Nguyễn Quốc Khải
27-5-2025
Gần đây đã có một số bài viết ca tụng thành tích đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam của GS Đoàn Viết Hoạt phổ biến trên các mạng xã hội. Công lao đóng góp cho đất nước của ông thật đáng khâm phục. Ông đã được một số tổ chức quốc tế trao giải thưởng nhân quyền và báo chí trong thập niên 1990. Nhưng chưa ai viết về hoạt động của GS Hoạt trong 27 năm, từ 1998 đến 2025, định cư ở Hoa Kỳ sau 19 năm trong ngục tù cộng sản, một cái giá đắt đỏ khi ông quyết định không di tản vào 1975.
Nhân cái chết của GS Đoàn Viết Hoạt vào ngày 14/5/2025 tại California, tôi mượn bài báo này để ghi nhận một số sự kiện về GS Hoạt trong những năm khi ông mới qua Mỹ mà không tiểu thuyết hóa, không tô son trát phấn, nhân vật lịch sử này. Cảm kích trước những thành tích tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ của GS Hoạt ở Việt Nam, nhiều người và tôi đã tích cực đồng hành với ông vào thời gian ở Mỹ. Mong các vị này sẽ viết thêm về những hoạt động của ông sau ngày rời khỏi Việt Nam.
GS Hoạt đến Mỹ vào cuối năm 1998 và định cư tại thành phố Annandale, Virginia. Ông và gia đình mới dọn qua California khoảng hơn hai năm. Ông là người ít giao thiệp với cộng đồng Việt, nếu không muốn nói là tránh né, nhưng lại chọn Little Saigon “gió tanh mưa máu” như dân Việt ở California hay châm biếm như vậy, làm nơi dừng chân cuối cùng tại thủ đô tị nạn, làm tôi ngạc nhiên. Trong khoảng 10 năm đầu ở Mỹ, ông tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam.
Ông từng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Anh ngữ của Viện Đại Học Saigon, có bằng tiến sĩ giáo dục của Florida State University, và từng làm phụ tá Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh, nên ông dễ dàng giao tiếp với chính giới Hoa Kỳ và các nhân vật quốc tế. Ông từng được tiếp kiến Đức Dalai Lama, Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, Giám mục và nhà thần học Nam Phi Desmond Tutu, Tổng Thống Tiệp Vaclav Havel. Ông được mời nói chuyện về nhân quyền hai lần tại Harvard University.
THỜI GIAN BẬN RỘN TẠI MỸ
Vài năm đầu mới đặt chân đến nước Mỹ là thời gian bận rộn và huy hoàng nhất của GS Hoạt. Nhưng không lâu sau đó ông bước vào một cuộc sống ẩn dật. Ông chứng tỏ là một học giả hơn là một nhà hoạt động chính trị. Một số bạn bè quen thuộc của ông từng nói rằng đó là bản chất của những người thuộc nhóm Duy Dân như ông Hoạt.
Một số tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền bao gồm TS Nguyễn Đình Thắng với sự hỗ trợ đắc lực của DB Christopher Smith, đã vận động cho GS Hoạt được trả tự do cùng với 15 tù nhân lương tâm khác vào 1998 trong đó có BS Nguyễn Đan Quế, GS Nguyễn Đình Huy. Ông Hoạt là người duy nhất trong nhóm tù nhân lương tâm định cư tại Mỹ vào dịp này.
GS Hoạt được giàn xếp có một văn phòng nghiên cứu độc lập tại trường luật của Catholic University với một khoản trợ cấp hai năm của U.S. Information Agency (USIA). Tuy nhiên trong suốt thời gian này, ông phần lớn không đến trường đại học mà chọn làm việc tại nhà, và đã không hoàn tất được một tài liệu nghiên cứu nào đáng kể.
GS Hoạt được một nhà xuất bản sách ở bên Pháp tài trợ in cuốn hồi ký của ông. Nhưng sau khi duyệt bản thảo, họ quyết định không xuất bản. Một số thành viên Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) và tôi có mặt tại văn phòng nhà xuất bản ngay tại Paris chứng kiến tin không vui. Dường như về sau, chính cuốn hồi ký này được viết lại bằng tiếng Việt và đã được phổ biến dưới tựa đề “Hồi Ký Đoàn Viết Hoạt – Đáy Tầng Vượt Sóng” xuất bản vào đầu năm 2024.
GS Hoạt cố gắng tạo một môi trường để hoạt động ở Mỹ như thành lập Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Việt Nam (International Institute for Vietnam) vào 2007, nhận tài trợ, nhưng không thực hiện được điều gì đáng kể. Ngoài ra, GS Hoạt còn lập ra Văn Phòng Đoàn Viết Hoạt, và bổ nhiệm ông Phạm Trinh Cát, một người thân cận, làm chánh văn phòng. Ai muốn gặp gỡ GS Hoạt đều phải xin hẹn trước qua ông Phạm Trinh Cát. Sau một thời gian ngắn, văn phòng này cũng tự động giải tán khi ông Phạm Trinh Cát chết vì bệnh ung thư gan.
HỌP MẶT DÂN CHỦ
GS Hoạt là một trong khoảng 10 người chủ xướng tổ chức HMDC hàng năm trong đó bao gồm TS Âu Dương Thệ (Đức), KS Lâm Đăng Châu (Đức), KS Vũ Quốc Dụng (Đức), LS Trần Thanh Hiệp (Pháp), Nhà Báo Bùi Tín (Pháp), Nhà Văn Vũ Thư Hiên (Pháp), TS Võ Nhân Trí (Pháp), ông Trần Văn Sơn (Mỹ) … HMDC có ban điều hành phụ trách tổ chức hội thảo và ban quy ước phụ trách một số nguyên tắc ứng xử nội bộ.
Lần đầu tiên HMDC được tổ chức tại Dortmund, Đức vào 2002. HMDC đã quy tụ được khá nhiều người cùng chí hướng. Sinh hoạt này giản dị chỉ là một cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến, không có tổ chức, mọi người đến rồi đi, không có một hoạt động nào chung dưới danh nghĩa HMDC. Cũng chính vì vậy mà sinh khí ban đầu của HMDC mất dần. Thay vì là hội thảo hàng năm, HMDC nay được tổ chức hai năm một lần. HMDC 2024 được tổ chức tại Munchen, Đức Quốc. HMDC 2006 được dự trù tổ chức tại Hoa Kỳ.
Một số người trong nhóm HMDC, trong đó có GS Đoàn Viết Hoạt và Ông Nguyễn Ngọc Bích, cựu Trưởng Ban Việt Ngữ của Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA) tách ra tổ chức những khóa huấn luyện về đấu tranh nhân quyền và kỹ thuật thông tin tại Thái Lan với sự tham gia của một số người từ Việt Nam. Trong lần họp tại Bangkok vào 2009, một thành viên bị thủ tiêu. Tuy nhiên báo chí cũng như hai ông Hoạt và Bích loan tin là một tai nạn chết đuối trên sông.
Hồ sơ của bệnh viện cho thấy cánh tay phải của nạn nhân bị cắt dời khỏi thân nhưng kiếm lại được, một phần chân phải từ đầu gối trở xuống bị mất tích. Bụng nạn nhân bị đâm lòi ruột ra phía lưng, hai răng cửa bị mất. Ít nhất ba người đã được xem hồ sơ này là hai em trai ruột của nạn nhân từ Mỹ bay qua Bankok nhận xác anh và một thông tín viên làm việc tại văn phòng Radio Free Asia (RFA) tại Bangkok dưới quyền Trưởng Ban Việt Ngữ của RFA là ông Nguyễn Khanh. Trên đường từ Trung Quốc bay về Hoa Kỳ vào 2009, tôi đã ghé Bangkok và được xem toàn bộ hồ sơ bao gồm hình ảnh của nạn nhân tại Police General Hospital. Những hình ảnh này cho thấy đây không phải là một tai nạn mà là một vụ giết người. Nhân viên bệnh viện đồng ý như vậy. Vì tôn trọng sự riêng tư, tôi không nêu tên tuổi của nạn nhận bị giết chết này.
Chương trình huấn luyện tại Bangkok lập tức bị hủy bỏ. Mọi thành viên cuốn gói trở về nguyên quán. Vào năm sau, nhóm của GS Hoạt chuyển địa điểm họp mặt qua Mã Lai, nhưng bị chính quyền ở đây trục xuất vì sự phản đối của CSVN. Một thành viên tham gia khóa huấn luyện đã tiết lộ rằng chương trình huấn luyện bị CSVN xâm nhập và buộc phải chấm dứt.
TREO HAI LÁ CỜ LÀ MỘT GIẢI PHÁP HAI BÊN CÙNG THẮNG
Mở đống tài liệu cũ 20 năm trước, từ tháng 5, 2004, tôi tình cờ thấy những email trao đổi sau đây giữa GS Đoàn Việt Hoạt và những người cộng tác với ông về việc Fullerton College, California cho phép treo cả hai cờ VNCH và cờ VNXHCN. GS Hoạt ủng hộ việc treo hai lá cờ, xem đó là một bước tiến đến hòa giải hòa hợp. Nhiều người khác chống đối. Lập trường của ô. Hoạt đã gây tranh cãi một thời gian.
Dưới đây là nguyên văn một phần lá thư đề ngày 7-5-2004 của GS Hoạt gửi vào Hộp Thư Việt Nam, giải thích lý do ông ủng hộ treo hai lá cờ đỏ và vàng ở trường học và những nơi công cộng.
“Tôi được biết một giải pháp ‘compromise’ có thể sẽ đat được tại đại học Fullerton: Hai lá cờ cùng được treo. Nếu điều này xẩy ra thì đây sẽ là một ‘breakthrough’, và có thể sẽ trở thành phổ biến ở các đại học khác. Kết quả này, nếu thật sự đạt được, một lần nữa chứng tỏ sử ‘trưởng thành’ của cộng đồng người Việt hải ngoại (tiếp sau cuộc vận đồng thành công về lá cờ vàng), sẽ làm vô hiệu hóa các ý đồ chính trị cực đoan (nhất là của Hà Nội).”
“Theo tôi đây là một biến cố tích cực theo chiều hướng có lợi cho việc vận động thay đổi tâm thức (não trạng), từ ‘tiêu diệt’ nhau sang ‘chấp nhận’ nhau (win-win mentality – ‘cùng sống, giúp tiến’).”
“Tạo được tâm thức win-win này mới có thể thật sự đoàn kết được dân tộc. được người dân trong ngoài nước (mà quan trọng là thành phần trí thức, chuyên viên, sinh viên) không phải để ủng hộ nhà nước CS, mà là để hỗ trợ cho việc tạo được thế ‘độc lập’ của người dân (trong nước) với đảng và nhà nước CS, tạo áp lực từ quần chúng (trong nước) đối với đảng và nhà nước CS. Từ đó tiến đến tạo thế ‘đối trọng’ (trước) rồi sau đó tiến đến ‘đối lập’ giữa dân (trong-ngoài nước) với đảng và nhà nước CS.”
Ông Trần M. Dũng nhận xét về lập trường treo hai cờ của GS Đoàn Việt Hoạt.
“Đây không phải là lần đầu tiên GS Hoạt nói về chủ trương treo hai lá cờ. Trước đó đã xẩy ra cũng đã xẩy ra vụ cờ tương tự ở một trường ở Seatle, Washington, ông Hoạt cũng đưa ra ý kiến này.”
“Tôi tin rằng ô. Hoạt không phải là đảng viên CS, nhưng ông là một người theo chủ thuyết xã hội thiên tả. Nhưng oái ăm là bản chất của ông lại rất thủ cựu và phong kiến nặng.”
Cũng theo ông Trần M. Dũng, một số bạn bè của GS Hoạt, trong đó có LS Nguyễn Xuân Phước, bênh vực ông Hoạt, cho rằng đây là ý kiến của sinh viên Fullerton College, chứ không phải của GS Hoạt. Điều này trái ngược với nội dung của lá thư trên của ông Hoạt.
GS ĐOÀN VIẾT HOẠT BỊ TRỤC XUẤT RA KHỎI VIỆT NAM HAY TỰ Ý XIN ĐOÀN TỤ VỚI GIA ĐÌNH TẠI MỸ?
Một vài bài báo gần đây trích dẫn “Hồi Ký Đoàn Viết Hoạt: Đáy Tầng Vượt Sóng” rằng GS Hoạt bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trái với ý muốn của ông. Nhưng sự thực là GS Hoạt đã làm đơn xin đoàn tụ gia đình vì chính ông đã xác nhận điều này với Robert F. Kennedy Human Rights Foundation khi đã qua Mỹ.
Số là GS Hoạt sau một thời gian đã định cư ở Mỹ, ông đã yêu cầu được quay trở về Việt Nam. RFK-HRF đã nêu vấn đề này với phái đoàn CSVN trong một buổi họp về nhân quyền Việt – Mỹ tai Washington DC và được phái đoàn CSVN cho biết là họ không trục xuất ông Hoạt mà chính ông Hoạt đã làm đơn xin đoàn tụ gia đình. GS Hoạt trở thành người tù lương tâm đầu tiên định cự tại Mỹ.
GS Hoạt đã không phủ nhận điều này và vì vậy RFK-HRF đã ngưng không theo đuổi vấn đề xin hồi hương của GS Hoạt nữa. Người viết bài tường thuật này có mặt với GS Hoạt tại buổi họp tại văn phòng RFK-HRF nên đã vô tình biết sự việc. Bà Trần Thị Thức, phu nhân của GS Hoạt cũng từng nói rằng bà sẵn sàng trở về Việt Nam với chồng để tiếp tục đấu tranh chống Cộng Sản một cách ôn hòa.
Trong cuộc phỏng vấn của của RFA với Nhà Báo Kính Hòa vào 2014 (“Làm thế nào để tiếp tục tranh đấu từ hải ngoại,” RFA, 10-4-2014) mà tình cờ tôi mới tìm thấy, đích thân GS Hoạt thừa nhận rằng ông muốn ở lại Việt Nam để đấu tranh, nhưng do lời thỉnh cầu của bà Thức từ Mỹ về, vào trại tù thuyết phục và vì lý do sức khỏe GS Hoạt đã đồng ý đi Mỹ. Hi vọng tài liệu này làm sáng tỏ vấn đề.
Đi hay ở của một cá nhân là một chuyện nhỏ, tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, nhưng có thể mang một ý nghĩa lớn trên bình diện đại cuộc.
CUỐI ĐỜI
Từ ngày sang Mỹ GS Hoạt, đã gần 60 tuổi, may mắn được vợ con và chính phủ nuôi dưỡng chứ ông không phải đi làm kiếm tiền, bao gồm hai năm được trợ cấp của USIA. Với cấp bằng tiến sĩ giáo dục, ông cũng khó kiếm việc làm. Sức khỏe của GS Hoạt cũng không cho phép ông tích cực hoạt động vào lúc cuối đời. Ông từng bị sạn ở thận và gần đây mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Theo tin của gia đình, GS Hoạt chết vì lái xe golf đụng mạnh vào một xe khác. Xe không có “air bag”, nên ngực của ông đập mạnh vào tay lái và chết tại bệnh viện.
Theo cáo phó của gia đình, tang lễ của GS Hoạt sẽ được cử hành tại nhà quàn Peek Funeral Home, 7801 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683, vào ngày 21/6/2025. Thời gian thăm viếng: 9 AM – 2 PM. Hỏa táng vào lúc 2:30 PM.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Rất tiếc việc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ của GS Đoàn Viết Hoạt và bao nhiêu người khác chưa thành. Sự đóng góp ít nhiều của ông luôn luôn được trân trọng và là một kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ sau.
Kinh Tế Gia Amartya Sen, người được giải thưởng Nobel nhận định rằng “Dân Chủ không phải là kết quả của phát triển kinh tế, nhưng chính là một yếu tố giúp cho sự phát triển.” Dân chủ và kinh tế thị trường là hai yếu tố tất yếu, nếu Việt Nam muốn thoát khỏi sự chậm tiến để vươn lên thành một cường quốc Á châu như Nam Hàn, Đài Loan, và Singapore. Sự mê muội đã kéo dài nửa thế kỷ, phải được chấm dứt.