Khi một điều gì đó không còn nữa, cái đớn đau khôn cùng của vĩnh viễn mất mát dễ khiến cuộc sống thường ngày trở nên đơn sắc, đơn âm. Như một cảnh trắng đen lặp đi lặp lại trong một thước phim câm, nhàm chán và đơn điệu. Trong cõi lặng ấy, ký ức lại dễ tìm về rực rỡ, người ta dễ nhìn thấu, thấy suốt một cuộc sinh. Nên tôi vẫn tâm niệm, người thầy vĩ đại nhất của cuộc sống, trớ trêu thay, lại là cái chết. Sự Chết dạy cho chúng ta về cách sống. Nhiều người “sống như thể họ sẽ chẳng bao giờ phải chết, để rồi chết như thể họ chưa từng được sống.”
Xin nói ngay, tôi không viết về Duy Dân. Tôi cảm thấy không cần thiết nữa, vì những bài viết về GS Đoàn Viết Hoạt, tôi đọc đến đã không còn đếm nổi bao nhiêu, và hầu như tất cả đều nói về một cán bộ Duy Dân Đoàn Viết Hoạt.
Với tôi, GS Hoạt đã sống một cuộc đời lừng lẫy. Học cao, đi xa, lên thiên đàng, xuống địa ngục, sống thoả cái chí của người ôm mối nợ tang bồng trong những năm tháng đất nước oằn mình chịu nỗi đau thay tên đổi chủ.
Kiếp sống lẫy lừng ấy nhắc nhở tôi một điều đôi khi tôi sao nhãng giữa bộn bề sinh nhai, là giá trị của một đời người không nằm ở chỗ bạn đã có được những gì, nhưng là ở chỗ bạn đã làm được những gì, không nằm ở chỗ bạn đã tích góp được bao nhiêu của cải, nhưng là ở chỗ bạn đã hy sinh ra sao cho những giá trị lớn lao hơn một cuộc đời.
Và, với tôi, sự hy sinh lớn lao nhất, cái giá đắt nhất mà GS Hoạt phải trả không chỉ là hai mươi năm tù đằng đẵng, mà là thời gian bên vợ hiền, con thơ. Hai mươi năm, ba người con trưởng thành hầu như không có cha bên cạnh, chỉ một hiền mẫu cặm cụi suốt tháng suốt ngày. Sự vắng mặt trong cuộc đời của chính gia đình mình, với tôi, là cái giá đớn đau nhất mà những người như GS Hoạt phải trả.
Thứ di sản lớn nhất mà GS Hoạt để lại cho chúng ta, với tôi, không chỉ là Thắng Nghĩa, là Duy Dân, nhưng còn là nụ cười ấy. Cái nụ cười rất Đoàn Viết Hoạt, cái nụ cười của một nhân cách sống: hoà nhã, bao dung. Ba mươi hai năm án, hai mươi năm tù, bao nhiêu xích mích, bao nhiêu xung khắc, bao nhiêu va đập, không dập tắt nổi ở con người ấy một nụ cười.
Khi còn sống, tôi chưa bao giờ thấy bác Hoạt giữ lòng ghét hận ai, dẫu bạn, dẫu thù. Người ta dễ dạy nhau phải bao dung, nhất là trong cuộc nhiễu nhương của chính trường Hoa Kỳ ngày nay nơi chỉ cần ủng hộ sai người cũng có thể vĩnh viễn không nhìn mặt nhau, dễ nhắc phải thứ tha, phải mở lòng. Nhưng sống trọn vẹn được như thế, đời này, tôi mới thấy chỉ có một Đoàn Viết Hoạt.
Dễ thấy tôi không còn viết nhiều như ngày trước. Trong vòng thân mật, khi được hỏi, tôi cũng không ngại nói thực là tôi buồn phiền vì chúng ta dễ đấu đá, dễ bất hoà vì những chuyện đôi khi là quá tủn mủn, lại đôi khi là quá xa xôi.
Giữa chúng ta, dù là trước đây, dù là sau này, với tôi, vẫn là đại đồng tiểu dị. Những điều chúng ta có thể đồng tình, đồng ý, đồng lòng với nhau quá nhiều, còn những dị biệt thì quá ít ỏi. Trong khi thế giới cố gắng gạt qua vô vàn dị biệt để tìm ra những điều có thể đồng thuận với nhau, thì chúng ta lại bới tìm trong vô vàn đồng thuận cho ra chút dị biệt nhỏ nhoi mà hằn học, mà chấp nhất, thậm chí thù ghét nhau.
Tôi vẫn nghĩ, trí thông tuệ là do trời ban, nhưng lòng bao dung là do rèn giũa. Nói với chúng ta, nhưng cũng là để căn dặn chính tôi rằng nếu chúng ta không thể học hết được cái trí tuệ của người xưa, thì ít nhất nên tu dưỡng lấy cái đức bao dung của họ. Của những Đoàn Viết Hoạt, những Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Mậu Trinh (bác Trinh Nguyen, rất mừng, còn ở với chúng ta).
Hiền hậu không phải là thờ ơ, là mặc kệ nó, ai sao cũng được. Các vị ấy sống cả cuộc đời đau đáu cho thời cuộc chứ không hề thờ ơ. Hiền hậu, lại càng không phải là nhu nhược, nhưng là sự thấu hiểu cái khiếm khuyết ở chính con người mình mà tu dưỡng nên đức khiêm nhường, khiêm cung trước cái khiếm khuyết hay sai lầm của người khác.
Vị tha không phải là yếu đuối, nhưng ngược lại, chính là mạnh mẽ. Mẹ tôi từng dạy “khoẻ không phải là nhấc nặng, nhưng là đặt xuống nhẹ nhàng”. Sức mạnh của một con người, cả thể chất lẫn tâm hồn, không nằm ở chỗ nhấc nặng, nhưng là ở chỗ có thể để xuống nhẹ nhàng. Về thể chất, đó là bền bỉ tập luyện, về tâm hồn đó là kiên trì tu dưỡng, để có thể đặt xuống nhẹ nhàng những sân si, những đều không vừa ý, chẳng vẹn lòng, để có thể luôn mỉm cười, dù số phận có đẩy mình vào bản án ba mươi hai năm tù giam ở cái nơi mà Nguyễn Chí Thiện từng phải thốt lên “con người gần con vật nhất!” đi chăng nữa. Chứ không phải hùng hục nghiến răng nhấc những thứ vốn dĩ là nhẹ tênh.
Và bác Hoạt là người đã sống một đời “để xuống nhẹ nhàng” như thế.
Con tiễn bác, người cán bộ Duy Dân Nhiên Hoà.