Chiếc cân mà tôi nói đến ở đây là đề thi môn Ngữ Văn. Tại sao nói rằng nó hỏng? Để tránh bài viết quá dài, tôi không muốn lặp lại nữa, mời đọc bài phân tích chi tiết, công phu, thuyết phục và không thể bác bỏ của tác giả Hoàng Tuấn Công về đề thi này trên báo Nông Nghiệp Việt Nam: https://nongnghiep.vn/…/tu-de-thi-tuyen-sinh-lop-10-cua…, hoặc vào trang FB của anh.
“Trong một diễn biến khác”, sáng nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã công bố kết quả của kỳ thi này. Tôi lướt qua vài huyện như Quảng Xương, Nghi Sơn, thấy những con số thật bất ngờ: Môn Ngữ Văn có điểm số cao nhất trong 3 môn Toán, Văn, Anh.
Như đã thấy trong phân tích của tác giả Hoàng Tuấn Công, một đề thi mà hỏng cả ngữ liệu, hỏng cả cách đặt câu hỏi (định hướng và áp đặt), và rất có thể là hỏng cả đáp án, nhưng lại có kết quả cao đến “đáng tự hào” như thế. Là vì sao vậy? Theo tôi có mấy nguyên nhân như dưới đây.
Thứ nhất, như ông Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra, ngoài sự lủng củng, phi logic và đầy mâu thuẫn, thì ngữ liệu của đề là một quan điểm mang nặng tính giáo điều cũ kỹ. Nó đề cao tinh thần “hi sinh”, “chịu thiệt thòi”, “nhận phần mía ngọn” để nhường phần tốt lành cho người khác, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng một xã hội bình quyền. Mặt khác, khi đặt vào trong vấn đề cụ thể mà ngữ liệu nêu ra (công nghiệp và ô nhiễm môi trường…) thì đây thực chất là tôn vinh ý thức nuôi dưỡng sự bất công và những phi lý. Nhưng theo cách hỏi mang tính định hướng và áp đặt của đề, thí sinh sẽ một mực “đồng ý” và hết lời ca ngợi. Chuyện “hi sinh”, “chịu thiệt” vốn đã là “truyền thống” trong nhận thức và nói năng của văn hóa Việt Nam và tất nhiên là của cả nhà trường Việt Nam. Học sinh sẽ không khó khăn gì khi viết về nó, nhất là khi viết một chiều. Điểm cao là điều có thể hiểu được.
Thứ hai, do đề ra như vậy thì đáp án cũng sẽ như vậy, thí sinh (với truyền thống đoán ý giám khảo) cũng sẽ làm như vậy. Như đã biết, sau môn thi này, nhiều giáo viên đã lên báo ca ngợi đề, nghĩa là nó cho thấy chính giáo viên cũng không phát hiện ra sự “bất ổn” của đề này; và cho đến nay, cả tỉnh Thanh Hóa, ngoài bài phản biện của tác giả Hoàng Tuấn Công thì chưa thấy bất kỳ một “tiếng nói trái chiều nào”. Điều đó cho thấy một sự hỏng mang tính hệ thống trong nhận thức của xã hội về cả kiến thức và logic, trong đó nguy hại nhất là sự hỏng ở đội ngũ thầy cô giáo dạy văn. Từ việc không phát hiện ra được những cái hiển nhiên trong đề, ngược lại còn hết lời ngợi ca, thì việc cho điểm cao đối với những bài làm của thí sinh phải là điều tất yếu.
Thứ ba, như chúng ta cũng đã biết về “truyền thống” chấm văn hàng chục năm qua, là “đếm ý cho điểm”. “Hãy trình bày suy nghĩ của em nhưng chấm theo ý của cô” đã dẫn đến việc “đoán ý giám khảo” được cài sẵn trong định hướng hỏi của đề. Vì thế, thí sinh thường sẽ lập được một dàn ý tương đối đầy đủ và sát với đáp án. Việc chấm văn hiện nay ít chú ý đến “văn” mà chỉ chủ yếu là “đếm ý”. Thành ra, với một cái đề và cũng cách chấm bài như đã thấy, thì việc thí sinh được điểm cao cũng là một điều rất dễ hiểu.
***
Trở lại với bài phân tích đề thi tuyển sinh 10 này của tác giả Hoàng Tuấn Công. Như đã thấy, yêu cầu thí sinh “đọc hiểu”, nhưng chính những người ra đề lại không hề “hiểu” rằng đoạn ngữ liệu ấy mâu thuẫn, phi logic và phản giáo dục như thế nào. Thành thử, đề mắc những sai sót nghiêm trọng nhưng lại được sử dụng để làm thước đo đánh giá năng lực và quyết định tương lai của hàng vạn học sinh, vậy kết quả của nó có còn đáng tin và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những đậu rớt đầy tính may rủi này?
Những em vào được lớp 10 công lập, lớp 10 chuyên có thật sự là những em có năng lực được phản ánh đúng như điểm số trên bài làm? Rồi những em rớt và cuộc đời phải rẽ sang một hướng khác, có thật sự là do các em kém cỏi?
Với cách đánh giá hiện nay, đề thi là chiếc cân, là cây thước, là công cụ và phương tiện duy nhất đánh giá và quyết định kết quả thi cử của học sinh, nay đề hỏng đến như thế, thì những kết quả kia phải được xử lý thế nào? Ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý ra sao? Im lặng, phớt lờ, giả vờ như không nghe không biết, hay sẽ dũng cảm đối mặt và thể hiện trách nhiệm của mình bằng một giải pháp thực tế nào đó?
Tất cả những câu hỏi này xin được gửi đến những người có trách nhiệm trong bộ máy chính quyền và nhất là những người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà. Là người lớn, và là những người ăn lương để thi hành trách nhiệm cao cả đối với nền giáo dục, chúng ta không thể bắt học sinh phải gánh chịu những sai lầm và bất công do chính mình gây ra bằng cách lờ đi một sự thật trần trụi đang phơi bày trước mắt.
——-
* Xin lưu ý, bài viết này không nhắm vào tác giả ngữ liệu trong đề vì tác giả ấy không liên quan và không có lỗi gì cả trong một kỳ thi mà anh ta không hề hay biết rằng người ta đã sử dụng bài viết của mình, mà là đánh giá về chất lượng của đội ngũ làm đề và trách nhiệm của ngành giáo dục địa phương khi đã sản xuất ra một cái đề có những sai sót nghiêm trọng như thế. Và đáng buồn hơn, là cả một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hùng hậu nhưng không một ai phát hiện ra những bất ổn ấy. Vậy, có thể hi vọng gì cho những năm tới khi chất lượng của đội ngũ này vẫn không có hứa hẹn gì rằng sẽ tốt hơn trong tình hình này? Đáng sợ hơn nữa khi đọc qua một số đề thi ở các địa phương khác và thấy cũng không khá khẩm gì hơn, thậm chí đó là đề tuyển sinh vào lớp 10 chuyên của Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại Học Quốc Gia HN, như tôi đã phân tích trong một bài viết cách đây mươi ngày. Đây quả là một thực trạng đáng báo động trên phương diện toàn ngành, nó đòi hỏi một giải pháp tổng thể không thể trì hoãn, nếu còn thật lòng muốn “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thái Hạo