Bài luận cuối tuần
Một cẩm nang thực tế để nuôi dưỡng lòng can đảm trong thời kỳ đầy sợ hãi dưới chế độ Trump.
Tác giả: Julia Angwin và Ami Fields-Meyer
Ngày 12 tháng 4, 2025.
————
Ngày xửa ngày xưa—thật ra thì chỉ cách đây vài tuần thôi —người Mỹ vẫn nghĩ rằng những nhà bất đồng chính kiến sống ở một nơi khác, một thời đại khác. Họ là những anh hùng —những cái tên như Alexei Navalny, Jamal Khashoggi, Nelson Mandela hay Mahatma Gandhi—những người dám cất tiếng nói chống lại các chế độ đàn áp và phải trả giá đắt cho lòng can đảm đó.
Nhưng trong hai tháng qua, nước Mỹ đã bước vào một lãnh địa mới, lạ lẫm—nơi mà hậu quả của việc thách thức nhà nước giờ đây mang theo những hiểm nguy thực sự. Vị tổng thống đương nhiệm, được bầu với lời hứa rằng sẽ trả thù các đối thủ chính trị, đã bắt đầu nhiệm kỳ mới bằng cách áp đặt các cuộc kiểm tra lòng trung thành, cấm dùng một số từ ngữ, thanh trừng bộ máy công quyền và bổ nhiệm một giám đốc FBI nổi tiếng vì lời cam kết là sẽ trừng trị những ai chỉ trích cấp trên của mình.
Sự trả đũa đã nhanh chóng diễn ra. Vì “phạm tội” là đã thuê các luật sư từng chỉ trích hoặc điều tra ông ta, Donald Trump đã ký sắc lệnh khiến nhiều hãng luật không thể tiếp tục đại diện cho các thân chủ có liên quan đến chính phủ. Vì “có tội” đã phát biểu trong các cuộc biểu tình ở trường đại học, Bộ An ninh Nội địa đã bắt đầu sử dụng các đặc vụ mặc thường phục để bắt sinh viên ngoại quốc—những người cư trú hợp pháp tại Mỹ—ngay trên đường phố, trong khi Tòa Bạch Ốc thì đe dọa cắt tài trợ các trường nơi biểu tình diễn ra. Và vì “có tội” cố gắng giải quyết vấn đề bất bình đẳng sắc tộc và giới tính, chính phủ Trump đã mở cuộc điều tra hàng chục trường đại học công lẫn tư, đồng thời gỡ bỏ các biểu tượng tôn vinh cựu chiến binh da đen và người da đỏ ra khỏi các tượng đài quốc gia.
Cùng lúc đó, Elon Musk, cánh tay phải của Trump, đã “đốn hạ” bộ máy công quyền liên bang, cử các cộng sự viên đột kích vào các cơ quan và sa thải nhân viên cố ngăn chặn họ truy cập i dữ liệu chính phủ một cách bất hợp pháp. Musk, người thường xuyên dùng mạng xã hội của mình để quấy nhiễu nhân viên chính phủ, cũng đã kích động đánh phá một nhân viên mù của một tổ chức phi lợi nhuận chỉ vì người này dám chỉ trích nhẹ nhàng việc làm của ông ta, và kêu gọi bỏ tù các nhà báo của chương trình “60 Minutes” vì họ dám chất vấn hành động của ông.
Ngày càng nhiều người chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành “người hoạt động”, nhưng vì chống lại Trump, họ buộc phải bước vào mê cung của những lựa chọn mới, phải cân nhắc đầy rủi ro cho cá nhân. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những “danh sách”: danh sách những nhân vật hoạt động cho “nhà nước ngầm” sẽ bị truy tố, các cơ quan truyền thông bị loại bỏ, và cả những gì bị coi là bất hợp pháp.
Ngay cả những ngành nghề từng không liên quan đến chính trị bây giờ cũng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Một bác sĩ ở New York bị tòa án Texas phạt nặng vì đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (dù tòa án New York từ chối thi hành). Tại Arkansas, một nhân viên bị sa thải vì không gỡ bỏ sách viết về chủng tộc và LGBTQ khỏi kệ sách. Một nữ dân biểu Quốc hội đã bị đe dọa truy tố từ liên bang vì đã tổ chức một cuộc hội thảo về quyền của người nhập cư theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
Nền chính trị trả đũa khiến nhiều người bị tê liệt: Các nhà tài trợ giàu có thuộc phe tự do đã ngưng quyên góp vì sợ bị trả thù. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa đã rút lại lời phản đối ứng cử viên Bộ Quốc phòng của Trump sau khi nhận được “những lời đe dọa đến tính mạng”
Một số khác bị áp lực, đã chọn cách thỏa hiệp: Các trường đại học ký những “thỏa thuận” với chính quyền —như việc Đại học Columbia chấp nhận để một “người giám sát” kiểm soát một khoa chuyên nghiên cứu về thế giới. Ngày càng nhiều hãng luật phải cam kết cung cấp hàng trăm triệu đô la dịch vụ pháp lý để phục vụ ưu tiên cá nhân cho Trump, hòng tránh bị trừng phạt. Một số đảng viên đối lập thì lo sợ rằng nếu lên tiếng quá mạnh, Trump có thể tuyên bố thiết quân luật.
Nhưng không phải ai cũng bị khuất phục bởi nỗi lo sợ. Hàng trăm ngàn người đã biểu tình ở khắp 50 tiểu bang vào ngày 5 tháng 4 để bày tỏ sự bất bình với chính quyền mới. Trong nhiều tuần, người ta đã biểu tình trước các đại lý Tesla của Musk, khiến cho cổ phiếu của công ty này tụt gần 30% kể từ tháng Giêng. Nhân viên của National Park bị sa thải vì đã leo lên ngọn El Capitan ở Yosemite và treo cờ Mỹ lộn ngược—biểu tượng của sự báo nguy. Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cory Booker (New Jersey) có bài phát biểu lịch sử dài 25 tiếng, khơi dậy tinh thần chiến đấu của một đảng từng bị rệu rã.
Những hành động ban đầu này có thể có vẻ nhỏ bé, thậm chí yếu ớt, nếu so với hình ảnh hàng triệu người tham gia cuộc Tuần hành của Phụ nữ diễn ra vào đầu nhiệm kỳ đầu của Trump. Nhưng theo dữ liệu từ Dự án Crowd Counting, do Trường Kennedy Harvard và Đại học Connecticut đồng tổ chức, số lượng các cuộc biểu tình hiện nay đã vượt xa thời kỳ năm 2017. Từ lễ nhậm chức đầu tiên của Trump đến cuối tháng Ba năm đó, có khoảng 2.000 cuộc biểu tình. Trong cùng kỳ năm 2025, con số đã vượt 6.000.
Tuy nhiên, cách người Mỹ hành thực thi bất đồng chính kiến sẽ cần phải tiến hóa trong kỷ nguyên của “chủ nghĩa chuyên quyền cạnh tranh” đang gia tăng—nơi mà các chế độ đàn áp vẫn giữ lại bề ngoài dân chủ, như bầu cử, nhưng sử dụng quyền lực nhà nước để bóp nghẹt mọi sự phản kháng. Các lãnh đạo chuyên quyền cạnh tranh, như Viktor Orbán ở Hungary, nâng cao cái giá phải trả cho sự đối lập bằng cách kiểm soát các “bộ phận giám sát”— như tòa án, hệ thống truyền thông và quân đội. Ở Hoa Kỳ, nhiều “bộ phận giám sát” này đang bắt đầu ngoan ngoãn phục tùng Trump.
Chúng tôi đã phân tích các tài liệu về nền phản kháng chính trị và phỏng vấn nhiều đối tượng—từ các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài, các nhà lãnh đạo đối lập, các chiến lược gia xã hội, các nhà hoạt động trong nước cho đến các học giả về phương thức đấu tranh bất bạo lực. Chúng tôi hỏi họ: trong những tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ Trump thứ hai, họ có lời khuyên gì dành cho những ai muốn phản kháng nhưng vẫn sợ mất việc, mất tự do hay mất cả lối sống. Có những bài học đã được chứng minh—về mặt chiến lược lẫn tinh thần—từ những người từng đối đầu với các chế độ đàn áp. Đây là cẩm nang tạm thời để tìm dũng khí trong thời kỳ chuyên chế của Trump.
Người Mỹ không xa lạ gì với việc chính quyền vũ khí hóa nỗi sợ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Harry Truman đã phát động chiến dịch thanh lọc bộ máy chính quyền liên bang, nó kết thúc với hơn 7.000 nhân viên bị loại trừ vì bị nghi ngờ có tư tưởng “phá hoại”.
Sau đó, FBI dưới quyền của J. Edgar Hoover đã tích cực gieo rắc tâm lý bất an vào các phong trào dân quyền của người da đen—như treo truyền đơn giả mạo để dẫn dụ các nhà hoạt động tới những buổi họp “giả” rồi ghi lại biển số xe của họ. Sau ngày 11/9, các cộng đồng Hồi giáo và người Mỹ gốc Ả Rập cũng bị theo dõi gắt gao, cảnh sát chìm xâm nhập nhà thờ Hồi giáo và thu thập dữ liệu sinh viên tham gia các nhóm Hồi giáo tại đại học.
Những âm vang lịch sử ấy bây giờ lại vang lên trong khoảnh khắc chính trị ngày nay. Một số cộng đồng—như dân nhập cư và người da màu—từ lâu đã là mục tiêu theo dõi, đàn áp và phân biệt. “Các thể chế từng nghĩ rằng mình được miễn nhiễm trước sự trả đũa chính trị giờ đây cũng đang cảm nhận được sự mong manh mà các cộng đồng bị thiệt thòi đã chịu nếm trải từ lâu,” Faiza Patel, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Tư pháp Brennan, tuyên bố.
Nhưng những nỗi sợ hiện nay lại mang một bản chất khác. Phạm vi rộng lớn và sự thèm khát trả thù của Trump đã thay đổi hoàn toàn môi trường đe dọa—và gần như chỉ sau trong một đêm. Trong một đất nước với truyền thống lâu đời về quyền tự do ngôn luận, việc những ai bày tỏ tinh thần phản đối dù nhỏ nhất cũng bị trừng phạt đã khiến hệ thống xã hội Mỹ choáng váng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn hy vọng. Nghiên cứu chính trị cho thấy các lãnh đạo độc tài hoàn toàn có thể bị thách thức. Giáo sư Erica Chenoweth của Đại học Harvard đã phân tích hơn 600 phong trào quần chúng nhằm lật đổ chính phủ quốc gia (thường thì khi các chính phủ này từ chối công nhận kết quả bầu cử) hoặc giành độc lập lãnh thổ trong thế kỷ qua. Chenoweth phát hiện rằng khi ít nhất 3,5% dân số tham gia phản kháng phi bạo lực thì phong trào đó có khả năng thành công cao.
Dữ liệu của Chenoweth cũng cho thấy rằng cách phản kháng phi bạo lực có hiệu quả hơn là bạo lực, và các phong trào có xu hướng thành công hơn khi tích lũy được động lực theo thời gian—chẳng hạn như tổng đình công dài hạn thay vì một hành động đơn lẻ. Chiến dịch có hiệu quả là khi nó làm suy yếu được sự ủng hộ của công chúng với nhà độc tài, bằng cách khuyến khích các nhóm xã hội khác nhau—giới doanh nghiệp, tôn giáo, công đoàn, quân đội—rút lại sự hậu thuẫn với chế độ bất công. Khi sự ủng hộ được rút lại thì hệ thống quyền lực sẽ lung lay.
Hãy nhìn vào Nam Phi cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: các doanh nghiệp da trắng chịu thiệt hại từ sự tẩy chay kinh tế trong và ngoài nước. Nó đã gây áp lực buộc chính phủ phải thương lượng với Mandela và chấm dứt chế độ apartheid.
Hoặc Serbia đầu thế kỷ 21: khi phong trào sinh viên phản đối Slobodan Milošević lan rộng, họ tặng hoa và bánh ngọt cho các cảnh sát và binh lính. Khi hàng trăm ngàn người xuống đường cùng tổng đình công ở Belgrade, Milošević đã ra lệnh đàn áp, nhưng cảnh sát từ chối thi hành.
“Tất cả những kẻ cầm quyền, dù tàn nhẫn đến đâu, cũng phải dựa vào sự chấp thuận và hợp tác của người dân bình thường,” Maria J. Stephan, đồng tác giả với Chenoweth trong cuốn Why Civil Resistance Works, nhận định.
Chìa khóa để đối đầu với chế độ độc tài, theo Stephan, là công dân phải từ chối tham gia vào các hành vi vô đạo đức và bất hợp pháp với chính quyền. Bà gọi điều này là “sự bướng bỉnh tập thể”.
Danny Timpona đứng trước phòng họp lúc màn hình lần lượt chiếu lên các bức ảnh: một chiếc xe của Bộ An ninh Nội địa màu trắng; một chiếc SUV Chevy màu đen có kính tối. Rồi đến những cảnh quay gần của các phù hiệu quân phục mang biểu tượng của các cơ quan thi hành luật nhập cư—ICE, Hải quan và Tuần tra Biên giới, cũng như Bộ Điều tra An ninh Nội địa.
Đó là một buổi tối se lạnh đầu tháng Ba. Khoảng 75 người ngồi san sát trên những chiếc ghế xếp trắng tại một trung tâm cộng đồng vùng ngoại ô Boston. Họ đến để học cách nhận diện đặc vụ nhập cư mặc thường phục. Timpona, giám đốc tổ chức thuộc Neighbor to Neighbor Massachusetts, khởi động buổi hướng dẫn bằng một câu đố nhỏ. Khi những hình ảnh mới hiện ra, mọi người hô to: “Người đó là ICE!” “Đó là xe cảnh sát!”
Vài tuần trước đó, Tom Homan—một “quan chức biên giới” nổi tiếng cứng rắn của Trump—đã tuyên bố trong một bài diễn thuyết được đưa tin rộng rãi rằng sẽ sớm “biến Boston thành địa ngục” thông qua các cuộc truy quét người nhập cư. Chỉ vài ngày sau, liên minh các nhóm bảo vệ quyền lợi người nhập cư tại Massachusetts đã khởi động hoạt động đào tạo khắp tiểu bang, dạy mọi người cách tiếp cận những chiếc xe đáng nghi ngờ, cách ghi âm, ghi hình cuộc trò chuyện với các đặc vụ bên trong rồi gọi đến đường dây nóng của liên minh để báo tin.
Từ lâu, các buổi huấn luyện cách thức phản kháng phi bạo lực đã là nét đặc trưng của các phong trào dân quyền và công bằng sắc tộc ở Mỹ. Các buổi họp tập thể này không chỉ dạy kỹ năng mà còn mang đến một thông điệp tinh thần: “Đúng là bạn đang chấp nhận rủi ro cao hơn vì lợi ích chung, nhưng bạn không đơn độc.”
Nhiều nhà bất đồng chính kiến cho biết, giữa những cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, việc xây dựng một “tổ chính trị” cho riêng mình là điều cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần bất hợp tác. Hãy xem đây như việc tham gia vào một cộng đồng tín ngưỡng—một thói quen thường xuyên để chống lại sự cô đơn và tuyệt vọng, đồng thời gặp gỡ những người đang cùng trải qua tình huống tương tự.
Felix Maradiaga là một nhà lãnh đạo đối lập Nicaragua, từng bị giam giữ năm 2021 sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống, chống lại nhà độc tài Daniel Ortega. Maradiaga đã nổi tiếng vì chỉ trích thẳng thắn nạn tham nhũng của Ortega, như việc lãng phí ngân sách nhà nước qua các dự án tư nhân của gia đình và phe cánh của ông. Đến năm 2023, Maradiaga được thả. Ông chia sẻ rằng giai đoạn khó khăn nhất đối với ông là khi ông cảm thấy cô đơn nhất về mặt chính trị. “Tôi lên tiếng mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism),” ông nói. “Thật ngạc nhiên, hầu như không ai lên tiếng đứng cạnh tôi.”
Maradiaga cho rằng khả năng tiếp tục đấu tranh trước khi bị giam giữ có được là nhờ một cộng đồng bảo trợ mà ông đã xây dựng—ngay cả ở địa phương, qua gia đình và bạn bè, lẫn toàn cầu, qua Liên minh Tự do Thế giới (World Liberty Congress), một liên minh các nhà hoạt động chống độc tài từ Iran, Nga, Rwanda và Trung Quốc.
Hiện sống lưu vong tại Mỹ, Maradiaga là giám đốc học viện của W.L.C., nơi đào tạo các nhà hoạt động chống các chính quyền độc tài. Trong số các chiến thuật biểu tình mà ông giảng dạy, ông cho rằng không có gì quan trọng bằng việc tìm được “người của mình”: “Có được một cộng đồng là có được một công cụ mạnh mẽ để tạo nên sức mạnh nội tâm.”
Vài tuần sau buổi huấn luyện ở Boston, nhóm chuẩn bị cộng đồng này đã phát hiện được một số dấu hiệu. Đó là sự xuất hiện của những chiếc xe khả nghi trước công trường, nơi các công nhân đang làm việc. Casey (tên đã được thay đổi), một giáo viên tiểu học địa phương từng tham dự buổi học tập, nhận được tin nhắn kêu gọi đến công trường để trợ giúp. Khi Casey tới nơi, những người khác trong mạng lưới đã đối thoại với các đặc vụ, ghi hình lại cuộc đối đầu đó. Cuối cùng, các đặc vụ lái xe đi, nhưng Casey ở lại thêm khoảng hai giờ. Khi thấy vài công nhân rút lui ra cửa sau, Casey cùng một vài tình nguyện viên đến tiếp xúc, phân phát tài liệu để họ “biết quyền của mình” và đề nghị chở họ về. Các công nhân đã nhận lời.
Tom Homan đã giữ lời khi chỉ đạo vụ truy quét cuối tháng Ba. Họ bắt 370 người nhập cư không có giấy tờ tại tiểu bang Massachusetts. Nhưng trong ngày hôm đó, không ai tại công trường bị bắt giữ hay giam giữ.
Tham gia vào các hoạt động bất hợp tác hay thách thức chính quyền không có nghĩa là bạn phải hy sinh đến cùng hay phải từ bỏ mọi biện pháp tự vệ cá nhân, nhất là ở Mỹ, nơi còn nhiều sự giúp đở về pháp lý và có một nền văn hóa cho phép tự do ngôn luận. Dẫu vậy, thời điểm này đòi hỏi chúng ta phải thận trọng.
“Không bao giờ không có rủi ro,” Ramzi Kassem, một giáo sư luật tại City University of New York và là người đồng lãnh đạo văn phòng khám xét pháp lý Clear, chia sẻ. “Bạn chỉ cần quyết định mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chịu để tiếp tục công việc của mình.”
Lo lắng về những sự nguy hiểm mơ hồ có thể khiến bạn tê liệt. Thay vào đó, nếu bạn đang cân nhắc công tác bất hợp tác, hãy lập kế hoạch cho kịch bản xấu nhất—bạn sẽ làm gì nếu bị sa thải, bị kiểm tra thuế má hay gặp phải rắc rối pháp lý. Hãy liên hệ với luật sư, nhà kế toán hoặc bất cứ ai khác có thể giúp bạn quyết định.
Bây giờ là lúc thu xếp cuộc sống của chúng ta —cuộc sống ảo trên mạng và cả cuộc sống cá nhân. Nhiều nhà bất đồng chính kiến đã thuật lại rằng, các nhà độc tài và tay chân của họ thường khai thác scandal cá nhân để làm mất uy tín của các nhà hoạt động và làm suy yếu phong trào.
“Bạn phải sống như một vị nữ tu hoặc một thánh nhân,” một nhà hoạt động người Venezuela, xin giấu tên, nói. “Nếu ai đó cố tình muốn bới lông tìm vết, họ sẽ tìm được, nên bạn đừng cho họ có cơ hội tìm được vết nhơ của mình.”
Điều đó có nghĩa là bạn nên xóa các bài đăng cũ trên mạng xã hội và chỉ dùng ứng dụng cách nhắn tin mã hóa đáng tin cậy. Đáng tiếc, sự dọn dẹp này có thể bao gồm việc từ bỏ các phần mềm giúp bạn hò hẹn—hoặc ít nhất phải thận trọng hơn để xác minh rằng đối tượng bạn hò hẹn thật sự là người thậti.
Một ngừoi hoạt động thuộc phe Cộng Hoà James O’Keefe đã quảng cáo trên Facebook và X để tìm người bất đồng chính kiến và sử dụng phần mềm hò hẹn để tiếp xúc với những ngừoi này với và bí mật ghi âm. Hồi tháng Giêng, hắn đã “bắt” được một nhân viên từng làm trong Nhà Trắng của Biden, và tháng trước nữa, tổ chức cũ của hắn, Project Veritas, đã dùng chiêu tương tự để lừa một nhân viên của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Trớ trêu thay, một chiến lược then chốt nữa là tuân thủ—tuân thủ càng nhiều luật lệ càng tốt. Luật thuế, luật giao thông.
Sandor Lederer, người điều hành K-Monitor, một tổ chức giám sát tham nhũng ở Hungary, kể rằng tổ chức của ông từng bị chính quyền Orbán điều tra về nhiều hoạt động phi lợi nhuận. Ông cho biết chính phủ Orban nhắm vào các tổ chức này như một chiến lược gây khó.
“Họ chủ yếu muốn làm cho chúng tôi mất thời giờ thay vì hoàn toàn dập tắt phong trào của chúng tôi,” ông nói.
Lederer nói ông rất ghét phải lúc nào cũng sống trong cảnh hoài nghi, nhưng bây giờ ông làm mọi thứ theo đúng quy tắc. Nếu một nghiên cứu sinh muốn phỏng vấn ông, ông yêu cầu email từ địa chỉ trường, thư giới thiệu của giáo sư, và các thủ tục kiểm tra phù hợp để chứng minh yêu cầu đó không phải là một cái bẫy. “Đây là cách sống tồi tệ,” ông nói. “Bạn luôn phải nghĩ ai sẽ lừa bạn hoặc đặt bẫy bạn.”
Điều đó dẫn đến chiến lược tiếp theo: phân chia thông tin—không chia sẻ với bất cứ ai bạn không thực sự tin tưởng. Về mặt kỹ thuật, phân chia có thể đồng nghĩa với cách dùng thiết bị công việc và cá nhân riêng biệt—như điện thoại và máy tính—để nếu một bị khám xét, thiết bị kia vẫn an toàn. Nhưng kỹ thuật không phải là cách duy nhất mà bạn có thể làm lộ thông tin.
Những người bảo vệ phụ nữ cần phá thai ở các tiểu bang Mỹ nơi hành động đó là bất hợp pháp thường cảnh báo rằng khi họ bị phản bội, nguyên nhân thường không phải từ sự sơ hở kỹ thuật, mà là do người quen—bạn bè, người thân, y tá hoặc những người ma họ có tiếp xúc. Đây là lúc bạn phải dùng “mật khẩu” (code words) khi nói về vấn đề nhạy cảm nếu có thể bị nghe lén.
Nhưng bạn cần nhận thấy cái ranh giới thật mỏng giữa sự thận trọng và tự kiểm duyệt. Chìa khóa là chọn trận để đánh—hãy đấu tranh cho những gì bạn muốn đấu tranh, chứ không phải những lời nói không quan trọng với bạn. “Hãy thận trọng, nhưng đừng tự im lặng,” David Kaye, luật sư nhân quyền, khuyên.
Một tối tháng Hai, những người dân Washington, D.C. run run trong gió lạnh tập trung trước Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn John F. Kennedy. Những nghệ sĩ giả gái xoay người, khiêu vũ nhào lộn trong nền nhạc sôi động, trong khi đám đông hòa theo giai điệu của bài “Pink Pony Club” của Chappell Roan.
Đây vừa là “dance party” vừa là một cuộc biểu tình đường phố. Một ngày trước đó, Trump đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát hội đồng quản trị và chương trình biểu diễn của trung tâm Kennedy. Trên mạng xã hội, Trump đe dọa: “KHÔNG CÒN DRAG SHOW NỮA.”
Giữa lúc các cuộc tấn công vào trật tự nền Hiến pháp ngày càng dồn dập, người ta dễ có cảm giác rằng những buổi trình diễn như thế là phù phiếm—kém ý nghĩa, thậm chí không đúng lúc. Họ nghĩ rằng trong “đấu trường” của nền dân chủ Mỹ, chỉ vài trăm người nhảy múa và giơ bảng bên lề đường, liệu có đem lại tiến triển gì không?
Theo Keya Chatterjee, một trong các tổ chức viên của buổi trình diễn tại Kennedy Center này, những cuộc tụ họp như vậy mang lại ưu thế quan trọng. Chatterjee tin rằng, trước làn sóng độc tài dâng cao, những nơi cho phép người dân tận hưởng sự vui vẻ bên nhau chính là tiền đồn để bắt đầu các tổ chức.
“Họ muốn chúng ta sợ hãi,” cô nói. “Và cách duy nhất để chống lại nỗi sợ là niềm vui.”
Tháng Giêng, Chatterjee thành lập tổ chức FreeDC, với mục tiêu là phải đạt được một điều mà Thủ Đô Hoa Kỳ chưa từng bao giờ có: quyền tự trị.
District of Columbia (DC) đã tìm cách để trở thành một tiểu bang suốt nhiều thế hệ, nhưng giờ đây nhu cầu đó càng cấp bách trước nỗ lực phá vỡ nguyên tắc của Trump. Đó là những nỗ lực tập trung quyền lực để đối đầu với tòa án, quốc hội, bộ quốc phòng, ngành tình báo và quân đội. Điều khiển quân đội dễ dàng hơn ở một quận của liên bang (tình trạng của DC hiện nay) so với một tiểu bang. Điều đó có nghĩa rằng bất kỳ một kháng cự dân sự nào cũng có thể bị dập tắt ngay tại trung tâm quốc gia. “Khi Trump muốn thành một nhà độc tài, điều quan trọng là ông ta có thể tổ chức ở thủ đô hay không,” Chatterjee nói.
Chatterjee cố gắng kết nối dân sống ở thủ đô qua các buổi nhảy drag, buổi uống nước thư giãn, lễ hội làm vòng tay và vòng trống. Ở mỗi tám quận của D.C., các ủy ban FreeDC tổ chức sự kiện định kỳ với nhiệm vụ “ưu tiên niềm vui.” Mỗi ủy ban đặt mục tiêu vận động 3,5% dân số quận—tương đương khoảng 3.100 người. Con số này, theo nghiên cứu của Chenoweth, tuy không bảo đảm được sự thành công, nhưng nó là mục tiêu cụ thể, có thể đạt được.
Công việc này rất mất công. Trong vài tuần đầu, tổ chức tăng lên khoảng 400 thành viên/tuần. Jeremy Heimans, đồng sáng lập GetUp!—tổ chức tương tự với MoveOn.org ở Úc—và Purpose, một tổ chức toàn cầu, có nhận xét là khoảng thời gian hiện nay ít thuận lợi nhất trong 20 năm vừa qua. “Đây có lẽ là thời điểm thấp nhất về cả mức độ tham gia lẫn hiệu quả của phong trào quần chúng,” ông nói.
Ông Heimans chỉ ra môi trường kỹ thuật số ngày càng trở thành thù địch và là rào cản cho các phong trào cơ sở. Thời kỳ đầu của kỷ nguyên của kỹ thuật số, những năm 2000, email đã làm nền tảng tổ chức chính trị thay đổi mạnh mẽ, giúp MoveOn.org khởi xướng các chiến dịch lớn phản đối chiến tranh Iraq, và giúp những ứng cử viên mới như Howard Dean và Barack Obama gây quỹ trực tuyến, không phụ thuộc vào bộ máy đảng.
Nhưng giờ đây, hộp thư của mọi người bị quá tải. Các công nghệ kiểm soát mạng xã hội ngày càng ít ủng hộ hoạt động cánh tả. Trên phương diện toàn cầu, các nhà độc tài có thêm công cụ để giám sát và gây gián đoạn chiến dịch phản kháng. Và người dân thì đã mệt mỏi trước những hành động không giải quyết triệt để các vấn đề xã hội.
Có một câu chuyện thường được kể về Andrei Sakharov, nhà hoạt động lẫy lừng người Liên Xô của thế kỷ 20.
Sakharov nổi danh khi còn là nhà vật lý phát triển bom hydro cho Liên Xô, nhưng trở thành ngôi sao quốc tế sau khi chế độ Brezhnev trừng phạt ông vì ông dám nói công khai về nguy cơ của vũ khí hạt nhân và về sự đàn áp của chính quyền.
Khi một người bạn Mỹ đến thăm Sakharov và vợ, nhà hoạt động Yelena Bonner, ở Moscow, người bạn đó gọi Sakharov là nhà bất đồng chính kiến. Bonner đính chính: “Chồng tôi là một nhà vật lý, chứ không phải là nhà bất đồng chính kiến.”
Đây là mâu thuẫn cơ bản trong việc xây dựng một nền văn hóa bất đồng—nó dễ biến người ta thành một “danh tính phủ định,” một tấm áo choàng mà họ từ chối. Các nhà bất đồng chính kiến Liên Xô đều hiểu rằng công việc của họ là đấu tranh để gìn giữ những luật lệ và quyền lợi đã được ghi trong Hiến pháp Liên Xô, chứ họ không phải đấu tranh để chống lại một chế độ.
“Họ rất kỹ lưỡng trong việc bảo đảm mọi hành động đều phù hợp với luật pháp Liên Xô,” Benjamin Nathans, giáo sư lịch sử tại Đại học Pennsylvania và là tác giả sách về các nhà bất đồng Liên Xô, nhận xét. “Tôi gọi đó là tuân thủ dân sự triệt để.”
Hãy nhớ đến Mariann Budde, vị giám mục Giáo hội Anh giáo, người đã dùng bài giảng của mình trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức để cầu xin Tổng thống “có lòng thương xót” cho hai nhóm dễ bị tổn thương mà Trump đã thể hiện sự căm ghét mãnh liệt.
Vì “tội” dám có lời kêu gọi đó nên Mike Collins, một dân biểu của tiểu bang Georgia, và là một đồng minh của Trump, đã đề nghị đưa tên bà gíam mục vào “danh sách những người cần trục xuất.”
Trong những tháng và năm tới đây, cái giá phải trả cho những ai trực tiếp cản trở kế hoạch của Trump có thể càng lúc càng cao. Nhưng những hành động đầu tiên này, dù mang tính đối kháng, cũng đã thể hiện tầm nhìn rõ ràng về một xã hội công bằng và nhân ái.
Ngay cả trong những giờ đen tối nhất, cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, khi KGB giam giữ nhiều người lãnh đạo bất đồng chính kiến Liên Xô vào các trại lao động cưỡng bức và trại tâm thần, các nhà hoạt động ấy vẫn tiếp tục viết sách, viết vẽ, và xuất bản các bản tin. Và khi gặp nhau, họ nâng ly chúc: “Cho sự thành công của lý tưởng vô vọng của chúng ta.”
Và rồi năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ.