Site icon TUẦN VIỆT NAM

ĐẾ QUỐC NGA PHẢI BỊ DIỆT VONG

Kim Van Chinh

Tg: Ann Alplebaum – nhà sử học và nhà báo viết cho The Atlantic, bài đăng trên NV.UA 12-12-22

Người dịch: KVC

Trung tâm Ánh sáng Công dân Moscow trong một phần tư thế kỷ tồn tại chính thức của nó không có khuôn viên, không có chương trình, không có giáo sư. Thay vào đó, trường tổ chức các buổi hội thảo dành cho các chính trị gia và nhà báo do các chính trị gia và nhà báo khác từ Nga và thế giới chủ trì. Trung tâm chỉ có văn phòng làm việc trong 1  căn hộ ở Moscow của những người sáng lập Trung tâm là Lena Nemirovskaya và Yuri Senokosov. Họ gặp nhau vào những năm 1970 khi đang làm việc cho một tạp chí triết học của Liên Xô và cùng chia sẻ lòng căm thù đối với nền chính trị bạo lực, áp bức đã chi phối phần lớn cuộc sống của họ. Cha của Nemirovskaya là một tù nhân của Gulag. Senokosov từng nói với tôi rằng ông không thể ăn bánh mì đen của Nga, vì hương vị này khiến ông nhớ lại sự nghèo khó và bi đát thời thơ ấu của anh ở Liên Xô cũ.

Cả hai đều tin rằng nước Nga có thể thay đổi. Có thể không nhiều, có thể không đáng kể lắm, nhưng nó sẽ thay đổi. Nemirovskaya từng nói rằng tham vọng lớn của cô chỉ đơn giản là làm cho nước Nga “văn minh hơn một chút” bằng cách giới thiệu cho mọi người những ý tưởng mới của Thế giới. Trung tâm của họ – chỉ là sự tiếp nối của những cuộc trò chuyện trong khi bếp núc – nhưng được thiết kế để đạt được mục tiêu phi cách mạng duy nhất này.

Trung tâm này đã thăng hoa trong một thời gian dài. Từ năm 1992 đến 2021, theo tính toán của Nemirovskaya, hơn 30.000 người đã tham dự các hội thảo của họ về luật, bầu cử và truyền thông – các nghị sĩ, đại biểu hội đồng thành phố, doanh nhân, nhà báo. Các biên tập viên người Anh, các bộ trưởng Ba Lan và các thống đốc người Mỹ đã đến dự và phát biểu; họ đã nhận được hỗ trợ tài chính từ nhiều tổ chức và nhà từ thiện ở Châu Âu, Mỹ và Nga. Tôi đã tham dự khoảng chục cuộc hội thảo ở đây, chủ yếu là các chủ đề nói về báo chí.

Nhưng trung tâm (trường) vẫn là một tổ chức của Nga, do người Nga xây dựng, dành cho người Nga. Những chủ đề này được chọn vì chúng được người Nga, cũng như người Gruzia, Belarus và Ukraine quan tâm. Tôi nhớ có một cuộc hội thảo đặc biệt nhàm chán (đối với tôi) về chủ nghĩa liên bang ở Scandinavia, mà những người tham gia thấy hấp dẫn bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ trong các xã hội tập quyền cao độ của họ về các mối quan hệ giữa chính quyền khu vực và quốc gia lại có thể tồn tại thể chế liên bang như vậy, dù chỉ về mặt lý thuyết.

Vào thời kỳ đó, dự án này không có vẻ ngây thơ tý nào. Nó rất lý tưởng và cấp tiến, chưa kể nó còn lâu mới mang tính nổi loạn. Ngay cả trong thập kỷ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Vladimir Putin, chính trị dân chủ ở Nga đã bị hạn chế rất nhiều, nhưng luật pháp vẫn hoạt động; các quan điểm đối lập được chấp nhận, miễn là chúng không nhận được quá nhiều sự ủng hộ của quần chúng. Đã có nhiều nỗ lực tổ chức các buổi thảo luận, tập huấn và diễn thuyết về dân chủ và pháp quyền.

Lần đầu tiên, đã có một số người Nga lập luận rằng, không chỉ phải thay đổi chế độ này, mà cả khái niệm, định nghĩa về quốc gia cũng phải thay đổi.

Nemirovskaya nói rằng cô ấy chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang thành lập một tổ chức “bất đồng chính kiến”. Ngược lại, những nỗ lực của cô ấy chỉ để nhằm hỗ trợ sự “chuyển đổi” mà những người nắm quyền ở Nga trong những năm 1990 kêu gọi. Nhưng dần dần những người như cô bị buộc phải ra đi hoặc phải thay đổi suy nghĩ của họ. Các quan chức của FSB, cơ quan cảnh sát mật của Nga, bắt đầu xuất hiện tại các buổi hội thảo và đặt câu hỏi. Các bài báo tiêu cực về Trung tâm đã xuất hiện trên báo chí Nga. Cuối cùng, Chính quyền tuyên bố Trung tâm là một “chi nhánh của thế lực nước ngoài” và quyết định rằng trường phải công nhận tư cách này.

Trung tâm đã bị đóng cửa vào năm 2021. Nemirovskaya và Senokosov đã phải bán căn hộ của họ và chuyển đến Riga, thủ đô của Latvia, nơi họ vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, và hiện nay chỉ dành cho người di cư từ Nga. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học sinh cũ của họ cũng đã rời khỏi đất nước. Vào mùa xuân năm 2022, sau cuộc xâm lược Ukraine, luồng di cư này đã thành một làn sóng thực sự. Hàng chục nghìn nhà báo, nhà hoạt động xã hội, luật sư và nghệ sĩ Nga đã phải rời bỏ đất nước, mang theo những gì còn sót lại của nền truyền thông, xuất bản, văn hóa và nghệ thuật độc lập đang le lói hình thành ở Nga. Trong số họ có nhiều người đã từng tham dự hội thảo về chính quyền tự trị địa phương tại Trung tâm Khai sáng Công dân Moscow.

Thời điểm hiện nay, đối với nhiều người ở Nga và cả ở nước ngoài, dường như đã là sự kết thúc của lịch sử. Nhưng không phải vậy, bởi những câu chuyện như thế này không bao giờ có hồi kết.

Ý tưởng di chuyển xuyên thời gian và không gian, đôi khi hiện thực theo những cách không ngờ tới. Quan điểm cho rằng một quốc gia phải khác biệt – nếu không được quản lý, nếu không được tổ chức – có thể xuất phát từ những cuốn sách cũ, những chuyến du lịch nước ngoài, hoặc đơn giản là từ trí tưởng tượng của các công dân của quốc gia đó. Vào thời kỳ đỉnh cao của Đế quốc Nga, thế kỷ 19, dưới sự cai trị của một số nhà độc tài khét tiếng nhất trong thời đại của họ, nhiều phong trào cải cách đã phát triển mạnh mẽ: các nhà dân chủ xã hội, các nhà cải cách nông dân, những người bảo vệ hiến pháp và quốc hội. Ngay cả một số người sinh ra trong tầng lớp thượng lưu của đế quốc Nga cũng bắt đầu suy nghĩ khác với những thành viên khác trong tầng lớp xã hội của họ. Lev Tolstoy trở thành một người theo chủ nghĩa hòa bình nổi tiếng thế giới. Cha của nhà văn Vladimir Nabokov, trong những năm trước Cách mạng Nga, đã có những bài phát biểu sôi nổi trước công chúng, trở thành biên tập viên của một tờ báo tự do và từng ngồi tù. Con trai ông sau này kể lại rằng, vào buổi tối, khi cha ông tổ chức các cuộc họp mang tính chính trị, “hội trường chật kín áo khoác ngoài và giày đông”, và các vị khách thường đàm thoại đến tận khuya.

Nhà nước sau đó đã từ chối những người có chính kiến khác. Mikhail Zygar, một nhà văn người Nga và là biên tập viên sáng lập của kênh truyền hình độc lập “Cơn mưa”, đã viết cuốn sách tựa đề “Đế quốc cần phải bị diệt vong”. Ông nói về những câu chuyện của những nhà tư tưởng độc lập bị trục xuất khỏi nước Nga vào đầu thế kỷ 20, một số người trong số họ đã quay trở lại để thay đổi xã hội Nga. Thời kỳ cách mạng tháng 10 là thời điểm mà “số lượng người Nga di cư chính trị trở nên lớn đến mức họ nói về sự xuất hiện của một xã hội dân sự thay thế của Nga,” ông viết. “Cộng đồng người Nga hải ngoại không còn chỉ là một nhánh của Nga; nó không còn rõ cành ở đâu, thân ở đâu.

Hầu hết họ đều mắc phải một điểm yếu lớn: cả khi đó và sau này, phần lớn những người theo chủ nghĩa tự do Nga đều không hiểu rằng chính các dự án mang tính đế quốc là nguồn gốc của chế độ chuyên chế Nga. Quân đội Bạch vệ của Nga đã thua những người Bolshevik một phần vì họ không hợp lực với Ba Lan mới độc lập hoặc một Ukraine độc ​​lập tiềm năng trong giai đoạn 1918-1920. Các ý tưởng dân chủ đã không giành được thắng lợi trong những năm sau Cách mạng Nga, một phần vì nhà nước cần quá nhiều bạo lực để giữ Ukraine, Georgia và các nước cộng hòa khác trong Liên bang Xô viết.

Tuy nhiên, ngay cả những thập kỷ sợ hãi và nghèo đói sau Cách mạng Nga cũng không loại bỏ niềm tin vào khả năng tồn tại của một kiểu nhà nước khác. Các thế hệ nhà tư tưởng mới đã xuất hiện từ bóng tối của xã hội Liên Xô. Một số người trong số họ đã là khởi nguồn giúp phát động phong trào nhân quyền hiện đại. Những người khác, chẳng hạn như những người sáng lập và là học viên của Trung tâm Khai sáng Công dân Moscow, đã cố gắng vạch ra các con đường tạo ra một nước Nga thay thế trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tất nhiên, họ đã thua nhà độc tài đang sử dụng chiến tranh đế quốc để tiêu diệt kẻ thù của mình và gieo rắc nỗi sợ hãi ở Nga. Nhưng ngay cả bây giờ, khi hầu hết người Nga vẫn im lặng, ngay cả khi họ bị đe dọa bởi tuyên truyền hoặc khuất phục trước các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa, thì hơn 17.000 người Nga trong nước đã phản đối cả chế độ lẫn đồng bào thờ ơ của họ, phản đối chủ nghĩa đế quốc Nga, và kết quả là họ bị giam cầm dưới sự canh gác của cảnh sát. Trong số đó có một số chính trị gia nổi tiếng lẽ ra đã rời đi từ lâu, chẳng hạn như Vladimir Kara-Murza và Ilya Yashin. Chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị bỏ tù vào tháng 1 năm 2021; ông bị cách ly, nhưng tại phiên tòa ngày 21 tháng 9, ông vẫn lên án cuộc chiến “tội ác” và cáo buộc Putin muốn “vấy máu hàng trăm nghìn người”. Vào ngày 30 tháng 9, ông đã xuất bản một bài tiểu luận, lén đưa ra khỏi phòng giam của mình, trong đó ông hình dung ra một nước Nga thời hậu Putin và kêu gọi thay thế hệ thống tổng thống hiện tại, vốn đã trở thành một chế độ chuyên chế hoàn toàn, bằng một chế độ  cộng hòa nghị viện. Thay vì đóng vai là vị cứu tinh mới của đế chế, ông ấy đã kêu gọi một nước Nga hoàn toàn khác. (…)

Nhiều nhóm người Nga muốn bảo tồn một ý tưởng khác về nước Nga, muốn tạo ra một “xã hội dân sự thay thế” bên ngoài nước Nga, nó không khác gì phiên bản đầu thế kỷ XX được mô tả bởi Zygar, người hiện đang sống lưu vong. Garry Kasparov – một cựu vô địch cờ vua thế giới đã chuyển sang chính trị dân chủ, giúp tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố ở Moscow vào những năm 2000, và hiện là nhân vật không được hoan nghênh ở đất nước nơi ông từng là một anh hùng – gần đây đã nói với tôi rằng ông hy vọng sẽ xây dựng một loại “Hàn Quốc ảo”, một phe đối lập lưu vong chống lại Nga, quốc gia ngày càng giống với Triều Tiên. Một trong những dự án của Kasparov, Diễn đàn Nước Nga Tự do, thường xuyên tập hợp các nhân vật có chính kiến khác nhau, đôi khi mâu thuẫn gây chiến nhau, trong cộng đồng người Nga bên ngoài nước Nga.

Ít nhất, ở một khía cạnh nào đó, tất cả những người lưu vong Nga trong thế kỷ 21 này không giống những người tiền nhiệm của họ trong thế kỷ 20: họ vẫn ở nước ngoài hoặc ở trong tù vì một cuộc chiến tranh đế quốc khủng khiếp. Do đó, nhiều người phản đối không chỉ chế độ, mà cả đế chế. Lần đầu tiên, một số người cho rằng không chỉ chế độ mà cả định nghĩa về quốc gia cũng phải thay đổi. Kasparov là một trong số nhiều người lập luận rằng chỉ có thất bại quân sự mới có thể dẫn đến thay đổi chính trị. Giờ đây, ông tin rằng dân chủ sẽ chỉ có thể thực hiện được “khi Crimea được giải phóng và lá cờ Ukraine tung bay trên Sevastopol.”

Ở Ukraina, ý tưởng cho rằng có thể có một nước Nga khác, một nước Nga quốc gia-dân tộc chứ không phải một đế chế, hiện không có nhiều ảnh hưởng. Ngược lại, nhiều người Ukraine coi phe đối lập dân chủ Nga cũng có tội, cũng là đế quốc và phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến như những người không bất đồng chính kiến.

Tất nhiên, không phải tất cả những người từng được gọi là “những người theo chủ nghĩa tự do Nga” trong quá khứ đều là những người chống đế quốc hoặc chống Putin. Một số trong số họ là những nhà kỹ trị ủng hộ chế độ độc tài kiểu Pinochet, hoặc những người theo chủ nghĩa thế tục có “chủ nghĩa tự do” thể hiện rõ trong các bức ảnh chụp các điểm du lịch ở châu Âu trên Instagram. Nhà báo Ukraine Olga Tokaryuk gần đây đã lập luận trên Twitter rằng “ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do của Nga cũng đã nhiều lần bày tỏ ý tưởng đế quốc về chính sách đối ngoại và Ukraine. Có sự khoan dung đối với chiến tranh và ác cảm với dân chủ.” Nhiều người hỏi – các cuộc biểu tình rầm rộ của người Nga ở London hay Tbilisi ở đâu? Tại sao hàng ngàn người lưu vong, chứ không phải chỉ một số ít người viết cho các trang web, không lên tiếng?

Lập luận rằng “không có người Nga tốt” có một logic tình cảm sâu sắc, cũng như logic chính trị, và không chỉ đối với người Ukraine. Xét cho cùng, những người theo chủ nghĩa tự do của Nga đã từng thất bại trước đây. Họ đã thất bại vào những năm 1900, họ đã thất bại vào những năm 2000 và hiện tại họ đang thất bại. Họ không thể ngăn chặn Putin, họ không thể ngăn chặn sự diễn ra của thảm họa của nước Nga đang diễn ra. Một số người trong số họ đã thất bại, ít nhất là cho đến gần đây, trong việc hiểu chủ nghĩa đế quốc Nga đã nuôi dưỡng và nuôi dưỡng chế độ chuyên chế Nga như thế nào – để hiểu tại sao, như tiêu đề cuốn sách của Zygar tuyên bố, đế chế này phải chết, phải bị diệt vong.

Sự tức giận về thất bại này có thể thấy rõ trong các bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vào đêm trước chiến tranh, Zelensky đã nói chuyện với người Nga bằng tiếng Nga, kêu gọi họ ngăn chặn những gì sắp xảy ra: “Người Nga có muốn chiến tranh không? Ông ấy đã hỏi một cách rất lịch thiệp. “Câu trả lời chỉ phụ thuộc vào bạn, những công dân của Liên bang Nga.” Nhưng vì không ngăn được thảm họa, Zelenskiy gần đây nhất đã cùng phe ủng hộ việc cấm cấp thị thực cho người Nga đến châu Âu với lý do người Nga nên “sống trong thế giới của riêng họ cho đến khi họ thay đổi triết lý của mình”.

Kể từ khi Putin công bố chiến dịch vận động vào tháng 9, Zelenskiy thậm chí còn thẳng thắn hơn. Ông nói với họ rằng người Nga không nên rời khỏi đất nước của họ để tránh bị nhập ngũ, mà nên “chiến đấu trên đường phố của các bạn vì tự do của họ”. Nhà triết học Ukraine Volodymyr Yermolenko cũng lập luận rằng những người Nga mới rời khỏi Nga không phải chạy trốn chiến tranh mà chỉ chạy trốn nghĩa vụ quân sự: “Chỉ cần hàng trăm nghìn người chạy trốn lệnh động viên này phản đối chiến tranh bên trong nước Nga thì chiến tranh sẽ kết thúc”.

Thực sự không có cách nào để chống lại logic này. Tất nhiên, người Nga phải chiến đấu và phải chiến đấu ngay bây giờ. Nhưng một lần nữa, điều quan trọng cần nhớ là một số người trong số họ đã phải vật lộn và một số sẽ luôn phải vật lộn. Có lẽ nhóm này cần một cái tên mới – họ không phải là “những người theo chủ nghĩa tự do Nga” mà là “những người Nga chống đế quốc” hay “những người Nga vì dân chủ” hay “những người Nga vì tự do”. Ai đó đã đi đến kết luận này thông qua phân tích cẩn thận, ai đó theo bản năng. Trong các cuộc trò chuyện gần đây, một người Nga đã đề cập với tôi về một người dì từng là nhà bất đồng chính kiến ​​​​của Liên Xô, và là một người thân Ukraine, đã giải thích lý do tại sao họ hy vọng đất nước của họ sẽ phải chịu một thất bại quân sự quyết định.(…)

Nặng nề văn hóa của quá khứ còn nặng nề, thói chuyên quyền – nhất là thói sống trong sợ hãi – vẫn còn. Sức hút của quyền lực cũng rất mạnh. Những người có nó rồi sẽ không muốn mất nó, và chính phủ tiếp theo của Nga rất có thể còn mang đặc tính áp bức hơn cả chính phủ Nga bây giờ. Nhưng tai nạn xảy ra; sự kiện bất ngờ xảy ra. Các quốc gia luôn vận động và phát triển, đôi khi tạo ra các chính phủ tốt hơn và đôi khi lại tồi tệ hơn. Sự sụp đổ của các đế chế là tất yếu: Đế chế Nga đã sụp đổ, đế chế Liên Xô cũng đã sụp đổ và sớm muộn gì đế chế Nga của Putin cũng sẽ sụp đổ.

Từ phòng giam của mình, Kara-Murza đã viết rằng hơn 17.000 người biểu tình phản chiến bị giam giữ đông hơn nhiều so với bảy người biểu tình bị bắt trên Quảng trường Đỏ Moscow khi Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 khi họ cố gắng để ngăn chặn đất nước này can thiệp vào Tiệp Khắc. Nemirovskaya, sống lưu vong ở Riga, gần đây đã nói với tôi rằng những nỗ lực của cô ấy không phải là vô ích. Cô ấy vẫn tin rằng ba thập kỷ hậu Xô Viết đã để lại dấu ấn: bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, “chúng ta sẽ không bao giờ sống theo cách mà chúng ta đã sống khi trước nữa.” Leonid Volkov, lãnh đạo tổ chức lưu vong của Navalny, nói với tôi vào năm ngoái rằng ông ấy nghĩ điều quan trọng nhất mà ông ấy và các đồng nghiệp có thể làm đơn giản là sẵn sàng cho sự thay đổi bất cứ khi nào nó đến.

Tôi đã nói rằng, không có gì đảm bảo rằng nền dân chủ Mỹ có thể tồn tại, và điều gì xảy ra với nước Mỹ ngày mai hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của người Mỹ hôm nay. Điều này cũng đúng với nước Nga. Tương lai của đất nước không phải được quyết định bởi những quy luật thần bí của lịch sử, mà bởi cách các nhà lãnh đạo và công dân của nó nhìn nhận và giải thích về cuộc chiến bi kịch, gây sốc, tàn bạo, không cần thiết này. Cách tốt nhất mà người bên ngoài có thể giúp Nga thay đổi là đảm bảo rằng Ukraine giành lại lãnh thổ của mình và phải nghiền nát đế chế. Chúng ta cũng có thể tiếp tục hỗ trợ những người Nga nêu trên, tuy họ có thể chỉ là số lượng ít, nhưng họ là những người hiểu tại sao thất bại là con đường duy nhất dẫn đến tương lai, tại sao thất bại quân sự là cần thiết để tạo ra một xã hội mở, thịnh vượng hơn, và tại sao, một lần nữa, đế chế phải bị diệt vong.

Chúng ta không cần tìm kiếm những “người Nga tốt” được lý tưởng hóa – một vị cứu tinh sẽ không xuất hiện để “sửa chữa” đất nước, không phải bây giờ, không bao giờ. Nhưng những người Nga đó tin rằng một tương lai khác có thể sẽ kế thừa những nỗ lực thay đổi đất nước của họ và một ngày nào đó họ sẽ thành công. Trong khi chờ đợi, không ai nên nhường cho Putin quyền xác định thế nào là người Nga. Anh ta không có quyền lực để làm như vậy.

Exit mobile version