Site icon TUẦN VIỆT NAM

TÌNH YÊU & TUỔI TÁC

[ phục vụ cho quý phây hữu nhân Ngài E.Macron & phu nhân thăm Việt Nam ]
by Tino Cao
Người Pháp có câu ngạn ngữ rất dễ thương, nghe như mật ong tan chảy trong miệng: “l’amour n’a pas d’âge”, rằng thì là tình yêu không có tuổi. Dân Pháp đã nói thế, ai dám cãi.
Nhưng có lẽ họ chỉ nói chơi cho vui miệng, vì thực tế thì người Pháp vẫn hay giễu cợt khi thấy một cụ ông lọm khọm tay trong tay với một em tóc vàng như nắng tháng Sáu.
Họ vẫn tò mò rỉ tai nhau khi một bà đầm đứng tuổi dắt theo một chàng bảnh trai mười tám đôi mươi, như kiểu bà đang dắt… chó poodle đi dạo.
Nhưng rồi một ngày đẹp trời cách đây đúng tám năm, một anh chàng Pháp trẻ măng đẹp như tượng đã khiến cả nước Pháp, và cả thế giới, phải nhìn lại định kiến yêu đương theo tuổi tác.
Tên anh ta là Emmanuel Macron, và người đàn bà của anh ta là Brigitte Marie-Claude Trogneux, nay được biết đến với cái tên Brigitte Macron.
Mối tình đó nếu ở Việt Nam chắc đã bị gọi là “máy bay bà già” gặp “phi công trẻ”. Mà phi công Macron không phải dân học trung cấp hàng không.
Anh phi công ấy học giỏi, đẹp trai, được đào tạo ở những nơi mà người ta mài giũa ra các vị vua không ngai của nước Pháp. Mười lăm tuổi, cậu thiếu niên ấy ngồi bàn cuối lớp Văn, lòng xao động khi nhìn cô giáo tóc vàng mắt xanh giảng bài về kịch tác gia Molière. Há hốc mồm, và rồi, không chần chừ, cậu bé ấy quyết định: mình sẽ cưới cô giáo.
Cô ấy lúc đó bốn mươi, đã ba con, chồng con đầy đủ, và gia đình nhà trai thì hoảng hốt như thể cậu bé bị quỷ ám. Nhưng tình yêu vốn chẳng thèm nghe lời ai, nó chỉ cần hai kẻ dám chơi tới bến.
Macron, theo đúng nghĩa đen, đã chơi tới bến. Không bỏ cuộc, không thèm đổi người yêu, không để ý đến những ánh mắt soi mói của thiên hạ, chỉ lặng lẽ học cho giỏi, thi vào trường Quốc gia Hành chính, rồi tốt nghiệp thủ khoa, rồi làm ngân hàng, rồi làm cố vấn, rồi làm bộ trưởng, rồi tự lập một phong trào chính trị riêng mang tên “Tiến bước”.
Trong một đất nước nơi người ta quen làm chính trị như đi chùa, nghĩa là phải qua đủ các tầng nấc địa phương, phải học đủ khóa tôn nghiêm, phải cúng tổ ba năm, thì chuyện một gã mới toanh như Macron dám ứng cử tổng thống thật là chuyện tày trời.
Ấy vậy mà anh ta đã đắc cử. Và rồi tái đắc cử. Và giờ, tám năm sau khi “chơi lớn” lần đầu, anh ta đến thăm Việt Nam với tư cách nguyên thủ quốc gia. Người ta nhìn anh ta đầy nể phục, không chỉ vì anh ta trẻ, đẹp, nói hay, mặc đồ vừa vặn từng centimet.
Người ta nể cả vì người vợ của anh ta luôn sánh bước bên chồng, không phải kiểu “đứng sau thành công người đàn ông”, mà là kiểu đứng bên cạnh, mắt ngước nhìn và tay nắm chặt.
Chuyện tình Macron – Brigitte, một cách bất ngờ, lại trở thành biểu tượng của một kiểu tình yêu dám vượt khỏi quy phạm. Nhiều bà đầm Pháp, sau khi thấy Macron đắc cử, đã bắt đầu ngẫm nghĩ. Họ nhìn sang mấy ông chồng bụng bia đang gục trên ghế salon và nghĩ: tại sao mình lại không thử “lái máy bay”? Họ vào mạng, gõ “cách tán trai trẻ”, mua đồ ren, học TikTok, gửi lời mời kết bạn cho các chàng sinh viên năm nhất. Không phải vì Macron đẹp trai mà vì Macron cho họ thấy một cánh cửa khác của khát vọng.
Tình yêu, sau rốt, không phải là chuyện hơn kém bao nhiêu tuổi mà là chuyện người ta có dám yêu đến cùng hay không. Người ta bảo phụ nữ lớn tuổi thì hết sinh con, hết dẻo dai, hết cả mộng mơ. Nhưng Brigitte thì vẫn tay trong tay chồng đi dự thượng đỉnh, vẫn đứng thẳng trên giày cao gót mà không chao đảo, vẫn cười bằng ánh mắt và nói bằng tất cả khí chất. Có thể bà không sinh thêm con, nhưng bà sinh ra một người đàn ông dám sống bằng trái tim mình. Thế là đủ.
Nhiều người khi ấy nói rằng cử tri Pháp chọn Macron không hẳn vì chính sách kinh tế hay chiến lược đối ngoại. Họ chọn một điều gì đó lạ hơn. Họ chọn một cú tát nhẹ vào mô hình chính trị cũ kĩ và già nua. Họ chọn một người dám từ bỏ ghế bộ trưởng vì nhìn thấy guồng máy đang rệu rã.
Họ chọn một người không ngần ngại tuyên bố mình là môn sinh của triết gia Ricoeur, trong một thời đại mà giới chính trị gia chỉ còn biết nói đến tăng trưởng và trừng phạt. Họ chọn một người đàn ông đã cho thấy rằng lòng can đảm trong tình yêu riêng tư cũng chính là dấu hiệu của bản lĩnh nơi chính trường.
Cử tri Pháp, đặc biệt là phụ nữ Pháp, ngưỡng mộ Macron vì anh ta yêu một người đàn bà lớn tuổi mà không cần che giấu điều đó. Trong một thế giới mà các tổng thống khác thích chụp hình bên người mẫu chân dài, thì tổng thống Pháp cứ mặc nhiên dẫn bà vợ già theo mình như hình với bóng trong bất cứ chuyến công du nào. Trong khi tổng thống Mĩ đương thời thích phát ngôn kiểu gà trống hống hách của một macho ringard, đại loại như “trên giường thì tôi là tổng tư lệnh”, thì tổng thống Pháp chỉ cần ngồi ăn tối với vợ cũng khiến cử tri tan chảy. Người Pháp không ngốc, họ thấy hết. Họ không cần một tổng thống biết chơi golf giỏi, họ cần một tổng thống biết yêu giỏi.
Macron đến Việt Nam lần này với một tâm thế khác.
Anh không còn là chàng trai trẻ phi thường vừa lật đổ những ông già mốc meo trong chính trường Paris.
Anh là tổng thống đã đi qua chiến tranh Ukraina, khủng hoảng lạm phát, gilet jaune và bao nhiêu trận bão khác. Nhưng anh vẫn là người đã yêu Brigitte từ khi mười lăm tuổi. Và vì điều đó, anh vẫn có một vầng hào quang riêng, không thể nhầm lẫn.
Chúng ta có thể tranh luận về chính sách Macron, có thể bất đồng về cải cách hưu trí hay mức trần thuế. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng anh ta đã làm một việc không dễ: khiến người Pháp nhìn chuyện tình phi công trẻ và máy bay bà già bằng một con mắt đầy cảm thông, thậm chí là khâm phục.
Và nếu nước Pháp từng ngạo nghễ vì cuộc cách mạng vĩ đại năm 1789, thì chuyện tình Macron – Brigitte cũng là một cuộc cách mạng, chỉ có điều là ở quy mô trái tim.
Cho nên khi thấy bà Brigitte bước xuống thảm đỏ ở Nội Bài, tay nắm tay chồng, miệng cười rạng rỡ, tôi lại nghĩ thầm: các quý bà Annam nếu muốn “lái máy bay” thì cứ tự nhiên.
Thế giới này đã thay đổi rồi.
Miễn là các bà chọn đúng phi công, không chọn nhầm mấy anh chưa học xong lớp mười đã đòi làm cơ trưởng. Vụ đó thì rủi ro cao, không bảo hiểm nào đền nổi.
*******
Exit mobile version