động” khắp trại A20, cho đến ngày 25 tháng Mười.

3.

Kẻng đánh thức như có vẻ gì đó bất thường.

Ban điểm danh đi bốn người thay vì ba. Ngay khi ban điểm danh ra khỏi Khu 2 (gồm nhà 3 và 4, nối nhau bằng dãy nhà cầu xà lim 12 lỗ, 6 cho nhà 3 và 6 cho nhà 4). Tiếng đốc thúc nhau nhanh tay nhanh chân bên nhà 1 và 2 vọng rõ sang khu nhà 3,4. Không khí hoàn toàn không bình thường. Nhà 1 đa số là hình sự hoặc vượt biên. Chính trị bệnh tật lưu niên dồn hầu hết ở nhà 2. Nhà 1 nhà trưởng là nguyên một sĩ quan Không quân vnch, anh tên Toại Chí. Thân hình cao lớn và là giới “anh chị máu mặt” ngoài xã hội.  Trong nhà 1 này có đội lò gạch, đội trưởng là người của tổ chức ông tướng Hoàng Cơ Minh, từ Thái xâm nhập VN đợt Đông Tiến thứ nhất, bị truy đuổi và bắt tại gần sông Sa Thầy Pleiku 1986 (nhất thời chưa nhớ ra tên anh). Đội lò gạch là đội đang có nhiều tiếng ồn ào đốc thúc nhất .

Đội Bếp ở nhà 3 là đội có thầy Tuệ Sỹ, có Đỗ Bạch Thố, Đinh Văn Bé và linh mục Hiếu dòng Đồng Công-Thủ Đức, được đốc thúc đặc biệt xuống gấp nhà bếp. Hôm nay đội bếp phanh thây những… mấy con lợn. Không khí rần rật như kiểu không khí nhà đám cưới miền quê ở các làng Công giáo di cư từ bắc vào nam thời 1960/70!

7 giờ an ninh trại vào nhà 4 áp giải tôi xuất trại. Tôi bước đi trước 1 ông thiếu tá và một ông đại uý (quên tên rồi)… nhìn nhanh khắp sân nhà 3 và 4… nhớ mãi những ánh mắt ái ngại  của hầu như tất cả anh em, vốn cũng đang bị thúc giục để xuất trại.

Tôi bước ra cổng trại, bất ngờ vì lố nhố nhiều tốp công an vũ trang ẩn ẩn hiện hiện gần các con đường mòn sát với tường trại tù. Mật độ lính tráng vũ trang như kiểu này là hoàn toàn bất thường. Nhớ lại bản tin khuya qua do “tử hình hụt” Trần Nam Phương “thông quan”.

 ⁃ “Bản tin của đài RFI loan về chuyện có một đoàn điều tra nhân quyền từ Geneve đã đến Việt Nam, hiện đã rời mấy trại ở bắc trung bộ nhắm hướng Nam…”

Tin Trần Nam Phương “thông quan” cho tôi luôn được coi là “tin chắc chắn không tô vẽ”. Đây là thoả thuận từ ban đầu, khi thành lập nhóm quyết tử A20/1994. Các “bọ” được mua từ  Nha Trang Tuy Hoà và tháo rời thành từng phần bởi nhóm chung thân Nguyễn Đình Oai và nhóm chung thân Trần Văn Long. Đem vào trại được ráp nối bởi giáo sư Đào Đăng Nhẫn (gác đêm nhà 3! được coi là nhân lực tay sai của hệ thống an ninh trại). Ban đêm, các “bọ” được phân tán ở các nhà buồng số 3 số 4 và trạm Y tế. Ba bản tóm tắt tin sẽ được “thông quan” chung vào 1h trưa mỗi ngày, nơi các bàn/ chiếu ăn đặc biệt. Các bản tin được phân tích để nhận ra.

a- bản tin nào có thêm thắt, suy diễn cương…

b- bản tin nào bị thiếu.

c- Tin VOA khác với BBC, RFI ra sao?

 Vì tôi không thể “đeo bọ” sau thời gian “lắp đặt hệ thống”. Tất cả kinh nghiệm tích lũy bốn tháng trời ban đầu tôi đã gởi gắm trọn vẹn cho “nhóm hành quyết”. Các anh ấy hiểu rất rõ, tin “loạng quạng” là người đầu tiên bị giết oan ức chính là tôi. Tôi cần Tin Nguyên Bản. Cấm suy diễn khi “thông quan”. Tôi là út ít. Nhưng trong hoàn cảnh sống chết của cả nhóm, tôi đã buộc phải dùng chữ “cấm…” với các anh. Với các anh, tôi là án vụn (12 năm). Đứng bên “một sọt” toàn án tử hình xuống chung thân, chung thân, 20 năm… với quá trình tù đều đã 10, 13 năm… nhưng các anh coi tôi như người chèo thuyền: “Tụi anh có chết, em còn sống… công việc vẫn chạy được. Em chết… coi như sụp hầm. Nên em phải là người ra quyết định. Mạng sống của cả nhóm, là giao cho em …”

4.

Nhân lực hỏi tôi hôm nay cũng là một trong hai người hôm qua đã làm việc. Không còn chút “lịch sự ngoài da” nào nữa, mà là “trả giá sòng phẳng”. Một “lộ trình” được phác thảo. “Tôi sẽ được bảo vệ để có mặt tại Pnong Penh, ngay khu vực an ninh của đại sứ Pháp”. Bảo chứng cho chuyến đi là tôi có quyền mang lựu đạn trong dây nịt. Lựu đạn tôi có thể tự tay chọn trong một lô trộn lẫn. Người ngồi cạnh tôi là chính ông ta, một tay sẽ còng dính với tay tôi. Vàng và tiền chi dùng cho cuộc trao đổi sẽ thoà thuận chủ yếu theo yêu cầu của tôi!

Tôi giữ lòng tôn trọng người đã phác thảo “phương án”, không xúc động cũng không “hả hê ngạo nghễ”. Tôi hiểu đó là công việc của họ. Và tôi, tôi có công việc của tôi. Có Anh Em Của Tôi.

Phương án thứ hai được đưa ra. Nhẹ nhàng hơn, khoan dung hơn. Đó là họ sẽ đưa tôi về nhà người chị ruột của tôi ở Đồng Nai. Giao tôi lại cho chị tôi “dạy dỗ” lại. Khi nào muốn trở về Pháp thì họ sẽ báo cho lãnh sự Pháp để tôi có thể bảo đảm sự an toàn, cho đến khi lên máy bay. Nếu đồng ý thì ngay chiều nay, chị tôi sẽ vào đây để đưa tôi về Đồng Nai, bằng xe của Bộ Nội Vụ.

5.

Hai viên sĩ quan cấp uý áp giải tôi vào “bộ chỉ huy chuồng heo”… sau khi cả hai bên không giải quyết được những “phương án”. Tôi ngồi  ở “bộ chỉ huy chuồng heo” đến trưa.

Họ mang thức ăn và cơm vào cho tôi nhưng tôi không lòng dạ nào có thể ăn được bất cứ thứ gì lúc này. Tôi cố gắng dùng tai để may ra có thể “nghiệm” được ra điều gì không liên quan đến anh em mình, đến trại tù, đến cái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc nào đó.

Hoàn toàn bất lực. Đàn heo quá ồn và hôi phân chuồng. Tôi bất lực, bâng quơ bắt chuyện trên trời dưới đất với mấy sĩ quan an ninh…

Khoảng 9 giờ tối họ dắt tôi vào trại. Đường đất lô nhô lồi lõm rất khó đi… vừa bước qua cổng trại, tiếng các anh đã í ới: “Thành còn ở đây! Thành nó về kìa…”

Những âm giọng ấy. Cả đời tôi sẽ không bao giờ có thể quên được.

6.

Cơm được chia phần vội vã cho các đội. Lần đầu tiên trại phát cơm và có phát thịt. Thịt lại hậu hĩ. Khá nhiều các người trẻ án vượt biên hoặc kinh tế, xã hội… vui mừng hiện lên nét mặt vô tư, trái với hầu hết các án chính trị đều đi đi lại lại hoặc ngồi đăm chiêu. Hầu hết đều ái ngại nhìn tôi. Các ảnh hiểu rất rõ số phận bi thảm nhất, sẽ dành cho tôi trong những ngày sắp tới. Tin tức về đoàn điều tra tôi đã được cập nhật ngay khi vào buồng khoảng 20 phút. Buồng lúc này cánh “tay sai” đã được “bế đi” hết. Đây là một yêu cầu của chính tôi, đã yêu cầu họ cách đây 5 ngày: “Nếu muốn cùng nhau đối thoại, yêu cầu rút hết đội ngũ ăng-ten đã cài cắm trong buồng của chúng tôi”!

Và họ thật sự đã rút hết những “ăng ten”. Ngoại trừ hai cậu gác đêm án vượt biên. Các em rất sợ, đến gần nói vơi tôi: “Tụi em luôn kính trọng các chú các anh…”. Tôi nói với các em rằng các em không có lỗi gì ở đây cả, cứ sống tự nhiên với các chú các anh. Anh bảo đảm không ai coi các em là kẻ thù! Không bao giờ…”

Khoảng 11 giờ đêm. Bên ngoài buồng giam an ninh vũ trang bồng súng qua lại đều đặn. Coi như không phút nào không có tiếng giày và tiếng va chạm lách cách của dây đeo vào thép súng. Tôi đứng giữa nhà. Dãy “nhà” này như kiểu một cái “láng”, cái “ba-rắc”… dài cỡ 50 mét, chiều rộng chừng 6 mét, chia làm hai tầng sạp nằm với lối đi ở giữa khoảng 2 mét. Hai mét lối đi này chung thân Trần Minh Tuấn đã huy động mọi người gom tất cả các gáo thùng song chảo… để trữ nước. Tuấn nói giữa nhà ngay khi buồng sắp đóng cửa: “Anh em, ra giếng kéo nước vào trữ trong nhà! Chắc chắn họ sẽ cắt nước để chúng ta hỗn loạn trong những ngày tới…”

Tuấn người Bình Định, hơn tôi khoảng ba tuổi  là một trong những “ông trùm lỳ” của trại này. Độ lỳ của Tuấn, không tay cán bộ an ninh nào là không ngán ngại. Tôi đứng giữa những hàng la liệt xô chậu nước được xếp kín lối đi. Buồng khoảng 120 người. Tuấn nằm tầng trên, đang ngồi khoanh bằng trên sạp nói lớn yêu cầu mọi người im lặng. Tôi lên tiếng .

 ⁃ “… vào lúc hơn 8 giờ tối nay, khi điện hầu hết các buồng bị cúp tắt, là lúc bộ nội vụ đã đưa một phái đoàn Nhân Quyên Liên Hiệp Quốc vào hai nhà án nhẹ phía khu nhà kỷ luật. Các nhà ấy có điện và các tù trong phòng được tổ chức trình diễn đời sống đầy đủ đồng thời nói lời tri ân nhà nước… trước các ống kính quốc tế… Đoàn đã rời đi sau đó trong khi các khu nhà của chúng ta hoàn toàn không có đèn điện… Để phản đối cách làm việc mờ ám này. Sáng mai, ngay khi điểm danh xong, tôi sẽ chính thức hô to các lời hô đòi thực thì Nhân Quyền theo đúng tinh thần Công Ước Quốc Tế. Chúng tôi sẽ hô bằng ba thứ tiếng, Anh, Việt và Pháp…”

 Cả buồng im lặng. Tôi nói tiếp:

 ⁃ … ngay khi thủ tục điểm danh xong. Cán bộ an ninh quay gót, tôi sẽ đếm số từ một đến 10… Những anh em cảm thấy không đồng ý với việc làm của chúng tôi thì yêu cầu các anh em tách hàng và đi sang phía sân nhà 3, tức phía cán bộ an ninh đang làm việc. Các anh bị bệnh nặng, yêu cầu các anh không tham gia…”

Tôi dừng lời phát biểu. Cả phòng vẫn im lặng. Khoảng 5 phút sau mói trở lại sinh hoạt bình thường, lục đục mắc mùng cho giấc ngủ sau một ngày căng thẳng…

7.

… Đã bước sang ngày thứ ba, kể từ hôm anh em cất tiếng hô vang trời. Mỗi ngày hô ba lần. 120 người chỉ khoảng 10 người bỏ hàng ngũ chiến đấu. Mỗi tiếng hô cất lên, từng tràng đạn aka bắn xối xả vào những rặng dừa trĩu quả trên đầu đoàn tù nhà 4 . “Ba ngày đáng sống nhất của đời tôi”! Đó là lời của vị giáo sư khả kính chung thân Nguyễn Văn Bảo, linh hồn tư tưởng của Phong Trào “Cao Trào Nhân Bản Việt Nam” 1980, khi lực lượng chấp pháp trung ương Bộ Nội Vụ bao vây  tràn ngập nhà 4 ngày 28/10/1994.

Tất cả các áp lực để khoảng trăm tù nhân rời vị trí cố thủ của nhà 4 đã không thành công.  An ninh Trung Ương quyết định dùng phương tiện lựu đạn hơi ngạt để đạt mục đích.

Tôi đã khá đuối. Mắt đã có dấu hiệu hoa lên mỗi khi đứng lên. Nhớ sáng đầu tiên lời hô phát ra, buổi trưa đang ngồi tĩnh lặng trên sàn tầng thì thầy Nguyễn Hữu Tín lụ khụ leo lên với một ly cối sữa nóng trong tay. Chỗ tôi nằm ngồi đã ba hôm là không ai bén mảng đến. Điều này nhóm chủ trương đã ngầm thông tri với mọi người. Bất kỳ ai, ngoại trừ  chung thân Phan Văn Bàn, chung thân Trần Nam Phương, chung thân Nguyễn Văn Trung, chung thân Trần Minh Tuấn, Phạm Anh Dũng và Hoàng Xuân Chinh. Trong bối cảnh sống chết gang tấc này, mọi sự vi phạm chắc chắn sẽ nhận hậu quả là tử vong.

Thầy Tín ngồi xếp bằng trước mặt tôi. Thầy nói: 

 ⁃ Tôi là tôi đem lời của thầy Tuệ Sỹ để chuyền chuyển lại cho anh. Chứ bản thân tôi, tôi biết tôi không thể nghị bàn vào chuyện này…

Thầy cầm ly sữa nóng bằng hai tay, đưa ra trước mặt tôi. Thầy nói:

 ⁃ Thầy Tuệ Sỹ nói: “Anh tuyên bố tuyệt thực là tuyên bố với những kẻ cầm quyền! Anh không tuyên bố với chúng tôi. Vì thế, vì cuộc tranh đấu sẽ cam go kéo dài, Chúng Tôi Bắt Buộc anh Phải Uống Ly Sữa này”!

Tôi rưng rưng, biết là không thể cãi lại lời vị thầy đáng kính. Tôi cầm lấy ly sữa, từ từ nhấp một ngụm rồi đặt xuống chiếu. Tôi quỳ lên, chắp tay vái sâu xuống mặt chiếu hướng vào thầy Tín.

 ⁃ Qua thầy, con xin lạy kính tạ thầy Tuệ Sỹ. Sữa thầy cho, con đã uống rồi. Phần còn lại, là để cho con giữ trọn lời tuyên thệ tuyệt thực với anh em, với kẻ thù…

Tôi nói xong, thấy rõ những giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má nhăn nheo của vị tu sĩ kính mến. 

Thầy lò dò bước xuống sạp cao qua cây cột đá, không nói thêm một lời. Hai tay cầm ly sữa lặng lẽ bước nhanh về phía nhà 3.

8.

 Mảnh giấy vấn thuốc rê đến tay tôi. Dấu chữ nội bộ của “N” xác nhận: “bọn trung ương sẽ dùng tù hình sự và quân phạm tràn vào nhà 4, sau khi dùng lựu đạn ngạt. Hình sự và quân phạm sẽ đánh lẫn nhau, các máy quay sẽ ghi hình ảnh đó, với hình ảnh các tù nhân bị gục ngã do hơi ngạt…”

Ngay khi đọc xong mảnh giấy từ gác đêm Đào Đăng Nhẫn chuyển tôi váo với anh Trần Nam Phương và Nguyễn Văn Trung chuẩn bị ngay tình thế rời khỏi vị trí tử thủ là nhà 3: “Ta sẽ ra sân đối thoại với chúng, em sẽ đi với chúng. Các anh cố nhẫn nhịn. Việc chúng ta làm đã đủ để lớp trẻ không quên lịch sử”. 

Tín hiệu chấp nhận đối thoại được gởi ra.

9.

Một cái bàn rộng được đem vào sân khu 2. Giàn gián đám cán bộ trung ương đứng hết phía ngoài cổng khu nhìn vào. Cổng khu khoá chặt. Tường cao giữa khu 1 và khu 2 lố nhố khoảng bốn chục cái mũ sắt nhấp nhô trồi lên thụp xuống, có những nòng súng lặng lẽ cố định ghim trên mặt tường hướng về đoàn tù khoảng 90 người đang ngồi thành hàng, vây chung quanh như bảo vệ tôi.

Khoảng 15 sĩ quan đứng chung quanh cái bàn lớn. Trên bàn là Đại tá Tổng giám thị (quên tên rồi) và hai người lạ mặt. Tay đại tá nồng nặc mùi rượu: “Tôi từng dạy con trai tôi, là lớn lên đừng đi làm Công an… nhất là công an trại tù…” Ông ta lèm bèm một nội dung không đâu vào với đâu rồi vung tay nói to: “Các anh đòi nhân quyền à? Hay nhỉ… có ai lấy mất cái nhân quyền của các anh đâu. Các anh vẫn được tự do ăn cơ mà. Được tự do hít tự do thở cơ mà…”

Tôi nhận thấy đã cần hạ màn phân đoạn kịch cọt này nên nói vùa đủ các anh đang bên cạnh nghe: “Ta đã làm đủ những việc cần làm… Giờ em sẽ tháo ngòi nổ. Chúng sẽ bắt em đi khỏi đây. Các anh ở lại. Nhẫn nhịn. Chúng Ta Cần Phải Sống…”

Nói xong với các anh. Tôi đứng lên rời khỏi hàng các anh đang ngồi. Vừa lách chân bước ra, vừa nói lại một lần nữa với các anh: “Chúng ta đã làm đúng và đủ. Không cần phải phí sức với chúng thêm làm gì”.

Ra khỏi hàng, tôi đứng một mình, nói lớn hướng về phía bàn tổng giám thị: “Nếu các ông định nghĩa nhân quyền như vậy, thì tôi đây, các ông bắt được thì bắt đi, giết được thì giết đi …”

Nói xong tôi đưa cả hai cổ tay chồng lên nhau, giương lên ngang bụng hướng về phía bàn của họ .

Tổng giám thị lập tức hét lớn :”Còng ngay tay nó lại! Dắt đi”!

Tôi đã đoán đúng. Chỉ thị của họ là chỉ cần tách tôi ra khỏi anh em của tôi. Tôi chầm chậm bước lên đầu hàng, đứng giữa đoàn tù đang phải ngồi chồm hổm và đoàn cán bộ an ninh đang đứng, bên đầu vách tường cao là những mũi súng lầm lì đang lăm lăm nhắm vào anh em tôi.

Tiếng quát phải lập lại lần thứ 3, mới có nhóm sĩ quan mở còng từ thắt lưng ra. Đó là thiếu tá trách nhiệm “giáo dục” (tên là Luận, người Hà Tĩnh). Nhóm sĩ quan này đứng bên phía trái hướng cổng ra vào của khu, sát bờ giếng. Tôi thản nhiên bước về phía tay thiếu tá, hai tay vẫn giơ ra để chờ chiếc còng bập vào. Luận (ông ta tên là Luận, một sĩ quan có hiểu biết nhất trong đám sĩ quan công an trại tù tại A20), Luận chênh hơn tôi cỡ hai tuổi, đứng trước mặt tôi, hai tay mở khoá còng và bập vào. Cử chỉ rất nhẹ nhàng thận trọng. Sắc mặt rất khó tả.

Đúng lúc này ánh mắt tôi hướng về các của sổ nhà 3, cách chỗ tôi đứng khoảng 7 mét. Cái cửa sổ nơi giáo sư Đào Đăng Nhẫn nằm làm nhiệm vụ “gác đêm” lúc này đầy nghịt những cái đầu. 8 cái cửa sổ là đầy chặt những cái đầu của anh em tôi từ trong buồng 3 nhìn ra.

Và từ ô cửa ở chỗ nằm của giáo sư Đào Đăng Nhẫn là khuôn mặt và đôi mắt sáng của vị tu sĩ Phật giáo mà tôi vô cùng yêu mến. Đầu thầy lọt thỏm trong một đống những cái đầu tóc tai hổ báo của anh em tôi. Thầy nhìn tôi! Rồi một bàn tay nhỏ nhắn thày khó khăn thò ra khỏi song của sắt. Bàn tay ấy vẫy vẫy như là một lời chào tạm biệt dành cho tôi. Nụ cười của thầy là nụ cười muôn thủa. Nụ cười ấy đang bị méo xệch đi. Thầy khóc. Chắc chắn là thầy khóc! Điều chưa bao giờ tôi hình dung ra được.

Tôi như sững lại, tiếng quát: “Dắt Nó Đi” làm cho tôi ngay tức thì hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Tiếng người tù về từ Canada cất lên: “Tôi phản đối việc bắt cùm ông Thành”. “Còng nó luôn”. Những tiếng quát tháo liên tục tuôn ra. Nguyễn Ngọc Đăng ngay lập tức bị còng bên cạnh tôi. 

 ⁃ Dắt nó đi!

Lại những tiếng quát tháo và đội súng dài áp giải tiến vào cổng. Thiếu tá Luận nói với tôi: “Anh đi lên Nhà Văn Hoá với chúng tôi”. Tôi quay người lại hướng mặt về khung cửa sắt có khuôn mặt của thày đang bị hàng chục cái đầu tóc tai rũ rượi chen lấn. Tôi giơ đôi tay như để xá thầy, như một lời chào tạ từ trước lúc phải xa thầy…

Tôi và Đăng bước qua cổng nhà 3. Đăng hỏi tôi “… hô nữa không?” Tôi không đáp Đăng mà giơ cả hai tay lên trời với chiếc còng soáng loáng trong đêm bắt đầu mưa: “Nhân Quyền Cho Dân Việt Nam”. Đăng hô theo. Những tiếng súng ở cả bốn phía chòi canh  đồng loạt trả lời ba tiếng chát chúa. Tiếng tên thiếu tá Lâm hét lên.

-ĐM! Đã bảo là đừng bắn nữa!

Trời đã tối, mưa lất phất. Những hàng dừa như u uất dáng ngồi của đoàn tù anh em tôi, như dài xuống, nỗi xót xa của những người tù biết sắp phải xa nhau ngàn trùng.

Kết.

Họ chuyển tôi sang buồng kiên giam sau khoảng 10 ngày cùm hai chân. Sau khi tôi đã quyết định ăn trở lại, khi suy luận rằng cái phái đoàn nhân quyền nào đó, cũng chỉ là những kẻ đánh trống bổi; vì đường dây tin tức tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Tin hàng ngày của Anh Em chúng tôi phải được cập nhật và chuyển về Paris. Đó là một đường truyền tin Không Thể Bị Bẻ Gãy.

Chuyển buồng được đâu ba ngày thì một buổi sáng sớm khi trời còn tối, tiếng mở cửa khu cùm loảng xoảng rồi buồng tôi mở ra. “Thi đua” Thế bước vào, mở cúc áo

mưa rồi đưa vào tay tôi hai ổ bánh mì thịt. Thế nói:

 ⁃ Anh sẽ phải đi xa, không biết là đi đâu…Thầy bảo em mang cái này cho anh. Anh Phải Ăn… Thầy tự tay làm cho anh…

Tôi bần thần nhìn hai ổ bánh mì. Bánh mì kẹp thịt. Dù thèm lắm nhưng tôi biết không thể ăn. Tôi mới ngừng tuyệt thực có ba ngày. Suốt hơn 10 ngày qua bụng trống rỗng và đặc biệt là cơ thể thiếu nước… ăn đồ ăn thịt thà vào lúc này là chắc chắn bị tào tháo rượt. Hơn nữa lại phải di chuyển còng cùm trên một hành trình dài… nên tôi không thể ăn.

Tôi nắm bàn tay của Thế, bảo Thế mang trở lại nhà bếp, cho anh em khác, vì tôi không thể ăn.

Tôi chắp hai bàn tay vào nhau cúi lạy Thế.

 ⁃ Thế, qua anh, xin cho tôi lạy một lạy từ biệt Thầy…

Thế quay đi, dấu tiếng khóc của một thằng tù án 20 năm còn dài đằng đẳng. Xa xa phía nhà kho giữ cùm, những tiếng loảng xoảng kéo lê các thanh suốt cùm và móng cùm rít nghiến lên trời đêm thanh vắng.

Tôi rời xa A20 từ đấy. Xa người tù án tử hình có chung họ Phạm từ đấy… để hôm nay, tôi bỗng biết rằng sẽ không bao giờ còn có ngày gặp lại được người thầy vô cùng thân yêu ấy nữa.

Phạm Văn Thành

Fontainebleau.

4h 25/11/2023

(Kính tưởng nhớ Thầy. Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương).

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here