Nguyễn Quốc Tấn Trung
Hiệp định về vấn đề khai khoáng, thành lập quỹ chung và các vấn đề liên quan giữa Hoa Kỳ và Ukraine mới đây là một văn bản có thể nói là một thành công lớn của cả Ukraine lẫn Hoa Kỳ. Nó cho thấy khả năng đàm phán rất tốt của phía Tổng thống Zelensky, trong khi phía bộ sậu của ông Trump cũng cho thấy họ là những người có thể đàm phán cùng. Đây là những tín hiệu đáng mừng.
Nội dung pháp lý của thỏa thuận (theo nhiều nguồn nội bộ) cũng rất đáng khen, từ việc Ukraine không phải “hoàn trả” bất kỳ khoản vay nào trước đó (nhưng ông Trump từng tuyên bố), quỹ chung được thành lập thuộc đồng đều về cả hai bên, 10 năm đầu lợi nhuận sẽ chỉ được dùng để tái kiến thiết Ukraine, cũng như không hề giới hạn tham vọng trở thành thành viên EU hay NATO của Ukraine. Song vì nội dung chính thức dài và vẫn chưa công bố một cách hoàn thiện, những phân tích chi tiết sẽ phải để dành cho những ngày tới.
Tổng quan mà nói, Ukraine đang ở vị thế tốt hơn cả các quốc gia châu Âu trong Kế hoạch Marshall mà Hoa Kỳ dùng để tái kiến thiết châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, đối với các nhóm Putinistas Việt Nam thì chỉ có quân Nga đang xâm lược và chiếm đóng quốc gia người ta là “thánh thiện”, còn các thỏa thuận thiện chí như trên thì là “thuộc địa hóa” với “đế quốc hoá” hết cả.
Mình nhìn một bài post và đi dạo vài vòng các trang pro-Putin của Việt Nam thì họ nói thế thật.
Cố căng mắt để đọc và hiểu lý luận của họ là gì, thì họ viện dẫn rằng thỏa thuận này có tính “thuộc địa” bởi nó có một quy định rằng Ukraine không thể viện dẫn pháp luật quốc nội hay thay đổi pháp luật quốc nội để không thực hiện nghĩa vụ được quy định trong hiệp định.
Đọc xong lý luận của họ thì não mình như mất vài nếp nhăn, phải ngồi định thần lại để não nó tự gấp lại mấy nếp.
Chưa kể đến việc rằng quy định này trong thoả thuận thực tế được ghi nhận ra sao, mong bạn đọc chú ý cho là những điều khoản dạng này là một trong những tập quán pháp phổ biến và được công nhận lâu đời nhất của công pháp quốc tế, gọi là “primacy clause” hay “supremacy clause” – có thể tạm hiểu là “điều khoản ưu tiên” hay nguyên tắc ưu tiên pháp luật quốc tế khi có xung đột pháp luật giữa hệ thống pháp luật nội địa và các hiệp định được ký kết bởi chính phủ một quốc gia.
***
Ở góc nhìn rộng, #primacyclause được quy định trực tiếp trong Công ước Vienna về Luật Điều ước Quốc tế (Vienna Convention on the Law of Treaties 1969). Hiển nhiên, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Vienna 1969 từ lâu.
Cụ thể, ở Điều 27, Công ước này ghi nhận: “Một bên ký kết không thể viện dẫn các quy định của pháp luật quốc nội nhằm biện minh cho việc không thực hiện một điều ước.” (“A party may not invoke the provisions of its internal law as justification for its failure to perform a treaty.”)
Nguyên tắc này là nguyên tắc căn bản nhằm tạo ra tính ổn định của pháp luật quốc tế và đảm bảo rằng các chính phủ không thể tự viết ra luật quốc nội mới, hay dùng pháp luật quốc nội sẵn có, để thoái thác các nghĩa vụ quốc tế.
***
Ngay cả trong luật quốc nội Việt Nam thật ra cũng công nhận và nội luật hóa nguyên tắc này từ rất lâu, mà cụ thể văn bản gần đây nhất là Luật Điều ước Quốc tế 2016. Theo đó, Điều 6 ghi nhận:
“1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
2. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.”
Hiểu đơn giản là, Việt Nam thừa nhận rằng, trừ khi trong điều ước quốc tế có những quy định trái với Hiến Pháp (kiểu Ukraine phải ký kết nhượng bộ đất đai và mất quyền toàn vẹn lãnh thổ cho Nga mà bè phái Putinistas ở Việt Nam hay đòi hỏi), điều ước quốc tế có tính ưu tiên trong mọi trường hợp đối với luật, bộ luật hay văn bản dưới luật khi xảy ra xung đột pháp luật giữa hai hệ thống.
Ngoài ra, sau khi ký kết điều ước, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng có trách nhiệm sửa đổi luật nội địa để hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa trong việc thực hiện điều ước quốc tế nó.
Sự có mặt của “primacy clause” chưa và không bao giờ biến một điều ước thành văn bản có tính thuộc địa. Chẳng lẽ Việt Nam với hàng loạt điều ước ký kết với châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc (vốn đều có các phiên bản của primacy clause trong đó)… là thuộc địa của tất cả bọn họ???
***
Tựu trung, nguyên tắc ưu tiên dành cho điều ước quốc tế được ký kết hợp pháp giữa các quốc gia với nhau là một trong các cột sống của hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại. Quốc gia nào cũng dùng, kể cả Việt Nam.
Các nhóm Putinistas Việt Nam nên ít nói lại. Nói nhiều quá kéo IQ cả nước đi xuống.
[Xem, ví dụ, bài của Thiên Lương ở còm]