Site icon TUẦN VIỆT NAM

Ảnh hưởng xã hội của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Thích Nhất Hạnh

Thuy Nguyen

HT Thích Nhất Hạnh có một vị trí trong xã hội (nhất là về phương diện văn hoá) của Việt Nam và tôn giáo triết học của thế giới, dù có yêu hay ghét sư ông, chúng ta không thể phủ nhận điều này. 

Ngay từ thuở còn thơ, tôi đã cảm động khi đọc những đoạn văn của ông viết về Mẹ, về Phương Lâm, về việc ông bỏ mẹ để đi tu… để nhìn đời với một cách yêu thương và nhân từ hơn. Sư ông ảnh hưởng không chỉ những đứa trẻ ngây thơ và tin tưởng vào những điều lương thiện và tốt đẹp mà còn đến cả văn hoá của người Việt. Bài văn Bông Hồng Cài Áo của ông đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thơ và được các ca sĩ cũng như người dân hát để nhớ về Mẹ của họ, và những ngày lễ Vu Lan, trong các chùa những tín đồ Phật Giáo gắn trên áo của mình những bông hồng trắng hay đỏ.

Nhiều người đã nói đến ảnh hưởng của Nhất Hạnh về việc thiết lập đại học Vạn Hạnh, về việc thành lập ngôi chùa khi ở tuổi đôi mươi. Rồi Nhất Hạnh xuất ngoại, với kiến thức uyên bác, sư ông đã được mời dạy ở những trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của Nhất Hạnh không dừng ở những sinh viên mà sư thầy dạy học về Phật Giáo, về Thiền, về triết học Đông Phương mà còn ảnh hưởng đến người dân Hoa Kỳ, điều mà không mấy người Việt, nhất là người tu hành đã tạo nên ảnh hưởng này. Hẳn không ít người trong chúng ta biết được mối giao hảo của thiền sư Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King, một người da vàng Việt Nam và một người Mỹ da mầu, một người tu theo Phật Giáo và một người tu theo Thiên Chúa Giáo. Rất nhiều người đã biết việc ms King đề nghị trao giải Nobel Hoà Bình cho thiền sư Nhất Hạnh, nhưng chắc rất ít người nghĩ đến việc giao hảo này có ảnh hưởng đến việc thành lập cộng đồng người Việt tại Mỹ sau 75?

Chiến tranh VN đã để lại vết sẹo cho VN và Mỹ. Sau cuộc chiến này, hàng ngàn cựu chiến binh Mỹ đã bị trầm cảm và dẫn đến việc xuất hiện Hội Chứng Trầm Cảm Hậu Biến Cố Post Traumatic Stress Disorder trong từ điển y khoa. Hậu quả của cuộc chiến này cũng dẫn đến hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước mà đi. Những thảm cảnh của người vượt biển đã ảnh hưởng thế nào đến sự thương xót của thế giới. Tôi không nắm chắc, nhưng có một điều người Mỹ đã e dè về người Việt, về sự trầm cảm của hàng ngàn binh lính của họ, về sự mất mát 58 ngàn người Mỹ, về ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước Mỹ. Vết sẹo ấy vẫn còn sưng tấy, gây đau đớn cho người dân Mỹ, một vết sẹo còn quá mới, chưa lành. Nhưng nếu không có sự đánh động lương tâm của bà quả phụ Martin Luther King và các đệ tử của ông mà tôi ngờ rằng do mối giao hảo giữa chồng bà và Nhất Hạnh đã làm họ quan tâm đến Việt Nam, đến hoàn cảnh bi thương của những người Việt tị nạn. Một trong những người đệ tủ ấy là một vị rất nổi tiếng trong nền chính trị Hoa Kỳ là mục sư Jesse Jackson đã gây áp lực đến những chính trị gia người Mỹ, cũng như đã ảnh hưởng đến việc quyết định cho thuyền nhân Việt Nam được định cư tại Mỹ của Tổng Thống Jimmy Carter và cũng như các nước khác đã mở vòng tay đón nhận thuyền nhân. 

Người phụ nữ có quyền lực nhất nước  Mỹ, không phải bà Hillary Clinton, cũng chẳng phải bà Kennedy, các nữ diễn viên màn ảnh như Jennifer Lopez, hay Angelina Jolie, hay ngay cả đương kim PTT Kalama Harris mà là bà Oprah Winfrey. Những ai sống ở Mỹ đều biết tầm ảnh hưởng của Oprah đến người dân Mỹ ra sao, những quyển sách bà chọn đọc và giới thiệu đều trở thành best sellers, ông Obama được người dân Mỹ bầu chọn Tổng Thống da mầu đầu tiên của nước họ cũng một phần do ảnh hưởng của Oprah, ngay cả ông Trump rất hãnh diện khi được bà mời lên talk show. Bà Oprah có ảnh hưởng rất lớn lên giới Hollywood. Người Việt và có thể người Việt duy nhất bà Oprah mời lên để phỏng vấn là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Một người sinh ra và lớn lên ở vùng quê VN, thật không ngờ khi tôi thấy thiền sư nói tiếng Anh trôi chảy và mạch lạc như thế. 

Không chỉ ảnh hưởng đến VN và Mỹ, Nhất Hạnh có ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội nước Pháp. Làng Mai của sư ông thành lập ở Pháp ngoài người Việt tham dự, còn có rất nhiều người Pháp đến tu tập. Sự khác biệt làm cho những người Âu Mỹ thích được nghe Nhất Hạnh thuyết pháp là sư ông vẫn tôn trọng tôn giáo của họ, ông không hề muốn họ cải đạo sang Phật giáo, bởi chưng không có sự đối kháng giữa các đạo và Phật giáo, đạo Phật không hề chống đối về sự xuất hiện của đấng Sáng Tạo và giáo chủ PG không phải là ông Trời. Họ theo Nhất Hạnh để học cách Thiền, và về một khía cạnh nào đó, Nhất Hạnh giống như một thiền sư hơn là một tu sĩ Phật Giáo. Và trong vụ tăng đoàn Làng Mai bị giam lỏng tại VN, Nhất Hạnh đã dùng ảnh hưởng của mình để xin TT Pháp Sarcozy chấp nhận 400 tăng viên được nhập cảnh với lý do tị nạn. 

Lý do nào nhà nước VN đã chấp thuận sự trở về của Nhất Hạnh và cũng như tăng đoàn Làng Mai rồi lại ra lệnh bắt giam họ? Phải chăng nhà nước VN lo ngại cho sự lớn mạnh của tăng đoàn Làng Mai dưới ảnh hưởng của thiền sư mà không thuộc GHPGVN, không nằm trong sự lãnh đạo độc tôn của Đảng CS và Đảng CS không kiểm soát được? Phải chăng vì điều đó mà chỉ có thiền sư Nhất Hạnh trở về sống tại VN những ngày cuối đời mà không có tăng đoàn Làng Mai, đứa con tinh thần của sư ông?

Cách đây khá lâu, chắc cũng đến 20 năm, lâu quá tôi không nhớ rõ, đăng trên báo Người Việt hoặc báo Viễn Đông kể về 1 ni cô trẻ tuổi tu tập tại San  Diego. Điều đặc biệt của vị ni cô này là cô là đứa trẻ lai Mỹ ra đời trong chiến tranh Việt Nam và sống một cuộc đời cơ cực khi chiến tranh chấm dứt. Rồi mẹ cô chết, để lại cô và người anh (em trai?). Rồi họ qua Mỹ theo diện con lai. Cô ấy đã theo học Y khoa tại đại học UCSF thuộc hàng đầu nước Mỹ. Cô đi nội trú tại vùng nghèo khổ trong khu giầu có ở vùng Bay Area. Những thắc mắc về sự bất công, phi lý, vô thường của cô đã được giải đáp khi cô gặp thiền sư Nhất Hạnh, và đã cạo đầu đi tu thoát cảnh trầm luân.

Thích Nhất Hạnh đã ảnh hưởng đến những người trẻ VN ở Mỹ mà vị ni cô bác sĩ trẻ nọ là một ví dụ.

Ảnh hưởng của thiền sư Nhất Hạnh đến gia đình tôi. 

Chẳng hiểu từ lúc nào chị Tư của tôi quy y Phật. Vị sư quy y cho chị chính là sư ông Thích Nhất Hạnh. Ở VN, chị đã là một dược sĩ. Vượt biển đến Mỹ, chị chuyển ngành là một kỹ sư Hoá (Chemical Engineer). Có job thơm, có bằng cấp, và người yêu cũng là một kỹ sư. Rồi bỗng một ngày chị đòi xuống tóc đi tu. Dĩ nhiên ông anh rễ tương lai của tôi không bằng lòng, và sẵn sàng đến chùa để … ăn thua đủ. Mẹ tôi ôn hoà hơn. Bà cùng chị lên chùa để tìm hiểu ngọn ngành, lý do chị muốn đi tu như bà nói với chị. Lúc ấy thiền sư đang ở 1 ngôi chùa vùng Bắc California, trên một đỉnh đồi khá cao, giữa rừng thông chập chùng xanh ngát. Tu ở đây muốn hoàn tục cũng khó, vì từ chùa ra con đường cái xa thẳm. Gặp Nhất Hạnh, mẹ tôi cảm ơn thầy đã chỉ dạy cho chị tôi có một cuộc sống nội tâm phong phú, rồi bà kèm theo, nhưng con của con chưa có thể thoát vòng tục luỵ, và con tin chắc rằng, con cháu của nó sẽ có cái tâm lành, yêu người, yêu đời nhờ ơn đức giảng dạy của thầy. Thế là anh rễ tương lai của tôi không cần phải ăn thua đủ với thiền sư Nhất Hạnh. 

Vấn đề tranh cãi về thái độ của sư ông trong chiến tranh Việt Nam, tôi sẽ để dành cho 1 dịp khác với quan điểm của người lớn lên trong chiến tranh, ở bên thua cuộc, và sau đó di tản qua Mỹ hấp thu một phần nào văn hoá Mỹ quốc. 

Cát bụi rồi trở về cát bụi. Hôm qua thiền sư Nhất Hạnh đã rời bỏ cõi trần, để về một thế giới khác, để lại tranh cãi cho người còn sống, còn trong vòng trầm luân.

Exit mobile version