Site icon TUẦN VIỆT NAM

GS NGUYỄN XUÂN THU VÀ ĐẠI HỌC RMIT VIỆT NAM

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu

Nguyễn Hưng Quốc

Một trong những việc làm khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất là đã khuyến khích giáo sư Nguyễn Xuân Thu viết cuốn hồi ký “Hành trình từ trường làng đến Đại học RMIT Việt Nam”, sau đó, viết lời giới thiệu cho cuốn sách và tổ chức ra mắt cuốn sách tại trường Đại học Victoria. Trong buổi ra mắt sách, có nhiều người lên phát biểu, nhưng sâu sắc nhất là bài phát biểu của giáo sư David Beanland, cựu Giám đốc Đại học RMIT ở Melbourne.

Tôi xin đăng lại bài phát biểu ấy để bạn bè biết thêm về giáo sư Nguyễn Xuân Thu và về trường Đại học RMIT ở Việt Nam.

Xin lưu ý: Cuốn hồi ký, bản tiếng Việt và bản tiếng Anh, có bán trên Amazon.com

***

Tôi rất phấn khởi được phát biểu đôi lời nhân sự kiện quan trọng này: Thứ nhất, hồi ký là một thể loại rất quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng hơn vì người viết là Giáo sư Nguyễn Xuân Thu. Giáo sư Thu đã có đóng góp rất đặc biệt, sự đóng góp tiêu biểu dành cho Việt Nam, cho nước Úc, cho Đại học RMIT và cho tất cả những người mà ông từng tiếp xúc không vì mục tiêu vụ lợi. Giáo sư Thu là một trí thức, một tác giả có nhiều ảnh hưởng, một tác nhân thay đổi, và một nhà giáo dục tận tụy, luôn đặt lợi ích của những người khác (và đặc biệt lớp người trẻ) lên trên bản thân mình. Nhưng, quan trọng hơn cả, ông có nhiều sáng kiến nhằm cải thiện cuộc sống của người khác, và ông kiên trì theo đuổi các mục tiêu đó không biết mệt mỏi. 

Tất nhiên tôi chưa được đọc cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, và tôi đang nóng lòng được đọc khi phiên bản tiếng Anh được xuất bản trong nay mai. Nhưng, tôi luôn luôn là một đồng nghiệp thân thiết của Giáo sư Thu kể từ lúc ông tham gia giảng dạy tại Đại học RMIT vào năm 1992. Từ đó tôi biết khá rõ những việc Giáo sư Thu đã làm, vì chính tôi, giống như nhiều người khác, cũng bị ông lôi cuốn tham gia. Ông là người thấy rõ tầm quan trọng của thay đổi và đam mê trong việc giúp đỡ người khác đạt được những mục đích cao quý.

Ông đã từng làm việc chặt chẽ với Giáo sư Leo Foster trong chương trình cung cấp những học bổng nhỏ cho các học sinh Việt Nam xuất sắc trong năm cuối của bậc trung học. Đây là một dự án do Giáo sư và các đồng nghiệp người Úc của ông thành lập. Năm 1993, Giáo sư Thu có mời tôi trao học bổng cho những em trúng tuyển và từ đó tôi biết thêm về Việt Nam cùng với vợ tôi Heather, và Leo và Elaine. Dần dần, tôi hiểu thêm về câu chuyện của Giáo sư Thu: về sự nghiệp của ông khi còn ở Việt Nam, vai trò của ông trong chiến tranh, thời gian ông bị học tập cải tạo sau đó, hành trình ông đến Úc, những bất hạnh mà ông và gia đình phải nếm trải, và sự nghiệp của ông về ngành Việt Nam học tại PIT. Dù mình và gia đình bị đối xử như vậy, ở Giáo sư Thu luôn nuôi dưỡng một niềm đam mê giúp đỡ người khác, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự cam kết này vượt lên trên tất cả những chịu đựng mà ông từng trải nghiệm. Ông chọn con đường giáo dục vì theo kinh nghiệm của cá nhân ông, giáo dục là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp đỡ mọi người đi theo con đường như ông đã trải qua.

Lúc đầu tôi trân trọng sự cam kết vô vị lợi này và trong những năm tiếp theo tôi đã đáp ứng tích cực những sáng kiến và cơ hội mà Giáo sư Thu tạo ra liên quan đến Đại học RMIT và Việt Nam. Những sáng kiến và cơ hội của ông rất phong phú và đa dạng. Lòng nhiệt thành của ông trong việc bắt đầu một vài hoạt động của RMIT ở Việt Nam như xây dựng và giảng dạy chương trình đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật Hệ thống, với nguồn lực hạn hẹp từ sự hỗ trợ của một vài giảng viên của RMIT, còn toàn bộ công lao điều phối đều do Giáo sư Thu đảm nhận. Chương trình thạc sĩ này đã thành công trong việc tạo ra một lớp người hiện nay là các chuyên gia hàng đầu trong các ngành công nghệ của Việt Nam.

Tầm nhìn lớn hơn của Giáo sư Thu là xây dựng trường Đại học RMIT ở Việt Nam. Nhiều trường đại học khác ở Úc đã từng làm thử nhưng không thành công. Nếu không có đóng góp của Giáo sư Thu, chắc chắn đã không có trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam. Giờ đây ngôi trường đã trở thành chiếc cầu nối tuyệt vời giữa hai quốc gia. Vì vậy thật dễ hiểu tại sao hình ảnh của ngôi trường lại được đặt ở trang bìa cuốn hồi ký của giáo sư Thu. 

Tôi thật vinh hạnh khi có một người, một đồng nghiệp là một trí thức đáng kính, rất mực tận tụy, đầy năng lực và hết sức kỷ luật như Giáo sư Thu. Ông không chỉ đóng góp cho Việt Nam và RMIT, mà còn giúp đỡ các đồng nghiệp của mình, tiếp sức để họ đạt được mục tiêu, cũng như khuyến khích người khác thay đổi cuộc đời mình thông qua giáo dục. Quan trọng hơn, ông đã giúp không biết bao nhiêu sinh viên ở cả Việt Nam và Úc. Chắc hẳn các bạn đã biết hiện nay ông đang tập trung nỗ lực trong việc xây dựng và vận hành Quỹ học bổng ươm mầm tài năng Úc Việt AVEPA nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên người Úc gốc Việt trong việc phát triển tiềm năng của mình. 

Sự nghiệp của Giáo sư Thu là một hành trình với nhiều thành quả hoàn toàn mang tính vị tha. Đó là những cống hiến cho lợi ích của người khác thông qua giáo dục và các chương trình học bổng. Những mục tiêu và ưu tiên của Giáo sư Thu luôn gồm các hoạt động mang lại những lợi ích làm thay đổi cuộc sống của người khác. Đó là điều khiến ông cảm thấy hài lòng. Đó là một câu chuyện phức tạp nhưng hết sức thú vị và tôi chắc rằng rất đáng đọc, và tác giả đã kể câu chuyện đó rất hay. Tôi xin chúc mừng

 Giáo sư Thu đã biến câu chuyện đời thành cuốn hồi ký, và xin chúc cuốn hồi ký thành công. Tôi rất mong được đọc phiên bản tiếng Anh khi được xuất bản. 

Tôi xin trân trọng cảm ơn vì tôi có vinh hạnh được nói lời giới thiệu cho câu chuyện của ông. Tôi chúc cuốn hồi ký sẽ thành công như tầm quan trọng mà nó xứng đáng được hưởng. Chúc mừng

 Nguyễn Xuân Thu.

Giáo sư Danh dự David Beanland, AO

Cựu Giám đốc Đại học RMIT Melbourne

Exit mobile version