2007-2017, khủng tài chính toàn cầu chưa có hồi kết

    0
    75
    Trụ sở ngân hàng Lehman Brothers ở New York, tâm điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, bùng phát năm 2008.(Photo : Reuters)
       

    Mùa hè 2007, khủng hoảng địa ốc bùng phát : hồi thứ nhất của một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản và tâm chấn chuyển từ Hoa Kỳ sang châu Âu. Khu vực đồng euro suýt bị tan rã. Các ngân hàng trung ương bất đắc dĩ phải bơm tiền cứu cấp kinh tế toàn cầu. Nguy cơ tai họa lần tới xuất phát từ Trung Quốc.

    Một chục năm qua, cộng đồng quốc tế đã khắc phục hết hậu quả của cuộc khủng kép 2007-2008 hay chưa ? Để tồn tại, ngành tài chính của Âu – Mỹ đã vừa phải đắp những con đê chống bão, vừa phải nhanh chóng cải tổ. Dù vậy, lo ngại thế giới phải đứng trước một thách thức mới ngày càng lớn. Một phần trách nhiệm thuộc về Trung Quốc.

    Subprime : từ cơn sốt địa ốc đến hiện tượng vỡ bong bóng tín dụng địa ốc

    Ngược thời gian, nhìn lại nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime mùa hè 2007 : từ đầu những năm 2000, kinh tế Mỹ bị suy thoái vì « vỡ bóng tin học ». Ngân Hàng Trung Ương Fed hạ lãi suất để kích cầu.

    Trong thời gian từ 2003 đến 2005, lãi suất chỉ đạo đang từ 6% rơi xuống còn 1%. Kết quả như mong đợi : đầu tư và tiêu thụ trở nên quá dễ dàng và Hoa Kỳ sang trang khủng hoảng tin học để thổi nên một quả bóng địa ốc. Mỹ sau khủng hoảng tài chính Á Châu, được xem là địa điểm đầu tư an toàn nhất thế giới, tư bản của châu lục này ồ ạt đổ về Hoa Kỳ.

    Khi tiền vào quá nhiều, các ngân hàng đã dễ dàng cấp tín dụng cho những ai muốn mua nhà, đòi hỏi rất ít bảo đảm. Giai đoạn 2002-2004, là điểm khởi đầu của sự « bùng nổ » trên thị trường bất động sản ở Mỹ. Nhưng từ giữa 2004 và nhất là đến cuối 2005, khi Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ bắt đầu khóa bớt van tín dụng – tăng lãi suất chỉ đạo trở lại, thì đó cũng là lúc mà nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng địa ốc tháng 7/2007 phôi thai.

    Thêm vào đó, từ đầu những năm 2000 các ngân hàng đầu tư Mỹ được quyền « chứng khoán hóa » các khoản tín dụng địa ốc, tức là biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản đầy rủi ro. Các gói trái phiếu đó được tung ra thị trường, bán lại cho tư nhân, cho các tổ đầu tư và kể cả giữa các ngân hàng với nhau.

    Khi nền kinh tế đi xuống, người vay tiền để mua nhà mất khả năng thanh toán. Các chủ nợ (ở đây là các ngân hàng) tịch biên tài sản của thân chủ. Giá bất động sản càng giảm nhanh. Các ngân hàng đầu tư ít nhiều mua bán chứng khoán liên quan đến bất động sản bị thua lỗ.

    Hiện tượng đổ giàn vì thiếu mất niềm tin

    Thierry Philipponnat, giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Friedland, trực thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Paris trả lời đài RFI Pháp ngữ, xem khủng hoảng 2007-2008 là điều tất yếu :

    « Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng là hiện tượng các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng bị trật đường ray. Người ta quên mất rằng chức năng nguyên thủy của tiền bạc là để tài trợ cho các hoạt động kinh tế, để tạo ra của cải chứ không phải để cho một vài tay môi giới tài chính, một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt làm giàu.

    Khi mà nguyên tắc cơ bản đó bị lãng quên thì guồng máy tài chính của thế giới bị hâm nóng, hoạt động như điên như rồ.

    Tới một lúc nào đó tất nhiên là xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó là hàng loạt các yếu tố mang tính chất kỹ thuật, có thể giải thích cho khủng hoảng tín dụng địa ốc 2007 và vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ vào giữa tháng 9/2008 ».

    Cuối tháng 8/2007, tại Hoa Kỳ gần 1,3 triệu ngôi nhà /căn hộ bị chủ nợ tịch biên. Các nhà đầu cơ nắm giữ trái phiếu có nguồn gốc là bất động sản khi đó mới khám phá ra rằng họ đang nắm giữ trong tay rất nhiều nợ « thối ». Ít nhất 25 tổ chức mua bán tín dụng bất động sản mất khả năng thanh toán.

    Vấn đề đặt ra là không ai biết rõ các định chế tài chính nắm giữ bao nhiêu nợ « thối » kiểu này. Theo thẩm định của quỹ IMF, số tiền đó lên tới 2.200 tỷ đô la. Nhưng ở vào thời điểm mùa hè năm 2008, tức là đúng một năm sau khủng hoảng subprime, vấn đề cấp bách nhất lại chính là khủng hoảng niềm tin : Các ngân hàng không còn tin tưởng lẫn nhau, ngưng cấp tín dụng lẫn cho nhau.

    Hiện tượng này lan rộng ra phần lớn các cơ quan tài chính toàn cầu : Tháng 7/2008 nhiều ngân hàng châu Âu bắt đầu bị điêu đứng vì mua lầm nợ xấu của Mỹ.

    Riêng Hoa Kỳ, phải đợi thêm một vài tuần lễ sau đó, khi số khách hàng bị vỡ nợ tăng quá nhanh, các công ty tài chính Mỹ mới bắt đầu phản ứng bằng cách khóa van tín dụng và ngưng tài trợ lẫn cho nhau. Nước Mỹ rơi vào cảnh cạn kiệt tín dụng. Các hoạt động kinh tế có dấu hiệu bị suy thoái.

    Từ subprime của Mỹ đến khủng hoảng nợ châu Âu

    Ngày 15/09/2008 Lehman Brothers -ngân hàng đứng thứ tư của Mỹ- tuyên bố phá sản tạo nên một làn sóng làm rung chuyển toàn cầu : chứng khoán thế giới lao « xuống vực thẳm ». Tăng trưởng tại 80 % các nền kinh tế trên toàn cầu bị chựng lại hoặc suy thoái. Trao đổi mậu dịch của thế giới giảm 20 %.

    Thượng đỉnh G20 đầu tiên ở cấp nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ diễn ra tại Washington tháng 11/2008 đề ra một số ưu tiên : 1/ Cùng nhau phối hợp chính sách kích cầu để hỗ trợ tiêu thụ và đầu tư, đồng thời tăng phương tiện cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới can thiệp khi cần thiết nhằm giúp đỡ các nền kinh tế bị đe dọa. 2/ Tăng cường các biện pháp giám sát hoạt động của ngành tài chính thế giới và cam kết không áp dụng chính sách bảo hộ thương mại.

    Trong những tuần lễ tiếp theo, các quốc gia trên thế giới từ Âu sang Á đua nhau bơm tiền vào các hoạt động kinh tế. Biện pháp này tưởng chừng đem lại kết quả mong đợi : các chỉ số kinh tế có dấu hiệu được cải thiện. GDP của Mỹ bắt đầu khởi sắc trở lại. Trên Lục Địa Già, hy vọng sớm bị dập tắt, khi vừa chớm nở.

    Hy Lạp, mắt xích yếu kém đầu tiên

    Cuối 2009, một lãnh đạo trong khối eurozone quả quyết : « Tai họa Lehman Brothers không thấm vào đâu so với quả bom sắp nổ của Châu Âu ». Khủng hoảng subprime 2007 châm ngòi cho một khủng hoảng nợ công của Liên Hiệp Châu Âu. Mắt xích đầu tiên bị tác động là Hy Lạp.

    Tháng 10/2009, Athens có chính phủ mới. Tân thủ tướng Panpandreou khám phá ra rằng thâm hụt ngân sách nhà nước đã lên tới hơn 12 % so với GDP tức cao gấp 4 lần so với quy định của eurozone.

    Từ trường hợp của Hy Lạp, chiếm 2 % GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu, và 1,3 % trong Liên Hiệp Châu Âu, các thị trường trên thế giới mới phát hiện ra nhược điểm cơ bản của cả một cỗ máy kinh tế đồ sộ châu Âu : tình trạng tài chính cực kỳ yếu kém của một vài nước trong khối euro. Nghiêm trọng hơn nữa là phần lớn nợ công của châu Âu do các ngân hàng trên châu lục này nắm giữ. Điều đó có nghĩa là khủng hoảng nợ công có nguy cơ đánh sập ngành tài chính ngân hàng trên Lục Địa Già.

    Liên Hiệp Châu Âu nói chung, khu vực đồng euro nói riêng rơi vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết.

    Trả lời đài RFI, thượng nghị sĩ Pierre – Yves Collombat tác giả một báo cáo mang tên « Cuộc khủng hoảng không hồi kết, khi lịch sử được lập lại » nhấn mạnh đến những tác động vượt ngoài phạm trù kinh tế :

    « Khủng hoảng 2008 chưa chấm dứt. Thuyên giảm thì có, kết thúc thì chưa. Mọi người đã quên mất nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng địa ốc-subprime một năm trước đó. Khủng hoảng kép này đã dẫn tới rất nhiều những tác động tai hại về mặt kinh tế, xã hội và cả chính trị. Bằng chứng cụ thể nhất là đà tiến của các phong trào dân túy ở khắp nơi trên thế giới. Tôi muốn nói tới chuyện dân Anh bỏ phiếu cho Brexit, cử tri Mỹ bầu Donald Trump lên làm tổng thống. Các đảng phái cực hữu có tinh thần bài châu Âu phát triển mạnh và ngấp nghé chiếm được chính quyền qua các vòng phiếu, từ ở Hà Lan đến Áo hay Pháp ».

    Nguy hiểm hơn là tâm « tâm bão » tài chính trong thập niên qua đang tạo nên mối đe dọa mới : Theo cơ quan tư vấn tài chính McKinsey, trong thời gian 2007-2017, nợ công của các chính phủ trên thế giới tăng với nhịp độ 9,7 %/ năm, thay vì 5,8 % thời kỳ tiền khủng hoảng tín dụng địa ốc. Nợ công trên thế giới đã tăng thêm 25.000 tỷ trong 10 năm qua. Lo ngại một số các quốc gia mất khả năng thanh toán vẫn chưa được xua tan.

    Thierry Philipponnat, giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Friedland -Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Paris, cho biết :

    « Tôi tin chắc rằng các biện pháp kiểm soát hoạt động của ngành ngân hàng trong thập niên qua đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng. Chủ yếu là để phác họa ra một cơ sở pháp lý chung, lập ra một số rào cản không cho các ngân hàng làm liều. Các biện pháp này nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những người ủy thác vốn vào ngân hàng, hay đem tài sản đầu tư trong ngành bảo hiểm …

    Nhưng theo tôi thì các giới chức liên quan không quy định rõ là những sản phẩm tài chính được tạo ra để làm gì và đây là một sơ hở lớn. Bởi vì khối lượng tiền ủy thác rất lớn, không nhất thiết được các ngân hàng đem ra để tài trợ cho các công trình xây dựng, hay phục vụ cho các hoạt động kinh tế… Không có gì cấm cản các tay môi giới tiếp tục đem tiền của khách hàng ‘đi đánh bạc’ để dễ kiếm lời, tiền lãi cao.

    Thành thử tôi cho rằng nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng mới vẫn còn đó. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì một tai họa mới lại bùng nổ ? Và liệu rằng, sức công phá của nó có thể đánh sập toàn bộ hệ thống tài chính thế giới hay không ?

    Cốt lõi của vấn đề xoay quanh câu hỏi : tư bản có được dùng để tài trợ cho các chương trình phát triển, cho khu vực sản xuất hay không ? Bao nhiêu phần trăm trong số đó thực sự được bơm vào cho lĩnh vực kinh tế ? Hiện tại chúng ta không có câu trả lời ».

    Trung Quốc đe dọa tài chính toàn cầu ?

    Tất cả các chuyên gia đều đồng ý trên một điểm : một cuộc khủng hoảng tài chính khác đang ngấp nghé bùng lên. Trong mắt nhà đầu tư, David Baverez, làm việc tại Hồng Kông, tác giả cuốn « Paris – Pékin Express », Nhà Xuất Bản François Bourin (2017), Trung Quốc có nguy cơ là ngòi nổ :

    « Tài chính Trung Quốc ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên thế giới và có ảnh hướng lớn với phần còn lại của toàn cầu. Có điều, nợ của Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong 10 năm qua. Có thể nói là nợ Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trên thế giới – đặc biệt là từ 2008 tới nay. Theo các thống kê mới nhất, nợ của Trung Quốc tương đương với 250 % GDP của nước này.

    Gần 95 % trong số đó do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ. Đây vừa là cái may, nhưng cũng là một mối nguy hiểm. Bởi vì một mặt, thì Bắc Kinh không sợ bị các chủ nợ nước ngoài gây áp lực. Ngược lại, trong trường hợp các con nợ mất khả năng thanh toán, thì các ngân hàng có nguy cơ bị phá sản.

    Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc hiện đang ngồi trên một núi nợ 1.500 tỷ đô la. Nếu như khoản nợ này bị mất giá 50 %, thì thiệt hại sẽ lên tới 750 tỷ. Đây chính là khoản tiền đại hồng thủy hồi tháng 9/2008 đã cuốn trôi trên thị trường Mỹ sau vụ Lehman Brothers phá sản ».

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here