Năm 1994, bố mua về cái đài cassette (ở quê hay gọi là quay băng). Cùng với 3 cuốn băng: Một của ca sĩ Chế Linh, một của Ngọc Sơn và một cái là vở cải lương “Lỡ nhịp cầu duyên”. Thời đó ở quê chưa có điện lưới, muốn nghe phải dùng bình ắc quy. Nếu nghe thoải mái, một bình nghe được 3 ngày. Nếu dè sẻn nghe được một tuần.
Thời đó, ai cũng gọi dòng nhạc đó là nhạc vàng, không ai biết hay gọi là bolero cả. Sau khoảng 3 tháng nghe dè sẻn, đã thuộc toàn bộ các bài hát trong 2 cái băng nhạc đó. Sau đó, đến mùa bán sắn, lại lóc cóc ra thị trấn mua thêm 2 cuộn băng nữa là :” Mấy nhịp cầu tre” và một băng của ca sĩ Mạnh Quỳnh. Cũng thuộc và hát nghêu ngao tất cả.
Sau này, khi đi học cấp ba xa nhà, mỗi khi có điều kiện đều mua băng nhạc để nghe hết Trường Vũ, đến Duy Khánh, Giang Tử, Mạnh Đình, Phi Nhung, Như Quỳnh… Số bài hát nhạc vàng thuộc không thể kể hết. Nhạc vàng đến vào lúc mới dậy thì, tâm hồn bắt đầu thích…gái đẹp, thích ngắm những cô bạn cùng lớp cười tươi rói trong nắng sớm khi đến lớp. Những buổi chiều chăn trâu trong đồi cũng hát nhạc vàng, đi gặt lúa, lấy sắn cũng “ư ử” những bài hát chợt ùa đến tâm trí.
Thời đó, các bạn cùng lớp, cùng khóa ở cấp 2 hay có quyển sổ to chép cho nhau những bài hát nhạc vàng, hay mượn sổ của nhau để chép lại những bài mà mình chưa có hay chép cho đứa con gái mình thích những bài mình thấy hay mà nó chưa có. Cứ như thế cho đến khi những quyển sổ kín mít bài hát, kín mít chữ ký hay lời “đề tặng”.
Từ lúc nhỏ đến bây giờ, số bài hát “nhạc đỏ” thuộc và hát chưa đếm đủ đầu ngón tay, nhưng số nhạc vàng thuộc, nhớ và biết lên đến cả mấy trăm. Nhạc vàng ăn sâu vào tâm trí, ăn sâu vào tiềm thức. Cảm nghe thân phận mỗi con người, mỗi cuộc tình đều có trong các bài hát, nỗi buồn chinh chiến, nỗi buồn “quê hương khói lửa, điêu tàn” cũng hằn sâu trong một số bài hát. Chưa thấy bất cứ bài hát nhạc vàng nào hô khẩu hiệu “vì dân vì nước”, “giải phóng”, “diệt thù”, “bắn”, “xung phong”, nhớ ơn đảng nào đó, bác lãnh tụ nào vĩ đại… như phần đa nhạc “cách mạng”. Có thể nói, nhạc vàng là dòng nhạc của tâm hồn đẹp, dòng nhạc buồn, dòng nhạc của những bão tố trong lòng.
Những năm gần đây, phong trào hát nhạc vàng lên đến đỉnh điểm, nhà nhà nghe, nhà nhà hát, ca sĩ từ già đến trẻ đều lao vào dòng nhạc “dễ hát” nhưng “khó hay” này. Có nhiều ca sĩ trẻ, ca sĩ nhạc đỏ, nhạc “bác học” hát bolero như “phá nhạc” làm mất đi cái hay nguyên bản của nhạc vàng. Theo cảm nhận cá nhân, nhạc bolero không dựa vào kỹ thuật hát mà nó yêu cầu giọng đẹp và nhất thiết phải có hồn, có cảm xúc. Những người như Quang Thọ, Quang Lý, Tùng Dương… còn lâu mới đụng được vào thể loại dễ hát nhưng khó hay này. Không đụng được thì chê, dìm hàng dòng nhạc bolero, đó là tất yếu. Thời bây giờ, rất ít người nghe những thể loại nhạc tuyên truyền mà mấy ông NSND đeo đuổi, những thể loại hú hét, nhát ma, kêu gào giết giặc, xung phong, căm thù hay ca ngợi một cha lãnh tụ chết bầm nào đó còn mấy người nghe và thích? Bực tức, muốn cấm bolero, kêu gào gu âm nhạc của dân chúng đi vào con đường tầm thường… là những ý kiến của các ca sĩ nhạc cách mạng.
Âm nhạc có tiếng nói riêng của nó, không thể dùng ý chí, ý muốn của một lớp người nào đó để làm cho đôi tai và tâm hồn nghe lệnh. Một bài hát hay, một dòng nhạc nhân bản, đẹp từ ca từ đến giai điệu, đẹp cả cảm xúc, nói lên những tiếng nói từ con tim, tâm hồn sẽ được công chúng chấp nhận và yêu thích. Những ca sĩ bị “thất sủng” trong thể loại nhạc tuyên truyền, nhạc cách mạng càng kêu gào càng làm cho công chúng ghét thể loại nhạc mà họ đại diện. Càng cố lân gân phê bình gu âm nhạc “thấp kém” của công chúng vì không đoái hoài đến thể loại hú hét ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi đảng, hô hào xung phong giết giặc, giải phóng càng làm cho những người dân chán ngấy cái thể loại nhạc với mục đích chính trị, mục đích xua những lớp thanh niên lao vào cuộc nội chiến, giết chóc những người anh em đồng bào của mình.