PHẠM THỊ HOÀI LÀ MỘT NGƯỜI SINH RA VÀ LỚN LÊN Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM. LƯU LẠC SANG ĐÔNG ĐỨC, RỒI ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC ĐỨC THỐNG NHẤT.
1.
Khi lên cầm quyền, Trump tưởng chính quyền là tài sản mà mình sở hữu hợp pháp, và hai triệu công chức dưới trướng nợ ông ta một sự trung thành tuyệt đối. Song ông ta lại đầy lòng nghi ngờ rằng trong số đó có những người đang âm mưu lật đổ mình. Vậy phải khuất phục họ mới mong giữ yên quyền lực. Điều đó thật không dễ. Guồng máy thường trực của nhà nước đã đối mặt với bao nhà lãnh đạo khác và vẫn trụ lại. Thiếu kinh nghiệm và bất cẩn – chính là những phẩm chất mà phe ủng hộ ông ta ca ngợi -, ông ta nhanh chóng phạm sai lầm. Ông ta giao bộ máy hành chính cho những quan chức không đáng tin hoặc thiếu năng lực, nhưng bộ máy vẫn tự chạy.
Song Trump cả đời được thôi thúc bằng một trực giác đơn giản: Con người vốn yếu đuối. Họ mơ mộng, khao khát, phù phiếm, sợ hãi. Họ có thể bị hù dọa, mua chuộc, nghiền nát. Chính quyền là một tập hợp của những con người. Đó là yếu điểm trong thiết kế tuyệt vời của hệ thống, và Trump học được cách khai thác nó. Đống đổ nát bắt đầu chống chất. Vài năm là đã đủ để ông ta nhào nặn bộ máy hành chính thành một công cụ cho lợi ích riêng. Nếu ông ta được thêm vài năm nữa, nền dân chủ Mỹ sẽ tổn thất đến mức không thể khắc phục được nữa.
(George Packer: „How To Destroy A Government”, The Atlantic, số tháng 4/2020)
2.
Trong những khủng hoảng toàn cầu trước đây, như khủng hoảng tài chính 2008 và dịch bệnh Ebola 2014, Mỹ đã nắm vai trò là người lãnh đạo toàn cầu. Song chính phủ Mỹ đương nhiệm lại từ chối đảm nhận vị trí lãnh đạo đó. Nó tuyên bố rõ ràng rằng nó quan tâm đến sự vĩ đại của nước Mỹ hơn nhiều so với tương lai của nhân loại.
Nó thậm chí còn bỏ rơi những đồng minh gần gũi nhất. Khi ban hành lệnh cấm nhập cảnh từ Liên minh châu Âu (EU), nó chẳng buồn báo trước cho EU – chứ đừng nói đến việc hội ý với EU về biện pháp quyết liệt này. Nó cũng khiến cả nước Đức xôn xao vì hình như đã đem 1 tỷ dollar ra dụ một hãng dược phẩm Đức để mua độc quyền vaccine phòng Covid-19. Nhưng ngay cả khi chính phủ Mỹ đương nhiệm một lúc nào đó đổi hướng và đề xuất một kế hoạch hành động toàn cầu, sẽ chẳng mấy ai muốn đi theo một nhà lãnh đạo không bao giờ đứng ra chịu trách nhiệm, không bao giờ thừa nhận sai lầm, và thường xuyên vơ thành tích vào mình, còn lỗi thì đổ cho người khác.
(Yuval Noah Harari: “The World After Coronavirus”, Financial Times 20/03/2020
*
Nghi vấn đương nhiên: George Packer và Yuval Noah Harari là gián điệp của Hà Nội, đội tên giả, xâm nhập báo chí “dân chủ thổ tả” để dìm hàng nước Mỹ vĩ đại của Tổng thống Trump kính yêu.