Site icon TUẦN VIỆT NAM

PUTIN KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN HÒA BÌNH

Hannes Vogel, nt-v, 17.05.2025,

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul đã thất bại. Không chỉ vì Putin không muốn hòa bình, mà vì lý do kinh tế Putin khó có thể dừng lại cuộc chiến tranh. Logic của nền kinh tế chiến tranh buộc ông ta phải tiếp tục.
*
Đó là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Ukraine và Nga sau hơn ba năm, nhưng kỳ vọng vào cuộc đàm phán ở Istanbul đã ở mức rất thấp ngay trước khi bắt đầu. Và quả thực, cuộc họp đã kết thúc nhanh chóng và không có kết quả. Sự việc xảy ra đúng như dự đoán của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người thậm chí còn không bay tới đó: “Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra”. Cựu chuyên gia phân tích của CIA Rob Dannenberg gọi cảnh tượng ở Istanbul là một “sân khấu hòa bình”. Putin không thực sự quan tâm đến thỏa thuận này.
Putin dựa vào sức mạnh quân sự vì ông ta tin rằng mình ở thế mạnh hơn trên chiến trường. Nhưng tình hình quân sự chỉ là một trong những lý do khiến Putin không quan tâm đến hòa bình. Một lý do khác là sự phát triển kinh tế ở Nga. Nền kinh tế chiến tranh mà Putin tạo ra để tấn công Ukraine đã khiến ông ta không có nhiều lựa chọn. Tổng thống Nga đã tự đưa mình vào ngõ cụt về kinh tế. Nếu tiếng súng đột nhiên im bặt và nền kinh tế chiến tranh của Nga suy yếu, điều này có thể gây nguy hiểm cho quyền lực của tổng thống.
*
TOÀN BỘ NƯỚC NGA ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG CHO CHIẾN TRANH
Kể từ khi xâm lược Ukraine, Putin đã hoàn toàn hướng nền kinh tế Nga vào chiến tranh. Chi tiêu quốc phòng hiện chiếm tới 7% sản lượng kinh tế và chính thức tiêu tốn một phần ba chi tiêu của chính phủ. Hầu như tất cả các nguồn tài nguyên tự do đều bị các công ty vũ khí hấp thụ. Khắp nơi đều thiếu hụt lao động. Toàn bộ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga phụ thuộc vào lĩnh vực quốc phòng.
Giống như mọi cuộc chiến tranh khác, cuộc tấn công của Putin vào Ukraine cũng là một thử nghiệm kinh tế: “Cuộc chiến thực ra không có hại cho nền kinh tế, vì chiến tranh có nghĩa là, nhà nước phải chi ra rất nhiều tiền”, Janis Kluge thuộc Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức trả lời ntv.de. “Việc chi tiêu cho vũ khí và quân đội giống như một gói kích thích kinh tế khổng lồ.”
Khoản tiền bất ngờ dành cho quân đội thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm ở Nga. Nền kinh tế chiến tranh của Putin hiện nay đã đạt đến giới hạn của năng lực. Ở Nga, không có đủ công nhân xây dựng, không có đủ tài xế xe buýt hoặc cảnh sát vì ngày càng có nhiều đàn ông được gửi ra tiền tuyến làm lính. “Nghịch lý thay, chính những yếu tố đang ngày càng hạn chế khả năng tiến hành chiến tranh của Nga cũng chính là yếu tố đang làm phức tạp con đường hướng tới một nền hòa bình đơn giản”, Marc De Vore thuộc Đại học St. Andrews và Alexander Mertens, giáo sư tại Học viện Kyiv-Mohyla, đã cảnh báo trong “Chính sách đối ngoại” vào tháng 11 năm ngoái.
*
NGỪNG BẮN CÓ THỂ GÂY RA SỰ SỤP ĐỔ
Việc đột ngột dừng cỗ máy chiến tranh của Nga sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Vì nền kinh tế của Điện Kremlin phụ thuộc rất nhiều vào việc sản xuất xe tăng, tên lửa và lựu đạn nên sự sụp đổ sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa, nếu tất cả những vũ khí này đột nhiên không còn cần thiết. Nhu cầu không ngừng của quân đội đã đẩy tiền lương lên cao và đẩy lãi suất lên mức khủng khiếp là 21%. Các công ty dân sự, phi chính phủ hiện có rất ít cơ hội tự tài trợ ở Nga. Bộ máy quân sự cồng kềnh đã thay thế hoàn toàn các doanh nghiệp dân sự.
Nếu hàng trăm ngàn binh lính trở về từ tiền tuyến, Putin sẽ gặp phải vấn đề rất lớn. Một đội quân gồm những cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm bỗng nhiên trở nên thất nghiệp. Khu vực kinh tế phi quân sự không thể tuyển dụng những người này trong thời gian ngắn. Đây là kinh nghiệm mà Liên Xô đã từng trải qua vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi sau khi Bức màn sắt sụp đổ, hàng triệu binh lính Hồng quân đột nhiên thấy mình phải ra đứng đường vì không có việc làm và một bộ phận lớn dân số trở nên nghèo đói. Ngay cả ở Hoa Kỳ, việc giải ngũ hàng triệu lính Mỹ và sự suy giảm đột ngột trong chi tiêu quân sự vào cuối Thế chiến II đã dẫn đến “cuộc suy thoái Ngày V” (V-Day-Rezession), tuy ngắn nhưng nghiêm trọng, trong đó sản lượng kinh tế sụt giảm gần 11%.
Đối với Putin, sự suy thoái kinh tế như vậy sẽ gây ra hậu quả bùng nổ về mặt xã hội. Những người bất mãn có thể quay sang chống lại ông ta. Điều này sẽ khiến hòa bình ở Ukraine trở thành mối đe dọa đối với chế độ Nga: “Giới lãnh đạo Nga đã tự đưa mình vào ngõ cụt với ngân sách quân sự cao và ngày càng tăng, buộc họ phải tiếp tục chính sách đối ngoại hung hăng”, nhà khoa học chính trị người Nga Pavel Luzin viết. “Nước Nga không thể đơn giản cắt giảm ngân sách quân sự.”
*
PUTIN PHẢI NÊU RA MỤC TIÊU MỚI
Điều này đặt Putin vào thế tiến thoái lưỡng nan: ông không thể tiếp tục như thế này mãi được. Tài nguyên của Nga là hữu hạn. Điện Kremlin không thể duy trì chi tiêu quân sự ở mức hiện tại trong thời gian dài mà không chuyển đổi Nga thành nền kinh tế kế hoạch hóa, vì điều này tạo ra những thâm hụt lớn ở những nơi khác và cũng dẫn đến căng thẳng xã hội. Thêm vào đó, lượng lớn xe tăng, pháo và xe chiến đấu bộ binh cũ từ thời Liên Xô đang dần cạn kiệt.
Putin chỉ có một cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan này: ông ta phải đặt ra những mục tiêu mới. Thay vì tự đẩy nước Nga vào suy thoái thông qua việc giải trừ quân bị hoặc rơi vào tình trạng thiếu hụt kinh tế trong một cuộc chiến tranh liên miên, Điện Kremlin rõ ràng sẽ mở rộng chiến tranh sang các nước khác để chiếm các nguồn tài nguyên mới và do đó trang trải chi tiêu quân sự. Từ Julius Caesar đến Napoleon đến Saddam Hussein, các nhà độc tài đã làm theo cách này để tài trợ cho đội quân hàng triệu người của họ – và để giữ cho binh lính của họ có việc làm.
Thật dễ để tưởng tượng viễn cảnh này sẽ như thế nào dưới thời Putin: Moscow có thể sử dụng ưu thế quân sự để đe dọa các nước láng giềng nhằm buộc giải phóng tài sản bị đóng băng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc khởi động lại đường ống dẫn khí đốt. Để duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh, Putin có thể tấn công các quốc gia láng giềng khác. Ngay cả khi Putin ký kết hòa bình, điều đó cũng không có nghĩa là sự xâm lược của Nga sẽ chấm dứt: “Bất kể Nga kết thúc cuộc chiến hiện tại của mình như thế nào, thì thực tiễn kinh tế của riêng đất nước này cũng sẽ tạo ra những hình thức bất ổn mới cho châu Âu”, DeVore và Mertens cảnh báo.
Putin cần nền kinh tế chiến tranh – và nền kinh tế chiến tranh cần có chiến tranh.
*
Exit mobile version