Hôm 1/4, tổ chức Ân xá Quốc tế lên án việc Việt Nam đàn áp các ứng cử độc lập Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh và đồng thời kêu gọi Hà Nội cho phép tiếng nói phản biện trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào ngày 23/5.
“Nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt cuộc đàn áp này và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do thực hiện các quyền con người của mình mà không sợ bị trả thù. Cuộc bầu cử ban lãnh đạo mới gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ ra phải báo trước sự cải thiện về tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng những dấu hiệu cho thấy cho đến nay vẫn còn nhiều vi phạm và lạm dụng cũ tương tự,” bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói trong thông cáo.
“Trong khi Việt Nam tìm cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì tại quốc nội nhà chức trách lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và rộng khắp,” bà Gil cho biết thêm.
Trong khi Việt Nam tìm cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì tại quốc nội nhà chức trách lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn và rộng khắp.
Bà Emerlynne Gil thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế
Vào ngày 27/3, chính quyền ở Hà Nội đã bắt giam ông Lê Trọng Hùng theo Điều 117, người đã nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập (hay “tự ứng cử”) cho kỳ bầu cử Quốc hội. Ông Lê Trọng Hùng là một nhà báo công dân và là thành viên của Chấn Hùng TV, một nhóm truyền thông phát trực tiếp trên Facebook về các vấn đề xã hội và chính trị.
Vào ngày 10/3, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã bắt giam và buộc tội ông Trần Quốc Khánh theo Điều 117. Ông Khánh là người cũng đã bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước khi bị bắt, ông Lê Trọng Hùng nói rằng nếu được đắc cử, ông sẽ đưa Hiến pháp vào giảng dạy trong các trường học. Ngoài ra, ông còn có dự định xây dự án công dân hóa xã hội, phổ biến quyền của công dân như Hiến pháp quy định.
Về việc bầu cử tự do, ông Hùng nói: “Chúng ta giống như một cái nền kinh tế thị trường thì chính trị tự do hoạt động giống như một cái nền kinh tế thị trường tự do, có nghĩa là chúng ta sẽ có quyền cạnh tranh nhau. Chúng ta có quyền cạnh tranh giống như các công ty sản xuất hàng hóa có quyền cạnh tranh nhau trong khuôn khổ pháp luật để giành được sự lựa chọn của khách hàng.”
“Chính quyền phải đảm bảo rằng các ứng cử viên tranh cử – cùng với tất cả những người khác ở Việt Nam – phải được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử. Đây là những nguyên tắc cơ bản của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tự nguyện phê chuẩn”, bà Gil nhấn mạnh.
Vào tháng 2/2021, Việt Nam loan báo sẽ ra ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Theo văn kiện thành lập của Hội đồng Nhân quyền, Nghị quyết 60/251, các thành viên được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bầu tại Đại hội đồng và “khi bầu các thành viên của Hội đồng, các Quốc gia Thành viên phải tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.”
Từ Đức, ông Bùi Thanh Hiếu, nhận định trên Facebook hôm 27/3 về việc ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị chính quyền Việt Nam bắt giam: “Bắt những người tham gia ứng cử đại diện cho nhân dân, với lý do họ đưa ra những quan điểm, đường hướng phát triển đất nước không giống những người lãnh đạo, vu cáo họ chống phá nhà nước, đấy là người ta gọi là đàn áp trắng trợn những người khác biệt về quan điểm.”
“Lý do đảng Cộng sản Việt Nam bắt người tự ứng cử trắng trợn bất chấp điều tiếng như vậy, do tình hình chính trị thế giới biến động, phương Tây phải lo đối phó với dịch bệnh và sự phân hoá nội tại, sức mạnh và ảnh hưởng của nước độc tài Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh quốc tế như vậy, cơ hội quan tâm đến dân chủ Việt Nam khó mà được nhiều,” ông Bùi Thanh Hiếu viết.
Ông Hiếu nêu nhận định: “Ngoài ra việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử tổng bí thư lần ba, những cái gọi là trường hợp đặc biệt của Đảng đã phá vỡ mọi quy tắc luật lệ tiêu chuẩn bầu cử, ứng cử. Một khi đã trắng trợn vi phạm quy chế ứng cử, bầu cử để được lợi cho mình, thì việc trắng trợn hại người khác được áp dụng là điều không có gì lạ.”