ẨN GIẢ TƯỞNG

0
114
Thầy Tuệ Sỹ-Ảnh : FB Mạnh Kim

FB Hai Le

Ẩn Giả Tưởng là tên một bài thơ của Tuệ Sỹ, khi thầy và thầy Trí Siêu ở trong tử ngục chờ ngày người ta mang mình ra xử bắn, thơ rằng:

Nguyên văn: 

Tiểu ẩn cao sơn phi khả kì

Đại cư náo thị dã hề hy

Tuyệt trần lung lí chân thậm sự

Vô vật vô nhân vô sở vi

Dịch nghĩa:

Ở ẩn non cao không phải kỳ tích gì

Tu hành nơi chợ búa cũng đâu có hiếm

Tuyệt diệu nhất là ở tù

Không người, không vật, không làm gì cả

Tạm dịch:

Ở lánh đầu non đáng kể gì

Tu nơi phố chợ cũng thường khi

Tuyệt trần lao lí nơi chân thật

Chẳng người chẳng vật chẳng làm chi!

Khí chất này, tôi tin, đây mới là sự đạo hạnh thực sự, không phát xuất từ thế gian này, không phân biệt tôn giáo nào nếu người tu hành thực thụ thì sẽ có sức mạnh nội tâm và vững chãi trong cảnh ngặt nghèo tử địa. Công giáo mình có cha cố Vinh nguyên tổng đại diện Hà Nội thời cộng sản cướp chính quyền – cha là nhân vật chính trong truyện Thằng Khùng của Phùng Quán. Cha Vinh ốm yếu nhưng luôn lãnh phần chôn xác những kẻ chết, than khóc tống tiễn từng người, đọc thuộc lòng toàn văn tác phẩm Candide bằng tiếng Pháp cho Phùng Quán nghe, rồi Cha cũng chết rũ tù… Gần với thời đại hơn có Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận, mười ba năm tù không án, không biết mình sẽ bị thủ tiêu giờ nào giữa tù ngục của quân dữ. Đức cha Thuận hoán cải những kẻ canh gác mình bằng sự dịu dàng nhân ái, làm lễ bằng mấy giọt rượu giọt nước trong lòng bàn tay, viết hàng ngàn trang sách trên lịch cũ. Thầy Tuệ Sỹ làm thơ thiền, an tĩnh khi người ta tuyên mình án tử hình, như sư tử hống tuyên bố mình vô tội không cần xin ân xá cũng không ai có quyền ân xá.

Sự điềm nhiên của những vị này, có nguồn gốc từ đâu? Sao họ không dùng trí khôn ngoan sắc sảo của người đời, một chút thôi, thoả hiệp, với nhà cầm quyền, để được thoải mái thân xác hơn? Họ điềm nhiên, dịu hiền, nhưng dầu một chút họ cũng không để cái ác khuất phục họ, không có nhượng bộ nào. Dầu có phải chết! Đúng rồi, họ không phải là con cái thế tục, họ đâu có cần sự khôn ranh thế tục!

Thời gian trước, nghe tin thầy tới Nhật chữa bệnh, không có duyên được bái kiến một vị cao tăng đương thế, mãi sau vẫn còn tiếc nuối. Thời bây giờ đạo giáo nào cũng thịnh đạt theo lối thế tục: kẻ tu hành đông như quân Nguyên, nhưng nhìn đâu cũng thấy phường xôi thịt giá áo túi cơm, coi chuyện khoác cái áo tu hành là con đường vinh thân phì gia mà thôi; còn những người trí tuệ uyên bác đức hạnh vẹn toàn lại kiên trung với đạo thì đã hiếm càng thêm hiếm, kẻ thì phải về hưu non gửi mình trong tu viện thâm sơn cùng cốc, kẻ thì chịu cảnh cá chậu chim lồng không phút tự do…

Người như thầy Tuệ Sỹ là một hình tượng hiếm hoi để người ta tin tưởng trông đến mà còn niềm hy vọng mong manh vào những gì tưởng chừng đã mất đi trong xã hội cộng sản. Sự ra đi của thầy khiến nhiều người thấy mất mát, trong đó có tôi. Trong phút chốc chợt hoảng hốt như thể từ bây giờ trở đi chỉ còn nhìn thấy những thứ gớm ghiếc như Nhật Từ, Thanh Quyết, Chân Quang… hay lũ đen áo đỏ lòng nửa người nửa ngợm Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo. Ôi lũ tiện nhân này vẫn sẽ mặc sức ngồi ngai toà cao trọng giảng dạy muôn dân, mà không còn thấy hình ảnh nào đối nghịch với chúng nữa sao?

Thầy xong hành trình của mình, thầy đã ra đi, còn đây vẫn là một chốn nhiễu nhương. Những vần thơ của thầy bay đi khắp những phương trời huyễn mộng, như lời chân ngôn có thần lực làm lòng người thêm chút thiện lương. 

Tôi không phải là Phật tử, nhưng tôi tin rằng mọi tôn giáo đều chia sẻ một giá trị của trí tuệ, của lòng dũng cảm, của sự kiên trung, của tình thương yêu con người. Trong tù cải tạo của cộng sản không có cha cũng không có sư, mấy đứa nhỏ công an Việt cộng ngày trước nó kêu tất cả các vị tu hành lớn tuổi bằng “thằng” bằng “mày”, rồi xưng “tao”. Nhưng có lẽ nơi đó nhiều người tu hành đáng kính trọng hơn cảnh bát nháo bây giờ, và thầy Tuệ Sỹ dù không còn hiện diện thân xác, nhưng tinh thần và trí tuệ của thầy sẽ mãi còn đó. 

Tiễn biệt Thầy!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here