3-10-2017
Ở bối cảnh hiện nay, xem lại sự “phản tỉnh” của Trường Chinh, đặc biệt là ý kiến của một số người liên quan rất thú vị.
Có nhiều ý kiến khác nhau về ĐỔI MỚI 1.0 và vai trò của một số cá nhân, nhưng đa số đều cho rằng Trường Chinh là người có vai trò quan trọng nhất.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chúng ta nói với ông không đủ sức thuyết phục. Nhưng ông là người biết tôn trọng sự thật, nếu ông khám phá ra sự thật thì tư duy của ông mới có thể chuyển biến.”
Ông Mai Chí Thọ: “Sau đợt kiểm tra tình hình thực tế ở một số địa phương và TPHCM, đồng chí Trường Chinh phát biểu: “Trước đây, tôi đã nghe nhiều báo cáo sai lầm, không đúng thực tế.” Anh đã quay “một trăm tám chục độ” và đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam.”
Ông Trần Việt Phương: “Vào cuối đời, ông có một sự thay đổi 180 độ về quan điểm kinh tế. Có thể nói, đó là một sự lột xác, chuyển từ một người bảo thủ sang người cấp tiến và là tác giả chính của sự nghiệp đổi mới.”
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Phú Trọng đánh giá về thời kỳ đổi mới: “Tình hình đó cho thấy, sự đổi mới tư duy kinh tế là không đơn giản. Quan niệm cũ còn ăn sâu bám rẽ trong nhiều người, thậm chí còn có người cho rằng không cần phải đổi. Cái mới chưa được khẳng định đã quay về cái cũ. Khủng khoảng kinh tế – xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn.”
Quay trở lại thực tế, nếu không có đột phá về các giải pháp thì chiến dịch chống tham nhũng hiện nay rất dễ đưa toàn hệ thống chính trị vào ngõ cụt với nhiều hệ lụy khó lường.
ĐỔI MỚI 1.0 là về đường lối kinh tế, ĐỔI MỚI 2.0 (nếu có) ắt phải về đường lối chính trị.
TBT Trường Chinh được xem là người kiên định nhất về đường lối kinh tế lúc bấy giờ; TBT Nguyễn Phú Trọng có lẽ là người kiên định nhất về đường lối chính trị hiện nay.
Liệu cùng tắc biến để có một kết cục tốt đẹp cho Việt Nam có xảy ra không?