TRI THUC VN
Một nhóm nghiên cứu tại Thái Lan mới đây đã đưa ra nhận định 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc đã chặn 40 tỉ m3 nước, là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.
Báo Bangkok Post của Thái Lan mới đây đưa tin mực nước sông Mekong tại Nakhon Phanom, thuộc vùng đông bắc Thái Lan giáp với Lào, đã xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua.
Hiện mực nước sông Mekong giảm khoảng 10-20cm mỗi ngày. Mực nước tại tất cả các phụ lưu của sông Mekong cũng ở mức rất thấp.
Mực nước trong các hồ chứa lớn tại 12 huyện của tỉnh Nakhon Phanom hiện chỉ ở mức 10-20% công suất, các cánh đồng lúa trong vùng đang thiếu nước trầm trọng.
Ngày 21/7 vừa qua, nhóm Mekong Butterfly – nhóm dân sự Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong, cho biết 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu.
Đây là một trong số nguyên nhân chính khiến dòng chảy sông Mekong trở nên bất thường những ngày qua.
Mực nước sông Mekong ở Thái Lan xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm mức xả chỉ còn 500 m3/giây.
Sau đó đập Cảnh Hồng đã tăng lượng nước xả lên 1.000 m3/giây từ ngày 18/7, tuy nhiên nước sông Mekong ở một số tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến tàu thuyền không thể đi lại, người dân không thể đánh bắt và tưới nước cho cây trồng.
Bà Pianporn Deetes – giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan (International Rivers), đã bày tỏ quan ngại rằng hiện nay mới chỉ có 2 đập thủy điện giữ nước [đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc và đập Xayaburi ở Lào] mà người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thế nhưng hiện vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế hoạch.
Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) cho biết việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động đến môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp.
Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho thấy nếu thượng nguồn sông Mekong phát triển đủ thủy điện, tổng lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị suy giảm tới 90%.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết trước đây Cà Mau luôn luôn được bồi phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn.
Thanh Thuỷ (t/h)