Dương Tử
(VNTB) – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng bị Nguyễn Khoa Điềm trưởng Ban Tư tưởng văn hóa (bây giờ là Ban tuyên giáo) cho là sai trái.
**
Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo miền Nam lừng danh, đặc biệt ở khu vực quân khu 7 và 9. Sau 1975 ông Kiệt tiến dần lên bí thư Sài gòn. Trong khi ấy Nguyễn Khoa Điềm cán bộ Sở văn hóa Thừa thiên-Huế mà ông Kiệt chẳng biết đến họ tên người này. Ấy vậy mà khi ông Kiệt rời khỏi ghế thủ tướng (1992-1997), làm cố vấn Trung ương Đảng, thì nhà thơ Khoa Điềm đã leo lên Bộ Chính trị, trùm tư tưởng văn hóa. Ông Kiệt được coi là phái cấp tiến, tích cực hoà giải dân tộc, đã trả lời phỏng vấn một tờ báo về cuốn sách của GS Lý Quí Chung (cựu bộ trưởng thời VNCH, nhà báo đối lập). Ông Kiệt bị báo Quân đội Nhân Dân “phang mạnh về lập trường tư tưởng” và bắt ngưng in tiếp bài phỏng vấn. Lúc này anh Nguyễn Khoa Điềm đã là “cấp trên về tư tưởng” của ông Kiệt rồi.
Cố TT Võ Văn Kiệt từng bị Nguyễn Khoa Điềm trưởng Ban Tư tưởng văn hóa (bây giờ là Ban tuyên giáo) cho là sai trái.
Cựu TT Võ Văn Kiệt thắc mắc về việc báo QĐND liên tiếp đăng bài quy chụp bài trả lời của ông.
Thư Thắc Mắc
Võ Văn Kiệt – thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng Tư năm 2005.
“Kính gửi: Đ/c Nguyễn Khoa Điềm
Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (UVBCT)
Tôi mới nhận được thư đồng chí trả lời bức thư tôi gửi ngày 01 tháng 3/2005. xin cảm ơn sự trao đổi (dù quá muộn) của các đồng chí.
Trước hết tôi muốn nói rõ quan điểm của mình với những gì mà đồng chí trao đổi trong thư:
Thứ nhất: Về thời gian từ khi ngưng không cho đăng bài báo phỏng vấn tôi cho đến Tết và khi tôi có thư hỏi chắc đồng chí còn nhớ là thời gian đó không ngắn. Đồng chí có nhận khuyết điểm, tôi coi thái độ cầu thị đó là tốt. Tuy nhiên, những lý do mà đồng chí biện bạch trong thư về thời gian là không đủ thuyết phục. Đó là tôi nghĩ với tư cách của một công dân bình thường, còn với tôi chắc các đồng chí không xa lạ gì.
Thứ hai: về nội dung bài báo: các đồng chí lý giải rằng do việc xuất bản cuốn sách “Hồi Ký Không Tên” của Lý Quí Chung và những phản ứng từ báo Quân đội nhân dân và một số ý kiến khác từ đó các đồng chí đánh giá “sẽ bất lợi nếu đăng bài báo ấy”. Trong trường hợp này (coi là khẩn cấp) trước hay liền sau đó các đồng chí ít nhất bằng các phương tiện thông tin khác trao đổi lại không khó khăn gì, kể cả gặp trực tiếp tôi.
Tôi chưa rõ trên cơ sở nào mà các đồng chí cho rằng nhận định của các tác giả của bốn bài báo trên báo “Quân đội nhân dân” được “đăng liên tiếp” là đúng, còn bài trả lời phỏng vấn của tôi là không phù hợp, là sai, “dễ gây ra hiểu lầm và làm phân tâm thêm bạn đọc” như các đồng chí kết luận. Chắc là, tôi phải nói theo như báo “Quân đội Nhân dân” nhất nhất làm theo chỉ đạo của các đồng chí thì mới không “gây ra hiểu lầm” và không “làm phân tâm thêm bạn đọc”, quả là những công việc làm thường ngày thành quen của ban Tư tưởng Văn hoá! Còn có thể vì một lý do nào khác nữa mà các đồng chí không tiện nói?
Thật ra, tôi đã đọc cuốn hồi ký của Lý Quý Chung lúc còn là bản thảo. Nhà xuất bản đã sửa sang, cho in chính thức lần đầu tôi cũng đã được xem (chỉ có những đoạn đám Nhuận, Đức, Hạnh không chịu vì có liên quan (sau đó Nhà xuất bản và tác giả đã cắt bỏ). Anh Phạm Quang Nghị có hỏi, tôi đã trả lời: đây là thể loại hồi ký, mỗi người có cách nhìn và cách đánh giá riêng và phải tự chịu trách nhiệm. Với một trí thức như Lý Quý Chung, về nội dung chính trị, tôi cho là không có vấn đề gì. Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ đặc biệt là Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng lẽ tôi lại đề cao địch, phủ nhận lại chính mình.
Về lực lượng thứ ba, các lực lượng đối lập trong chính quyền nguỵ, cần có sự nhận định thực tế đủ khách quan, không nên tuỳ tiện quy kết theo chủ quan, phiến diện vì nó liên quan đến một chính sách lớn của Đảng (phải nói là thật sự thành công). Chẳng hạn, chỉ nêu lên một trường hợp Phạm Ngọc Thảo, người được đồng chí Lê Duẩn giao trách nhiệm với danh nghĩa là người công giáo đi kháng chiến chống Pháp trở ra “hợp tác với quốc gia” để bằng mọi cách xây dựng được lực lượng chính trị quốc gia (cũng là lực lượng thứ ba, nếu có một Chính phủ quá độ ở miền Nam).
Các đồng chí cho rằng những nhận xét của tôi về công tác của Ban Tư tưởng Văn hoá như “áp đặt, cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi được đối thoại những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nặng về quyền lực hơn là thuyết phục” là không thỏa đáng, cũng có nghĩa là không chính xác, cũng có thể là không phải tất cả đều như vậy. Tôi tạm lấy ngay cách các đồng chí xử sự với tôi, một người không xa lạ gì với các đồng chí, lại là người trong cuộc, có trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo tại chỗ hàng chục năm ở Thành phố Sài Gòn.
Chắc các đồng chí không lạ gì về công việc mà tôi phụ trách trong một thời gian dài, để từ đó mà có thể có căn cứ đưa ra nhận định như đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn, thế nhưng vì thấy không phù hợp với ý kiến chủ quan của mình thì dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hoá để bác bỏ một cách tuỳ tiện, mãi cho đến khi tôi có ý kiến mới trả lời với những lý do không thuyết phục, vậy thì đó là “thỏa đáng hay là không thỏa đáng” ? Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng! Đây là một cách làm không minh bạch, gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng.
Đã đến lúc các đồng chí nên nghiêm túc hơn, soi lại mình, trở lại với nguyên tắc của Đảng, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mấy ý kiến vắn, xin trao đổi lại với các đồng chí.
Kính thư,
Võ Văn Kiệt”.
Những câu chuyện giai thoại Võ Văn Kiệt về tâm trạng bất mãn khá nhiều, nhưng ông ta đành bó tay vì quá già rồi. Ông Kiệt có lần nói với bạn văn nghệ sĩ khi nghe báo tin có “đồng chí nào đó” ở Hà Nội bị bắt, ông thở dài “Chuyện tư tưởng có gì khúc mắc thì tranh luận với nhau đến cùng.Mấy anh ngoài đó đụng một chút là bắt bớ, tôi thiệt không hiểu nổi!”.
Ngày nay tình trạng bi đát mà ông Kiệt than thở vẫn chưa có gì cải thiện. Chẳng những vẫn thế và còn căng thẳng hơn.
2. UVBCT. Nguyễn Khoa Điềm nghỉ hưu
Trở về Huế gặp lại làng quê và bạn hữu đồng hương, hoặc đồng chí, Khoa Điềm trở lại phẩm chất nhà thơ, bần thần cầm bút lại.
Mạng lưới Web-blogs giăng ra khắp đất nước. Khoa điềm từ quê huế gửi bài thơ ‘sám hối, giác ngộ” cho anh bạnvăn thânthiết nguyễn quang lập- bài “Đất nước những tháng năm thật buồn”.
Cảm tưởng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn ông Điềm.
“Sáng dậy mở mạng thấy bài thơ “Đất nước những năm thật buồn” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Khi thôi hết các chức vụ, anh lại trở về với tư cách nhà thơ. Và nhà thơ lo lắng:“Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi?”. Nếu không sống thật với mình và tôn trọng nhân dân thì không thể viết ra những câu thơ như thế”.
“Đất nước những tháng năm thật buồn”
Nguyễn Khoa Điềm
“Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
cho người đã khuất và người sống hôm nay …”
Huế 22.4.2013
Nguyễn Khoa Điềm
Một năm sau ngày đăng bài thơ Nguyễn Khoa Điềm, ngày 6 tháng 12 năm 2014 nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt (vì hàng nghìn bài đăng khác nữa, bài thơ Khoa Điềm chỉ là giọt nước tràn ly). Ông Lập bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ tại nhà riêng ở TP.HCM theo điều 258 Bộ luật Hình sự với lý do “bắt quả tang đang tải bài vở đăng những nội dung được cho là xuyên tạc, chống nhà nước”. Trang blog Quê Choa nối tiếng top đầu đóng sập. Hơn nửa năm sau, nhà văn Nguyễn Quang Lập được thả không án. Nay ông Lập sống co mình thủ thế.
Kết
Hai bài thơ của một nhà thơ “cách mạng”.
Bài mở đầu đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp chính trị của Nguyễn Khoa Điểm là “Đất nước”.
Bài thơ kết thúc sự nghiệp trong ngậm ngùi, ân hận, dày vò là “Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn”.
Sau khi nghỉ hưu về quê, ông Điềm không bao giờ quay ra Hà Nội dự gặp mặt hoặc hội nghị quan trọng gì nữa. Có thể vì chẳng ai thèm mời mọc ông nữa, có thể ông kiếm cớ thoái thác mà ẩn dật.
Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại sẽ ghi một trang độc đáo về nhân vật văn học- chính trị này.
Bài thơ cuối đời cũng coi như một nén tâm nhang gửi “đồng chí” Võ Văn Kiệt nơi suối vàng, ngõ hầu được ông ta lượng thứ.