Site icon TUẦN VIỆT NAM

TỪ BASIJ ĐẾN BALOCHISTAN: IRAN ĐÃ BAO VÂY THẾ GIỚI Ả RẬP NHƯ THẾ NÀO?

TUẤN NGUYỄN: VỚI IRAN, KHÔNG PHẢI CHỈ DO THÁI, MÀ CẢ KHỐI Ả RẬP
Trong bối cảnh cuộc chiến Iran-Do Thái ngày càng leo thang, đa số chúng ta chỉ chú trọng đến mâu thuẫn gay gắt giữa Do Thái và Iran. Nhưng trên bàn cờ địa chính trị tại Trung Đông. Đối với Iran thì Do Thái chỉ là điểm chứ không phải diện. Vì vậy, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết ý kiến của một phóng viên Pháp là bà CATHERINE PEREZ-SHAKDAM. Bài này được đăng trên tờ The Jerusalem Post ngày 19/06/2025 vừa qua.
Vì đây là một bài viết ý kiến cá nhân của bà CATHERINE PEREZ-SHAKDAM, chúng tôi nghĩ nên chia sẻ cùng quý vị sơ lược tiểu sử của bà để hiểu bà ta đứng trên lập trường nào.
Bà CATHERINE PEREZ-SHAKDAM sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Pháp. Ông ngoại của bà đã chiến đấu với Đức Quốc xã trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng . Ông nội của bà là một người sống sót sau thảm sát Holocaust. Bà có bằng cử nhân Tâm lý học và hai bằng Cao học về tài chính và truyền thông từ Đại học London. Trong thời gian học tại Đại học London khi làm việc với Mossad, bà đã gặp và kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo đến từ Yemen và sau đó bà cải sang đạo Hồi Sunni trong thời gian họ kết hôn. Tuy nhiên, sau đó bà đã trở thành một người Hồi giáo Shia và đã viết một số cuốn sách và nhiều bài báo về đạo Hồi Shia. Bà đã ly hôn với chồng vào năm 2014 và được quyền nuôi hai đứa con. Hiện tại. bà tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (tiếng Anh gọi lá Zionist) và là một người Do Thái.
Bà cũng là giám đốc điều hành của Forum for Foreign Relations.
Tựa đề bài viết của bà là: TỪ BASIJ ĐẾN BALOCHISTAN: IRAN ĐÃ BAO VÂY THẾ GIỚI Ả RẬP NHƯ THẾ NÀO?
Lực lượng dân quân ngoại vi của Iran và sự bao vây thế giới Ả Rập một cách lặng lẽ.
Trong một thời đại bị ám ảnh bởi công nghệ và cảnh tượng, nơi sự thống trị quân sự được đo bằng máy bay không người lái drone và các thông tin sai lệch, phần lớn vùng đất Trung Đông vẫn được quản lý không chỉ bằng biên giới và hiệp ước, mà còn bằng các mệnh lệnh cổ xưa và ký ức văn minh.
Trong khi sự chú ý vẫn tập trung vào các cuộc đối đầu công khai – giữa Do Thái và Hezbollah, giữa Ả Rập Xê Út và Houthis – thì một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm hơn nhiều đang diễn ra trong bóng tối. Đây là một cuộc chiến bao vây thầm lặng, và Cộng hòa Hồi giáo Iran đang tiến hành cuộc chiến này với sự kiên nhẫn, với một sự xác tín về mặt thần học và với một chiều sâu chiến lược.
Đã có nhiều bài viết về trục kháng cự của Iran, và điều đó hoàn toàn đúng. Chẳng hạn như Hezbollah ở Li băng, Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine ở Gaza, và Houthis ở Yemen đã trở thành các mắt xích quen thuộc của tầm phóng của Iran. Nhưng tam giác thù địch này không phải là bức tranh toàn cảnh. Nó đơn thuần chỉ là mặt nổi.
Khi các tuyến đường đối đầu truyền thống ngày càng trở nên cạnh tranh hoặc bị kiềm chế, Iran đang chuyển hướng nhìn vào bên trong và về hướng Đông. Iran đầu tư vào một mạng lưới dân quân ngoại vi hoạt động cách xa tầm nhìn của các nhà phân tích phương Tây và các chiến lược gia Ả Rập.
Do Thái không phải là mặt đáng lo ngại nhất, mặc dù Tehran, trong lời lẽ hùng biện mang tính cách mạng, không muốn gì hơn là thấy Do Thái biến mất. Chính Ả Rập Xê-Út mới là bên nên thức tỉnh. Tham vọng của Iran, được che đậy bằng ngôn ngữ kháng chiến, không phải được thúc đẩy bởi sự thiết tha với sự nghiệp của dân tộc Palestine. Mà được bắt nguồn từ một điều gì đó sâu xa hơn: mong muốn thống trị thế giới Hồi giáo về mặt thần học và văn minh.
Lòng căm thù Do Thái của Iran là có thật, nhưng nó chỉ mang tính biểu tượng. Iran căm ghét quốc gia Do Thái không chỉ vì do người Do Thái, mà còn vì nó thách thức. Nhà nước Do Thái, bất chấp mọi nghịch cảnh, đã từ chối biến mất.
Người Do Thái, bất chấp sự lưu đày, thảm sát và hàng thế kỷ bị đàn áp có hệ thống, vẫn giữ được bản sắc, ngôn ngữ và sự gắn bó của họ với vùng đất mà họ đã được bảo phải rời bỏ đi. Khi làm như vậy, họ thách thức cốt lõi của hệ tư tưởng Cộng hòa Hồi giáo Iran – Iran đòi hỏi sự phục tùng.
Vấn đề không phải ở người Palestine. Chế độ ở Tehran không thực sự quan tâm đến phúc lợi của người Palestine, bằng chứng là họ sẵn sàng chiến đấu với Do Thái đến mạng sống cuối cùng của người Palestine. Điều khiến Iran tức giận là một dân tộc, đặc biệt là một dân tộc bị bôi nhọ trong lịch sử, có thể tồn tại mà không cần quỳ gối trước một lãnh chúa ngoại bang. Vấn đề không phải là người Do Thái sống; mà vấn đề ở chỗ là họ sống không bị khuất phục.
Nhưng nếu người Do Thái đang làm Iran tức giận vì họ từ chối bị xóa sổ, thì thế giới Ả Rập mới thực sự không thể chịu đựng được trong mắt Tehran. Bởi vì nó vẫn gần gũi và dễ bị tổn hại về mặt ý thức hệ. Trong khi người Do Thái đã đóng cọc chủ nghĩa dân tộc của họ trong khả năng phục hồi của họ, thì phần lớn thế giới Ả Rập vẫn bị chia cắt, mất tập trung và chia rẽ về mặt chính trị. Iran xem đây là một cơ hội.
Sự xuất hiện của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn
Sự xuất hiện của lực lượng dân quân ngoại vi được Iran hậu thuẫn ở Afghanistan, Pakistan và một số khu vực Trung Á không phải là ngẫu nhiên. Nó được thiết kế. Đây không phải là những phiên bản sao chép của lực lượng Hezbollah; chúng là lực lượng dự bị chiến lược. Hãy lấy Sư đoàn Fatemiyoun, bao gồm những người Hazara theo đạo Shia của Afghanistan làm ví dụ.
Được thành lập dưới sự chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (tiếng Anh gọi tắt là IRGC) , nhóm này đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu ở Syria để bảo vệ chế độ Assad. Hiện tại, nhiều chiến binh của nhóm đã trở về Afghanistan, một số hòa nhập vào cộng đồng địa phương, những người khác ẩn núp. Họ được huấn luyện, trung thành với Tehran và cực kỳ thù địch với Taliban do người Sunni thống trị.
Tương tự như vậy, Lữ đoàn Zainabiyoun, được thành lập bởi những người Shia của Pakistan, chủ yếu đến từ vùng Kurram và khu vực Parachinar, đã phục vụ cùng với các lực lượng Iran ở Syria. Giống như những lực lượng tương tự ở Afghanistan, họ được đào tạo về mặt tư tưởng và dày dạn kinh nghiệm tác chiến.
Mặc dù bề ngoài được xây dựng để phục vụ lợi ích của Iran ở Syria, nhưng về căn bản, họ là những nguồn lực có thể mở rộng – những công cụ mà Tehran có thể triển khai để gây sức ép với Pakistan, Ấn Độ hoặc thậm chí là các quốc gia vùng Vịnh nếu cán cân quyền lực thay đổi.
Mạng lưới dân quân này không chỉ hoạt động như một lực lượng viễn chinh mà còn như một hợp đồng bảo hiểm. Nếu mặt trận phía Tây của Iran trở nên không bền vững – ví dụ, nếu Hezbollah bị suy yếu ở Lebanon hoặc chế độ Syria sụp đổ – Tehran sẽ không bị bỏ rơi mà không có khả năng phòng thủ. Iran sẽ kích hoạt các mặt trận mới nơi ít người chú ý.
Tỉnh Sistan và Balochistan ở phía đông Iran từ lâu đã bất ổn, là nơi sinh sống của người Baloch (chủ yếu là người Hồi Giáo Sunni) vốn bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thay vì bình định khu vực này thông qua hội nhập, Tehran đã chọn một con đường khác: Đó là thao túng.
Iran cho phép một mức độ bất ổn trong tầm kiểm soát được, cho phép buôn lậu, dung túng cho các cấu trúc quyền lực của bộ lạc và thúc đẩy sự phụ thuộc, đồng thời xây dựng các kênh ảnh hưởng xuyên biên giới tại tỉnh Balochistan thuộc Pakistan.
Tại đây, Iran cũng chơi một trò chơi gian dối. Iran tự coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố Sunni trong khi tích cực vun đắp các tài sản tình báo và mạng lưới dân quân trong số những người Shia bất mãn. Họ có hai mục tiêu: làm mất ổn định ảnh hưởng của người Sunni ở vùng biên giới và duy trì đòn bẩy đối với chính trị nội bộ của Pakistan. Nếu khu vực này rơi vào hỗn loạn, Tehran sẽ không ngạc nhiên. Vì họ đã sẵn sàng.
Sự bất ổn này có thể được sử dụng làm vũ khí vượt xa biên giới phía đông của Iran. Vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, dựa vào các tuyến đường vận chuyển và hành lang trên bộ tương đối an toàn. Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Balochistan,, có thể phá vỡ thương mại, tạo ra dòng người tị nạn và tạo ra các cuộc khủng hoảng đòi hỏi vai trò “làm trung gian” của Iran.
Không nơi nào dự án văn minh của Iran dễ thấy hơn ở Iraq. Kể từ khi Saddam Hussein sụp đổ, Tehran đã hành động với tốc độ phi thường để biến Iraq thành một chư hầu phụ thuộc. Thông qua các ràng buộc về kinh tế, ảnh hưởng tôn giáo và sự gia tăng dân quân, họ đã làm rỗng ruột chủ quyền của Baghdad.
Lực lượng động viên quần chúng, một liên minh chủ yếu gồm các dân quân Shia, nhiều người có liên hệ trực tiếp với IRGC, hiện hoạt động như một quốc gia trong một quốc gia. Trên danh nghĩa trung thành với Iraq, nhưng lòng trung thành thực sự của họ nằm ở bên kia biên giới tức là Iran. Vũ khí, tiền lương và mệnh lệnh của họ đến từ Tehran. Mặc dù họ tuyên bố bảo vệ Iraq, mục đích của họ là đảm bảo rằng Iraq không bao giờ trở thành một thế lực Ả Rập thực sự độc lập nữa.
Mô hình kiểm soát gián tiếp thông qua các ủy nhiệm tư tưởng này là những gì Tehran đang muốn rập khuôn cho các quốc gia Ả Rập khác. Lebanon đã khuất phục. Syria là một vỏ bọc. Yemen đang chảy máu. Bahrain và Kuwait vẫn chịu áp lực tâm lý. Câu hỏi không phải là liệu Iran có muốn thống trị thế giới Ả Rập hay không; vấn đề là thế giới Ả Rập có sẵn sàng ngăn chặn điều đó hay không.
Nhiều quốc gia Ả Rập vẫn ủng hộ Iran
Mặc dù đã trải qua nhiều thập niên xung đột, nhiều quốc gia Ả Rập vẫn nhìn nhận Iran qua lăng kính ngoại giao và bản sắc Hồi giáo chung. Đây là một sai lầm chết người. Tehran không tìm kiếm sự bình đẳng với các nước láng giềng. Họ tìm kiếm sự thống trị. Các công cụ của họ không phải là ngoại giao, mà là giáo điều và kỷ luật.
Hiệp định Abraham, hiện đại hóa kinh tế và đối thoại khu vực đã mở ra những cơ hội mới cho thế giới Ả Rập. Nhưng những thành tựu này vẫn dễ bị tổn hại chừng nào Iran vẫn duy trì khả năng phá hoại từ bên trong. Mọi lực lượng dân quân vệ tinh, mọi mạng lưới chiến binh nước ngoài, mọi phong trào phục hưng Shia hoạt động dưới sự bảo trợ của Tehran đều là lời nhắc nhở rằng Cộng hòa Hồi giáo đang chơi một trò chơi khác.
Đây không phải là cuộc chiến tranh biên giới. Đây là cuộc chiến tranh phục tùng.
Để hiểu được hệ tư tưởng của Iran, người ta phải hiểu được lòng căm thù của họ. Và lòng căm thù của họ đối với Do Thái không phải là chiến lược, mà là biểu tượng. Do Thái là một quốc gia được xây dựng bởi một dân tộc đã từ chối đầu hàng. Mặc dù đã lưu vong hàng nghìn năm, họ vẫn trở về. Mặc dù đã nhiều lần cố gắng phá hủy họ, họ vẫn xây dựng lại. Họ đã không quỳ gối trước bất kỳ thế lực nào. Sự thách thức đó, hơn cả biên giới của họ, khiến Iran tức giận, bởi vì Iran không chỉ tìm kiếm sự tuân thủ. Họ tìm kiếm sự xác nhận cho thế giới quan thần quyền của mình. Và người Do Thái, bằng cách từ chối biến mất, đã phủ nhận điều đó.
Nhưng điều trớ trêu lớn nhất là: đối với tất cả sự tập trung của Iran vào Do Thái, thì thế giới Ả Rập mới cần cảm thấy bị đe dọa nhất. Bởi vì Tehran tin rằng họ có quyền thiêng liêng để thừa hưởng thế giới Ả Rập. Không phải với tư cách là đối tác, mà là chủ nhân của thế giới này.
Cuộc chiến của Iran đe dọa thế giới Ả Rập
Cuộc chiến mà Iran đang tiến hành đã diễn ra. Đây không phải là cuộc chiến tuyên bố; mà là cuộc chiến ảnh hưởng, xói mòn và bao vây chậm. Trong khi các quốc gia Ả Rập đổ hàng tỷ đô la vào quá trình hiện đại hóa, Iran lại đầu tư vào sự tử vì đạo, hệ tư tưởng và sự bất đối xứng.
Từ Basij ở Tehran đến những ngọn núi Balochistan, từ những con phố ở Baghdad đến những con hẻm ở Beirut, trò chơi dài hơi của Iran vẫn tiếp diễn. Không phải Do Thái nằm ở trung tâm của mạng lưới này. Đó là thế giới Ả Rập. Và trừ khi thế giới đó thức tỉnh trước bản chất của mối đe dọa, một ngày nào đó họ sẽ thấy mình bị bao vây – không phải bởi quân đội, mà là bởi những bóng đen đã bị phớt lờ quá lâu.
Đây không phải là lúc đối thoại với ma quỷ. Đây là lúc cần có sự rõ ràng về mặt chiến lược, phối hợp khu vực và bác bỏ ảo tưởng, bởi vì cuộc cách mạng của Iran không muốn có hàng xóm. Iran muốn có các nước chư hầu.
Exit mobile version