Site icon TUẦN VIỆT NAM

Dừng viết để gặp, để nghe, quan sát, cảm nhận và suy nghĩ về những người dân quê

Quán nhậu vỉa hè

Lâu nay không viết được cái gì, không phải vì sợ hãi, lo lắng vấn đề gì, cũng không phải vì cạn hứng, cạn vốn.Tôi đang dừng viết để gặp, để nghe, quan sát, cảm nhận và suy nghĩ về những người dân quê, những người dân tộc Mường mà tôi là thành viên của cộng đồng đó.

Quan sát, gặp gỡ ở quán cafe hay một cuộc hẹn thông thường thì không ổn vì dân quê ai rảnh đi cafe hay ngồi tiếp chuyện một kẻ “rỗi hơi” như mình. Phải kết thân, phải gặp gỡ trong những hoàn cảnh hết sức tự nhiên,như bàn trà, mâm rượu, quán ăn sáng, quán bia hơi, nhậu đêm. Có gặp như vậy mới quan sát được cuộc sống, thấy suy nghĩ của những người dân vốn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi gặp đủ loại hạng người: Dân buôn bán nhỏ, buôn gỗ, lái xe, công nhân đi làm thuê ở xa quê, nông dân, học sinh, sinh viên, người già, kể cả những người chuyên nghề cờ bạc nhỏ, phụ hồ, thợ xây, bộ đội. Tất nhiên không thiếu những người đang thất nghiệp, lông bông, gặp rất nhiều, nghe rất nhiều, thấy rất nhiều và tất nhiên say xỉn cũng rất nhiều. Dù đã xin phép vợ cho hư, cho giải khuây một thời gian nhưng bản thân tôi cũng thấy “ái ngại” vì cường độ uống bia rượu và say xỉn thời gian qua.

Những thứ thấy, nghe và cảm nhận từ những người dân xung quanh làng xóm, địa phương là đủ thứ tả pí lù: Từ chuyện thu hoạch mùa màng, chăn nuôi con lợn con gà, chuyện tiền học, tiền ăn sáng cho con cái, chuyện buôn bán cây gỗ hay chuyện ăn đụng con lợn. Đến cả những chuyện như các dự án giảm nghèo ở địa phương, chuyện con giống gà, dê lợn… cho các hộ nghèo được độn giá, thổi giá và rồi những con giống đó lại thành mồi nhậu cho các ông bố ngay sau khi được cấp. Ngay cả chuyện những con giống đó là “giống đểu”, từ dê bách thảo thành loại “dê căng” năng suất thấp và quen thuộc ở địa phương. Rồi chuyện để nhận được con giống, cây giống thì các hộ nghèo phải đóng một khoản tiền “giấy bút, đi lại” cho các cán bộ xã,huyện (Cái này là thuộc dự án Tầm nhìn Thế giới triển khai). Hay những chuyện về mỏ than “thổ phỉ” ở quê dù đã bị cấm khai thác từ những năm 2010 nhưng đến nay, một ông chủ lò người địa phương khác vẫn ngang nhiên cho “quân” khai thác và vận chuyển đi bán trên con đường xuyên qua cả xòm nhưng chính quyền địa phương lại không thèm nhìn thấy, thế mới tài. Rồi câu chuyện về dự án nước sạch giá hàng tỷ đồng (mỗi xóm) triển khai khắp huyện nhưng “hình như” dân chưa một ngày được dùng nước sạch và các ồng nước dọc các con đường đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Và còn hàng trăm thứ khác nữa.

Đó là những thứ tôi nhìn thấy, nghe thấy. Tất nhiên những vấn đề tôi cảm nhận về làng xóm, quê hương về tình người về phong tục, về “dân khí, dân trí” về “bản lĩnh chính trị, bản lĩnh cách mạng” cũng nhiều không kém. Muốn biết một địa phương phát triển đi lên hay không, dân trí tăng hay giảm không phải nghe các con số báo cáo trong các văn bản copy của cán bộ các làng, các xã khi đại hội mà nên nhìn vào từng gia đình, nhìn vào trường học, bệnh xá, nhìn vào chợ và đặc biệt là nhìn vào quán nhậu.

Tôi không muốn đụng đến chuyện làng, xã vì hầu hết tôi đều quen biết. Cho nên ở đây không nói cụ thể về chuyện gì, chỉ nói chung chung vậy thôi, để tránh mất lòng và tôi cũng khá nể nang một vài người. Nếu có đọc được tút này,các vị cán bộ làng, xã nên chú ý và điều chỉnh lại một số thứ để tôi đừng thấy, đừng nghe và dân họ không nói nữa là xong. Vậy thôi.

P/S: Tôi rất quan tâm đến chuyện đoàn TN địa phương tổ chức tết Trung thu cho các cháu nhỏ sai rất nhiều:

1. Ép buộc các cháu của các làng phải “tập” các động tác đi đều, chào cờ, hát múa…mà chủ yếu là tập ban đêm, có khi đến 10h tối rất ảnh hưởng đến sức khỏe và chuyện học của các cháu. Làng nào cũng tập cả tháng như vậy để ra xã “đi thi”.

2. Khi thi, các “giám khảo” làm gì có chuyên môn mà đòi chấm điểm, do đó làng nào cũng ấm ức và các cháu cũng ấm ức chuyện này, chuyện nói xấu nhau xảy ra rất nhiều và các cháu nhỏ sẽ học được thói gian dối, đố kị và bất công từ rất nhỏ. Điều này rất ảnh hưởng đến tâm lý các cháu sau này.

3. Các hoạt động vui trung thu cho các cháu nhỏ nên làm, nhưng nên gói gọn như múa hát, rước đèn phá cỗ trong một tối thôi, bỏ hẳn chuyện thi cử ở xã, bỏ chuyện “tập” hàng tháng vào buổi tối, bỏ chuyện “đi thi huyện” nữa. Rất tốn kém và vô ích.

Exit mobile version